Saturday, 24 January 2015

Chuyện trò với tác giả ‘Thầy Giáo Làng’: Nguyễn Trọng Hiền (Trùng Dương - Da Màu)





23.01.2015

Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Hiền vào một dịp đi thăm một trại trồng cranberry ở New Jersey để xem người ta gặt cranberry ra sao, do một người bạn tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng 10 nhân chuyến tôi đi thăm Miền Đông giữa thu vừa qua. Chuyến đi thăm trại dâu vừa để xem gặt dâu vừa để chụp hình. Trời hôm ấy mưa, trại dâu lại không để bảng hướng dẫn ngoài đường, thành ra chỉ có vợ chồng người bạn và tôi tới được địa điểm đúng giờ sau khi chạy lòng vòng một lúc. Một người bạn khác bỏ cuộc sau khi kiếm không ra trại. Riêng Anh Hiền tới trễ cả tiếng cũng vì tìm đường tới trại, người của trại phải lấy xe chở anh ra tận ngoài ruộng nơi xe buýt của chúng tôi đang đậu, nơi mọi người bị buộc phải ở trong xe nhìn ra chứ không được xuống khỏi xe, vì “sợ làm ‘ô nhiễm’ ruộng dâu”. Thành ra chả ai chụp được hình muốn chụp.

Anh Hiền không chịu thua, ngày hôm sau trở lại khu trồng dâu của một trại khác, tự túc, thay vì mua vé tour như hôm trước, và mày mò chụp được một số hình gặt cranberry khá đặc biệt. Anh gửi cho chúng tôi cái link hình ngay buổi tối hôm đó. Tôi đã cảm phục anh ở sự kiên trì, không muốn để một cuối tuần (anh Hiền, mặc dù hơn tôi một, hai tuổi, lúc ấy còn đang đi làm toàn thời, trong ngành điện toán thông tin – IT) qua đi mà không đạt được điều mình muốn làm. Là một nhiếp ảnh gia tài tử, nghĩa là không sinh sống bằng nghề chụp hình, anh Hiền dùng những dịp cuối tuần đi săn hình, rồi chăm chỉ post lên cái Web blog của anh ở http://neihtn.wordpress.com/. Neihtn — tên anh viết ngược lại — là ảnh hiệu và cả bút hiệu của anh.

Anh Hiền không chỉ có sở thích chụp hình nghệ thuật. Anh còn viết truyện nữa, bằng tiếng Anh, và đã tự xuất bản lấy cuốn đầu tay, “Village Teacher”, vào năm 2012, hiện có bán trên Amazon, cả dưới hình thức sách giấy lẫn e-book. Anh nói sẽ gửi tặng tôi một cuốn đọc chơi và cho ý kiến. Tôi cũng chỉ định “đọc chơi”, nghĩ bụng nếu không hay thì cũng cho ý kiến một cách phất phơ cho phải đạo. Chẳng dè vào khoảng một phần tư hay năm cuốn sách, tôi bị cuốn vào câu chuyện, thấy phải đọc cho hết để xem cho biết kết cục câu chuyện tình của thầy giáo làng Tâm và cô con gái lai Pháp Việt trong bối cảnh xứ Huế sau một kỳ thi Đình, khoảng cuối thế kỷ 19 đầu 20 vào thời buổi giao thời khi bắt đầu giai đoạn “cái học nhà Nho đã hỏng rồi,” (*) lúc thầy giáo Tâm đang chờ kết quả kỳ thi, và “bão tố” của đời thầy giáo làng cũng bắt đầu nổi lên từ đấy.

Tôi bị thu hút vào câu chuyện vì câu chuyện và các tình tiết một phần, nhưng phần lớn là vì cách xây dựng nhân vật khá linh động và cách tác giả đan bện các tình tiết vào nhau một cách tế nhị và tài tình. Ngoài ra, vì có nhiều truyền thống tập tục Việt thời ấy cần được giải thích để độc giả không có kiến thức về chúng có thể hiểu mà tiếp tục theo giõi câu chuyện thay vì bị lọt ra ngoài rồi bỏ ngang không đọc nữa, cũng được tác giả giải thích tóm tắt một cách sáng sủa, gọn gàng mà mạch chuyện không vì thế bị loãng.

