Saturday, 24 January 2015

Cui bono (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Thứ Bảy, ngày 24 tháng 1 năm 2015

Cui bono nghĩa là “Lợi cho ai?”

Đó là chữ La tinh. Cui bono đọc giống như: qui bô nâu, qui bô nơ. Tôi chả học chữ La tinh bao giờ, thấy hai chữ này khi tò mò đọc một cuốn sách về lịch sử sự phát triển của chữ La tinh, chẳng có lý do nào khác. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc viết một bài bàn trong blog về blog “Chân Dung Quyền Lực” đang gây sôi nổi trên mạng, ông đặt câu hỏi: Ai đứng đằng sau blog “Chân Dung Quyền Lực?” Tự nhiên tôi nhớ tới câu hỏi: “Cui bono?”


Nhà hùng biện Marcus Tullius Cicero (thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên) cho biết Lucius Cassius, một thẩm phán chính trực và khôn ngoan, hay đặt câu hỏi “Cui bono? Lợi cho ai?” để dò manh mối tìm ra thủ phạm. Người Mỹ sau này, các ký giả cũng như nhân viên cảnh sát, cũng thường suy đoán bằng cách “Coi tiền chạy đi những đâu” (Follow the money) để điều tra, như trong vụ Watergate chẳng hạn.

Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học, dẫn chúng ta đi tìm câu trả lời theo phương pháp của ông. Ông phân tích nội dung blog “Chân Dung Quyền Lực,” xem văn chương nó thế nào, nội dung đề cập các đề tài nào, nó đả kích những ai trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, ai được nói tới bao nhiêu lần, nó trưng ra những loại bằng cớ nào, vân vân. Đây là một bài phân tích rất thông minh, nhiều công phu tìm tòi và suy nghĩ. Tôi sẽ không tiết lộ kết luận của Nguyễn Hưng Quốc, để quý vị độc giả tìm đọc lấy, nếu tò mò muốn biết.

Nhưng chỉ xin tiết lộ một điều, là Nguyễn Hưng Quốc đoán Nguyễn Tấn Dũng không phải là thế lực đứng đằng sau blog “Chân Dung Quyền Lực.” Cui bono? Nguyễn Hưng Quốc phân tích nội dung blog “Chân Dung Quyền Lực,” thấy nó không tấn công vào các đối thủ đáng kể của Nguyễn Tấn Dũng, mà lại đưa ra các đề tài không có lợi gì cho Nguyễn Tấn Dũng, vân vân. Cui bono? Làm cái blog này, Nguyễn Tấn Dũng không có lợi gì cả.

Nhận xét này rất chính xác, nếu chúng ta biết Nguyễn Tấn Dũng đang muốn, đang dự tính những gì, do đó, biết cái gì có lợi cho Nguyễn Tấn Dũng, cái gì không có lợi, theo quan điểm của chính đương sự chứ không phải theo cách nhìn của người ngoại cuộc. Chúng tôi không thể đoán được Nguyễn Tấn Dũng nghĩ cái gì là có lợi, cái gì hại cho chính ông ta, cho nên không thể góp ý kiến, cũng không thể bác bỏ ý kiến của Nguyễn Hưng Quốc.

Tôi lại nhớ cố Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, tôi chỉ quen biết anh khi cùng sống ở Montréal, Canada. Nguyễn Hữu Chung, từng đóng vai phát ngôn viên của Tướng Dương Văn Minh, ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã lên tàu rời bến Sài Gòn đi tị nạn. Nói chuyện về những bạn đồng viện của anh còn ở lại, Chung nhận xét: “Mối sai lầm chính là họ tưởng bọn cộng sản nó cũng suy nghĩ như mình.” Việt Cộng cũng chỉ muốn có lợi, nhưng thế nào là lợi, thế nào là hại thì chúng không nghĩ giống như mình!

Chúng tôi rất kính trọng quý vị đã nghiên cứu những blog được nghi ngờ do các lãnh tụ cộng sản chủ trương, “Quan Làm Báo” hay “Chân Dung Quyền Lực” hoặc mang tên của các nhân vật chóp bu cộng sản. Theo dõi các blog này có thể hiểu trong đảng Cộng sản họ đang toan tính những gì, giành giật nhau ra sao, ai đang lên, ai sắp xuống, vân vân. Nghiên cứu để đoán xem đảng Cộng sản đang đưa dân tộc mình đi về đâu; công việc đó rất cần và hữu ích. Chúng tôi không có thời giờ đọc những blog này. Lâu lâu nhận được một bài trích từ đó ra, do người quen hay không quen gửi tới, cũng chỉ nhìn qua thôi.

Không để thời giờ theo dõi, vì những blog này thường chỉ nói chuyện nội bộ của các lãnh tụ cộng sản. Còn những vấn đề chung, những mối lo của cả nước Việt Nam thì họ không bàn tới. Những chuyện phơi bầy trong các blog đó, như ông nào làm chủ bao nhiêu cái nhà, chuyển tiền đi những đâu, ai đầu độc ai, ai sợ Trung Cộng hơn ai, vân vân, đều là những chuyện bên trong, giữa đám lãnh tụ cao nhất với nhau. Người đọc có thể thích thú khi theo dõi những màn đấu đá của họ, giống như khi coi phim bộ Hàn Quốc muốn đoán xem đoạn sau cô nào sẽ lấy cậu nào; hoặc coi đá banh trên ti vi rồi đánh cá đội nào sẽ thắng. Đó cũng là một cách giải trí. Nhưng nó cũng ru ngủ, làm cho người dân, trong đó có cả giới thanh niên trí thức hay lên mạng, quên những vấn đề chính yếu nếu muốn đất nước mình tiến lên. Trong thực tế, trong mấy tay lãnh tụ cộng sản đó, anh nào lên anh nào xuống thì số phận người dân có gì thay đổi không? Lúc triều đại Lê-Trịnh đang tàn thì ai ngồi lên ngai chúa, giữa Trịnh Cán với Trịnh Tông, có khác gì nhau không?

