Monday, 12 January 2015

BÁO CÁO SƠ KẾT tình hình dư luận liên quan blog Chân dung quyền lực. (Tác giả báo cáo: Phạm Chí Dũng)





Tác giả báo cáo: Phạm Chí Dũng

Tác giả báo cáo: Phạm Chí Dũng
Đơn vị: XXX
Số:...

Kính gửi: Thủ trưởng đơn vị

Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị XXX, trong thời gian qua nhóm công tác đã tiến hành khảo sát, điều tra dư luận xã hội liên quan đến hoạt động viết bài, phát tán thông tin và những tác hại về chính trị-xã hội của Blog Chân Dung Quyền Lực (CDQL).
Dưới đây nhóm công tác xin báo cáo một số tình hình và đề xuất.

1- Tình hình chung

Đầu năm 2014, trước khi Hội Nghị Trung Ương 10 của đảng diễn ra, thông tin công kích lãnh đạo đảng vả nhà nước ta lại tràn ngập trên mạng Internet. Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí khác trong Bộ Chính Trị đã phải nhắc lại yêu cầu phải phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin xấu trên mạng xã hội và các thế lực phản động nhằm gây chia rẽ nội bộ đảng và nhà nước ta.

Thực tế diễn biến thông tin đả kích, xuyên tạc nội bộ đã diễn ra mạnh mẽ từ giữa năm 2012, khi đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung Ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng đảng. Vào thời gian đó, dư luận cán bộ đảng viên và người dân xôn xao trước hiện tượng hàng loạt trang mạng như quan làm báo, vua làm báo liên tiếp tung ra các thông tin liên quan đến nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, vấn đề ngân hàng, tài chính và đả kích nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng, nhà nước nên đã tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, khiến suy giảm niềm tin của một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đảng, nhà nước.

Mâu thuẫn trọng tâm mà các trang này khai thác là mối quan hệ bị xem là “đối đầu” giữa hai đồng chí Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều dư luận cho rằng các trang quan làm báo, vua làm báo được “bảo kê” bởi lãnh đạo cấp cao nên không bị ngành công an truy xét điều tra. Thực tế cho tới nay những trang này vẫn tồn tại và được truy cập khá dễ dàng. Tình hình này dẫn đến việc một số cán bộ đảng viên khẳng định rằng chắc chắn các trang quan làm báo, vua làm báo có “bức tường” phía sau nên mới không bị phá.

Sang năm 2013, khi các trang “làm báo” đã kém dần sức hút thì lại rộ lên một trang mạng khác nói xấu một lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Ban đầu, trang mạng này có tên là Tư Sang nham hiểm. Sau đó chuyển thành Những thằng nham hiểm, và đến nay là Chân Dung Quyền Lực.



Nếu năm 2011, trang mạng CDQL mới có 3 bài, năm 2012 có 9 bài, năm 2013 có 10 bài, thì năm 2014 đã tăng vọt lên 81 bài. Riêng tháng 11, 2014 có 20 bài và tháng 12, 2014 có 27 bài. Trước Hội Nghị Trung Ương 10 khai mạc vào ngày 5 tháng 1, 2015 và cho đến nay, Blog CDQL đã có hàng chục bài viết công kích, đả kích lãnh đạo.

Có thể thấy, blog này được chuẩn bị từ khá lâu và chỉ tung ra khi cần thiết.

Nhưng trái ngược với trang quan làm báo chuyên đả kích Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và “nhóm lợi ích” ngân hàng, Blog CDQL lại hầu như mang quan điểm trái ngược, có vẻ rất tránh né khi đề cập đến vai trò của đồng chí thủ tướng.

2- Nội dung thông tin của Blog CDQL

Điểm chung của hầu hết các thông tin mà trang CDQL tung ra đều tạo cho người đọc cảm giác mờ ảo về tính xác thực. Đặc biệt những thông tin này được lan truyền và tiếp tay của các trang mạng khác, cùng một lúc đăng tải liên tục khiến người đọc bị tung hỏa mù không có thời gian để tranh luận, phân biệt đúng sai, phải trái.

Cứ trước kỳ họp trung ương nào có liên quan đến nhân sự là những tin đồn về hậu trường chính trị lại được lan truyền, đề cập việc đang có một cuộc đấu đá trong nội bộ lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Nếu như lần trước, hai blog quan làm báo và Tư Sang nham hiểm tung nhiều tin tức thuộc loại “thâm cung bí sử” gây hoang mang trong nội bộ, thì nay Blog CDQL với loạt những câu chuyện về “âm mưu cung đình” lại gây chấn động lớn.

Nhìn cách bố cục, trang CDQL được sắp xếp khá mạch lạc, rõ ràng.

Nội dung chủ yếu tập trung công kích một số nhân vật trong Bộ Chính Trị, là nhân tố quan trọng lãnh đạo đất nước trong thời gian tới, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng quang Thanh.

Rất nhiều bài viết nhắm vào Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và bệnh tình của Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh.

Liên quan đến đời tư của Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, trang CDQL có một seri bài viết với nhiều thông tin rất chi tiết về tài sản cá nhân, kèm theo hình ảnh dẫn chứng. Tất nhiên dư luận không thể có điều kiện để kiểm chứng tính xác thực của các thông tin mà trang này đưa ra.

Đặc biệt, trang này còn tung tin rằng chính Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hãm hại đồng chí Nguyễn Bá Thanh bằng cách nhờ tình báo Trung Quốc đầu độc nhân chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Thanh. Không những thế, trang này còn đưa tin về bệnh tình của đồng chí Thanh rằng ông Thanh không thể qua khỏi và sẽ trở về Việt Nam. Những thông tin này lan truyền trên mạng đã làm nháo nhác cả Đà Nẵng, các phóng viên báo đài ồ ạt đổ về sân bay Đà Nẵng đợi tin tức chuyến bay, còn người dân Đà Nẵng thì lên chùa cầu an cho đồng chí Nguyễn Bá Thanh...

Trang CDQL cũng tung tin khẳng định là ngày 6 tháng 1, 2015 đồng chí Nguyễn Bá Thanh sẽ được gia đình đưa về nước. Rất đáng chú ý là tin tức tưởng như đồn nhảm này ngay sau đó lại được rất nhiều tờ báo nhà nước xác nhận là đúng.

Sau đó, CDQL tiếp tục thông báo về chuyến về ngày 6 tháng 1 bị hủy do thời tiết xấu, và thông báo tiếp lịch về mới là tối ngày 9 tháng 1. Đến sáng ngày 9 tháng 1, Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương đã xác nhận lịch về của đồng chí Nguyễn Bá Thanh đúng là tối ngày 9 tháng 1, sau đó báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin này.

Tuy nhiên, Blog CDQL lại hầu như không đề cập hoặc công kích một số nhân vật khác trong Bộ Chính Trị. Sự phân hóa về mục tiêu và đối tượng như vậy đã gây thắc mắc lớn cho người đọc và gây bức xúc lớn trong cán bộ đảng viên.


3- Phản ứng của mạng xã hội với Blog CDQL

Cũng như hiện tượng trang quan làm báo, Blog CDQL đã lôi kéo bình luận của nhiều trang mạng xã hội và các blogger “lề trái.”
Đơn cử Blogger Kami - đối tượng điều hành trang Tin Tức Hàng Ngày - trong bài “Người chủ mưu đầu độc ông Nguyễn Bá Thanh là ai?” đã nhận định, “Điều đó cho thấy tư thù giữa ông Nguyễn Bá Thanh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là mối quan hệ sinh tử một mất một còn - có Dũng thì không có Thanh và ngược lại.”

Qua khảo sát, đáng chú ý là đa số tác giả trên mạng đã quy kết cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là “thủ phạm đầu độc Nguyễn Bá Thanh.” Chỉ có một vài ý kiến ngược lại.

Hay Blogger Huỳnh Ngọc Chênh - một đối tượng là nhà báo có tư tưởng tự do, bất đồng quan điểm và quá khích, sống tại TP. Hồ Chí Minh, thì bình luận, “Bây giờ thì ắt hẳn mọi người có thể xác quyết được rằng các ‘ngài’ đang chém giết nhau chí tử, đang ném cứt đái vào mặt nhau, đang lấy mặt đít nồi nầy quẹt lên mặt đít nồi kia.”

Đáng lo ngại không kém là nhiều tác giả trên mạng xã hội nghiêng về suy diễn: “Nếu tầm cỡ như các ông bà bí thư thành ủy Đà Nẵng, phó chủ tịch Quốc Hội, thứ trưởng Bộ Y Tế, trưởng Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương... cũng không hề có thông tin gì về tình trạng sức khỏe của ông Thanh, thì những người biết được tình trạng thật sự của ông Thanh phải ở cấp bực cao nhất của đảng, đó là Bộ Chính Trị. Thế mà trang CDQL lại biết đến từng chi tiết, biết ông Thanh bị bệnh do nhiễm phóng xạ, biết ông chữa bệnh tại đâu, phẫu thuật bao nhiêu lần, bác sĩ nào trực tiếp điều trị, tình hình sức khỏe đã trở nên nguy kịch ra sao, bệnh viện Mỹ cũng bó tay, phải đưa về quê nhà, đưa bằng máy bay gì, giờ giấc, ai đi theo... Như vậy, thông tin mà CDQL có phải được cung cấp từ một hoặc những nhân vật rất cao cấp....”

