Saturday, 10 January 2015

Bức tranh kinh tế - đối sách của Nga (Việt Long - RFA)





Việt Long - RFA
2015-01-08

Bức tranh kinh tế trong màu giếng dầu

Bước sang năm mới hầu hết các nển kinh tế trên thế giới đều được dự đoán sẽ chậm phát triển hoặc suy thoái, vì nhiều lý do, trong khi giá dầu tiếp tục hạ và không có triển vọng đứng giá trong năm nay.

Thiệt thòi nhất vẫn là Nga và những nước đang phát triển dựa vào dầu thô làm nguồn thu nhập chủ yếu hay nguồn thu chính cho nền kinh tế. Tại Hoa Kỳ giá chứng khoán Dow Jones mất 461 điểm sau hai ngày thứ hai, thứ ba. Qua sáng thứ năm mới hồi phục lại được số điểm đã mất. Châu Âu rơi vào giảm phát, tiền Euro mất giá. Bức tranh kinh tế thế giới sẽ mang màu sắc nào?

Từ ngày thứ tư khi Dow Jones mới lấy lại được 130 điểm giới chuyên môn đã dự đoán thị trường New York sẽ hồi phục nhanh chóng và hồi phục mạnh.  Do đó thị trường này khi mất giá không phải vì giá dầu thô xuống dốc mà còn vì nhiều yếu tố khác, như tình  hình kinh tế châu Âu, gây ảnh hưởng khá mạnh. Tóm lại giá dầu xuống dốc liên tục tuy có tạm thời gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế ở một số quốc gia nhưng làm lợi cho những nước có nhu cầu nhiên liệu rất cao, đặc biệt là vùng Đông Á- Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc. Giá dầu thô không phải là yếu tố chính và lâu dài khiến kinh tế trì trệ, mà còn nhiều yếu tố khác gây ảnh hưởng mạnh hơn.

Kỳ thảo luận bàn tròn về thời sự thế giới hôm 17 tháng 12 có nói giá dầu xuống đã gây đình trệ sản xuất cho ngành sản xuất dầu đá phiến ở nội địa Hoa Kỳ, gây thất nghiệp cùng một số hệ quả tương quan. Tuy nhiên giá xăng giảm lại giúp dân Mỹ bớt được tiền xăng, là một trong những mối tiêu thụ quan trọng trong kinh tế gia đình.  Họ sẽ dùng khoản tiết kiệm bất ngờ đó để tăng mức tiêu thụ vào những mối cần thiết khác, và kinh tế Mỹ hễ tiêu thụ gia tăng là lại có thêm động lực phát triển. Thêm vào đó nhiên liệu rẻ tất nhiên cũng đem lại lợi nhuận gấp bội cho những ngành giao thông vận tải và các ngành sản xuất cũng như các ngành thương mại tại Hoa Kỳ, giảm giá thành, tăng mức bán.

Tuy nhiên nếu giá dầu tiếp tục giảm xuống nữa, giả dụ xuống dưới 45 đô la một thùng, thì điều gì sẽ xảy tới?

Lúc sáng thứ tư hãng truyền thông Bloomberg đã có câu trả lời. Biểu đồ của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Ecomomics đăng trên Bloomberg cho thấy năm nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế sụt giảm nặng nhất so với mức tăng trưởng khi gía dầu 84 đô la  một thùng, là Á Rập Saudi , Liên Bang Nga, Các Tiểu Vương quốc Á Rập Thống nhất, Na Uy và Malaysia, trong khi 5 quốc gia đạt được đà tăng trưởng mạnh nhất, theo thứ tự là Philippines, Cộng hòa Slovak, Nam Phi, Thái Lan và Hồng Kông. Trung Quốc đứng hạng 9, Hoa Kỳ hạng 12 về tăng trưởng kinh tế. Xin nhắc, đó là tỉ lệ tăng trưởng khi giá dầu còn 40 đô la một thùng, so với lúc giá dầu ở mức 84 đô la  một thùng. Đây không phải mức tăng trưởng hằng tháng hay hằng năm.

Đối sách của Putin

Tạm cho giả thuyết này đúng, thì Á Rập Saudi có thể vẫn chịu đựng được với trữ lượng ngoại tệ bảy tám trăm tỉ đô la, và là xứ đầu tàu sản xuất dầu mà chủ trương hạ giá dầu và còn nói có thể kềm mức sản xuất để giữ giá hạ trong một hai năm nữa. Nhưng nước Nga đang lâm vào khốn đốn, cũng như Venezuela  và Iran, làm sao chống đỡ?

