Saturday, 24 January 2015

Houston, Texas và California: ‘Câu chuyện hai tiểu bang’ (Việt Nguyên)





Việt Nguyên
Monday, January 19, 2015 6:33:30 PM

Tôi đến Austin vào những ngày cuối năm, trời mùa Ðông năm nay thật lạnh, lá vàng trên những cành cây trơ trụi hai bên quốc lộ 290 từ Houston lên Austin làm không gian Texas dường như rộng lớn hơn. Những chiếc lá vàng rơi trên những con đường đẹp ở thủ phủ Austin khiến tôi nhớ đến một câu thơ của họa sĩ Pháp Degas (1886): “Nếu lá trên cây không rơi thì chắc cây cũng sẽ cảm thấy buồn như lòng chúng ta.”

Một góc khu thương mại của người Việt ở vùng Tây Nam Houston, Texas. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Ðêm ở Autin khó ngủ, không vì xa nhà lạ cảnh mà vì tin một người bạn vừa mới ra đi. Ðến Wimberly, một quận lỵ nằm giữa vùng đồi Texas, cách Austin một giờ lái xe, cả đêm ngắm ngọn đồi qua cửa sổ, ngọn đồi với những cây trụi lá và nhớ đến một người bạn vừa ra đi, một người bạn trong gia đình Y Nha Dược của những năm tháng cũ, Bác Sĩ Nha Khoa Trần Nam Hải ở Houston và đã lâu lắm rồi tôi mới thức, ngoài những đêm thức trắng làm việc ở phòng cấp cứu trong bệnh viện, để ghi vài dòng trong nhật ký, lòng rung động như câu của nhà vật lý Paul Chirac, quantum physics: “Ngắt một cành hoa hồng ngoài vườn làm chuyển động đến ngôi sao xa xôi ngoài vũ trụ.” Một cành hoa gãy còn chuyển động đến ngôi sao xa xăm hằng triệu dặm huống gì là một người bạn trên ba mươi năm vừa nằm xuống?

Ðêm ở Wimberly ngắm trời sương lạnh, sáng rời Wimberly có nai đến nhà chào, lòng yên tĩnh tưởng như quên hết cuộc đời chung quanh, bỏ Houston đằng sau lưng nhưng rồi những kỷ niệm ở Houston trong 30 năm bỗng đổ về. Một Houston ngày tháng cũ với bạn bè đã đi qua “Houston rộng, Houston xấu, Houston trải dài nên Houston hiếu khách, khách đi rồi khách đến và lòng người để lại.”

Houston của những năm 30 tuổi, Houston của những đêm làm việc không ngủ và những vui buồn của những đêm không ngủ. Houston của những năm tháng còn trẻ trên quê hương người, quê nhà ở xa và bạn bè gần. Houston trên ba mươi năm ở vùng “downtown” với khu phố Việt Nam nay là “Midtown” với hình tam giác, đỉnh là tòa nhà Kirby Mansion nằm cạnh xa lộ 45 và đường Pierce kiến trúc cổ kiểu Anh, phía Ðông là khu da đen “third ward” nay là khu chung cư của giới trẻ nghề nghiệp, phía Tây là khu Montrose với con đường tập trung những thương mại nổi tiếng của giới đồng tính luyến ái với tòa soạn báo Ngày Nay của ký giả Trọng Kim nay đã về quá khứ cùng ông chủ báo. Houston với những năm gần đây, chung cư, “Lofts,” mọc lên như nấm thay cho các khu thương mại Việt Nam nằm trên 16 con đường của một Midtown Việt Nam với những con đường mang tên Việt: Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do, Hai Bà Trưng, v.v... Các khu thương mại Việt Nam đóng cửa, Thương xá Tam Ða Việt Nam, Quê Hương, Hòa Bình, Vina Town... nay chỉ còn lại các quán phở Sài Gòn, Cali Sandwich, Mai... Bước vào quán, khách hàng Việt Nam ít ỏi như khuôn mặt thay đổi của vùng Midtown. Qua rồi những ngày tháng gặp bạn bè, sáng trưa chiều tối và cuối tuần với những sinh hoạt văn nghệ ra mắt sách, ra mắt nhạc tụ về trung tâm thành phố. Bạn bè gặp nhau rất nhiều lần và biết rất rõ tính tình của nhau trong những ngày qua lại trên những con đường quen thuộc Milam, Travis, Fannin, San Jacinto, Webster, Main, Elgin. Những con đường quen thuộc đã qua, nay Bellaire ở Tây Nam thành phố đã thay cho con đường Milam nổi tiếng của thập niên 1980, 1990.