Một nguồn dư luận khác đánh giá và phân tích, “Có thể nói đây là sự thành công của người đứng sau trang Blog CDQL, thông qua việc đưa người đọc vào trong một mê trận thông tin thực-hư, hư-thực với vô vàn các bằng chứng bằng hình ảnh, tài liệu (scan)... có độ khả tín cao. Đặc biệt những tài liệu và hình ảnh đó không phải dễ mà có được, nếu những người cung cấp thông tin không phải là tay chân của người có quyền lực rất to. Mà người đó phải là người có thể ra lệnh cho các nhà mạng không dùng tường lửa để chặn trang blog độc hại này, trái lại việc truy cập trang Blog CDQL ở Việt Nam lúc này hoàn toàn dễ dàng và thoải mái. Được biết trang blog này thường xuyên có 5- 6,000 người truy cập cùng một lúc và lúc cao điểm có tới 13,500 người cùng truy cập một thời điểm. Số lượt truy cập một ngày của trang blog này tới 4- 500,000 lượt ngày.”

Một tác giả hải ngoại là Ngô Đình Thu nêu ra suy diễn hết sức nguy hiểm: “Trong tất cả các diễn biến vừa qua, có lẽ điều làm rúng động đến gan ruột các thành viên Bộ Chính Trị hiện nay cũng như các ứng viên đang muốn vào hàng thượng tầng lãnh đạo là: Ai trong số họ cũng có thể là một Nguyễn Bá Thanh kế tiếp.”

Cùng với sự kiện Blog CDQL, một số đài báo nước ngoài không có thiện cảm với nhà nước Việt Nam đã a dua đưa phát tin bài với nhiều kiểu suy diễn. Số này bao gồm các đài RFA Việt ngữ (thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ), BBC Việt ngữ (Anh), RFI Việt ngữ (Bộ Ngoại Giao Pháp) (ngoài ra có thêm đài VOA Việt ngữ thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhưng do chính sách linh hoạt tranh thủ ngoại giao và kinh tế của nhà nước Việt Nam đối với Hoa Kỳ nên báo cáo này kiến nghị không đặt nặng tính phê phán).

Ngoài ra, một số hãng tin quốc tế như AFP cũng tham gia bình luận và còn đặt nghi vấn về việc đồng chí Nguyễn Bá Thanh có bị đầu độc hay không.

Bên cạnh đó, hàng loạt trang báo điện tử khác cũng nhân dịp này giễu cợt, chỉ trích nội bộ đảng và nhà nước ta như Dân Làm Báo, Dân Luận, Thông tấn xã Vàng Anh, Người Việt, SBTN, Việt Nam Thời Báo...

4- Tác động của Blog CDQL đối với báo chí và nội bộ

Đây là tác động có tính ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trang CDQL đối với báo chí nhà nước và tâm lý cán bộ đảng viên.

Nếu như trước đây chưa bao giờ báo chí chính thống trích dẫn Quan Làm Báo và Tư Sang nham hiểm như một nguồn tin đáng tin cậy, thì lần này CDQL không những được trích dẫn về nội dung (tuy không dẫn nguồn cụ thể), mà báo chí chính thống còn theo sau trang này để cập nhật những thông tin mà nó loan tải.

Các tờ báo lớn, trước tiên là Lao Động, rồi lần lượt được các báo khác đăng lại tin tức về đồng chí Nguyễn Bá Thanh sẽ được mang về Việt Nam từ bệnh viện ung thư tại Seattle. Những tin tức này trước tiên được chính UBND thành phố Đà Nẵng gián tiếp xác nhận khi ra lệnh cho an ninh phi trường Đà Nẵng chuẩn bị biện pháp an ninh để đón ông Thanh trở về để tiếp tục chữa bệnh.

Sau Lao Động, đến Thanh Niên, Tuổi Trẻ và nhiều báo khác loan tin này nhưng không dẫn nguồn bất cứ cơ quan nào trong nước, kể cả Ban Nội Chính Trung Ương là nơi có thẩm quyền phát ngôn, mà chỉ nói bâng quơ là theo nguồn tin trên mạng.

