Saturday, 24 January 2015

Áp lực của Hoa Kỳ đã giải thoát được người tù chính trị ra khỏi Việt Nam (Daniela Vrbová - rozlas.cz)





Tác giả : Daniela Vrbová- rozlas.cz
Người dịch : Thanh Mai -  Vietinfo.eu  

Đỗ Thị Minh Hạnh và tác giả bài viết Daniela Vrbová (rozhlas.cz)  

LGT : Tiêu điểm Zaotřeno là một chương trình thường kỳ của Đài phát thanh Radio Plus của Séc. Từ 2 năm nay, Đài đã có một loại bài về đề tài Việt Nam và người Việt ở Séc, bao gồm cả sự kiện biểu tình phản đối dàn khoan Trung quốc, phỏng vấn phái đoàn UPR (Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Liên Hợp Quốc). Bài phát mới nhất trong chủ đề này được phát ngày 16.1.2015. Vietinfo xin gửi đến bạn đọc toàn văn cuộc nói chuyện của Daniela Vrbova - phóng viên Radio Plus với Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Đỗ Thị Minh Hạnh - hai khuôn mặt đặc sắc của cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.

Theo ước đoán có khoảng 3.5 triệu người gốc Việt và ít nhất khoảng nửa triệu người Việt đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới, có nghĩa là có khoảng 4 triệu câu chuyện về kiếp di cư và tha hương. Một trong những khuôn mặt mới nhất là ông Nguyễn Văn Hải, 62 tuổi, thường được biết đến dưới bút danh Điếu Cày.

21/10/2014 người Blogger nổi tiếng này, nhà sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, và là người đã không ngừng lên án các hành động gây hấn của Trung quốc tại biển Đông, nơi Việt nam vẫn coi là lãnh hải của mình, đã bay sang Los Angeles. Vé máy bay của ông là do phía nhà nước Việt nam lo liệu, và ông được chở từ nhà tù ra thẳng sân bay.

Theo chia sẻ của người vợ cũ của ông với hãng tin ABC News, trong suốt hơn 6 năm tù gia đình ông chỉ được gặp ông trong vài phút và vốn chỉ nhận được tin tức về sức khỏe của ông thông qua người này người khác, thì nay được thông báo về chuyến bay của ông ngay trước giờ bay. Tới khi chuyển tiếp tại Hongkong, Nguyễn Văn Hải mới liên lạc được với gia đình và con.   

Bản án đầu tiên 5 tháng cho Nguyễn Văn Hải không hề có lý do, tuy nhiên, đã diễn ra ngay sau khi ông thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Bản án này bị kéo dài tùy tiện thêm 30 tháng, bị cho là vì tội trốn thuế. Năm 2010 bản án lại bị kéo dài thêm và năm 2012 ông bị kết tội lần nữa, 12 năm tù vì các hoạt động tuyên truyền chống lại nhà nước.

Người ta vẫn cho rằng ông được thả sớm là do sức ép của Mỹ - như hãng tin ABC News đã từng cho biết, chính Nguyễn Văn Hải cũng khẳng định điều này với Radio Plus, Đài phát thanh của Séc. “Đại diện bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gặp tôi trong trại giam ngày 22/9/2014, trong buổi gặp gỡ này họ đã thông báo cho tôi biết chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi ra vô điều kiện. Phía Việt nam ngay lập tức yêu cầu tôi phải ngay lập tức rời khỏi Việt nam sang Mỹ ngay sau khi được thả. Ngày 21/10/2014, họ đưa tôi ra khỏi nhà tù mà không tuyên đọc bất cứ một văn bản nào cũng như tôi ko hề ký bất cứ một giấy tờ gì từ khi bị bắt cho đến khi họ buộc phải trả tự do cho tôi... Với 3 xe hộ tống và 19 nhân viên an ninh đi kèm họ đưa tôi từ trại giam ra thẳng phi trường Nội Bài, ở đó một nhân viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cùng tôi bay đến Hongkong rồi từ đó bay sang Hoa Kỳ. Hoàn toàn không được gặp gia đình và vợ con trước khi đi”

Vị thế của ông Nguyễn Văn Hải vô cùng độc đáo bởi vì cả người Việt yêu tự do trong nước, cả người tị nạn miền Nam ngày trước và người Bắc di cư ngày nay đều dành cho ông một sự kính trọng. Giữa các nhóm này không phải bao giờ cũng giữ được hòa khí. Năm 2013, Blogger Điếu Cày đã nhận được phần thưởng vắng mặt của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ)

Từ năm 1981, Ủy ban đã theo dõi tự do ngôn luận trong truyền thông và đã chỉ dẫn ra các trường hợp nhà báo bị bức hại vì các hoạt động của mình.