Trong tình cảnh đồng Rúp lao dốc hơn nửa giá trị so với đô la, thu nhập cùng ngân sách của Nga chạy đi chơi chỗ khác mất hơn một nửa, giới chính trị quốc tế dự đoán Nga sẽ phải khuất phục trước những đòn kinh tế chính trị của phương Tây; nhưng ngược lại, thực tế trong năm qua cho thấy Moskva đã chiếm được một số thành quả đáng kể về chính trị và ngoại giao, để có thể xoay sở và sống còn trên mọi lãnh vực.

Tổng thống Putin mở chiến dịch ngoại giao, chính trị, kinh tế nhắm vào những nước có vẻ như là đối thủ của Hoa Kỳ và phương Tây về kinh tế, chính trị và an ninh, để mở mối dây quan hệ hầu tránh bị bao vây bởi một bức màn sắt kiểu mới, dựng lên từ bên ngoài.

Trước hết và quan trọng nhất đối với Nga là quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Kế đó là Iran, rồi tới Bắc Hàn, và mới mẻ hơn nữa là Pakistan, nhưng quan trọng nhất là việc Moskva gây dựng quan hệ chiến lược với một quốc gia NATO, Thổ Nhĩ Kỳ!

Liệu chiến lược này của Tổng thống Putin có đem lại thành công hay không?

Quan hệ với Trung Quốc thì đã được thành tựu với hiệp ước 400 tỉ đô la  để cung cấp năng lượng cho Trung Quốc trong 30 năm tới, cùng với nhiều thỏa thuận quan trọng khác. Với Iran, Nga thiết lập mối liên kết mật thiết về kinh tế, tài chính, an ninh, năng lượng, mà vẫn giữ quy định của Liên Hiệp Quốc hạn chế khả năng vũ khí hạt nhân của Iran. Nga lập ngân hàng chung với Iran để giao thương mà không dùng tiền của phương Tây. Nga đổi hàng hóa lấy 500 ngàn thùng dầu của Iran mỗi ngày. Hải quân Nga cũng tập trận chung ba ngày với hạm đội Caspian của Iran. Nga còn giành được quyền xây dựng từ 2 tới 8 nhà máy năng lượng hạt nhân cho Iran.

Với Bắc Hàn, Nga giải nợ 90% trong 11 tỉ đô la nợ từ thời Xô Viết, còn lại 1 tỉ đô la thì coi như đó là tiền viện trợ cho các dự án năng lượng, y tế, giáo dục trong nước.  Việc này mở đường cho các dự án phát triển mới và gia tăng đầu tư vào Bắc Hàn cũng  như đầu tư trong khu vực. Một ví dụ là các công ty Nga đang dự trù kế hoạch giúp tái thiết hệ thống đường sắt cho Bắc Hàn để đổi lấy mối đầu tư khai thác khu vực khoáng sản kém phát triển của xứ này. Năm qua Moskva đã tiếp đón nhiều viên chức Bắc Hàn nhất, trong đó có đặc sứ Choe Ryong-hae của Kim Jong-un. Phó Thống Chế họ Choe đã gặp gỡ thảo luận với giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của  Nga suốt một tuần lễ tròn.  Các giới chức Nga cho biết Tổng thống Putin đang chuẩn bị cuộc hội kiến với lãnh tụ Kim Jong-un, như nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên gặp gỡ họ Kim. Họ Kim cũng đang mong mỏi được quan hệ sâu rộng hơn với Nga, để bù lại cho mối quan hệ lủng củng với Trung Quốc vì chính sách độc đoán và tàn bạo của Kim Jong-un, điển hình là việc hành quyết dã man cả gia tộc người cậu ruột Jang Song-thaek, người từng nhiếp chính và đại diện cho Bắc Hàn, hình ảnh thân thiết nhất của Bắc Hàn trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc (*).

Với Pakistan, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Sogu đi thăm vào tháng 11, lần đầu tiên từ năm 1969, ký với Thủ tướng Nawaz Sharif thỏa ước về lịch trình công việc cho các cuộc tập trận chung, tàu hải quân thăm viếng lẫn nhau và đối thoại sâu rộng về an ninh khu vực. Moskva cũng giảm nhẹ sự phản đối Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hiện có 6 thành viên, với Trung Quốc và 4 quốc gia Trung Á. Nga cũng bán được cho Pakistan 20 trực thăng tấn công hạng nặng Mi-35, nói là để chống khủng bố và buôn lậu ma túy. Nga vốn vẫn hạn chế bán vũ khí cho Pakistan vì ngại Ấn Độ phật ý, nhưng nay đã tăng cường được quan hệ với New Delhi, trong đó có việc hợp tác bán vũ khí Nga cho Afghanistan, Putin đã có thể với tay ra bắt tay với xứ đối thủ của Ấn Độ.

