Tue, 09/09/2014 - 14:23 — nguyenhuuvinh
Tôi sinh ra sau khi cuộc "Cải cách ruộng
đất" (CCRĐ) được thực hiện xong. Khi tôi có chút hiểu biết thì những sự
kiện đã xảy ra trước đó cả chục năm vẫn hàng ngày, hàng giờ được nhắc lại như
một nỗi kinh hoàng. Nỗi kinh hoàng đó không phải là bom rơi, đạn lạc, người
chết hay lũ lụt... mà nó hiển hiện và tồn tại trong từng công việc, từng
cách nghĩ, việc làm của người dân Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ "cuộc cách
mạng long trời lở đất" trước đó được gọi là CCRĐ.
"Long"
và "lở"
Ở cuộc cách mạng đó, điều duy nhất đạt được thành
công rõ nét nhất, chính là sự phá hủy nhanh chóng một nền văn hóa Việt Nam được
xây dựng qua cả ngàn năm và thường xuyên được coi là nền văn hiến quý báu từ
lâu đời.
Cuộc CCRĐ với khẩu hiệu rất đơn giản, hiền lành
"Người cày có ruộng" đã nhanh chóng đưa cả xã hội Việt Nam với con số
nông dân chiếm tuyệt đối lao vào một cơn cuồng nộ cướp, phá, giết... bất chấp
tất cả những nguyên tắc xã hội xưa nay là bảo vệ sự công bằng, bác ái và nhân
hậu, trật tự và luân lý. Ở cuộc CCRĐ đó, những giá trị tinh thần bị hủy hoại
rất thành công. Những hiện tượng con đấu cha, vợ tố chồng vốn là điều tối kỵ
trong truyền thống văn hóa Việt Nam từ ngàn đời không hề được dung dưỡng, này
được dịp tha hồ thể hiện để "lập công".
Có thể nói, cuộc CCRĐ đã thật sự làm
"long" và "lở" không chỉ là trời đất, mà thực sự đã làm
long, lở và sụp đổ, tan rã một hệ thống đạo đức, văn hiến tự ngàn đời. Nhà văn
Dương Thu Hương có viết, đại ý rằng: Đất nước Việt Nam đã qua lịch sử cả ngàn
năm, trải qua bao nhiêu chế độ. Nhưng, chưa có một chế độ nào có thể làm cho
con đấu cha, vợ tố chồng, con gái, con dâu vu cáo cha đẻ, bố chồng cưỡng hiếp
mình. Chỉ có chế độ Cộng sản làm được điều "vĩ đại" đó mà thôi.
Và cứ thế, xã hội đi vào cơn trầm luân của chủ nghĩa
vô thần, vô luân, vô luật pháp. Kể từ đó, cái gọi là "vô sản", cái sự
"nghèo" được coi là môt phẩm chất tốt đẹp nhất để tiến thân trong xã
hội cộng sản. Sự phân tầng xã hội căn cứ vào mức độ "nghèo" của cá
nhân đạt đến mức nào. Có thể nói rằng: Trừ giai đoạn những người Cộng sản lộ
nguyên hình là các tư bản đỏ, phần trước đó, sự nghèo khó là tấm áo khoác của
hầu như toàn bộ bộ máy lãnh đạo, là nấc thang, là tiêu chuẩn cho việc thăng
quan, tiến chức và cầm quyền trong xã hội Việt Nam.
Câu khẩu hiệu "Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc,
trốc tận rễ" của Trần Phú Tổng bí thư Đảng CS được dùng như một câu Kinh
Thánh trong mọi hành động xã hội, đã nhanh chóng đưa Việt Nam vượt ra khỏi ranh
giới xã hội loài người. Cái gọi là "thành phần" xuất hiện trong CCRĐ
thời đó, cho đến nay tròn 60 năm sau vẫn ám ảnh trong từng tờ hồ sơ, lý lịch
của các em nhỏ đến trường, dù chúng chẳng hiểu "thành phần" nghĩa là
cái gì và từ đâu ra.
Dần dần theo với thời gian, với những lo toan của
cuộc sống đầy gian nan vì kinh tế, giá cả, độc hại, môi trường... người ta
nguôi ngoai dần với những tội ác mà cái gọi là CCRĐ đã gây ra cho dân tộc. Cả
xã hội, cả đất nước gồng mình lên qua bao cuộc chiến tranh và cố quên đi những
nhức nhối, lở loét, hận thù âm ỉ trong lòng người nông dân xuất phát từ cuộc
CCRĐ đã qua.
