Nguyễn Khiêm
Jan 16, 2015
Hồi sinh viên mới sang Pháp, một lần tình cờ thấy một tờ
Charlie Hebdo (Charlie hàng tuần) ai đó bỏ lại trên tàu điện ngầm. Đó là lần đầu
tiên mình biết đến tờ tuần báo chuyên về biếm họa này.
Đập ngay vào mắt là hình vẽ một người đàn ông khỏa thân, hậu
môn tóe máu vì bị cưỡng hiếp. Không nhớ rõ là câu chuyện như thế nào, nhưng
riêng hình ảnh đó đã làm mình cảm thấy tởm lợm. Từ đó mình coi tờ báo này là một
thứ cặn bã văn hóa và không quan tâm đến nữa.
Năm 2011, mình hoàn toàn dửng dưng khi biết trụ sở của tờ
báo bị đốt trụi bằng bom xăng trong đêm trước ngày ra một số báo có đăng một loạt
ảnh châm biếm Mohamed. Chỉ thấy đó một kết cục hợp lý cho bọn rỗi hơi chuyên đi
châm chọc người khác bằng những hình ảnh thô thiển.
Đầu năm 2015, đang làm việc thì biết tin một số phần tử hồi
giáo cực đoan xông vào tòa soạn giết chết 12 người. Lần này thì to chuyện rồi,
nhưng cũng không hoàn toàn bất ngờ. Những cuộc chiến ở Syria, Iraq, Afghanistan
đã tạo ra rất nhiều chiến binh thánh chiến tử vì đạo. Bọn này đã nhiều lần đe dọa
sẽ tấn công nước Pháp. Charlie Hebdo, sau vài lần bị dằn mặt nhưng vẫn tiếp tục
khiêu khích, có vẻ như đã tự biến mình thành một trong những mục tiêu ưu tiên
hàng đầu cho khủng bố. Kết cục thật bi thảm, nhưng dường như có thể đoán trước
được.
Điều mình không thể đoán trước được, đó là phản ứng của người
Pháp.
Trên Twitter suốt cả ngày hôm đó, các chính trị gia liên tục
chia buồn và bày tỏ cảm xúc bằng những từ vựng mà mình chưa bao giờ từng nghe.
Lãnh đạo các đảng phái, từ hữu sang tả, thường ngày chửi
nhau như ngóe, hôm nay đứng cạnh nhau để kêu gọi đoàn kết toàn dân trước mối đe
dọa của chủ nghĩa khủng bố. Mình đã thật sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh cựu
tổng thống Sarkozy đến điện Élysée gặp tổng thống Hollande để bàn về những hành
động tiếp theo. Hai nhân vật chỉ mới vài năm trước vẫn còn là tử thù chính trị
của nhau.
Và đêm hôm đó, trong bầu không khí hoang mang căng thẳng (vì
chưa bắt được hung thủ và vì những vụ tấn công khác, lần này có thể bằng bom, vẫn
hoàn toàn có thể xảy ra) hàng vạn người đã đổ ra đường trong tất cả các thành
phố lớn để tưởng niệm các nạn nhân. Họ thắp nến và cầm theo dòng chữ “Je suis
Charlie” – Tôi là Charlie.
Đã có lúc mình tự hỏi, phản ứng như thế liệu có hơi thái quá
chăng?
Tấn công khủng bố ở Paris, 12 người chết và vài người bị
thương!
Kể ra thì có đáng gì với những vụ khủng bố trước đó. Luân
Đôn năm 2005 : 56 người chết, 700 bị thương. Madrid năm 2004 : 191 người chết,
2000 bị thương. New York 2001: 3000 người chết, 6000 bị thương.
Ok, những người chết trong các vụ trước đó chỉ là dân thường.
Còn ở Paris là các nhà báo. Nhưng nhà báo thì đã sao? Cũng chỉ là nhân viên của
một tờ báo nhảm nhí, số lượng phát hành hàng tuần chưa tới 50 ngàn tờ. Để so
sánh, những tờ nhật báo lớn, số lượng phát hành hàng ngày đã gấp 10 lần con số
đó. Còn trong số hàng trăm tờ tuần báo ở Pháp, 30 tờ có số lượng phát hành hàng
tuần lớn hơn 1 triệu bản, nghĩa là gấp 20 lần Charlie Hebdo.