Houston “thành phố không gian USA, thủ đô năng lượng thế giới, thành phố máy lạnh,” càng ngày càng phát triển, từ năm 1836 đến năm 1970, mỗi 10 năm diện tích tăng gấp đôi, từ năm 2001 đến năm 2015 dân số tăng gấp đôi. Thành phố không ngừng phát triển từ năm 2004 khi dầu hỏa tăng lên 50 Mỹ kim một thùng dầu và nhờ kỹ nghệ đa dạng ngoài dầu hỏa còn có kỹ nghệ điện tử như Compaq nay thành Hewlett Packard, cơ quan trung tâm không gian NASA và trung tâm Y khoa Texas nổi tiếng lớn nhất thế giới.

Năm 2001 với diện tích 8,778 dặm vuông, trong tình trạng kinh tế suy thoái sau 9/11, Houston vẫn đứng vững “nhìn về phía trước không ngoảnh nhìn về phía sau.” Năm nay ngoài 3 vòng đai thành phố sẵn có 610, Beltway 8, Highway 6, Houston xây thêm một vòng đai xa lộ mới. Trung tâm thành phố một thời với khu phố Việt Nam đóng góp vào nền kinh tế đa dạng nay đã trở thành một trung tâm như Downtown của những thành phố toàn cầu hóa, bộ mặt của New York, Chicago, Los Angeles. Chương trình phát triển năm 1997 xây dựng Houston thành một thành phố lớn thứ nhì sau New York qua mặt Los Angeles nay đang âm thầm tiến hành vắng những lời tuyên bố ồn ào của thị trưởng.

Thành phố năng lượng Houston năm 2014 phát triển rộng mọi chiều, từ Nam lên Bắc Houston phải mất hơn một giờ rưỡi lái xe, khu Woodland mở mang nhờ hãng dầu Exxon cùng với các kỹ nghệ sinh học (Biotech). Từ sau biến cố 9.11 năm 2001, Houston và Texas đi ngược chiều với tiểu bang California. Năm 2001, tổng sản lượng (GDP, Gross Domestic Product) của tiểu bang Texas so với tiểu bang California chỉ bằng 56%. Mười năm sau, năm 2011, tổng sản lượng của tiểu bang Texas tăng lên bằng 67% tổng sản lượng tiểu bang California, đến năm 2013, TSL của tiểu bang Texas lên đến 70% TSL tiểu bang California. Năm 2011, kinh tế tiểu bang Texas vững mạnh so với nền kinh tế tiểu bang California, Thống Ðốc Rick Perry, đảng Cộng Hòa, tiểu bang Texas đã nói giới thương gia California “hãy đến xem thương mại ở Texas, đất California không thích hợp với thương mại, cơ hội làm ăn ở Texas dễ dàng hơn.” Phó thống đốc tiểu bang California, đảng dân chủ, ông Gavin Newsom đã phải bay qua thủ phủ Austin để hỏi ý kiến của Thống Ðốc Perry. Ông Newsom về nói với Thống Ðốc Jerry Brown là ở Texas, chính quyền tạo nhiều cơ hội cho thương giới còn chúng ta ù lì.

Ấn tượng về cơ hội khác biệt giữa hai tiểu bang rõ rệt, khi ra tranh cử ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa năm 2012, Thống Ðốc Rick Perry đã tự ca ngợi nền kinh tế “mầu nhiệm” của Texas trong khi tiểu bang California đang phải khó khăn tìm phương cách thoát khỏi nền kinh tế suy thoái. TSL gia tăng, số người thất nghiệp thấp, từ năm 2009 đến năm 2012, tiểu bang Texas được xem là tiểu bang có nhiều cơ sở thương mại mới đứng đầu Hoa Kỳ. Nhà cửa rẻ, dân Việt Nam bỏ California qua vùng Bellaire Houston mua nhà và làm thương mại theo tiếng gọi kinh tế của Thống Ðốc Rick Perry. Công ăn việc làm mới và số người di dân từ các nơi đổ về Texas cao hơn các tiểu bang khác. Kể từ năm kinh tế suy thoái 2008, Texas hồi phục nhanh chóng, số cơ sở thương mại mới trong tiểu bang bằng 1/4 con số toàn quốc, lợi tức đầu người của Texas đứng hạng thứ 9 (vẫn sau North Dakota, Nebraska và các tiểu bang miền Tây Bắc Hoa Kỳ) trong khi trong hai năm 2011 đến 2012, thương mại California giảm, mất đi 40,000 dịch vụ thương mại.