Thời điểm máy bay hạ cánh được báo chí và người dân đặc biệt quan tâm. Ban đầu được CDQL thông báo là chiều ngày 2 tháng 1, nhưng sau đó chính trang này cho biết do có trục trặc nên hoãn lại ngày 6 tháng 1, và cuối cùng là thời tiết xấu nên hoãn lại lần nữa chiếc chuyên cơ y tế chở đồng chí Nguyễn Bá Thanh và gia đình sẽ đáp xuống phi trường Đà Nẵng vào 8 giờ 30 tối ngày 9 tháng 1.

Nhiều cán bộ về hưu, đảng viên và cả cán bộ đương chức phản ánh: CDQL nói tới đâu báo chí và dân chúng chạy “rần rần” theo đến đấy. Người dân Đà Nẵng yêu mến ông Thanh ra sân bay ngồi chờ đón ông, không chịu ra về. Có người còn nói thẳng rằng theo CDQL nói thì ông Thanh sẽ xuống vào ngày hôm nay, rồi người khác nói bộ không thấy báo nhà nước đều đăng tin theo nó hay sao?

Trước tình trạng hỗn loạn thông tin trên, đồng chí Phùng Quang Thanh - bộ trưởng quốc phòng - cũng thừa nhận, “Vừa qua có một số kẻ xấu tung thông tin nói xấu lãnh đạo cấp cao, kể cả tứ trụ cũng có. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thì chúng tôi có thể quản lý được nhưng khi họ ra ngoài đọc trên mạng thì không kiểm soát được, từ đó gây phân tâm, mất niềm tin trong nhân dân và ảnh hưởng đến cả những chiến sĩ ở ngoài biển đảo.”

5- Bài học kinh nghiệm từ vụ CDQL

5.1- Bài học kinh nghiệm sâu sắc cần thẳng thắn rút ra là các cấp chính quyền đã hết sức lúng túng trong thời gian qua. Hệ thống thông tin hùng hậu của đảng và nhà nước lên đến hơn 800 tờ báo và đài, kể cả các cơ quan tuyên giáo và các sở thông tin truyền thông, đã gần như bị vô hiệu chỉ bởi một trang Blog CDQL.

5.2- Không loại trừ hiện tượng bất hòa sâu sắc và “chơi xấu” giữa một số đồng chí lãnh đạo, dẫn đến tâm lý nghi ngờ và phân hóa rất phổ biến trong nội bộ, làm cho các cơ quan đảng và chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương của ta hoang mang, lúng túng, bị động và không thật sự nhiệt tình, trách nhiệm đối với nhiệm vụ ngăn chặn, đấu tranh với các thông tin ngoài luồng.

5.3- Do tính xác thực về tin tức của Blog CDQL về chuyến bay từ Mỹ trở về sân bay Đà Nẵng của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, và nếu quả thực những tin tức này được cung cấp từ nguồn nội bộ cao cấp, có thể nhận định rằng vấn đề mà dư luận chung và các lực lượng bên ngoài cho là “đấu đá nội bộ trong đảng” đã có bước ngoặt: chuyển từ âm thầm, kín đáo, bí mật sang bán công khai và có thể công khai. Đây là một thách thức rất lớn đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ và làm trong sạch vững mạnh đảng trong những năm tới, đặc biệt là thời gian từ đây đến Đại Hội 12 đầu năm 2016 của đảng.


5.4- Qua các vụ việc Blog Quan Làm Báo năm 2012 và Blog CDQL gần đây, không thể phủ nhận khả năng lan tỏa và sức ảnh hưởng đến dư luận xã hội của mạng xã hội là rất mạnh mẽ và có chiều sâu. Thậm chí đã có những dấu hiệu cho thấy một bộ phận lãnh đạo các cấp đã và đang vận dụng mạng xã hội để truyền tải những thông tin mang tính cá nhân, có lợi cho động cơ cá nhân và tranh giành nội bộ. 

6- Dự báo

Công tác hệ thống và phân tích hoạt động sản xuất, tán phát thông tin của các trang Quan Làm Báo, Tư Sang Nham Hiểm, Những Thằng Nham Hiểm, và CDQL cho thấy những đặc thù:

6.1- Trước và trong mỗi hội nghị trung ương hoặc sự kiện chính trị lớn của đảng, các trang này lại xuất hiện với liều lượng, cường độ thông tin cấp tập, ngày càng lớn và càng chui sâu vào nội tình của giới các đồng chí chính trị gia.

