Tác giả
gửi đến Dân Luận
26/01/2015
Nếu như
đó là một cái duyên từ năm trước, khi lần đầu tiên mình cùng Blogger Người Buôn
Gió lặn lội vượt 600 km đường xa giữa mùa Đông tuyết lạnh đến tham dự "
Đêm văn nghệ: Bên em đang có ta " (*), thì năm nay là lời ước hẹn cho
đêm hội ngộ "Việt Nam tiếng vọng ngàn đời " tiếp tục được tổ chức ở
Munich.
Đêm nhạc
với sự có mặt đóng góp của các ca sĩ hải ngoại danh tiếng với mục đích cao đẹp
là gây quỹ ủng hộ cho " Nhịp cầu Hoàng Sa" và "Con Đường
Việt Nam".
- "Nhịp
cầu Hoàng Sa" là tổ chức được khởi xướng bởi nhà báo Huy Đức - tác giả
quyển sách "Bên Thắng Cuộc", nhằm tri ân và giúp đỡ gia đình
những chiến sỹ Hải quân đã hy sinh vì nước Việt trong hai cuộc xâm chiếm biển đảo
VN của Trung Cộng ở Hoàng Sa năm 1974 và ở Trường Sa năm 1988.
- "Con
Đường Việt Nam" là một phong trào Dân Sự nhằm hướng dẫn người dân hiểu
rõ Quyền Con Người của mình, qua đó "để người dân có thể tự tin sử dụng
đầy đủ mọi quyền pháp định của bản thân từ đó làm chủ đất nước và làm chủ cuộc
sống của mình".
Bằng một
Video ngắn về cuộc hải chiến anh dũng chống chọi sự xâm chiếm ngang ngược biển
đảo Việt Nam của Trung Cộng ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa 1988 ..., và sau
đó là phút mặc niệm cho những người lính Việt Nam cả hai bên chiến tuyến đã nằm
xuống vì Hoàng Sa – Trường Sa vang vọng trong lời ca thật hào hùng..., cả hội
trường với mấy trăm con người đã đứng lên trang nghiêm tưởng niệm.
MC Trịnh
Hội – đồng sáng lập viên của tổ chức phi chính phủ VOICE với những lời nói cử
chỉ vốn rất nhẹ nhàng gẫy gọn của anh, nhưng đánh động lương tâm của khán giả về
đề tài của đêm nhạc: Việt Nam tiếng vọng ngàn đời.
Ôi những
câu hò ba miền Nam Trung Bắc làm nên danh tiếng của nữ ca sĩ Hoàng Oanh gây
rung động làm sao... đến những trái tim người Việt xa xứ dù sinh ra ở miền quê
nào trên quê hương hình chữ S..
Giọng
ca thật tha thiết nức nở "Anh còn nợ em... anh còn nợ em..." của
ca sĩ Lâm Thúy Vân như nhắc nhớ người Việt xa xứ một món nợ vô hình nào đó chưa
trả với đất nước quê hương...
Nam ca
sĩ đến từ Hoa Kỳ - Nguyên Khang – có lẽ là người được khán giả chờ đợi nhiều nhất.
Với giọng ca trầm ấm đầy nội lực, anh đã mang sinh khí cho đêm Đại nhạc hội không
chỉ qua những bài tình ca bất hủ, mà còn qua những bài hát hào hùng đầy ý
nghĩa. Hát cho Quyền Con Người. Hát vì một nước Việt tự chủ phồn thịnh mai
sau...
Đáng
ghi nhận những tấm lòng tha thiết phi lợi nhuận vì quê hương...: Như Blogger
Người Buôn Gió đưa cả vợ con vượt đường xa đến tham dự và đại diện cho "Nhịp
cầu Hoàng Sa". Trước tấm lòng người Việt xa xứ, có lẽ vì quá xúc động
nên anh không nói được nhiều điều anh ấp ủ như năm trước...
Như người
chủ biên trang Dân Luận nổi tiếng Huân Nguyễn - đồng thời là một trong những
người chủ chốt của phong trào "Con Đường Việt Nam", đã dành thời
gian để đến tham dự và nói những điều tâm huyết.
Như những
tấm lòng vàng của những người Việt vô danh khác đến từ nơi xa hòa mình với đồng
bào Munich. Vô danh đóng góp vào thùng quỹ tương trợ vì "Việt Nam tiếng vọng
ngàn đời".
