Sunday, 18 January 2015

Các ông trùm gây tội ác với đồng loại như thế nào? (Lê Anh Hùng)





18.01.2015

Từ thế giới tội phạm…

Năm Cam là một ông trùm khét tiếng trong thế giới ngầm ở Việt Nam những năm 1990 và đầu những năm 2000. Vụ triệt hạ băng nhóm tội phạm này năm 2001 từng gây chấn động dư luận Việt Nam một thời. Thậm chí đến tận bây giờ, nhiều sự thật liên quan đến vụ án này vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, và một số “người hùng” khi xưa nay lại đang dính vào vòng lao lý.

Chuyên án đặc biệt này bắt đầu bằng vụ điều tra cái chết của Dung Hà, một nữ trùm băng đảng người Hải Phòng. Dung Hà bị thuộc hạ thân tín của Năm Cam là Hải Bánh sai hai tên đàn em hạ sát bằng súng. Theo lời khai của Hải Bánh thì lý do khiến y sai đàn em ra tay với Dung Hà là theo “ý kiến chỉ đạo” của Năm Cam.

Vậy Năm Cam đã “chỉ đạo” Hải Bánh thế nào mà anh ta lại có thể điềm nhiên tước đoạt mạng sống của người khác như thế? Xin thưa, Năm Cam chỉ nói mỗi một câu bâng quơ: “Anh không muốn thấy mặt Dung Hà” (!!!).

Là một người theo phò Năm Cam lâu năm, Hải Bánh hiểu rất rõ ẩn ý của câu nói đó. Và chỉ vài ngày sau, tiếng súng đã vang lên, Dung Hà gục chết tại chỗ.
Tuy nhiên, theo những người từng tiếp xúc với Năm Cam, không chỉ vụ ra lệnh xử Dung Hà mà tất cả các vụ khác đều được ông trùm này sử dụng "mật lệnh" là chủ yếu.
Điển hình là vụ Năm Cam chỉ đạo đàn em đốt quán ăn của một đối thủ ở quận 3 vào thập niên 1990. Hôm đó, Năm Cam cùng một số đàn em vào quán này để ăn nhậu. Tại đây, Năm Cam nhờ phục vụ gọi chủ quán ra nói chuyện nhưng anh này từ chối ngồi chung.
Đến cuối buổi, người này xuất hiện chào xã giao. Sau cái bắt tay, Năm Cam mở lời: "Anh Năm chúc chú em làm ăn ngày càng phát đạt". Hôm sau, quán này bốc cháy!
Không chỉ bằng câu nói, Năm Cam còn sử dụng hành động để truyền "mật lệnh" cho đàn em.
Điển hình nhất là sử dụng khăn mặt.
Một khi không hài lòng ai, ông trùm này cuộn chiếc khăn lại, ném nhẹ trước mặt đối thủ.
Chỉ trong vòng vài phút sau khi Năm Cam rời đi, người bị ném khăn chắc chắn sẽ "no đòn".

Việc Năm Cam chỉ ngấm ngầm chỉ đạo mà không ra mệnh lệnh rõ ràng cho đàn em xem ra nhằm hai mục đích chủ yếu: (i) không để lại bất kỳ manh mối nào về sự liên can của bản thân đến tội ác do mình chủ mưu, và (ii) thể hiện uy quyền và tư thế của một ông trùm đối với đám đàn em và nạn nhân.

Mục đích thứ nhất thì đã quá rõ ràng: Một khi đã leo lên đến đỉnh cao quyền lực trong một môi trường sắt máu và đầy thủ đoạn lọc lừa như thế giới ngầm, Năm Cam có thừa sự lọc lõi, mưu mô, xảo quyệt để hiểu mình cần phải làm gì hầu đảm bảo cho sự an toàn của bản thân.

Mục đích thứ hai gắn liền với “nghệ thuật” hành xử với quyền lực mà thứ “nghệ thuật” này thì Năm Cam cũng không thiếu: Vị thế ông trùm sẽ tăng lên gấp bội trong mắt kẻ khác khi mà chỉ cần một lời nói hay cử chỉ (tưởng như) bâng quơ nào đấy của ông ta cũng đủ để ý chí của ông ta được thực thi ngay lập tức.

Là một ông trùm điển hình của thế giới tội phạm, nên tính cách và lối hành xử của Năm Cam cũng mang những nét đặc trưng của những kẻ ở đỉnh cao quyền lực trong môi trường đặc thù ấy. Trong thế giới đó, mỗi cái quắc mắt hay thậm chí sự im lặng của ông trùm cũng hàm chứa một mệnh lệnh mà đám tay chân thân tín đều hiểu mình cần phải làm gì để “hiện thực hoá” ý chí tội ác của ông ta.

Phần còn lại của trò chơi này là “nghệ thuật” dành cho đám thuộc hạ: Nếu không hiểu được mệnh lệnh hay ý muốn của “sếp” thì cho dù có trung thành và giỏi giang đến mấy đi chăng nữa, những đệ tử như Hải Bánh cũng không xứng đáng được xếp vào loại đàn em thân tín của ông trùm Năm Cam hay bất cứ ông trùm nào khác.