Trong bối cảnh một Việt Nam vừa mất chủ quyền vào tay người Pháp với những nề nếp truyền thống đang dần bị đào thải, thầy giáo Tâm từ một làng ở ngoài Bắc vào kinh đô Huế để dự cuộc thi mà sự đỗ đạt sẽ đưa thầy vào đường quan hoạn cho một thứ triều đình đã và đang trên đường bị lịch sử phế thải. Tác giả đã dùng cuộc thi cử này để giới thiệu tới người đọc không khí và hệ thống thi cử xưa của Việt Nam, những luật lệ khe khắt mà các thí sinh phải thuộc nằm lòng, nhất là tên của vua cũng như các nhân vật hoàng gia, để không phạm húy mà bị tội. Những chi tiết này cho thấy một công trình sưu tầm và nghiên cứu công phu về hệ thống học hành thi cử xưa.

Trong thời gian chờ đợi kết quả, Tâm nhân cơ hội đi thăm thú kinh đô cùng những thắng cảnh của nơi này. Tác giả cũng đã nhân đó giới thiệu tới độc giả những kiến trúc đền đài, chùa chiền và lăng tẩm của Huế (tự dưng tôi nghĩ đây có thể là những cảnh thú vị để dựng thành bối cảnh cho một cuốn phim dựa vào câu chuyện về mối tình không thiều lâm ly bi hùng của cuốn tiểu thuyết). Cũng trong thời gian chờ kết quả kỳ thi và thăm thú kinh đô, Tâm có dịp cứu Giang, cô gái lai Pháp và là trưởng nữ của vị đặc sứ người Pháp gốc Hải quân nhưng ở Việt Nam lâu năm và thông thạo tiếng Việt, khỏi tay hai tên cướp vặt bằng tài võ thuật của mình. Nhờ đó Tâm có dịp quen biết với gia đình Giang, môt cô gái lai nhưng thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Không những thế, Giang còn biết đọc và viết cả chữ Quốc ngữ mà hồi đó rất ít người biết. Thấy chữ Quốc ngữ đơn giản và dễ hiểu, không như chữ Hán và Nôm rắc rối khó nhớ và do đấy không phổ thông, Tâm đã nhờ Giang dậy cho chữ Quốc ngữ. Rồi lại thấy chữ Pháp cũng hay hay, hứa hẹn mở ra những chân trời tri thức mới, Tâm xin Giang dậy mình học luôn. Qua những tiếp xúc này, cái nhìn của Tâm đối với hệ thống thi cử “lều chõng” cũng dần thay đổi, đồng thời một mối tình trong trắng hồn nhiên nẩy nở giữa hai người. Cái khéo của tác giả là suốt nhiều chương sách anh không hề nhắc tới hai chữ tình yêu, nhưng người đọc có thể cảm thấy bàng bạc mối cảm tình sâu đậm hai người có về nhau. Cũng từ đó là những bất hạnh đã liên tiếp xẩy ra cho Tâm vì mưu mô nham hiểm và quỷ quyệt của viên Thượng thư Bộ Lễ của triều đình, khiến Tâm phải thình lình bỏ kinh đô về lại quê nhà ở ngoài Bắc. Chưa hết, tại đây, Tâm cũng gặp nhiều biến cố khiến đời sống của chàng bị đảo lộn, đe dọa. Song nhờ tình yêu bền bỉ nhưng không hề thổ lộ của Giang đối với chàng, và ngược lại, mà cuối cùng họ vượt qua đuợc những nghịch cảnh để cùng xum họp và bắt tay vào việc đem chữ Quốc ngữ tới quần chúng để giúp mở mang kiến thức, thay vì nền giáo dục cổ xưa dựa vào chữ Hán và Nôm, chỉ để dành cho một thiểu số.