“Hiện tại tôi vẫn tiếp tục các hoạt động liên quan đến Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, thúc đẩy quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trong Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục. Riêng cá nhân tôi vẫn tiếp tục tham gia cùng với các tổ chức quốc tế, đi đến gặp gỡ họ và tố cáo những cái vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản VN, và cũng tham gia cùng với một số người, hội đoàn, tổ chức ở bên Hoa Kỳ của cộng đồng người Việt Hải ngoại để tham gia đấu tranh cho tự do cho dân chủ ở VN. Tất cả hoạt động này nhằm thúc đẩy tự do dân chủ tại VN nhằm thay đổi tình hình nhân quyền ở trong nước” - qua điện thoại từ Los Angeles, ông Nguyễn Văn Hải đã cho Radio Plus biết các kế hoạch của ông trong tương lai.

Ông không dành cho chính phủ Việt nam những sự ủng hộ mặn mà, sau khi truyền thông của nhà nước không dám đăng tải thông tin về các cuốc biểu tình chống Trung Quốc, ông coi họ là nhu nhược hèn nhát và là tay sai của chính quyền Bắc Kinh.  

Sau 6 năm lao tù trải qua 11 trại giam, và nhiều lần tuyệt thực, đã xuất hiện những tin tức về việc sức khỏe của ông bị suy sụp. Nguyễn Văn Hải khẳng định sau những cái năm tháng nhà tù đầy, sức khoẻ của ông  đã bị giảm sút rất nhiều, cho đến hôm nay ông đã tạm ổn và đang bình phục.


Điều kiện sống của ông ở trong tù khác biệt như thế nào? Là tù chính trị, ông có bị cai tù hay những người tù xung quanh đối xử khác hay không?

“Tôi luôn bị các trại tù theo dõi đặc biệt do tôi nhiều lần phản đối chế độ hà khắc của nhà tù và tập hợp anh em bạn tù đấu tranh, yêu cầu nhà tù phải thay đổi chế độ giam giữ theo đúng luật, thi hành án hình sự và thông báo cho gia đình, đưa tin đến các cơ quan truyền thông để gây sức ép buộc nhà tù phải thay đổi, chính vì vậy, mỗi lần các nhà tù bị đưa thông tin lên internet, thì họ đã chuyển tôi đi nhà tù khác, họ đã chuyển tôi đi 11 nhà tù...”

Đó là trải nghiệm của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải, nhà báo nổi tiếng, người blogger với bút danh Điếu Cày. Cả Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ và Tổ chức theo dõi Nhân quyền Humain Rights Watch đều đánh giá Việt Nam là chế độ hà khắc nhất trong việc trừng phạt những người phê phán chế độ và đòi quyền tự do ngôn luận. Số lượng người bị giam giữ vì chính kiến hoặc tôn giáo được biết đến khoảng 100-200 người. Trong đó, chỉ trong năm 2013, khi việc kiểm tỏa các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền và  dân chủ, diễn ra mạnh nhất, đã có 63 người bị bắt giữ. Mặc dù trong năm ngoái, tình hình có vẻ khả quan hơn và một số bloger và một số nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng đã được thả, mối quan tâm lớn nhất của các tổ chức xã hội nhân quyền vẫn là hệ thống tòa án ở Việt Nam và quyền của người tù. Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới trong năm 2014 nhấn mạnh, hệ thống các tòa án ở Việt Nam đang thiếu tính độc lập và chịu sự quản lý của sự lãnh đạo độc tôn của Đảng cộng sản. Để nhằm mục đích đạt được một bản án đã được các yếu tố chính trị quyết định từ trước, các biện pháp không nằm trong chuẩn mực thường được mang vào sử dụng.

Một trong các biện pháp đó là đánh đập và tra tấn trong lúc lấy cung và trong thời gian tạm giam. Về điều này, chị Đỗ Thị Minh Hạnh chưa đầy 30 tuổi, khuôn mặt luôn tươi cười, đã có những trải nghiệm của chính mình. Tòa khép chị 7 năm tù, do chị đã gây dựng tổ chức công đoàn và phản đối việc các quyền cơ bản của người công nhân không được tôn trọng trong nhà máy giầy và nhà máy sản xuất các vật dụng bằng nhựa.