Bỗng nhiên, hôm nay nhà nước mở "Triển lãm
về Cải cách ruộng đất tại Hà Nội".
Ngay từ khi nghe tin có cuộc triển lãm về Cải cách
ruộng đất tại Hà Nội, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về mục đích và nội dung của
nó. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao sau 60 năm, giờ nhà nước Cộng sản mới
nói đến CCRĐ? Phải chăng, họ muốn thật sự nhìn nhận lại những sai lầm, những
hậu quả để rút kinh nghiệm? Phải chăng, đã đến lúc nhà cầm quyền CSVN hiểu rằng
không thể có điều gì giấu kín mãi được. Khi mà sự bưng bít đang được thực hiện,
thì những tác phẩm như Ba người khác của Tô Hoài, Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư
Hiên và mới đây là Đèn Cù của Trần Đĩnh sẽ còn hấp dẫn bạn đọc trong và ngoài nước.
Và để hóa giải những điều đó, đảng đã dám "nhìn
thẳng vào sự thật" như lời đảng tuyên bố cách đây... 30 năm?
Những câu hỏi đó, thôi thúc chúng tôi đến khai mạc
"Trưng bày chuyên đề về Cải cách ruộng đất 1946-1957" tại 25 Tôn Đản,
Hà Nội.
Triển
lãm hay cuộc đấu tố mới?
Khi chúng tôi đến, thủ tục khai trương Triển lãm đã
bắt đầu. Theo như Ban tổ chức, thì việc triển lãm là nhằm để "cho thế hệ
sau hiểu hơn về CCRĐ". Thế nhưng, nhìn vào đám người tập trung khoảng vài
ba chục ở buổi khai trương, người ta mới cảm nhận được rằng: Sau mấy chục năm
dưới sự lãnh đạo của đảng, thế hệ trẻ ngày nay cho rằng sự quan tâm đến những
vấn đề ngoài bản thân mình là điều xa xỉ. Tập trung xem triển lãm, chủ yếu là
mấy ông già hoặc công an, cán bộ, một số các cháu gái phục vụ với áo dài đỏ
lăng xăng đi lại cầm băng đỏ và kéo. hàng loạt các phóng viên truyền hình, quay
phim tua tủa. Chỉ có vậy.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc
gia lên phát biểu: “Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng dân chủ ‘long trời
lở đất’, mang lại những giá trị to lớn của một xã hội mới, một chế độ mới, một
cuộc sống mới cho người dân Việt Nam”.
Chưa rõ cái "dân chủ" cái "giá trị to
lớn" của CCRĐ ở đâu, người ta chỉ biết rằng đó là một cuộc cướp bóc trắng trợn
và được cả xã hội tiến hành dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Hậu quả của nó
là hàng trăm ngàn con người bị cướp bóc, ảnh hưởng, hàng loạt người bị giết
chết bằng nhiều cách. Thậm chí là ngay cả những người là ân nhân của Đảng cũng
không thoát bày tay của đảng đưa sang thế giới bên kia mà miệng vẫn hô vang
"bác" và đảng muôn năm(!).
Thế rồi, tất cả vào khu gian trưng bày hiện
vật triển lãm. Không gian của Triển lãm trong một căn phòng khá rộng, hơn 200
mét vuông.
Cũng không có gì lạ khi nhìn hình thức bài trí của
Triển lãm này. Nếu như, người ta kinh hoàng đến tận ngày nay các buổi đấu tố
địa chủ khi xưa, thì bây giờ vào xem lại Triển lãm này, người ta sẽ thấy rõ tư
duy đấu tố đang được lặp lại dưới hình thức "Trưng bày hiện vật".
Đó là khu vực tố cáo đời sống "sung sướng, giàu
có bọn địa chủ", nào là cái điếu hút thuốc, đôi giày thêu, chiếc ấm đồng,
cái sập gụ... tất cả đều được đưa ra ghép vào tội ác của bọn địa chủ, phong
kiến.
Một vị nhìn phương phi, mặc chiếc áo xám có hình cờ
Việt Nam như các đại biểu Quốc hội vẫn đeo đi cùng với vài quan chức của nhà
bảo tàng. đám báo chí chĩa máy quay, máy ảnh vào đó đi từng bước. Tôi đi bên
cạnh một vòng theo chiều kim đồng hồ bám dọc tường. Lời cô thuyết minh viên leo
lẻo: "Nhữn hiện vật này chứng minh rằng bọn địa chủ bóc lột nhân dân ta
thậm tệ". Thế nhưng, có lẽ chính cô ta không hiểu từ "bóc
lột" nó có nghĩa như thế nào và trong những thứ được trưng bày ở đây, thứ
nào là bóc, thứ nào được lột và từ đâu.
