Sunday, 11 January 2015

Diễu Kim Jong Un để làm gì? (Bùi Văn Phú)





11.01.2015

Cuối tuần qua tôi đã xem phim “The Interview”. Đây là phim hài về Kim Jong Un, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tức Bắc Triều Tiên, một quốc gia khép kín và người lãnh đạo ở đó được tôn thờ như một vị thánh sống.

Tôi xem phim trên mạng vì cả vùng Vịnh San Francisco chỉ có một rạp ở San Jose chiếu phim này khi hãng sản xuất phim Sony tung ra vào dịp Lễ Giáng sinh. Tung phim ra chiếu hay không đã là quyết định khó khăn cho Sony, sau khi nhóm Guardians of Peace, được cho là có Bắc Triều Tiên đứng sau ủng hộ, đưa ra lời đe dọa sẽ tấn công khủng bố các rạp hát. Lúc đầu Sony quyết định rút phim lại. Bị dư luận Mỹ phản đối, Sony lại thay đổi quyết định và cho công chiếu “The Interview”.

Cuốn phim có liên hệ đến vụ tin tặc xâm nhập hệ thống máy điện toán công ty Sony vào cuối năm ngoái vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thích nội dung nói xấu Chủ tịch Kim Jong Un và đất nước của ông. Thông tin đưa ra cho biết có khoảng 5 vạn hồ sơ cá nhân của nhân viên đã bị đánh cắp và kẻ đứng sau vụ này thỉnh thoảng rò rỉ bí mật liên quan đến các diễn viên, nghệ sĩ làm việc cho công ty Sony.

Sau khi nhận báo cáo của giới chức an ninh Mỹ nói Bắc Triều Tiên là thủ phạm tin tặc, Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo cuối năm cho biết Hoa Kỳ sẽ có những hành động đáp trả thích đáng. Mấy ngày sau đó hệ thống Internet của Bắc Triều Tiên, tuy còn yếu kém và chưa được phổ cập trong dân, đã bị tê liệt gần như hoàn toàn.

Tổng thống Obama cũng đã kí sắc lệnh trừng phạt các cơ quan an ninh, tình báo, một số công ty thương mại và một chục giới chức cao cấp của Bắc Triều Tiên.

Chính phủ Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc họ đứng sau vụ tin tặc và còn đề nghị hợp tác với Mỹ trong việc điều tra tìm thủ phạm. Giới chức công ty an ninh mạng Norse cho biết họ không tin vụ tin tặc xâm nhập Sony là từ Bắc Triều Tiên mà do chính một nhân viên của hãng này đã bị cho thôi việc thực hiện. Cho đến nay Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI vẫn giữ quan điểm Bắc Triểu Tiên là thủ phạm xâm nhập vào hệ thống máy điện toán của Sony.

Phim “The Interview” mở đầu với một bé gái Bắc Triều Tiên đứng trước quảng trường hát những lời ca trù ẻo điều xấu nhất đến với Hoa Kỳ, với nhân dân Mỹ. Khi em vừa dứt tiếng, một tên lửa nhắm vào nước Mỹ được phóng lên.

Trong phim, giới chức an ninh quốc gia Mỹ cho rằng lãnh tụ Kim Jong Un là một người nguy hiểm, có toan tính tấn công vũ khí hạt nhân vào nước Mỹ.

Nhà báo Mỹ Dave Skylark nổi tiếng với chương trình phỏng vấn giới nghệ sĩ về đời tư và những bàn tán tầm phào phát hình trên ti-vi. Khi biết được Chủ tịch Kim Jong Un cũng thích xem chương trình của mình nên muốn có cuộc phỏng vấn với lãnh tụ của đất nước đầy huyền bí này. Ước muốn của Dave được chấp thuận và người liên lạc là một nữ cán bộ tuyên giáo.