“Quyết định của họ là phá hoại trật tự công cộng nhằm mục đích lật đổ chế độ. Đó là điều 89 của bộ Luật Hình sự“. Điều 89 thường được dùng cho việc phê phán chế độ, cũng như các điều 79, 87, 88, 91, 258, cũng không ít những trường hợp bị kết vào tội trốn thuế như của Điếu Cày. Hãy quay về với Đỗ Thị Minh Hạnh.

Tại sao ở Việt Nam, lập công đoàn là một hành vi phạm tôi?

“Bởi vì vấn đề ở Việt Nam là Tổng Liên đoàn lao động Việt nam là cơ quan duy nhất, dưới sự quản lý của nhà nước, và được phép bảo vệ quyền của người công nhân. Có điều họ chủ yếu bảo vệ quyền lợi của nhà nước. Và quyền lợi của nhà nước thì thường giống quyền lợi của các chủ nhà máy. Thêm nữa, tất cả các thành viên của Liên đoàn đều phải là đảng viên. Công nhân nhận được mức lương rất thấp, và đây chính là một yếu tố lôi kéo đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều người Việt vẫn không có nổi việc làm. Vì thế, người công nhân vẫn mừng vì họ có việc làm, mặc dù bị trả lương rất thấp và họ hầu như không nhận thức được quyền cơ bản của mình. Nhà nước và các chủ nhà máy thì lại biết rất rõ điều này và họ bóc lột công nhân đến kiệt quệ. Chính vì thế, các hội đoàn có khả năng bảo vệ được quyền lợi của người công dân đều bị cấm đoán, bởi nếu không, nhà nước sẽ mất đi sự kiểm soát của mình. Công nhân luôn là những người nghèo khó nhất, và vì thế cần phải giúp họ“.

Để cụ thể, các bạn đã biểu tình đòi quyền gì? Lương thấp là chuyện đáng buồn, nhưng quyền được lương cao lại không tồn tại...

 “Ở Việt Nam, về vấn đề lao động thì người ta không quan tâm đến quyền của người công nhân, họ có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào, thay vào đó sẽ có những người mới đến sẵn sàng chấp nhận mức lương thậm chí còn thấp hơn. Mặc dù Bộ luật Lao động và các quy định đòi hỏi môi trường và điệu kiên lao động phải có tư cách, nhưng điều này chẳng được chấp hành bao giờ. Ngay cả những các biện pháp bảo vệ an toàn hay là biện pháp bảo vệ sức khỏe với một số loại công việc,  cũng không được tuân thủ, đối với phụ nữ mang bầu cũng thế và trẻ em cũng bị bắt phải lao động.

Ở Việt Nam, cuộc sống ở trong nhà tù như thế nào? Có sự khác biệt giữa trại tạm giam và nhà tù?

“Giữa trại tạm giam và trại mà người ta gọi là trại lao động cại tạo có sự khác biệt, trong trại tạm giam phải luôn trả lời các câu hỏi của điều tra viên, vào tới nhà tù là bị bắt buộc phải lao động. Mỹ Hạnh đã đã trải qua 6 trại giam, trong nhiều trại lại bị chuyển từ khu này sang khu khác, điều kiện mỗi nơi một khác. Trong trại tạm giam mà Mỹ Hạnh đã qua, chuột chạy tới lui, nó như là trong chuyện kinh dị vậy. Đồ ăn thậm chí không phải cho người, trông hệt như đồ ăn cho súc vật. Điều kiện nhiều trại tù còn tồi tệ hơn, có nơi còn không có nước uống chúng tôi phải đi lấy nước ở một cái ao bẩn nào đó. Trong trại, không có ai quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Trong trại Xuân Lộc ở miền Bắc, tù nhân chính trị còn không được phép đi bác sĩ, tham nhũng khắp nơi, tù nhân bị bóc lột kiệt lực, cai tù chuyên khích các tù nhân gây sự lẫn nhau và gây bất hòa giữa các tù nhân chính trị, Mỹ Hạnh cũng đã gặp chuyện này, nhưng họ không thành công vì tù chính trị có cùng một lý tưởng. Và họ chỉ gây được bất hòa giữa tù hình sự và tù chính trị trong một thời gian đầu, sau đó tù hình sự cũng không chịu để mình bị lôi kéo. Sau một thời gian, khi tù chính trị dành được cảm tình ở xung quanh, người ta lại chuyển Mỹ Hạnh đi nơi khác, họ sợ mình gây ảnh hưởng tới các tù nhân khác. Có khi, mình chỉ có 30-40cm để ngả lưng. Khi đó phải nằm nghiêng, và cả trong giấc ngủ cũng phải xoay lưng theo những người bên cạnh. Có khi may mắn thì được đến 60cm để ngủ! Trong phòng giam có cả những người nhiễm HIV. Trong trại tù, có một lần một nữ tù nhân bị chết nhiễm AIDS, cai tù bỏ mặc cô ấy nằm trong phòng để cảnh báo những người còn lại. Rất thường xảy ra là tù nhân phát hiện mình nhiễm virus HIV khi được thả. Có những người tù nhiễm bệnh dùng căn bệnh của mình như một loại vũ khí, và có khi họ thật thiếu kiến thức vệ sinh mà vô tình làm người khác bị lây. Cai tù thì chẳng lấy làm quan tâm, họ chỉ quan tâm đến một điều duy nhất là tiền mà họ thu mọi lúc: để được gặp người thân đến thăm nuôi, để có việc làm đỡ vất vả hơn, để được đi khám bác sĩ, thậm chí họ có cả bảng giá.”