Đưa ra những con số để thấy Charlie Hebdo là một tờ báo nhỏ,
rất ít độc giả. Thậm chí trong những năm 1980 tờ báo có ít độc giả đến nỗi phải
đóng cửa suốt gần 10 năm liền. Tóm lại là dân Pháp chả mấy ai thèm đọc. Vậy mà
đến khi người ta bị bắn chết lại đổ ra đường vỗ ngực xưng “Tôi là Charlie”. Rốt
cuộc, câu đó nghĩa là gì?
Dần dần mình cũng hiểu ra ý nghĩa của câu đó, và hoàn toàn
thay đổi cách nhìn đối với Charlie Hebdo.
Tuy những vụ ầm ĩ nhất là những vụ liên quan đến Hồi giáo,
nhưng thật ra Charlie Hebdo châm biếm đả kích vào tất cả mọi thứ, từ những vấn
đề trong thời sự hàng ngày cho đến chính trị và tôn giáo.
Về chính trị, họ có thể đả kích tất cả các đảng phái, tất cả
các chính trị gia. Chính điều đó đã khiến tờ báo bị chính quyền đình bản nhiều
lần. Sau mỗi lần họ đều tìm cách trở lại, và còn lợi hại hơn xưa.
Tương tự, họ cũng có thể châm biếm tất cả các tôn giáo,
trong đó nặng nề nhất là Thiên Chúa giáo. Những châm biếm đối với Hồi giáo chỉ
là một phần rất nhỏ trong các hoạt động của tờ báo, hơn nữa họ chỉ nhắm đến Hồi
giáo cực đoan và khủng bố chứ không phải là đạo Hồi nói chung.
Những cây bút của tờ báo, điển hình là giám đốc xuất bản
Stéphane Charbonnier (bút danh Charb), được biết đến như những người không theo
khuynh hướng chính trị nào, không có đức tin nào, không có thần tượng nào. Họ
hoàn toàn không có ràng buộc nào về mặt tư tưởng. Hoàn toàn tự do. Chính cái tự
do đó là điều họ muốn bảo vệ.
Thật ra, tự do ngôn luận không giới hạn chưa bao giờ tồn tại.
Trong tất cả các hình thái nhà nước, giới cầm quyền luôn đưa ra những điều luật
để giới hạn cái tự do nó lại. Chẳng hạn ở Pháp, nước tiên phong về tự do ngôn
luận, bạn không được quyền nói những điều kích động hận thù sắc tộc, tuyên truyền
khủng bố, phủ nhận diệt chủng, không được vu khống, lăng mạ người khác, etc.
Nói chung tự do ngôn luận ở bất kỳ đâu cũng đều bị giới hạn, chỉ khác nhau ở chỗ
bị giới hạn ít hay nhiều thôi.
Bây giờ nếu tưởng tượng ở một nước nào đó, tự do ngôn luận
là một vòng tròn, bạn chỉ có thể nói những điều ở bên trong vòng tròn và không
được ra ngoài, nếu cố tình bước ra ngoài sẽ bị trừng phạt : tiền, tù, hoặc bắn
bỏ. Tuy rằng chỉ khi bước ra ngoài mới bị trừng phạt, nhưng vì đường phân cách
đôi lúc không rõ ràng, nên để cho chắc ăn, phần lớn sẽ rút sâu vào bên trong
vòng tròn : nói những điều vô thưởng vô phạt, không đụng chạm gì đến ai. Chỉ một
số ít người có đủ dũng cảm để tiến sát đến đường biên giới, thậm chỉ thỉnh thoảng
thò một chân ra ngoài.
Charlie Hebdo chính là những người như thế. Họ sống thường trực
ở biên giới của đường tròn tự do ngôn luận. Chính vì thế trong suốt quá trình tồn
tại, họ phải đối mặt với vô số áp lực, vô số vụ kiện. Và cũng vì thế mà họ được
coi như một thứ hàn thử biểu của tự do ngôn luận ở Pháp.