Còn các lãnh tụ cộng sản, trong mấy cái blog do họ dựng ra để đánh lẫn nhau không thấy ai nêu ý kiến về những điều dân mình cần lo lắng và suy nghĩ. Thí dụ, làm sao phát triển kinh tế, phục hưng đạo đức và giáo dục, xây dựng xã hội công dân, đặt nền móng luật pháp dân chủ, vân vân, cho đến mối lo bị Trung Cộng khống chế không cách nào thoát. Không thấy các lãnh tụ cộng sản chứng tỏ họ khác nhau, họ phải tranh giành nhau vì bất đồng ý kiến về một trong các vấn đề này. Mối quan tâm của họ không nằm ở các chuyện đó, mà nằm ở chỗ khác. Anh nào lên, anh nào xuống, ai chiếm mâm cao cỗ đầy, ai được “cơ cấu,” ai hụt cẳng, đó mới là điều họ quan tâm. Chúng ta có thể hiểu tại sao họ lại chỉ quan tâm thiết thực về địa vị, tài sản của họ.

Trong hoàn cảnh đảng Cộng sản đang phá sản, đang tan rã, như một chiếc tàu đang chìm, các con chuột đều tìm cách leo lên chỗ an toàn nhất, chỗ cao nhất, con này hất con khác ngã xuống cho mình leo lên. Họ đè đầu, đè cổ nhau, dùng các thủ đoạn mà họ rất rành sau bao nhiêu năm “phấn đấu đội và đạp” để ngoi lên hàng chóp bu của giai cấp thống trị.

Cho nên, những đề tài họ nêu ra trong các blog không phải là những mối lo gan ruột của dân mình. Cứ chăm chú ngắm nghía cảnh tranh chấp nội bộ của họ, mình có thể quên cả những chuyện lớn đáng lo hơn. Những cuộc đấu đá của họ thực ra không quan trọng đối với tương lai nước mình. Có nhiều chuyện nho nhỏ khác nhưng thực sự rất đáng lo. Thí dụ, “Làm sao dân mình sống với nhau lương thiện được khi không ai tin vào hệ thống tư pháp, không ai tin cảnh sát, không ai tin quan tòa?” Làm sao đây? Hoặc, “Làm sao thoát được các đợt tấn công kinh tế của hàng hóa Trung Cộng?” Cho đến những chuyện nhỏ như, “Tại sao người Việt Nam không cung cấp nổi mấy cái đinh ốc cho các hãng Canon, Samsung?”

Không thấy lãnh tụ cộng sản nào bầy tỏ những ý kiến bất đồng về các vấn đề dân mình thật sự cần lo lắng. Thử nghĩ xem, họ nêu các ý kiến khác nhau trên mạng thì được lợi lộc nào cho bản thân họ hay không? Cả hội nghị Trung Ương Đảng vừa rồi, có ai đả động gì tới các vấn đề lớn của đất nước hay không? Chả thấy ai nói gì cả. Cui bono? Quyền lực của họ còn hay mất không phải vì họ có những ý kiến hay ho về kinh tế, chính trị, giáo dục, pháp luật. Trong các blog chỉ thấy họ đấu đá, tố cáo nhau tham tham, bất tài, ngu dốt, anh này dìm anh kia xuống đất đen.

Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc nhận xét: “Trong trận đấu đá này, có người thắng kẻ bại, nhưng kẻ bại cuối cùng chắc chắn vẫn là đảng Cộng sản: Dưới mắt dân chúng, họ hiện nguyên hình là những tên tham nhũng vơ vét tài sản của đất nước để làm giàu cho bản thân và họ hàng.” Thực ra, dưới mắt dân chúng Việt Nam thì đảng cộng sản đã hiện nguyên cái hình hài như thế từ lâu rồi, mấy chục năm nay rồi; không cần chờ đến ngày đọc “Chân Dung Quyền Lực.”

Nguyễn Hưng Quốc nhận xét trong số các lãnh tụ cộng sản được đưa lên mạng “Chân Dung Quyền Lực”, một nhóm “bị đả kích kịch liệt, chủ yếu vì tội tham nhũng hoặc bất tài, vô đức.” Nhưng ông lại thấy chỉ có một mình “Nguyễn Tấn Dũng được khen.” Qua blog này Dũng hiện ra như là “một ‘hình ảnh độc tôn’ trên sân khấu chính trị Việt Nam, người đầy tài năng và quyền lực, hơn nữa, có triển vọng trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam thời hậu cộng sản.” Đây là cũng một chi tiết đáng chú ý. Chiếc tàu Đảng đang chìm. Chuột leo lên đầu nhau vì muốn khi cần bỏ tàu chạy thì mình sẽ thoát sớm nhất. Nhưng trong cơn bát nháo đó, vẫn có anh cố dò dẫm, thử lập kế tìm cho mình một chỗ đứng trong “kế hoạch hậu cộng sản.” Chẳng mất gì cả, tại sao không thăm dò thử! Đằng nào tàu cũng sắp chìm, nếu nhảy được sang tàu khác thì hy vọng ăn to! Mà nếu không thì cũng chỉ mất mát bằng những thằng khác mất mà thôi! Cui bono?



No comments:

Post a Comment

View My Stats