Tháng 10 năm 2013, tuần báo Time đã cho Texas là tiểu bang đại diện cho tương lai Mỹ Quốc. 50 tiểu bang Hoa Kỳ xếp lại giống hình tiểu bang Texas. Tờ báo địa dư quốc gia (National Geographic) trong số dân số gia tăng toàn cầu, đã tính Texas có thể chứa 8 tỷ dân toàn cầu nếu nhà cửa chung cư xây cất chen chúc như thành phố New York! Tiểu bang Texas thành công sau kỳ kinh tế suy thoái có chính sách khác với nền kinh tế độc tài của đảng CSTQ, ngoài giá nhà rẻ, chính sách thân thiện cho người làm thương mại, Texas không có thuế lợi tức cá nhân trong khi tiểu bang California đánh thuế lợi tức cá nhân cao nhất Hoa Kỳ, có giá nhà đắt tiền, cho thuê đắt và có nhiều luật lệ thương mại khắt khe chặt chẽ nhất là về những luật kiểm soát môi sinh.

Cuối năm 2014 thành phố Houston với khẩu hiệu từ thập niên 1980: “Chúng tôi luôn chờ đợi những bất ngờ xảy ra” đang phải chuẩn bị đối đầu với những bất ngờ nhanh chóng xảy ra trên thị trường toàn cầu. Giá dầu và giá khí đốt thiên nhiên đột nhiên xuống và xuống rất nhanh khiến người Houston không thể nào không ngoảnh nhìn lại quá khứ. Trước Giáng Sinh giá dầu xuống 40% so với tháng 7, giá xăng xuống dưới 3 Mỹ kim nay xuống dưới 2 Mỹ kim, giới tiêu thụ tiết kiệm hàng trăm triệu Mỹ kim.

Kinh tế Trung Hoa phát triển chậm cùng với kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến (Shale-oil) của Hoa Kỳ gia tăng đã làm giá xăng giảm xuống theo luật cung cầu. Năm 2004 giá một thùng dầu là 50 Mỹ Kim đã giúp Houston phát triển năm nay giá dầu xuống dưới 50 Mỹ kim làm những người sống ở thành phố Houston trên 30 năm phải nhớ đến năm 1986 khi kỹ nghệ dầu hỏa gần phá sản, thất nghiệp tăng, dân Việt Nam ở Houston dọn về Cali khi các hãng sa thải nhân công, nhà cửa Houston đã rẻ lại rẻ thêm, nhà bỏ trống hay cho không. Năm 1985, 14% TSL của Texas đến từ xăng và hơi thiên nhiên, 3% cao hơn năm 2012. Năm 1986, cơn khủng hoảng dầu hỏa đã giúp tiểu bang Texas có một chính sách kinh tế đa dạng hơn. Trong 25 cơ sở kỹ nghệ, Texas có 5 kỹ nghệ cao cấp, kỹ nghệ đa dạng đứng hàng thứ 12 trong các tiểu bang có kỹ nghệ đa dạng hơn New York nhưng vẫn không đa dạng bằng tiểu bang California trong năm 2014 dù khá hơn năm 1986. Giá dầu xuống nhanh ảnh hưởng đến Nga và Tổng Thống Vladmir Putin nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến Texas và Thống Ðốc Rick Perry đầu năm 2015 bắt đầu bớt tuyên bố ầm ĩ như năm 2012.

Theo ông Wood Mackeezies nếu giá dầu xuống dưới 40 Mỹ kim một thùng dầu thì các hãng dầu sản xuất trên đất phải đóng cửa. Tổn phí giữ các giếng dầu củ từ 20 đến 50 Mỹ kim một thùng. Các hãng dầu không còn lời nếu dầu ở giá 45 Mỹ kim một thùng. Quyết định không làm ống dẫn dầu Keystone, lấy dầu từ cát dầu hắc (tar sand) Canada xuống là một quyết định đúng thời.