Người ta có hay dùng bạo lực với chị?

“Như ta đã biết, cuộc sống của những người trong tù vô cùng khó khăn. Khi Miinh Hạnh trong trại tạm giam thì người ta chỉ dọa dẫm bằng lời. Trong tù thì Minh  Hạnh đã bị một lần tấn công tập thể. Vì Minh Hạnh đã phản đối điều kiện trong tù, cai tù đã cho các tù khác trừng phạt Minh Hạnh. Họ lùa tất cả ra ngoài sân giữa trưa nắng, và tất cả đều phải đứng phơi nắng ở đó vì xử sự của Mỹ Hạnh. Vì thế tất cả mọi tù nhân đều xông vào tấn công Mỹ Hạnh.
Ở đây, có lẽ Hạnh đã qua khiêm tốn, theo những thông tin khác chị đã bị đánh đập rất nhiều lần, và cả sức khỏe của chị cũng bị tàn phá rất nhiều sau những năm ở tù.

Có sự phân chia cấp bậc giữa tù chính trị và tù thường phạm? Liệu cai tù sẽ lùa cả trại ra phơi nắng vì người tù thường phạm cũng như vì người tù chính trị?

“Ở đó có sự khác biệt. Với người tù thường phạm, cai tù có thể tấn công trực tiếp, dùng dùi cui điện, nhưng với tù chính trị thì họ không dám, và họ sử dụng những người tù khác.
Vì sự an toàn của chị ở Việt nam, chúng ta đã thỏa thuận sẽ không để lộ địa điểm, nơi đã ghi âm cuộc nói chuyện, và sẽ chờ vài tuần sau mới cho phát sóng bài này. Dù sao, chúng ta đã ngồi với nhau trong cùng một căn phòng gần 24h, tôi rất kinh ngạc trước vẻ bình an, trước sự cân bằng và trước nụ cười luôn nở trên môi, thế nào mà chị có được điều đó, cái gì đã giúp chị về mặt tinh thần “ngoi được lên mặt nước”?
“Từ lúc ở tù thì chưa bao giờ lo sợ về mạng sống của mình, khi bị bắt thì Minh Hạnh sợ không biết chuyện gì đã xảy ra cho những người bạn, những người đồng nghiệp, rồi sau thấy là cả họ cũng đã chiến đấu rất dũng cảm, Mỹ Hạnh đã không còn lo sợ”

Minh Hạnh và mẹ trong buổi phỏng vấn (rozhlas.cz)

Thời gian ở trong tù đã mang lại cho chị điều gì?

“I want to say ...   “ - Minh Hạnh đã cho tôi thấy chị dùng thời gian trong tù để học tiếng Anh và những kiến thức khác và chị nói: ”Ở trong môi trường nhà tù thì thực ra với người tù bình thường, có lẽ thời gian trong tù là thời gian chết, người tù chính trị thì dùng thời gian để ngẫm nghĩ, về điều xấu và điều tốt. Chắc chắn là khi ra khỏi tù, Minh Hạnh chín chắn nhiều.”

Hạnh đã được thả trước thời hạn, năm 2014, chị ngồi tù mất 4,5 năm trong 6 trại giam trên những miền khác nhau ở Việt Nam. Trong việc chị được thả trước thời hạn, mẹ chị, bà Trần Thị Ngọc Minh đã đóng góp rất nhiều công sức. Trong suốt buổi nói chuyện, mẹ chị ngồi không xa và âm thầm khóc khi nghe về những gì con gái mình đã phải trải qua:  “Lúc mà Hạnh bị bắt cũng có mặt tôi, và công an đến khoảng 20 người và một trong họ đã tát Hạnh đến chảy máu. Tôi lo cho Hạnh vô cùng và hy vọng họ sẽ lại thả Hạnh. Bà Trần Thị Ngọc Minh không biết gì nhiều về các hoạt động của con gái, vì thế lúc đầu bà cố gắng cộng tác với công an vì nghĩ rằng như thế sẽ giúp được con gái. Khi biết được nhiều hơn, bà thấy đồng ý với những việc làm của con và hiểu rằng sẽ phải tìm sự ủng hộ cho con gái ở nước ngoài, ví dụ, trong phiên điều trần của Ủy hội nhân quyền Tom Lantos trước Quốc hội Hoa Kỳ.
“Khi đi ra nước ngoài tôi thậm chí không dám hy vọng rằng họ sẽ thả Hạnh ra ngay lập tức, nhưng tôi tin là nó có thể làm điều kiện của Hạnh trong thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, biết đâu được đi khám bác sĩ. Tôi tin là áp lực quốc tế sẽ có hiệu lực, vì họ còn có nhiều thông tin khác. Đầu tiên tôi sang Ba lan, ở đây tôi được công nhận là tị nạn chính trị tạm thời, rồi sang Áo, ở đây tôi cũng nhận được sự ủng hộ. Sang Hoa Kỳ, được điều trần trước Quốc hội, và trên Bộ ngoại giao và nhận được sự ủng hộ ở đây, tôi sang Canada và Úc, cả ở đây tôi cũng nhận được hậu thuẫn. Tôi nghĩ chính vì thế mà Hạnh đã được thả trước thời hạn. Tôi nghĩ các mô hình tương tự sẽ giúp được cả các tù nhân khác ở Việt Nam”.  

Bà đã kêu gọi chính phủ các nước, nơi có rất đông người Việt sinh sống.
Như Tereza Friedingerova đã viết trong cuốn sách Người Việt ở Séc và trên thế giới, ở Mỹ có 1 500 000 người Việt sinh sống, 300 000 người ở Úc, 250 000 người ở Canada. Thú vị là Séc đứng thứ 12 trên bảng thứ hạng, đông gấp hai lần số so với Lào là nước láng giềng. Hoa Kỳ và các nước Liên minh Châu Âu đã gây sức ép đòi quyền con người phải được tôn trọng ở Việt nam, cả trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, và cả Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu. Trường hợp của Nguyễn Văn Hải và Đỗ Thị Minh Hạnh đã cho thấy đòn bẩy này đã hoạt động như thế nào.

Thông điệp cuối cùng của cả hai người trong buổi nói chuyện dành cho Plus Đài phát thanh Séc đều xuất phát từ tinh thần của các kinh nghiệm nói trên:

“Minh Hạnh chỉ mong rằng, thứ nhất là làm sao để tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do ở Việt Nam, hãy đứng lại cùng với nhau và đấu tranh cho sự nghiệp của mình. Thứ hai là những người Việt sống ở nước ngoài hãy theo dõi sự kiện trong nước và đấu tranh đòi tự do cho các tù nhân lương tâm”

”Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Đài phát thanh Công hòa Séc đã cho tôi có được buổi phát biểu hôm nay. Tôi muốn nhắn gửi đến cộng đồng người Việt tai cộng hoà Séc cũng như là người dân Séc,hãy quan tâm hơn nữa đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Chính các bạn đã từng đấu tranh để thay đổi nhà nước Cộng hòa Séc nên các bạn hiểu rõ sức mạnh của truyền thông cũng như sự kết nối trên cùng quan điểm để cùng nhau đi đến đích và vì vậy chúng tôi mong muốn cộng đồng người Việt tại Công hòa Séc cũng như người dân Séc, hãy quan  tâm và ủng hộ giúp đỡ chúng tôi để gây dựng phong trào  nhằm thay đổi tình hình mất nhân quyền ở trong nước Việt. Và tôi xin gửi lời đến tất cả quý vị nghe của đài Séc, xin chân thành cảm ơn.

Thay mặt Radio Plus, Daniela Vrbova xin cảm ơn sự chú ý của các bạn, và cám ơn các bạn Cuong Nguyen, Ha my Nguyenova, Nguyen Quoc Vu đã chuyển sang tiếng Séc.

Bài được phát sóng trong chương trình Zaostřeno của Đài phát thanh Quốc gia Séc ngày 16.1.2015 . Có thể nghe tại đây: http://prehravac.rozhlas.cz/audio/3294942  (vietinfo.eu)





No comments:

Post a Comment

View My Stats