Tác giả dùng loại kể chuyện từ nhãn quan và cả cảm nghĩ của nhiều nhân vật, chính cũng như phụ, nhưng nhờ câu chuyện tự nó có sức lôi cuốn vì những biến cố dồn dập, nên người đọc ít để ý mà tự buông thả một cách vô thức vào dòng chuyện. Có lẽ nhờ đó mà người đọc có lúc thấy mình “đứng về phía” người Pháp, như viên đặc sứ thân sinh của Giang, một điều tôi nghĩ là ít khi nào, hay chưa bao giờ, tôi cảm thấy như vậy khi đọc về lịch sử Pháp thuộc; hoặc, và đã hẳn, là về phía Tâm và Giang, là hai nhân vật chính. Và có khi còn thực sự thấy “bất bình,” cả “ghê sợ” trước những mưu tính nham hiểm, xảo quyệt của viên Thượng thư Bộ Lễ nhằm mưu hại Tâm; hoặc của viên lý trưởng gian ác tại làng Tâm ở nhằm triệt hạ Tâm bằng cách gán cho Tâm ngả theo Pháp đem loại chữ mà họ không hiểu và chỉ những nhà truyền giáo và những người theo “tà giáo,” tức đạo Thiên Chúa, mới xử dụng.

Nhìn chung đây là một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn, chưa kể người đọc có dịp hiểu biết thêm về một nền giáo dục từ chương, hệ thống thi cử và phương cách triều đình Việt Nam tuyển chọn những người làm việc nước thời xưa, nhất nhất dập khuôn Trung Quốc như từ muôn đời, bất chấp những đổi thay của thế giới bên ngoài, đặc biệt Tây phương, của cuối thế kỷ 19, một thế kỷ điển hình với cuộc cách mạng kỹ nghệ khoa học. Bối cảnh ấy, với một triều đình còn cố bám víu vào những khuôn thước mẫu mực ảnh hưởng bởi Trung Quốc mặc dù chính Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với những áp lực cả trong lẫn ngoài, gợi nhớ tới chế độ và đảng cộng sản Việt Nam hiện nay cũng đang trải qua một kinh nghiệm tương tự, giữa thời đại Internet mà sự thay đổi còn vũ bão hơn nhiều lần, đã và đang đảo lộn mọi đời sống cá nhân, xã hội và cả thế giới.

“Thầy Giáo Làng,” với đề tài hầu như đã lâu chẳng ai trong số những người cầm bút Việt bận tâm khai thác, lại là cuốn truyện đầu tay và viết bằng Anh ngữ, do tác gia tự xuất bản, và đã được một số độc giả Anh ngữ cho biết đã đọc một cách say sưa (như những nhận xét trên Amazon), tất nhiên là khiến tôi rất tò mò. Chưa kể, những người cầm bút ở tuổi tôi (trên dưới 70), và cả nhiều người trong giới trẻ thuộc thế hệ 1.5 ở hải ngoại, hầu như không mấy ai viết tiểu thuyết (tức fiction) nữa. Phần lớn các sách xuất bản từ mấy thập niên trở lại đây là hồi ký, tường thuật hay biên khảo, thay vì là tiểu thuyết. Có lẽ từ sau 1975 nhiều chuyện ngoài sức tưởng tượng đã xẩy ra cho người Việt tị nạn, nên những người cầm bút, từ trước 1975 cũng như sau đó, không thấy, và có lẽ cả không thể, tưởng tượng hơn thực tế nữa, chăng? Do đấy, sự hiện hữu của “Thầy Giáo Làng” phải kể là hãn hữu vậy.

Dưới đây là cuộc trao đổi bằng điện thư với tác giả Nguyễn Trọng Hiền. Mời các bạn theo giõi.