Cuối năm 2014, đầu năm 2015, cử tri California không còn nghe những lời khuyên từ Texas. Thống đốc California quyết định không ra ứng cử tổng thống đảng Dân Chủ lần thứ 4 trong khi Thống Ðốc Rick Perry nói cà lăm năm 2012 nay định ra tranh cử trong đảng Cộng Hòa năm 2016 nhưng ít hung hăng hơn. Kinh tế của tiểu bang California đã tiến bộ hơn trong thời gian ông Jerry Brown làm thống đốc, ông đã sửa chữa lỗi lầm của ông trong thời gian làm thống đốc 35 năm trước, quân bình ngân sách, tiểu bang California hồi phục, California mạnh trở lại. Cử tri California đã đồng ý tăng thuế năm 2012 và nhờ thị trường chứng khoán gia tăng trong 5 năm nay mà tiền thuế thu từ các nhà giầu gia tăng đóng thêm vào ngân khoản California.

Giá dầu xuống ảnh hưởng đến Nga, Venezuela, Brazil và Iran có thể đưa đến kinh tế suy thoái nhưng Texas, tiểu bang sản xuất dầu lớn nhất Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng. OPEC tuyên bố chiến tranh với kỹ nghệ khai thác dầu đá phiến Shale-oil (kỹ thuật có trên 20 năm) đồng nghĩa chiến tranh với Texas và các tiểu bang tăng gia khai thác dầu đá phiến.

Giá dầu thô vùng Tây Texas giảm xuống sẽ gây ra kinh tế suy thoái như thời kỳ 2008-2009. Giá dầu rẻ, giá hơi đốt rẻ giúp giới tiêu thụ, hãng máy bay hãng xe hơi, thêm 0.4% vào TSL quốc gia nhưng không có lợi cho tiểu bang Texas. Chi phí sản xuất một thùng dầu trên đất liền của Mỹ là 33.16 Mỹ kim, ngoài đất liền là 51.68 Mỹ kim trong khi ở Trung Ðông chi phí chỉ ở mức 9.89 Mỹ kim đến 16.88 Mỹ kim một thùng. Nhờ kỹ thuật khai thác dầu đá phiến, 9 triệu thùng một ngày, Hoa Kỳ trong năm 2014 đã sản xuất dầu thặng dư. OPEC quyết định không ngưng số dầu sản xuất sẽ làm các hãng dầu ở Texas khai thác dầu đá phiến phá sản.

Công ty tài chính J.P Morgan vào tháng 12 năm 2014 đã tiên đoán nền kinh tế của tiểu bang Texas vào năm 2015 sẽ gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế trong vùng Texas và Nam Mỹ. Ngân sách của tiểu bang Texas sẽ bị thiếu hụt vì lợi tức đến từ thuế dầu hỏa và hơi đốt bị giảm. Tiểu bang Texas sẽ nhớ lại mỗi 10 năm như năm 1986, 1997,2007 nền kinh tế Texas gặp khó khăn vì chu kỳ dầu hỏa.

Dầu hỏa ở Texas quan trọng tương tự như kỹ nghệ gia cư ở California. Năm 2008, kỹ nghệ gia cư, lợi tức đến từ nhà cửa cho thuê chiếm đến 16% TSL của California so với con số 8% ở tiểu bang Texas. Kinh tế suy thoái đến từ nhà cửa vào năm 2008-2009 đã làm kinh tế California kiệt quệ. Trong khi đó tiểu bang Texas nhờ giá dầu tăng trong mấy năm gần đây đã đứng vững. Lợi tức từ dầu và hơi đốt chiếm 11% kinh tế của Texas so với lợi tức dầu chỉ ở mức 1% kinh tế California. Năm 2008, kinh tế thế giới suy thoái, giá dầu thô ở Tây Texas lên đến 140 Mỹ kim một thùng đến năm 2011 kinh tế thế giới hồi phục dầu xuống 100 Mỹ kim một thùng. Giá dầu tăng, sản xuất hơi đốt tăng đã thay đổi bộ mặt Texas. TSL tăng, thất nghiệp giảm, công ăn việc làm cao, cơ sở thương mại và đường sá phát triển ở Texas tưởng chừng như không ngừng.

Năm 2015, Houston “thành phố luôn thay đổi bất ngờ” sẽ đi theo chiều hướng nào? Bài học Texas hay bài học California?



No comments:

Post a Comment

View My Stats