…đến thế giới chính trị

Thế giới tội phạm ở các quốc gia nói chung và thế giới chính trị ở các chính thể độc tài nói riêng cùng chia sẻ đặc điểm cốt yếu: sự tồn tại của chúng dựa trên sự cướp đoạt các quyền con người và quyền dân sự chính đáng của người dân.

Giống như trong thế giới tội phạm, mỗi khi âm mưu gieo rắc tội ác, các “ông trùm” trong thế giới chính trị cũng hiếm khi ra những mệnh lệnh cụ thể, rành mạch cho đám thuộc hạ trung thành và mẫn cán của mình. Điều khác biệt đáng kể nhất ở đây là tội ác mà các ông trùm chính trị gây ra cho đồng loại thì còn vượt xa hơn rất nhiều so với những gì mà các “đồng nghiệp” trong thế giới tội phạm của họ có thể làm được.

Nếu không có những “áng văn bất hủ” kiểu như “Địa chủ ác ghê” của C.B. (một bút danh của “Bác Hồ”) hay những chỉ đạo ngấm ngầm khác của “ông trùm” Hồ Chí Minh thì sẽ không có những vần thơ của quỷ Sa-tăng như

 Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt”

của Tố Hữu, để rồi tiếp theo đó là màn diệt chủng “long trời lời đất” mang tên “Cải cách Ruộng đất” những năm 1953-1956, một thảm hoạ có lẽ là lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Nếu thiếu sự khích lệ ngấm ngầm hay thái độ im lặng đồng loã của “ông trùm” Hồ Chí Minh thì sẽ không có chiến dịch đàn áp khốc liệt nhằm vào giới trí thức mang tên “Nhân Văn – Giai Phẩm” những năm 1955-1958.

Tương tự, nếu không có những chỉ thị chung chung của “ông trùm” Nguyễn Tấn Dũng cho lực lượng công an như “không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước” thì sẽ không có những màn trấn áp ngày càng khốc liệt và đê hèn nhằm vào bao người con ưu tú của đất nước dám cất lên tiếng nói đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam nhiều năm qua.

Nếu thiếu những chỉ đạo ngấm ngầm hay thái độ im lặng đồng loã của “ông trùm” Nguyễn Tấn Dũng thì chắc chắn sẽ không có chuyện chính phủ Việt Nam như thể đang hai tay “dâng” nền kinh tế nước nhà cho Trung Quốc; không có chuyện những vị trí hiểm yếu về an ninh – quốc phòng của Việt Nam lần lượt bị Trung Quốc khống chế dưới các dự án kinh tế trá hình như dự án thuê đất rừng đầu nguồn ở một số tỉnh, dự án Formosa ở Vũng Áng hay hai dự án du lịch trên đèo Hải Vân, v.v., bởi tất cả đều nằm trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ Việt Nam kể từ năm 2006 đến nay.

Cũng vậy, nếu thiếu sự im lặng đồng loã của những ông trùm chính trị chịu trách nhiệm cao nhất trong bộ máy thì đã không có bao cái chết oan uổng của người dân tại đồn công an suốt nhiều năm qua, chưa kể vô số bản án oan sai ngút trời mà người dân Việt Nam đã và đang phải chịu đựng.

Đến một lúc nào đó, các ông trùm chính trị ở Việt Nam hiện nay không thể điềm nhiên phủi tay mà rằng: “Tôi không ra quyết định nào sai!”

Lưới trời lồng lộng…

Sự vận hành của xã hội loài người tuân theo những quy luật khác nhau. Một trong những quy luật phổ biến nhất và có sức mạnh chi phối lớn nhất đến cách hành xử của từng cá nhân nói riêng và sự vận hành của xã hội nói chung chính là luật nhân quả.

Cả văn hoá phương Đông lẫn phương Tây đều có nhiều thành ngữ, tục ngữ thể hiện nội dung của luật nhân quả như: “Gieo gió, gặt bão”; “Ở hiền gặp lành”; “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”; “Ác giả ác báo”; “Ngày xưa quả báo thì chầy / Ngày nay quả báo thấy ngay nhãn tiền”, v.v.

Bất kể trong thế giới tội phạm hay thế giới chính trị, không một ông trùm nào từng gây tội ác với đồng loại lại có thể tránh khỏi sự chi phối của cái quy luật phổ biến và công bằng kia cả. Chẳng chóng thì chầy, không hình thức này thì hình thức khác.

Ông trùm Năm Cam đã phải trả một cái giá tương xứng với tội ác mà ông ta từng gây ra cho đồng loại, ngang với mức án dành cho những kẻ thực thi ý chí của ông ta, cho dù bằng cớ cho tội ác đó chỉ là một câu nói tưởng như bâng quơ với một đệ tử thân tín.

Đến một lúc nào đấy, những ông trùm chính trị vẫn đang ngày đêm gieo rắc tội ác cho chính dân tộc đã sinh thành và nuôi dưỡng họ ở Việt Nam hiện nay không thể tiếp tục điềm nhiên phủi tay mà rằng: “Tôi không ra quyết định nào sai!

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment

View My Stats