Trao đổi với tác giả

Trùng Dương: Nhiều sách vở, bài báo và tiểu thuyết đã viết về Việt Nam, đặc biệt về cuộc chiến giữa những người Quốc gia và Cộng sản đã dẫn tới sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30 tháng 4, 1975. Rất ít tác giả, cả Mỹ lẫn Việt, khai thác về giai đoạn trước 1954 hay xa hơn, và nếu có thì cũng chỉ là nhắc lại như một bối cảnh lịch sử với những diễn biến đưa tới cuộc chiến Quốc Cộng. Tuy nhiên, anh chọn khai thác về giai đoạn này. Xin anh cho biết động lực nào thúc đẩy anh chọn giai đọan của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để xây dựng câu chuyện của “Village Teacher”, tạm dịch nôm na là “Thầy Giáo Làng” hay “Hương Sư”?

Nguyễn Trọng Hiền: Trong những năm sau 1975, đã có khá nhiều người Việt và ngoại quốc viết sách, đa số là hồi ký, nói nhiều về cuộc chiến 1945-1975. Và trong khoảng 10, 15 năm vừa qua, có một số tác giả Việt thuộc thế hệ trẻ ở bên này đã viết sách báo nói lên cảm nghĩ hay nhận xét về đời sống lưu vong của người Việt hải ngoại khắp nơi trên thế giới.
Nhưng như Chị đã nhận định rất đúng, ít có ai viết về bối cảnh lịch sử đi về quá khứ trước thế kỷ 20. Lịch sử Việt Nam không phải chỉ bắt đầu từ 1945. Nhưng cho tới nay, có rất ít sách hoặc tài liệu để cho những thế hệ lớn lên ở hải ngoại đọc hoặc tham khảo nếu muốn đi xa hơn vào trong quá khứ lịch sử.
Tôi viết quyển “Village Teacher” (Hương Sư hay Thầy Giáo Làng) để cho những người như con hoặc cháu tôi hiểu biết thêm về nguồn gốc và quê hương của chúng ta. Đó là động lực chính. Một lý do khác là tôi có một số bạn bè Mỹ đã nhiều lần yêu cầu tôi cho họ biết thêm về lịch sử, phong tục và tập quán của dân Việt. “Village Teacher” cũng nhằm đáp ứng một phần nào nhu cầu đó.

TD: Xin anh cho biết sơ lược truyện “Thầy Giáo Làng”?

NTH: Vào cuối thế kỷ 19, Tâm, một thầy giáo làng từ miền Bắc, vào kinh thành Huế để dự một trong những kỳ thi Đình sau cùng cuối thời nhà Nguyễn. Sau khi thi xong, trong lúc chờ đợi kết quả, Tâm gặp Giang, một cô gái lai, con của đặc sứ Pháp tại Huế. Cuộc tình giữa hai người chóng chớm nở, nhưng phải trải qua nhiều thử thách do xã hội, thành kiến, và nhất là do sự tranh chấp trong và ngoài trường thi và các phe phái chính trị tại triều đình cũng như tại quê nhà.

TD: Thoạt nghe qua về nội dung cuốn truyện với bối cảnh thời thực dân Pháp, về hệ thống thi cử dưới Triều Nguyễn, như Ngô Tất Tố mô tả trong cuốn truyện “Lều Chõng”, tôi không khỏi tò mò, nghĩ bụng, tất nhiên là hời hợt, thời buổi này ai còn để ý tới những chuyện đó. Những lý do nào đã khiến anh chọn đề tài về hệ thống thi cử dưới thời quân chủ nói chung và Triều Nguyễn nói riêng?

NTH: Vấn đề thi cử luôn luôn được đặt nặng trong xã hội ta cũng như trong các xã hội khác chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa tại Á Châu. Các cuộc thi Hương, thi Hội, thi Đình bây giờ không còn nữa, nhưng cho tới ngày nay, những ai gọi là thuộc thành phần khoa bảng vẫn còn được kính trọng bởi hầu hết mọi giới.
Nhưng khi đi sâu hơn vào vấn đề, hệ thống tổ chức thi cử, và sự lựa chọn giới chức quan lại cho cả một quốc gia không đẹp đẽ và hiệu nghiệm như chúng ta mong muốn. Và việc triều Nguyễn cố tình duy trì chế độ thi cử từ ngàn xưa, đã là một yếu tố rất mạnh khiến cho người Pháp xâm chiếm nước ta một cách tương đối dễ dàng. Đó là một trong những yếu tố mà tôi muốn trình bày trong câu chuyện giáo làng này.

TD: Xin anh cho biết hành trình sưu tầm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết này? Anh có gặp những khó khăn nào?

NTH: Trong tựa đề, tôi đã liệt kê bốn quyển sách chính mà tôi đã tham khảo. Trong số đó, đáng kể nhất là hai quyển Thi Hương và Thi Hội-Thi Đình của Chị Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Tôi cũng đã dùng Internet để phối kiểm nhiều chi tiết lịch sử khác qua những trang web bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Không có gì khó khăn, chỉ đôi khi có nhiều tài liệu quá, đọc mỏi mắt hoặc phải mất công so sánh và chọn lọc giữa hai, ba nguồn gốc khác nhau. Tôi cũng sưu tập được một số tranh ảnh về thời kỳ đó, nhưng sau cùng không dùng được vì các vấn đề bản quyền.

TD: Anh dành ra bốn năm để viết cuốn truyện này và, vì còn đi làm toàn thời trong ngành điện toán, anh thường viết vào lúc đêm hôm hoặc cuối tuần. Không phải là người sống bằng ngòi bút, anh chắc phải có nhiều nghị lực và sự kiên trì ngoài sự đam mê. Không biết anh có chia sẻ với ai, chị nhà hay đôi ba người bạn thân nào đó, chẳng hạn, bởi vì chắc chắn phải có lúc anh cảm thấy cô đơn ghê gớm? Có lúc nào anh cảm thấy nản chí, muốn bỏ cuộc, thấy việc mình làm vô ích, chẳng dẫn tới đâu? Ai, hay động lực nào, đã khích lệ anh đi tới?

NTH: Chị nhận xét đúng lắm! Thật ra chỉ có gia đình và rất ít bạn bè biết đến việc tôi viết sách. Bốn năm lâu quá, cho nên về sau ít còn ai tin tưởng rằng sẽ có ngày sách được ra đời và xuất bản.
Nhưng càng viết tôi lại càng cảm thấy tự tin hơn, và phấn khởi hơn nhất là kể từ năm thứ ba trở đi. Ban ngày đi làm phải đối chọi với nhiều thử thách kỹ thuật trong nghề điện toán, nhưng ban đêm tôi đã có được một lối giải thoát tư tưởng khi phải viết về trường thi, lịch sử, và mối tình dầy trắc trở của Thầy Tâm và Cô Giang.

TD: Tại sao anh chọn viết bằng tiếng Anh? Anh có dự tính dịch “Thầy Giáo Làng” ra Việt ngữ? Hỏi vì tôi thấy đây là một câu chuyện tình được viết rất khéo, lôi cuốn, lồng vào bối cảnh lịch sử ít người, nhất là giới trẻ cả trong và ngoài nước, để ý. Nói về sức lôi cuốn của câu chuyện, tôi xin đan cử một thí dụ cá nhân: Đã có đôi lúc tôi “bắt gặp” chính tôi đứng về “phe bên kia” mà đại diện là ông bố đặc sứ của chính quyền thực dân Pháp của cô Giang, trước những mánh khoé quỷ quyệt của nhân vật Thượng Thư Bộ Lễ nhằm kết tội Tâm, rồi việc nhân vật xã trưởng tìm mọi cách để kết tội Tâm đã phổ biến “tài liệu” của “tà giáo”, tức đạo Thiên Chúa, mà thực ra chỉ là những đoạn thơ Kiều hoặc Chinh Phụ Ngâm viết bằng chữ Quốc ngữ mà ông ta không đọc được. Đan cử thí dụ đó, tôi nghĩ tới sự khéo léo của tác giả đã lôi cuốn và tạo được phản ứng thuận lợi nơi người đọc – tóm lại, tôi đã có lúc thầm mong hai nhân vật chính sẽ “thắng thế”.