Những chính sách này đồng thời cũng nhằm hóa giải áp lực của Trung Quốc, nước đồng minh giai đoạn nhưng cũng cạnh tranh với ảnh hưởng của Nga ở tất cả các xứ kể trên. Dù sao Con Rồng Bắc Kinh cũng vẫn cần đến kho năng lượng bát ngát của Gấu Nga.

Đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đề nghị mối quan hệ chiến lược trong đó có việc xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân và mở đường ống dẫn dầu qua lãnh thổ xứ này. Đó là hai việc khiến phương Tây lo ngại nhất về mặt địa chính trị ở châu Âu.

Tháng 12- 2014, Nga tuyên bố hủy bỏ dự án ống dẫn dầu South Stream đi qua Hắc Hải, đem khí đốt cho Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, đến tận nước Áo.  Châu Âu và Hoa Kỳ đã tưởng Nga phải đầu hàng vì trận cấm vận vũ bão, trong khi Nga coi biện pháp thay thế, đường ống Xanh Blue Stream, từ Nga đi qua khu vực phía đông Hắc hải để vào Thổ Nhĩ Kỳ, nối qua đường ống Nabucco Pipeline đi qua Bulgaria, Serbia, Croatia đến Tây Hungary và có thể tiếp sang Tây Âu...

Nga hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là bạn quý của NATO vì đó là xứ Hồi giáo nhưng vẫn chống Bashir al-Assad của Syria.  Đem Thổ vào vòng ảnh hưởng của mình về khí đốt và những mặt khác sau này, Nga không có gì để mất trong tình cảnh kinh tế như ngày nay mà vẫn lôi kéo được một xứ NATO làm lối thoát và có thể thành khiên chắn cho mình.

Mặt khác việc Thổ quăng phao cứu nạn cho Nga đồng nghĩa với việc ngăn chặn NATO trong việc trừng phạt Moskva, nhưng cũng khiến Ankara lệ thuộc thêm vào Nga trong khi Nga đang cung cấp gần 60% nhu cầu khí đốt cho Thổ. Đường ống Blue Stream cũng giúp Nga cạnh tranh với các đường ống Xuyên Thổ (Trans-Anatolian) và Xuyên biển Adriatic (Trans-Adriatic) của Tây Âu ở hành lang phía nam.

"Chiến dịch" Thổ Nhĩ Kỳ của Nga chưa có những thành quả cụ thể và chắc chắn, nhưng chiến lược mở vòng vây qua Hoa lục, Bắc Hàn, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy Tổng thống Putin và ê-kíp Moskva vẫn là đấu thủ nặng cân trên đấu trường quốc tế, dù đang chóng mặt vì chảy máu hầu bao. Cũng như hình dáng con Gấu Nga vẫn lừng lững trước con Ó Mỹ và các con sư tử châu Âu, hay đội hockey của Nga vẫn là đối tượng đáng gờm của Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, những đội bóng tuyết hàng đầu trên thế giới.

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­____________________

(*) Cuối tháng giêng 2014, thông tấn xã Yonhap của Hàn quốc dẫn nhiều nguồn tin vô danh từ Bắc Hàn, cho biết gia đình Jang Song-thaek bị "tru di tam tộc" thực sự. Chị ruột và anh rể của họ Jang, là đại sứ tại Cuba, người cháu, đại sứ tại Malaysia, và hai người con trai của những người này khoảng trên 20 tuổi cũng bị giết. Con cái còn nhỏ và cả các cháu nội ngoại của gia tộc này cũng bị giết sạch để trừ hậu họa và làm gương cho mọi người về tội mưu phản. Tin cho hay có người kháng cự lúc bị lôi ra khỏi nhà, đã bị bắn tại chỗ, trước mặt mọi người.  Vợ của viên đại sứ tại Malaysia không bị giết nhưng cả gia đình bị đưa đi cư trú ở một làng xa xôi.  Bà cô ruột của Kim Jong-un, vợ của Jang Song-thaek, sau một ca mổ óc đã rơi vào tình trạng sống thực vật, hay đã chết sau cái chết của chồng mấy tháng, không ai biết được sự thật ra sao.




No comments:

Post a Comment

View My Stats