Như bức
tranh của họa sĩ trẻ Bùi Lộc hiến tặng cho "Nhịp cầu Hoàng Sa" được
đấu giá tới mức 1300 Euro, nhưng nữ -chủ-nhân- đáng- lẽ ăn bận rất thoáng mát
này vì thất vọng trước... vẻ đẹp trai của MC Trịnh Hội nên rút lại đấu giá mà
không lời giải thích... Nhưng cuối cùng, bức tranh vẫn được mua ủng hộ với giá
1200 Euro của một nữ hảo tâm.
Các nghệ
sĩ từ Mỹ đã tạo một bầu không khí âm nhạc chuyên nghiệp thỏa mãn lòng mến mộ của
người hâm mộ đêm nhạc, dù chất lượng âm thanh khi hát live không đồng đều.
Nhưng đây là một nổ lực đáng kể và cần được tuyên dương cho đội ngũ phụ trách
âm thanh ánh sáng bán chuyên nghiệp.
Là một
khán giả đến từ nơi xa, mình không rõ lắm về cộng đồng người Việt Munich. Theo
cảm nhận của mình, thì đa phần khán giả đêm nhạc lần này là người có gốc rễ miền
Nam VNCH... Trong khi cộng đồng người Việt tại đây - trong đó những người Việt
mới gia nhập cộng đồng sau bức tường Berlin ở Đức, hay đến từ Tiệp Khắc, Ba
Lan... chiếm số lượng khá lớn, nhưng sự hiện diện của họ khá khiêm tốn.
Mục
đích đêm Đại nhạc hội là vinh danh các chiến sỹ Việt Nam hy sinh bảo vệ biển đảo
nước Việt Nam trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược, bất kể các Anh từng
là quân nhân VNCH hay thuộc quân đội VNCS... Mình cứ nghĩ đây là một cơ hội cho
người Việt bất chấp thể chế mình xuất xứ, có cơ hội để đến gần với nhau... Một
thắc mắc của một người trẻ như mình cần lời giải đáp: Phải chăng những người Việt
mới vì lý do mưu sinh, hay vì lo lắng bởi đe dọa của một thế lực vô hình nào đó
cản trở bước chân người Việt đến với nhau?
Bỏ qua
những vụt vặt bên lề, mình thấy những đêm nhạc như vậy cần được tổ chức thường
xuyên. Không chỉ ở Munich, mà còn cần ở những thành phố khác với nhiều người Việt
xa xứ sinh sống như Berlin hay Hamburg... Để nhắn nhủ nhắc nhớ người Việt dù sống
ở bất kỳ phương trời nào, vẫn không được quên nguồn gốc Việt và triệu triệu đồng
bào mình còn đang sống nghèo sống khổ ở quê nhà.
* * *
Nếu ai
có hỏi điều gì khiến mình cảm thấy thích thú nhất sau đêm nhạc, thì đó không phải
là đã thỏa mãn được mong ước gặp mặt những ca sĩ tài danh mình ngưỡng mộ từ
lâu, mà khi trở về nhà, được nghe người vợ trẻ mới hăm lăm hăm sáu tuổi của
mình sau chuyến đi xem ca nhạc, lên mạng tìm kiếm những bài hát nàng mới nghe lần
đầu và thầm hát:
...Trường
Sa là máu của ta
...Hoàng Sa là thịt của ta
Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại...
Quân bành trướng đừng mong xâm lấn
Kia còn bao mồ chôn quân Tống,
Hỏi quân thù hỏi quân thù còn nhớ hay không ?
...Hoàng Sa là thịt của ta
Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại...
Quân bành trướng đừng mong xâm lấn
Kia còn bao mồ chôn quân Tống,
Hỏi quân thù hỏi quân thù còn nhớ hay không ?
...ĐỪNG
IM TIẾNG MÀ PHẢI LÊN TIẾNG
Khi quân thù vào cướp Quê Hương
Đoàn kết lại tiêu diệt bạo quyền thâm độc vô biên...
Khi quân thù vào cướp Quê Hương
Đoàn kết lại tiêu diệt bạo quyền thâm độc vô biên...
Huỳnh
Minh Tú
[*]: Mời
xem thông tin liên quan: Đêm văn nghệ " Bên Em Đang Có Ta " ở München
( https://www.facebook.com/notes/huỳnh-minh-tú/đêm-văn-nghệ-bên-em-đang-có-ta-ở-münchen/715829358448666
)
Mời xem thêm bài, video liên quan:
No comments:
Post a Comment