NTH: Tôi chọn viết bằng tiếng Anh vì tôi muốn cho những đứa trẻ như con cháu tôi, sinh ra hoặc sinh trưởng ở bên này, đọc được. Chúng nó chỉ biết tiếng Việt rất là sơ khởi, và không thể nào đọc và hiểu “Thầy Giáo Làng” nếu tôi đã viết bằng tiếng Việt. Đó là chưa kể đến những danh từ chuyên môn về thi cử thời xưa mà ngay cả người Việt trong nước bây giờ cũng ít người thấu triệt. Trong các bạn bè ngoại quốc của tôi chỉ có một người đọc được tiếng Việt, nhưng cùng ở một trình độ rất sơ đẳng.
Hiện nay tôi không dự định dịch “Thầy Giáo Làng” ra Việt ngữ, nhưng nếu có ai muốn làm việc đó tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

TD: Thường các tác giả không tự xuất bản lấy cuốn sách đầu tay. Tại sao anh chọn tự xuất bản lấy? Anh đã gặp những trở ngại nào? Và tại sao anh ký tên là Neihnt, thay vì tên thật hoặc một bút hiệu nào cho dễ đọc?

NTH: Tôi không phải là tác giả chuyên nghiệp và không quen biết ai trong ngành xuất bản. Bởi vậy tôi đã chọn tự xuất bản vì không muốn tốn quá nhiều thời giờ để kiếm một nhà xuất bản và chờ họ duyệt sách trước khi chấp thuận cho in. Tôi nghĩ rằng quyển “Thầy Giáo Làng” chỉ có một giới độc giả giới hạn, và các nhà xuất bản bên này sẽ không chịu in ra thành sách nếu thật sự như vậy. Có thể tôi sai, nhưng cho tới bây giờ con đường tự xuất bản đối với tôi là thực tiễn nhất.
Tên neihtn từ địa chỉ email của tôi trong yahoo. Lúc tôi gia nhập yahoo, có nhiều người tên là Hiền, họ Nguyễn. Tìm mãi cách để phân biệt email cua mình, tôi mới có sáng kiến là viết ngược lại tên. Từ đó tôi thường dùng neihtn, thành thói quen. Nhưng chắc quyển sách sau tôi sẽ để tên thật.

TD: Trọng tâm của “Thầy Giáo Làng” là câu chuyện tình giữa thầy giáo Tâm và Giang, cô gái lai Việt Pháp, con ông đặc sứ người Pháp có gốc Hải quân và thông thạo tiếng Việt, nói giọng Huế. Giang không những nói cả hai ngôn ngữ Pháp và Việt, lại còn thông thạo chữ Quốc ngữ. Chính Giang là người dậy Tâm viết và đọc chữ Quốc ngữ, sau lại dậy thêm tiếng Pháp, tất cả diễn ra trong thời gian Tâm chờ nghe kết quả của kỳ thi Đình tại Huế. Nhân vật Tâm làm gợi nhớ tới một số những nhân vật của thuở giao thời giữa hai nền học vấn cũ và mới của cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nổi bật nhất trong đầu tôi là chính tác giả “Lều Chõng”, nhà nho, nhà văn và nhà báo Ngô Tất Tố. Ông Ngô Tất Tố và cả cuốn “Lều Chõng” đã ảnh hưởng tới anh ra sao? Tâm có phải là thoát thai từ nhân vật văn học Ngô Tất Tố, một nhà thâm nho đã mở rộng tay đón lấy cái học mới, thông thạo Pháp ngữ và cùng với nhiều người đương thời đã giúp phổ biến chữ Quốc ngữ qua nghề viết báo và sách?