6.2- Quy luật của các đại hội đảng trước đây là càng gần thời điểm chọn lựa, cơ cấu và quyết định các nhân sự then chốt nhất của đảng, thông tin công kích càng gia tăng. Do vậy, có thể dự báo là trang CDQL chỉ là một trong những điểm khởi đầu cho chiến dịch tấn công vào một số lãnh đạo đảng và nhà nước.

6.3- Trong năm 2015 và đặc biệt về cuối năm, có thể xuất hiện những trang khác tương tự như CDQL, với liều lượng và cường độ công kích gia tăng rộng và sâu hơn hiện nay. Những trang này có thể được sự hỗ trợ từ bí mật đến bán công khai và công khai của một đội ngũ cộng tác viên, dư luận viên để tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo dư luận xã hội mà không bị ngăn chặn thích đáng. Có thể đến một thời điểm nào đó, những trang này sẽ dần công khai “chính khách” đứng phía sau và sẽ gây ra bầu không khí hỗn loạn thông tin, nghi ngờ và phân hóa cao độ trong nội bộ đảng và chính phủ, có thể dẫn đến hậu quả “tách đảng” hoặc “tan vỡ đảng từ bên trong” mà các thế lực thù địch hết sức mong đợi.

7- Yêu cầu đấu tranh thông tin và đề xuất

Về yêu cầu đấu tranh, đồng chí Trương Tấn Sang đã yêu cầu, “Nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lộ, lọt, mất an ninh an toàn thông tin, đặc biệt là thông tin mạng, an ninh tư tưởng, văn hóa.”

Đồng chí Trần Đại Quang cũng khẳng định, “Cần tập trung mọi phương tiện, lực lượng để bảo vệ Đại Hội Đảng Các Cấp, góp phần bảo vệ thành công đại hội lần thứ 12 của đảng. Kiến nghị các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo báo chí trong thông tin tuyên truyền cần chủ động định hướng cho dư luận, đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu sai trái thù địch và những quan điểm thiếu tính xây dựng.”

Căn cứ yêu cầu và chỉ đạo trên, nhóm công tác đề xuất thủ trưởng đơn vị kiến nghị cấp trên một số biện pháp và giải pháp cấp bách:

7.1- Cần tổ chức chuyên án về Blog CDQL, điều tra làm rõ ai đứng sau. Nếu người tổ chức và “bảo kê” cho CDQL là cán bộ cấp cao, kiến nghị xử lý nghiêm theo tinh thần “không có vùng cấm” mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Cơ quan chuyên án làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một số đồng chí trọng trách trong Bộ Chính Trị, không giao cho các bộ hoặc cơ quan ngang bộ.

7.2- Cơ quan chuyên án cần phối hợp với cơ quan y tế và Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) của Mỹ để điều tra và làm rõ việc đồng chí Nguyễn Bá Thanh có bị đầu độc hay không.

7.3- Sau khi có kết quả điều tra về Blog CDQL và nguyên nhân gây bệnh cho đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương tổ chức cung cấp rộng rãi và minh bạch thông tin cho báo chí, tránh để báo chí và người dân hiểu lầm, các lực lượng bên ngoài cho rằng đảng và nhà nước ta bưng bít thông tin.

7.4- Xuất phát từ sức mạnh và hiệu ứng lan tỏa không thể phủ nhận của mạng xã hội, đề nghị đã đến lúc cần tranh thủ mạng này để phục vụ cho lợi ích chung của đảng, đồng thời đáp ứng đòi hỏi tình thế về đối ngoại với Mỹ và phương Tây. Công tác “mạng vận” này cũng nhằm hạn chế tình trạng một bộ phận lãnh đạo ta vận dụng mạng xã hội để phục vụ cho động cơ và mục đích cá nhân.

Để tranh thủ và vận dụng mạng xã hội, trung ương cần thí điểm hợp thức hóa một số tổ chức dân sự độc lập và từng bước thừa nhận xã hội dân sự ở Việt Nam, nhưng phải theo phương châm “Xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa.” (Tham khảo chủ trương, kết quả giảm bớt việc ngăn chặn và đẩy đuổi các tổ chức hướng đạo Thiên Chúa Giáo, để cho các tổ chức này sinh hoạt công khai trong mấy năm qua).

7.5- Kiến nghị Quốc Hội gấp rút ban hành Luật Tiếp Cận Thông Tin và Luật Lập Hội để đặt các hoạt động thông tin và xã hội dân sự dưới sự lãnh đạo của đảng, sự chỉ đạo và quản lý của nhà nước ta.

Kính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo.



No comments:

Post a Comment

View My Stats