May mắn là trong phần lớn các vụ kiện, họ đều thắng. Mỗi lần
như vậy, chiến thắng không chỉ của riêng họ mà là của tự do ngôn luận trên cả
nước Pháp.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp hơn với Hồi giáo cực
đoan. Với bọn này thì không có luật lệ hay kiện cáo gì cả. Vụ phá hoại trụ sở
năm 2011 là một lời cảnh cáo. Tờ báo đứng trước hai lựa chọn, hoặc là thôi
không vẽ hình Mohamed nữa. Hoặc là tiếp tục.
Nếu chọn con đường thứ nhất, họ sẽ được an toàn trong thế giới
văn minh, đồng thời hoạt động của họ cũng không bị ảnh hưởng gì vì đó chỉ là một
chủ đề nhỏ, hơn nữa không vẽ Mohamed thì họ vẫn có cách khác để công kích Hồi
giáo cực đoan.
Nhưng họ đã chọn con đường thứ hai. Ngay ngày hôm sau họ
đăng một loạt ảnh Mohamed. Charb nói “Nói ra nghe có vẻ đao to búa lớn chứ tôi
thà chết đứng còn hơn là phải sống quỳ”. Anh bị liệt vào danh sách kẻ thù đạo Hồi
của Al-Qaida và bị dọa giết hầu như mỗi ngày.
Mohamed hết chịu nổi bọn cực
đoan. Thật là khổ sở khi bị bọn dở hơi hâm mộ.
Trước những đe dọa đó, họ vẫn tiếp tục hoạt động ở vùng rìa
đường tròn. Tiếp tục nói những điều hợp pháp nhưng không ai khác dám nói và thỉnh
thoảng lại đăng hình Mohamed.
Ngày 7 tháng 1 năm 2015, Charb bị giết bằng AK47, cùng 4 họa
sĩ khác khi đang họp để chọn bài đăng báo.
Những người sống sót quyết định sẽ tiếp tục đi theo con đường
đã chọn.
Chỉ có điều lần này họ sẽ không còn đơn độc. Họ có sau lưng
tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các chính trị gia (những người thường
xuyên bị họ công kích), cùng hàng triệu người dân Pháp ủng hộ. Đó chính là ý
nghĩa của câu “Tôi là Charlie”.
“Tôi là Charlie” nên tôi yêu tự do và tôi quyết tâm bảo vệ tự
do của mình. “Tôi là Charlie” nên muốn giết chết Charlie, phải bước qua xác của
tôi.
Đến đây thì câu hỏi “tại sao những người trước đây vốn chẳng
đếm xỉa gì đến Charlie Hebdo bây giờ lại xuống đường ủng hộ” có lẽ cũng được trả
lời luôn rồi. Có thể bạn cũng thấy bóng dáng Voltaire và câu nói “Tôi chả quan
tâm anh nói cái gì, nhưng tôi sẽ dùng cả mạng sống của mình để bảo vệ quyền được
nói của anh.” Thật ra thì đây là một sự nhầm lẫn, Voltaire chưa bao giờ viết
câu này. Nhưng rõ ràng là không cần đến Voltaire, bất kỳ ai yêu tự do cũng đều
hiểu rằng tự do là một giá trị chung của tất cả mọi người, tự do của anh cũng
chính là tự do của tôi, người ta đe dọa tự do của anh tức là cũng đang đe dọa
tôi, do đó cho dù không quan tâm anh nói cái gì tôi vẫn phải bảo vệ tự do của
anh.
Truyền thông nước ngoài khi đưa tin vụ Charlie Hebdo nhiều
khi quá chú trọng vào khía cạnh hồi hộp, giật gân, những màn bắn súng rượt đuổi
bao vây, etc. Nếu chỉ chú trọng vào những tình tiết gay cấn đó thì hẳn là sẽ
khó giải thích được tại sao một tờ báo “nhảm nhí” như Charlie Hebdo lại có thể
gắn kết tất cả người Pháp lại với nhau như vậy.
No comments:
Post a Comment