Sunday, 25 January 2015

Khủng hoảng Yemen cản trở nỗ lực của Mỹ chống Al Qaida (Thanh Phương - RFI)





Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 24-01-2015 Sửa đổi ngày 24-01-2015 12:16

Khủng hoảng tại Yemen, với việc chính phủ và Tổng thống đồng loạt từ chức, khiến Hoa Kỳ mất đi một đối tác quý giá trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố Al Qaida, vốn vẫn sử dụng Yemen như là một trong những cứ địa của tổ chức này.

Thứ Năm vừa qua, lực lượng dân quân Hồi giáo houthi, hệ phái Shia, đã chiếm gần như toàn bộ thủ đô Sanaa của Yemen, đồng thời cả chính phủ lẫn Tổng thống Abd Rabbo Mansour Hadi đều đã từ chức.

Tối hôm qua 23/01/2015, Washington Post loan tin là Hoa Kỳ đã đình chỉ các chiến dịch chống khủng bố ở Yemen, nhưng về phần phát ngôn viên Lầu năm góc, John Kirby thì khẳng định với hãng tin AFP là không có thay đổi gì trong các chiến dịch tại nước này.

Nhưng theo lời một quan chức bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Yemen đã là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ chỉ huy. Thứ nhất, chính phủ Yemen cho phép Hoa Kỳ tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ nước này để tiêu diệt tổ chức Al Qaida ở bán đảo Ả Rập ( Aqpa ).

Đây là tổ chức sát nhập hai nhánh Ả Rập Xêút và nhánh Yemen của Al Qaida. Thứ hai, quân đội Yemen còn trực tiếp tham gia vào các nỗ lực chống khủng bố tại nước này. Quan chức nói trên tỏ vẻ lo ngại, không biết bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra với Yemen rơi vào khủng hoảng như vậy.

Kể từ năm 2009 đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành hơn 110 cuộc không kích vào Yemen, chủ yếu là bằng các máy bay không người lái, theo thống kê của tổ chức New America. Đặc biệt trong năm 2011, quân đội Mỹ đã tiêu diệt được lãnh đạo của Aqpa, Anwar Al-Aulaqi. Cho tới nay, lực lượng an ninh Yemen vẫn cung cấp tin tình báo cho lực lượng Mỹ, để các cuộc không kích nhắm vào mục tiêu chính xác hơn.

Hiện giờ lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ, khoảng 100 người vẫn còn ở lại để trợ giúp quân đội Yemen trong cuộc chiến chống tổ chức Aqpa. Tuy Yemen đang gặp khủng hoảng, Hoa Kỳ vẫn duy trì đại sứ quán tại thủ đô Sanaa, mà chỉ giảm bớt số nhân viên tại đây.

Theo lời một cựu nhân viên tình báo CIA, Bruce Riedel được AFP trích dẫn, nếu đại sứ quán Hoa Kỳ đóng cửa, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này sẽ biến mất hoàn toàn. Mặc dù tình hình Yemen đang hỗn loạn nhưng Hoa Kỳ chưa hoàn toàn loại trừ khả năng duy trì hợp tác với các chính quyền địa phương của nước này.

Vấn đề là chưa ai rõ thái độ của lực lượng dân quân houthi đối với Hoa Kỳ như thế nào. Ông Daniel Benjamin, một nhà nghiên cứu tại trường Dartmouth College, lưu ý rằng dân quân houthi không phải là thù, nhưng cũng không phải là bạn của Hoa Kỳ và chắc chắn là họ sẽ gây cản trở cho nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quân đội và lực lượng an ninh Yemen.

Tất nhiên, như phát ngôn viên Lầu năm góc John Kirby có nhắc lại hôm qua, Hoa Kỳ hoàn toàn có quyền tiến hành các cuộc không kích đơn phương vào các nhóm cực đoan ở bất cứ nước nào, mà không cần có sự chấp thuận chính thức của chính quyền quốc gia đó. Nhưng ông nhìn nhận rằng tốt hơn là có sự hợp tác của nước này.

Tóm lại, khủng hoảng tại Yemen là một vố rất đau đối với Tổng thống Obama, bởi vì tháng Chín vừa qua ông đã tuyên bố xem Yemen là trục quan trọng trong chính sách chống khủng bố của ông.



No comments:

Post a Comment

View My Stats