NTH: Mặc dầu tôi đã đọc “Lều Chõng” hai lần, lần đầu ở bên nhà khi còn đang đi học, lần thứ nhì ở bên này cách đây chừng 10, 15 năm, tôi thật sự không biết nhiều về tác giả Ngô Tất Tố.
Đối với tôi, nhân vật Tâm trong “Thầy Giáo Làng” tượng trưng cho những nhà Nho học vào cuối triều Nguyễn đã sáng suốt nhận định rõ những nguyên do căn bản đưa đến sự sụp đổ của cả một thể chế trước áp lực của Tây phương. Nhưng tiếc thay những người ấy đã không được trọng dụng mà có lúc lại bị bức áp bởi triều đình và chế độ quan lại.

TD: Thế còn nhân vật nữ Giang? Xã hội Việt nói chung vốn có thành kiến với con lai, xưa nhiều hơn là nay, đã hẳn. Theo sự hiểu biết của tôi, có thể là còn thiếu xót, lần đầu tiên một cô gái lai đóng vai nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết viết về Việt Nam. Cô ta được hình thành từ đâu?

NTH: Giang, một nhân vật hoàn toàn do tôi tưởng tượng, đã có ý chí thoát khỏi những gò bó, thành kiến và sự đánh giá quá thấp của người đàn bà trong xã hội Việt Nam trước đây. Đó là chưa kể việc xã hội ta thường hay khinh miệt những đứa con lai.
Những hành động công khai và quyết định thoát khỏi gia đình của Giang có lẽ quá khác thường so với thời đó. Có người đã nói với tôi rằng "con gái nhà lành" không ai hành động như vậy! Nhưng tôi nghĩ rằng giòng máu Pháp và ảnh hưởng của người cha đã giải thích phần nào nguồn nghị lực của Giang.

TD: Tựu trung, có thể nói “Thầy Giáo Làng” gói ghém trong đó một trường hợp của giai đọan đầu của lịch sử chữ Quốc ngữ, loại chữ mà bao nhiêu thế hệ Việt đã xử dụng một cách mặc nhiên – xin dịch tạm từ chữ “take it for granted” — và ít ai để ý tới xuất xứ cũng như hành trình nó đã trải qua. Đoạn sau đây, rất cô đọng song đầy đủ, rút ra từ Tự điển Bách khoa Online Wikipedia, xin chép lại ở đây:
“Sang thế kỷ 20 thì chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Năm 1915 thì kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ mặc cho sự chống đối của giới sĩ phu. Ở Trung Kỳ thì đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28 tháng 12, 1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế. Chữ Quốc ngữ từ đó trở thành phương tiện diễn đạt duy nhất của người Việt trong khi địa vị Chữ Nho và chữ Nôm càng mờ nhạt tuy chưa mất hẳn nhưng lui dần vào quá khứ.
“Trong khi đó cũng có thành phần theo Nho học nhưng hiểu được giá trị của chữ Quốc ngữ và cổ động việc thâu nhận chữ Quốc ngữ như là một cách nâng cao trình độ kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và huy động động lực phản kháng của người Việt trước quyền lực của thực dân Pháp. Trong đó có nhóm Đông Kinh nghĩa thục. Việc theo học chữ Quốc ngữ theo đó thì không chỉ là phương tiện đọc và viết mà còn hàm ý vận động chính trị và vận mệnh dân tộc.
“Chữ Quốc ngữ qua những tác phẩm biên khảo, phóng sự, bình luận, du ký của những Nam Phong Tạp chí, Đông Dương Tạp chí, cùng một loạt tiểu thuyết và thơ mới của nhóm Tự lực Văn đoàn với tư tưởng mới, phong cách mới cũng và nhiều tác giả khác đã chứng minh chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ làm văn tự của người Việt để rồi sau năm 1945 các chính quyền kế thừa đều công nhận lối chữ này.”
Anh có đang, qua “Thầy Giáo Làng”, truyền đạt tới độc giả một thông điệp nào?

NTH: Đọc xong “Thầy Giáo Làng”, tôi hy vọng độc giả, ngoài sự hiểu biết thêm một số dữ kiện lịch sử, còn đồng ý rằng nước ta và dân tộc ta không thể tiến mạnh nếu chúng ta không chịu nhìn thực tế và cứ cố bám víu vào những tư tưởng hoặc chủ nghĩa đã lỗi thời và có hại cho tương lai đất nước. Cuối thế kỷ 19, chế độ thi cử, hệ thống quan liêu, một giới lãnh đạo mù quáng đặt quyền lợi cá nhân trên hết, sự kỳ thị tôn giáo, đó là những nguyên do đem nước ta cho người Pháp đô hộ. Sang thế kỷ 21, liệu sự kiện lịch sử đó sẽ tái diễn với một cường quốc khác chăng?

TD: Ở bên trên anh có nói tới việc viết cuốn truyện này để những người trẻ Việt lớn lên ở hải ngoại có dịp biết về một giai đọan lịch sử đã qua của Việt Nam mà ít người đề cập đến một cách chi tiết. Anh đã có những nỗ lực nào để đem cuốn sách tới họ?

NTH: Sau khi xuất bản "Village Teacher" qua Amazon, tôi đã không có khả năng hay kinh nghiệm để tìm cách phổ biến trong giới trẻ Việt ở hải ngoại, hoặc trong bất cứ giới nào khác.
Do đó ít ai biết đến sách, mặc dầu có một số đáng kể độc giả, Việt lẫn ngoại quốc, đã viết những lời phê bình rất tốt trên Amazon. Vợ của cháu tôi là một người Mỹ. Cô ta cho tôi biết đã thức khuya hai hôm liền, mặc dầu có con nhỏ, để đọc cho xong: "Chú Hiền, I could not put your book down."

TD: Được biết anh vừa nghỉ hưu. Xin có lời chúc mừng từ nay anh sẽ có những ngày giờ của riêng mình. Xin anh cho biết có những dự tinh sáng tác tương lai nào?

NTH: Từ ngày về hưu cách đây ba tuần tôi đã phải dọn dẹp văn phòng ở nhà và làm một số giấy tờ lặt vặt cho nên đến nay vẫn chưa bắt đầu viết sách như dự định. Tôi có nghĩ đến một số đề tài nhưng chưa biết sẽ chọn cái nào.

TD: Xin cám ơn anh Hiền đã bỏ thì giờ ra trả lời những thắc mắc của tôi, một người đã đọc cuốn “Thầy Giáo Làng” với tất cả thích thú.

NTH: Cám ơn chị đã đọc “Thầy Giáo Làng” và có những lời phê bình khích lệ.

Chú thích:

(*) Thơ Trần Tế Xương, 1870-1907. Nguyên văn bài thơ tựa là “Cái học nhà Nho”:
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi .
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi .
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ ?
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi.

HÌNH ẢNH:

Hình bìa của “Village Teacher”, tác giả tự xuất bản 2012. Hiện có bán trên Amazon.com.

Tác giả Nguyễn Trọng Hỉền, 2014.

Cổng thành Huế, cuối thế kỷ 19 (Ảnh tác giả cung cấp; có thể xem thêm tại http://belleindochine.free.fr/AmbassadeAHue.htm)

Hải cảng Đà Nẵng, tên cũ là Tourane, 1894 (Ảnh tác giả cung cấp; xem thêm tại http://belleindochine.free.fr/Tourane.htm)

----------------------------

bài đã đăng của Trùng Dương






No comments:

Post a Comment

View My Stats