Chuyến đi thực hiện phỏng vấn của Dave được giới chức CIA biến thành âm mưu ám sát lãnh tụ Bắc Triều Tiên với chất phóng xạ, được truyền qua da bằng cái bắt tay Chủ tịch Kim Jong Un để vài ngày sau Kim sẽ lăn ra chết. Nhưng âm mưu đã không xảy ra như kế hoạch.
Cuộc phỏng vấn vẫn thực hiện được, nhưng thay vì đầu độc phóng xạ, nhà báo Mỹ đã lột trần con người giả dối của Chủ tịch Kim Jong Un. Cả nước Bắc Triều Tiên được xem cuộc phỏng vấn trực tiếp truyền hình và nhân dân đã nhận ra bộ mặt đầy dối trá của lãnh tụ mà họ hằng tôn thờ.

Phim “The Interview” và sự liên hệ của Bắc Triều Tiên với tin tặc đưa đến những trừng phạt của Mỹ được dư luận chú ý, vì đây lần đầu tiên lãnh đạo Hoa Kỳ đã công khai đưa ra những biện pháp chế tài với một quốc gia được cho là thủ phạm tin tặc. Trong quá khứ đã có những vụ tấn công mạng vào nhiều cơ quan công quyền, tổ chức truyền thông của Mỹ mà thủ phạm được cho là từ cơ sở của quân đội Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ đã không có những phản ứng như vụ tin tặc xâm nhập công ty Sony vừa qua.

Sự kiện được dư luận chú ý hơn khi Bắc Triều Tiên đe dọa nếu “The Interview” được tung ra chiếu tại 3 nghìn rạp dịp Lễ Giáng sinh như đã lên lịch, những rạp chiếu phim này có thể là mục tiêu tấn công khủng bố. Quan ngại về anh ninh khiến Sony rút lại việc công chiếu.
Quyết định của Sony bị nhiều người phản đối, trong đó có cả Tổng thống Obama. Những người không đồng ý với Sony cho rằng rút lại việc công chiếu vì đe doạ của Bắc Triều Tiên là chà đạp lên quyền tự do phát biểu của người dân.

Trước những phản ứng lan rộng không tán đồng huỷ chiếu phim, cuối cùng công ty Sony cho tung phim ra chiếu tại 500 rạp trên cả nước. Phim cũng được đưa ngay lên mạng, là việc làm khác với trước đây, khi những phim mới chiếu ở rạp phải chờ vài tháng sau mới có trên mạng.

Trong ba tuần qua, đông người đã xếp hàng mua vé. Nhiều khán giả cũng đã tìm xem phim qua mạng. Phim thu được 36 triệu đô-la. Trong đó 31 triệu đô-la là doanh thu qua mạng, con số cao nhất trong số các phim được Sony phổ biến trên mạng từ trước đến nay.

Nếu bạn thích hài thì “The Inteview” sẽ để lại những phút cười vui cho đầu óc bớt căng thẳng, quên mệt nhọc sau những giờ làm việc. Như mỗi tối bật ti-vi xem những cây hài Jay Leno, Jimmy Fallon, David Letterman, Conan O’Brien chọc cười.

Như nhiều người thích kênh Comedy Central, xem các chương trình hài của Bill Maher, Jon Stewart. Hay mỗi tối thứ Bảy xem Saturday Night Live trên hệ thống truyền hình NBC với những danh hài đem Tổng thống Bush, Clinton, Obama; Phó Tổng thống Chenney, Biden; Ngoại trưởng Hillary Clinton; đem Kim Jong Un, Osama bin Laden, Saddam Hussein ra diễu cho thiên hạ cười vui.

Người Mỹ rất thích hài nên sau bản tin buổi tối nhiều kênh truyền hình có sô hài để khán giả thư giãn.

Đem nhân vật nổi tiếng ra châm biếm là tự do sáng tạo nghệ thuật và cũng là quyền tự do phát biểu của người Mỹ. Nếu có ai không đồng ý, người đó có lẽ thiếu chút óc hài mà thôi chứ không ai cấm cản hay đe doạ những người khác muốn xem.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats