Thursday 11 September 2014

NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN NGHĨA : KHÔNG AI "QUẢN CHẾ" DƯỢC TỰ DO (Danlambao)




9/12/2014           9 Comments

Trao đổi với Danlambao ngay sau khi ra tù, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào con đường đã chọn. Ông khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi lý tưởng đấu tranh đến cùng.

*

Lúc 23 giờ đêm ngày 11/9/2014, người tù bất khuất Nguyễn Xuân Nghĩa đã về đến nhà riêng tại 828 Trường Chinh, phường Quán Trữ, Kiến An, Hải Phòng.

Đây là hình ảnh đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Nghĩa sau 6 năm chịu cảnh tù đày nghiệt ngã.

Nhà văn 65 tuổi cho biết, lúc 8h giờ sáng cùng ngày, công an đã áp giải ông vào từ trại giam An Điềm, Quảng Nam đưa về địa phương tại Hải Phòng để "quản chế". Ngoài mức án 6 năm tù giam, ông Nghĩa sẽ tiếp tục bị cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian 3 năm.

Trên suốt quãng đường áp giải hơn 1000 cây số, ông Nghĩa không được cho ăn uống tử tế. Khi về đến Hải Phòng, mặc dù trời đã tối mịt nhưng ông tiếp tục bị đưa đến trụ sở UBND quận để làm việc.

Khi về đến nhà đã là 23 giờ khuya, ông Nghĩa chỉ kịp ăn tối và uống thuốc, sau đó dành thời gian tiếp chuyện bạn bè, trả lời phỏng vấn báo đài.

Không ai 'quản chế' được tự do

Được biết, sau 6 năm tù đày khắc nghiệt, sức khỏe của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã suy yếu đi rất nhiều.

Khi còn bị giam giữ tại trại giam An Điềm, ông bị chứng đau nửa mặt kéo dài, bác sĩ trại giam cho rằng ông bị đau răng. Mặc dù đã nhiều lần yêu cầu được đưa đi khám chữa đúng cách nhưng phía trại giam cố tình tỏ ra chây lỳ.

Phải đến khi đấu tranh quyết liệt thì nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa mới được đưa đi đến bệnh viện đa khoa Quảng Nam chữa trị. Sau khi nhổ hết 3 chiếc răng những vẫn không khỏi, ông Nghĩa mới được bác sĩ thông báo rằng ông bị chứng đau dây thần kinh số V.

Dự kiến trong thời gian gần nhất, gia đình sẽ sắp xếp đưa ông Nghĩa đi khám và điều trị đúng chuyên khoa.

Trước đó, viện lý do giúp ông Nghĩa ‘tái hòa nhập cộng đồng’, phía CA có yêu cầu ông ký vào một bản cam kết chấp hành án quản chế, nhưng cũng đã bị từ chối.

Về bản án quản chế 3 năm tại địa phương, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định: Không ai có thể ‘quản chế’ một nhà văn có tâm hồn tự do!

Không từ bỏ lý tưởng

Sự trở về trong chiến thắng của người tù bất khuất Nguyễn Xuân Nghĩa chắc chắn sẽ là nguồn khích lệ lớn đối với Phong trào Dân chủ Việt Nam.

Không chỉ là một nhà văn, ông Nghĩa còn là một người đấu tranh tiên phong luôn đi đầu trong các hoạt động xuống đường tại Việt Nam.

Thậm chí, trong thời gian ở tù, ông Nghĩa vấn tiếp tục đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, bất chấp những hành vi trả thù hèn hạ của công an trại giam.

Trao đổi với Danlambao ngay sau khi ra tù, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào con đường đã chọn. Ông khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi lý tưởng đấu tranh đến cùng.

Qua Danlambao, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa muốn gửi tặng tất cả bạn đọc bài thơ vừa được sáng tác trước khi ra tù một ngày:

An Điềm không lều cỏ
Vách tường không kiếm cung
Tảng đá không rồng cuốn
Hạc, phượng không ghé thăm.

Nói tám, chín tiếng Tây
Đọc dăm ba sách Thánh
Nửa đêm dậy vỗ gối
Làm sao thành tôi trung?

Giận khuôn mặt chữ điền
Giận vai u thịt bắp
Giận tả thê nhi hữu
May mà không cháy bùng

Bỗng một chiều tháng sáu (*)
Lòng như đàn đứt dây
Anh hùng nào nghe lén?

Tiếc thua kém người xưa
Lo ngắn tài, sức yếu
Nhưng mà có sao đâu!
Ngày mai ta xuống núi!

(An Điềm trước ngày ra tù.)

(*) Tháng 6/2014, thời điểm luật sư Lê Quốc Quân bị chuyển đến trại giam An Điềm và bị giam chung với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.



Chia sẻ cảm nghĩ về sự trở về của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên thành viên MLBVN viết:

Sáu năm trước, anh em - chú cháu tôi, cả thảy gần chục con người đã lần lượt bị bắt giam vào đúng cái “ngày khủng bố” ngày 11 tháng 9.

Hôm nay, chú Nguyễn Xuân Nghĩa - người cuối cùng cũng là người cao tuổi nhất mới được trở về. Sự trở về không phải để bắt đầu một cuộc sống tự do, mà để mở đầu cho những năm tháng bị cầm tù tại ngôi nhà của mình. Chúng tôi, những người tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đều phải chịu hình thức cầm tù như thế.

Hôm nay chỉ có mình tôi khóc. Chú không khóc khi nói chuyện điên thoại với tôi. Chú cười, vỗ về: “Được rồi. được rồi. Chú biết rồi. Mọi sự qua rồi cháu ạ”. Nếu ở gần chắc chú đã xoa đầu tôi như hồi hai chú cháu còn chưa bị bắt.

Lần chú khóc sau cùng với tôi, theo trí nhớ có lẽ là lần tôi bị hành hung trên đường từ nhà chú trở về. Đó là vào tháng 6 năm 2008, sau khi chúng tôi viết đơn khởi kiện UBND Tp Hà Nội vì không cho biểu tình theo luật định.

Người tù chú mới ra tù đã gặp người tù cháu, lại nói về những người tù khác. Chú nói về khí phách của họ, nhất là về anh Điếu Cày và anh Lê Quốc Quân. Giọng nói chú trở nên gấp gáp hơn khi nhắc đến những câu chuyện như thế.

Tối nay tôi đi ngủ, lòng bình an vì biết Hải Phòng giờ đây tôi đã có chú Nghĩa để cùng tôi tiếp tục đồng hành con đường đã phải bị dở dang vào cái ngày khủng bố 9/11 năm 2008 ấy, cũng tại thành phố cảng này.



---------------------------------------

9/12/2014                  12 Comments


6 năm trước, chỉ một biểu ngữ với nội dung như trên đã khiến nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cùng 5 người bạn bị kết án tổng cộng 22 năm tù.

Cùng thời điểm đó, Phạm Thanh Nghiên bị kết án 4 năm tù giam chỉ vì treo tấm biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” trong nhà.

Hai sự kiện trên để nhắc lại rằng, Phong trào Dân chủ Việt Nam đã từng bị đàn áp khốc liệt đến mức độ nào trong những ngày đầu còn sơ khai.

Những con người tiên phong tranh đấu ấy, điển hình là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã hiên ngang nhập cuộc, chấp nhận hy sinh cho lý tưởng cao đẹp nhất của cuộc đời. Các hoạt động của ông trở thành niềm hy vọng cho rất nhiều người

Đã có lúc, Phong trào Dân chủ trở nên suy yếu bởi nhà cầm quyền gia tăng đàn áp. Những kẻ luôn trong tư thế ngoài cuộc liền chất vấn: Có hay không cái gọi là ‘Phong trào Dân chủ’ tại Việt Nam?

Tấm biểu ngữ có nội dung “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam. Dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam” được nêu trong cáo trạng, trở thành bằng chứng để kết án 6 năm tù đối với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

6 năm sau, những nội dung trên vẫn còn nguyên giá trị, người dân công khai xuống đường giơ cao những biểu ngữ thậm chí còn mạnh bạo hơn thế.

Ông Nghĩa và những người đấu tranh tiên phong chấp nhận cảnh tù đày nghiệt ngã để minh chứng rằng: Phong Trào Dân Chủ Việt Nam hoàn toàn có thực.

Những nỗ lực ấy đã giúp con đường của Chúng Ta ngắn lại rất nhiều.

Chiến dịch ‘Chúng Tôi Muốn Biết’ của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã minh chứng điều đó. Hàng trăm người, từ Nam chí Bắc, đủ mọi thành phần, họ công khai giơ cao những biểu ngữ đòi quyền được biết.

bà Nguyễn Thị Nga

Trong số đó, tôi nhận ra có vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Nga - người phụ nữ suốt 6 năm qua đã luôn âm thầm sát cánh bên chồng.

Vượt lên những đau thương tủi nhục, người phụ nữ ấy đã phải lo gánh vác gia đình, vừa lo chuyện thăm nuôi và cũng lên tiếng đấu tranh cho chồng.

Con đường của Chúng Ta ngắn đi rất nhiều cũng nhờ những người phụ nữ như thế. 

“Ta bay song song qua ba năm dằng dặc thiếu nhau lần thứ nhất
Rồi rẽ qua sáu năm tù ngục lần này...
Qua tiếng thì thầm “Lâu lắm, đừng chờ” mà ta bỏ lại.
...để tìm hạnh phúc”
(Bài thơ gửi vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa)

Tôi biết ơn họ, những người đấu tranh tiên phong trong Phong trào Dân chủ Việt Nam.

Tôi biết ơn gia đình họ, những người đã luôn âm thần sát cánh cạnh người thân trong những năm tháng tù đày khắc nghiệt.

Tôi biết ơn những nỗ lực của họ đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ. Và, mỗi khi có thêm một người bớt sợ thì con đường của Chúng Ta cũng ngắn đi thêm rất nhiều. 






No comments:

Post a Comment

View My Stats