Đi bên cạnh, cô thuyết minh viên áo đỏ liên tục:
"CCRĐ xóa bỏ chế độ người bóc lột người, là cách mạng về quan hệ sản xuất
và nông dân đổi đời..." và rất nhiều ngôn từ như xưa nay đảng vẫn nói.
Tôi quay lại nói với vị này: "Quan chức Cộng
sản ngày nay thì đất đai, nhà cửa, ăn chơi còn gấp trăm lần địa chủ phong kiến
trước đây. Mà tất cả là từ tiền tham nhũng của dân, còn địa chủ phong kiến ngày
xưa có ăn chơi cũng là tiền của họ. Bây giờ có ông quan hàng trăm ha đất như
Chủ tịch Bình Dương thì bọn địa chủ sao so được anh nhỉ?"
Qua chỗ hai người kéo cày, tôi bảo: "Bây giờ
khác xưa rồi, bây giờ có tận bốn đứa học sinh kéo bừa cơ". Mọi người
cười ồ, ông quan này cũng gật đầu đồng tình làm mình thấy lạ là một ông quan có
thái độ vui thế. Đi một đoạn, ông hỏi: Ở huyện nào đấy? Không hiểu ông định hỏi
quê quán hay nơi ở nhưng không tiện hỏi lại, nên tôi trả lời: Tôi ở ngay HN đây
thôi. Và cứ thắc mắc không biết ông này là ai.
Cho đến khi về nhà mới biết đó là ông Lê Như Tiến -
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của
Quốc hội. Chính ông này đòi phải ra nghị quyết về Biển Đông hôm trước.
Có thể nói, những hiện vật trưng bày trong cái gọi
là Triển lãm này là một mô hình đấu tố mới, nhằm lấp liếm, bào chữa cho những
tội ác đối với ngay cả những đồng bào của mình, đối với những người có đầu óc
và tri thức làm giàu cho quê hương đất nước. Bỗng dưng một ngày đẹp trời họ
được hưởng nhờ thành quả Mác - Lenin xếp họ vào "giai cấp bóc lột".
Và họ bị cướp đoạt, bị tra tấn, bị bắn, bị giết và "CCRĐ hoàn thành thắng
lợi".
Cố thuyết minh viên chỉ vào hai chiếc áo rách mà
rằng: "Đây là hai chiếc áo của nông dân, bị bọn địa chủ bóc lột thậm
tệ. Nhưng không phải tất cả các địa chủ đều xấu, mà vẫn có những địa chủ
tốt". Khi hết buổi thuyết minh, tôi nói với cô ta: "Cô thuộc
bài, nhưng nói có những địa chủ tốt là sai". Cô ta hỏi lại: "Sai
chỗ nào ạ". Tôi đáp: "Cô có hiểu Trần Phú đã viết Trí, Phú,
Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ" hay không mà bảo có địa chủ tốt? Tốt
sao phải đào?". Cô ta ấp úng: "Nhưng mà những điều đó đã qua
hơn 50 năm rồi ạ". Tôi hỏi lại: "Vậy sao chiếc áo rách này hơn
50 năm vẫn còn giữ?". Cả phòng triễn lãm cười vang.
Thật ra, tranh luận với cô ta thì chẳng có mấy tác
dụng. Nhưng điều thú vị, là chính những người tham gia vào xem triển lãm lại là
những người luôn có những cái thở dài và lắc đầu ngán ngẩm mà không dám phản
ứng khi bên cạnh, bên ngoài là hàng loạt công an. Một người chụp ảnh liên tục
các hiện vật lầm bầm trong miệng: "Đ.M, cứ tưởng là chúng nó phục thiện,
biết nhận lỗi, ai ngờ lại bày trò lưu manh này ra".
Và khi chụp hình xong, anh ta kết luận: "Thôi,
cái hay hôm nay, là chúng nó đưa ra để dân biết rằng cái giai cấp địa chủ,
phong kiến ngày xưa chẳng là cái đ. gì so với bọn quan cộng sản tham nhũng hôm
nay".
(Còn tiếp)
Hà Nội, Ngày 9/9/2014
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment