Thursday, 22 January 2015

Đảng không sáng sao dân hết tối? (Phạm Trần)






Quyết định bưng bít sự thật của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng  sau Hội nghị Trung ương 10 (từ ngày 05 đến 12/01/2015) đã gây  hoang mang trong xã hội và làm yếu thêm  sức đề kháng của dân tộc trước hiểm họa xâm lăng mới của Trung Quốc.

Bằng chứng này không đến từ điều được gọi là “những phần tử xấu”, “các thế lực thù địch”, hay “những kẻ cơ hội” mà  từ sự thất vọng của nhiều người, kể cả ông Vũ Mão - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Giáo dục Việt Nam ngày 16/01/2015, ông Vũ Mão không giấu sự ngạc nhiên của ông khi thấy 20 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư  không phải nạp bản “kê khai tài sản”  để kiểm chứng sự trong sạch trước cuộc bỏ phiếu ngày 10/01/2015.

Ông nói: “Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề kê khai tài sản, lâu nay chúng ta đã làm nhưng vẫn mang tính hình thức. Kê khai thì cứ kê khai, chưa có sự xem xét, kiểm tra đích đáng. Đó là chưa nói tới việc công bố cho nhân dân biết. Trong khi chúng ta đề nhận thức đây là vấn đề mấu chốt của việc có tham nhũng hay không?”

Phân tích của ông Vũ Mão đưa ra vào lúc mạng xã hội Chân Dung Quyền Lực công bố nhiều văn bản, tài liệu khả tin và hình ảnh về khỏan tài sản khổng lồ không thể do đồng lương mà có của gia đình 2 Ủy viên Bộ Chính trị là Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh và ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng.

Tuy nhiên, đảng đã không cho mở cuộc điều tra cũng như Ủy ban Trung ương đảng và cả Quốc hội cũng không dám hé răng trước Hội nghị Trung ương 10 khai mạc khiến dư luận quần chúng và cán bộ, đảng viên xầm xì râm ran khắp làng khắp xóm. 

Dư luận xấu với hai Ủy viên Bộ Chính trị còn được bổ sung bởi những văn kiện có chữ ký và con dấu đỏ kèm theo hình ảnh chứng minh của mạng Chân Dung Quyền Lực về khối lượng tài sản trị giá hàng ngàn tỷ bạc của gia đình hai ông Thanh và Phúc. Việc này  đã khiến mọi người quên đi nhanh chóng những lời nói tự khen Hội nghị Trung ương 10 “đã thành công tốt đẹp” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Vũ Mão cũng băn khoăn: “Khi nào Trung ương công bố phiếu tín nhiệm cho nhân dân biết? Chúng ta thấy đây là việc làm mới rất cần ủng hộ, có lẽ vì còn mới nên các đồng chí lãnh đạo Đảng đang tính toán cẩn trọng, nhưng theo tôi tiến tới nên công bố cho nhân dân biết kết quả. Nhân dân mong muốn được biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, qua đó thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng đối với vận mệnh của đất nước, đối với sự nghiệp xây dựng đổi mới đất nước.

Hơn nữa, chúng ta nói Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, vậy thì nhân dân rất cần biết Đảng lãnh đạo thế nào, chịu trách nhiệm thế nào và nhân dân được giám sát ra sao? Chính Điều 4 của Hiến pháp đã quy định như thế! Một xã hội dân chủ, văn minh thì đó là chuyện rất bình thường.”

Tuy nhiên, đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không “rất bình thường” chút nào vì, theo mạng báo Chân Dung Quyền Lực ngày 16/01/2015 thì ông Trọng chỉ được 135 phiếu “tín nhiệm cao” và 40 phiếu “tín nhiệm”, đứng hàng thứ 8 trong số 20 người lấy phiếu.

Trong khi đó thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại  đứng đầu bảng tín nhiệm cao với 152 phiếu và 22 tín nhiệm. Ông Dũng là người từng bị Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu đề nghị phải chịu một hình thức kỷ luật, nhưng bất thành, tại Hội nghị Trung ương 6 (từ 01-10 đến ngày 15-10-2012).

Tiếp ngay sau đó là Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang được 149 phiếu tín nhiệm cao và 30 tín nhiệm. Người thứ 3 là Bà Nguyễn Thị Kim Ngân với 145 phiếu tín nhiệm cao và 41 phiếu tín nhiệm.

Đáng chú ý là ông Trọng đứng dưới cả những Ủy viên, đáng lẽ phài đứng sau ông gồm Đại tướng Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng); Thượng tướng Ngô Xuân Lịch (Bí thư Trung uơng đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân); ông Ngô Xuân Dụ (Chủ nhiệm Ủy ban Kiềm tra Trung ương) và Đại tướng Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Như vậy, lý do ông Trọng quyết định  không công khai kết qủa bỏ phiếu cho dân biết đã được dư luận đồng thuận  là nhằm  bảo vệ thanh danh cho cá nhân ông mà thôi.

Nhưng càng che đậy, càng không thành thật với dân và với đảng viên vào thời đại không ai ngăn cấm được các tin đồn đóan lan nhanh trên mạng lưới thông tin điện tử  thì uy tín của ông Trọng nói riêng và của Ban Chấp hành Trung ương nói chung chỉ chuốc thêm nghi ngờ của dư luận.

Biết như thế nhưng các viên chức đảng có trách nhiệm thông tin lại cố lái những lỗi lầm và che đậy sự thật bằng các bài viết và lời tuyên bố  lên án cái gọi là “các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng để tấn công vào nước ta”, như  tuyên bố của Thứ trường Thông tin &Truyền thông Trương Minh Tuấn với VietNamNet ngày 15/01/2015.

Ông Tuấn nói rằng: “Hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm - xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết, tạo sự ngờ vực trong xã hội… Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Như ở Anh tội phạm này bị xếp ngang hàng tội phạm tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân…”

Nếu đảng làm tòan việc tốt, cán bộ đảng viên biết  thực hành nghiêm chỉnh lời ông Hồ Chí Minh dậy cán bộ từ buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 rằng đảng viên  phải “nói  đi đôi với làm, phải gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, thật sự làm người đầy tớ trung thành của nhân dân” thì làm gì có chuyện đảng bị chỉ trích mà ông Tuấn nói ngược đi là “xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo…” ?

Ông Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nên mạnh dạn hỏi ngay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem đảng đã “nói đi đôi với làm” được mấy phần trăm đối với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ban hành ngày 16/01/2012?

Nếu ông Tuấn không dám hỏi thì đừng mơ sảng để vu họa cho các thông tin trên mạng báo xã hội là thuộc loại  “tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN” .

Nếu đảng trong sạch, những người bị nêu tên tham nhũng, có những hành vi bất chính, xâm phạm quyền làm chủ và tài sản của nhân dân chứng minh được mình liêm chính, chí công vô tư thì hãy truy tố kẻ tố cáo, vu oan cho mình ra trước luật pháp. Dư luận và công chính sẽ đứng về phiá những cán bộ, đảng viên gương mẫu để sẵn sàng lên án những kẻ mà đảng gọi là “thế lực thù địch” hay” những kẻ xấu”.

Rất tiếc, đảng chưa bao giờ dám làm như thế mà người dân chỉ được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đi nói lại từ năm 2013 rằng: “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng.”

Đó là câu nói “đúng”, nhưng chưa “trúng” vì tình trạng tham nhũng, lãng phí lúc nào cũng bị  đảng cảnh giác là “vẫn còn nghiêm trọng” hay “mỗi ngày một tinh vi, phức tạp” nhưng lại chưa tìm ra những kẻ “tay đã nhúng chàm”  thì dân phải thắc mắc và đảng có nhiệm vụ đáp ứng “quyền được thông tin” của dân theo quy định của  Luật Báo chí.

Ngược lại, dân lại được ông Thứ trưởng Trương Minh Tuấn kêu gọị “cần phải cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin.”

Hành động của ông Tuấn là phủi tay để trốn trách nhiệm cho Bộ Thông tin & Truyền Thông. Người dân chỉ tin vào những việc làm trong sáng và có tính thuyết phục của đảng và nhà nước. Người dân không có khả năng ngăn cản thông tin trên mạng điện tử tòan cầu, và tất nhiên đó không phải là nhiệm vụ của dân.

KHÔNG THỂ CẤM MẠNG XÃ HỘI

Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nói: “Hiện nay có khoảng hơn 30 triệu người Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội, đây là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin chính xác, kịp thời mới định hướng tốt dư luận, nhất là trên mạng xã hội. Đây cũng là một nhiệm vụ mới mà Văn phòng Chính phủ cần phải làm tốt trong năm nay.” (Thành Chung, đài Tiếng nói Việt Nam/ Voice of Vietnam, VOV)

Cổng thông tin của Chính phủ cũng viết ngày 16/01/2015: “Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải chủ động đưa thông tin cho chính xác trên mạng xã hội. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân tin. Đây là nhiệm vụ mới, cần phải làm tốt hơn.”

Báo Sàigòn Giải phóng: “Chúng ta lên facebook là có thể xem được hết. Tôi được thông báo có hơn 30 triệu người dùng facebook. Thông tin không thể cấm được, vì đó nhu cầu thiết yếu, chính vì thế rất cần cung cấp các thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời. Ai nói gì thì nói nhưng có thông tin chính thống từ Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt”

Ông Dũng đã đưa ra lời tuyến bố mới mẻ này tại  tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, tổ chức tại Hà Nội ngày 15/01/2015.

Ông là người lãnh đạo cao cấp đầu tiên trong đảng nhìn nhận nhà nước  “không thể ngăn cấm” hoạt động của các mạng xã hội ở Việt Nam, ngược lại với họat động chống các Bloggers (Nhà báo xã hội)  và Tổ chức Xã hội Dân sự của hai bộ Thông tin&Truyền Thông và Bộ Công an.

Tuy nhiên, lời tuyên bố “biết nhìn vào sự thật” và công nhận “quyền được thông tin” của người dân của người đứng đầu Chính phủ đã không được đăng trên các báo diện tử của Trung ương đảng, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tường thuật về Hội nghị của Văn phòng Chính phủ, TTXVN viết: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Văn phòng tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo, đồng thời thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật, trong đó đặc biệt lưu ý tập trung đưa công nghệ thông tin, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động chỉ đạo điều hành để đảm bảo tính kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí. 

Một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, các cấp chuyên viên cần phát huy trách nhiệm của mình và đều có trách nhiệm trong thực hiện công tác thông tin truyền thông; kịp thời cung cấp các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành để toàn dân biết, toàn dân thực hiện, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thông qua hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành bằng các quyết định của Chính phủ và đây cũng là quyền được cung cấp thông tin của người dân.” 

Tin của TTXVN cũng được báo Quân đội Nhân dân đăng lại.

Và báo Nhân Dân chỉ  dẫn chỉ thị của ông Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, đẩy nhanh việc thực hiện Chính phủ điện tử đi đôi với chú trọng công tác bảo mật, coi đây là một công tác trọng tâm; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Ðồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác thông tin truyền thông để tạo đồng thuận trong dư luận xã hội về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Những vấn đề bức xúc nổi lên trong xã hội, thông qua các kênh thông tin, Văn phòng Chính phủ phải chủ động đề xuất để có hướng xử lý ngay.”

Vậy sự  khác biệt giữa “đăng” và “không đăng” lời tuyên bố “không thể cấm được” mạng xã hội của người đứng đầu Chính phủ đã nói lên điều gì trong nội bộ Lãnh đạo của đảng  ?

Thứ nhất, nó thể hiện sự thiếu thống nhất trong đường lối lãnh đạo thông tin.

Thứ hai, một tình trạng kình chống nhau giữa các lãnh đạo hàng đầu của đảng và Chính phủ đã xẩy ra ở vào thời kỳ “nhạy cảm” nhất trước Hội nghị đảng XII, tiếp theo sau kết qủa bỏ phiếu Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10.

Thứ ba, sự thể các cơ quan báo chí, truyền thông “ruột” của Ban Tuyên giáo Trung ương  do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, người đứng thứ 13 với 122 phiếu tín nhiệm cao và 50 phiếu tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/01/2015 (theo Chân dung Quyền Lực) cũng có thể suy diễn như một phản ứng cá nhân đối với uy tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu bảng phiếu tín nhiệm cao trong Bộ Chính trị.

Thứ tư, phản ảnh một tình trạng lúng túng không biết phải xử lý ra sao đối với lời tuyên bố “qúa mới” và “vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa” của  Ban Tuyến giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị và được Trung ương 10 đồng ý phải “đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.”

Nhưng  ai cũng thấy chỉ khi nào đảng trong sáng trong mọi lời nói và việc làm thì dân mới tin, một tình trạng đảng đang phải đối phó vất vả sau Hội nghị Trung ương 10.

Thật nguy nan là quyết định bưng bít chuyện nội bộ, dù có lợi nhất thời cho vị trí cầm quyền của một số lãnh đạo sẽ không tránh khỏi lợi dụng của nước láng giềng nhưng không thật lòng Trung Quốc. Vì sự mất đòan kết trong đảng và giữa đảng và nhân dân chỉ làm tiêu hao tiềm năng đề kháng của dân tộc trước tham vọng bá quyền ở  Biển Đông của Bắc Kinh.

Bằng chứng xây dựng các căn cứ quân sự, trạm tiếp vận, sân bay và mở mang các đảo và bãi đá chiếm của Việt Nam và Phi Luật Tân ở Biển Đông trong  4 năm qua là mối nguy cơ Việt Nam sẽ mất quyền kiểm soát nguồn tài nguyên của mình ở khu vực Trường Sa.

Trước viễn ảnh như thế mà chỉ thấy lãnh đạo đảng và Quân đội nhân dân loay hoay lo chống đỡ và ăn nói hòa hoãn theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và nhất trí cùng nhau trở thành "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", theo chỉ dẫn của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1991.

Một bài viết đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 17/01/2015 của Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh đã phản ảnh sự hòa hoãn này: “Năm 2015 - năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước-là dịp tốt để hai bên cùng nhìn lại chặng đường đã qua và cùng hướng tới một chặng đường mới cho quan hệ hai nước. Trước sau như một, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, chân thành mong muốn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang đầy rẫy các bất ổn, mọi con mắt đang hướng và đặt nhiều kỳ vọng vào châu Á”.

Ông Minh nói tiếp: “Trên tinh thần đó, trong năm kỷ niệm 2015 và các năm tiếp theo, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Các bộ, ngành và địa phương hai nước cần cùng nhau cố gắng thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích cho nhân dân hai bên. Để củng cố nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước, hai bên cần tích cực có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường tình cảm hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt giữa thế hệ trẻ hai nước.”

Nhưng lời nói ngọai giao “mềm như con giun” của ông Phạm Bình Minh không phản ảnh những gì Trung Quốc đang đối xử với Việt Nam ở Biển Đông, trên Vịnh Bắc Bộ và đất liền.

Vì vậy giữa tình hình chính trị nội bộ rối ren, bè phái của đảng và chính sách ngoại giao e dè, sợ bị Trung Quốc đánh úp của lãnh đạo Việt Nam không làm  dân an lòng trước âm mưu chiếm đóng lãnh thổ ở Biển Đông ngày càng rõ ràng của Bắc Kinh.

Do đó, lời khuyên các cơ quan Chính phủ phải  sử dụng  mạng xã hội để thông tin nhanh đến dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị báo “chính thống của đảng” chận  lại cần được Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng xử lý nếu  ông không ra lệnh cho Ban Tuyên giáo cứ giữ  kín mọi chuyện trước dân, kể cả chuyện Biển Đông, để  cho ông  được sáng đến hết nhiệm kỳ.

1/2015






No comments:

Post a Comment

View My Stats