GS
Nguyễn Văn Tuấn
Posted by adminbasam
on 13/09/2014
Đọc bài “Anh thợ hồ quên mình tìm bé mất tích: Thôi thúc tình người”
trên tường của một người bạn, và thấy câu cuối của bài viết có câu giống như
than thở: “Âu đây cũng là điều đáng để suy gẫm.” Đáng suy ngẫm thật vì câu
chuyện trong bài báo nói lên một sự tiếm công trắng trợn của giới cầm quyền,
nhưng đồng thời cũng phản ảnh số phận “thấp cổ bé họng” của người dân trong xã
hội VN hiện nay. Câu chuyện có thể phản ảnh một thể chế chiếm đoạt.
Câu chuyện kể rằng anh thợ hồ Nguyễn Văn Tâm đã can
đảm lặn xuống ống cống để tìm và đem được thi thể của cháu bé La Văn Tỷ (đã mất
tích trước đó 3 ngày). Anh Tâm chỉ có cái đèn soi ếch và một tấm lòng chứ chẳng
có công cụ bảo hộ nào khác như chúng ta hay thấy các nhân viên cứu hộ ở các
nước tiên tiến hay dùng. Anh ngụp lặn trong cống 3 ngày liền. Anh là người duy
nhất tìm được thi thể bé Tỷ và người duy nhất đem được thi thể lên bờ giao cho
cha mẹ em.
Ấy thế mà công của anh không hề được ghi nhận! Ông
Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương “lấy ra 10 triệu đồng trao cho
thượng tá Vũ Thanh Tâm, người trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm để gọi là thưởng nóng
bù đắp công sức anh em bỏ ra.” Ngay sau việc “thưởng nóng”, báo Bình Dương
online đã có ngay một bản tin cũng rất nóng, trong đó có đoạn “Nhờ sự quan tâm
chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp của UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho
công tác cứu hộ hoàn thành nhiệm vụ sau 39 giờ tìm kiếm.” Giọng điệu bản tin
nghe quen, nhất là cụm từ “nhờ sự quan tâm”, “chỉ đạo trực tiếp”, v.v. Trong
khi những người trong chính quyền ăn mừng với tiền thưởng và có cơ hội chụp
hình với những nụ cười rạng rỡ và chiến thắng, thì anh Tâm lặng lẻ thu xếp đồ
đạc và lủi thủi về nhà.
Nhưng có lẽ anh Tâm làm việc cứu hộ thật và cũng
chẳng cần ai cám ơn hay tưởng thưởng. Khi phóng viên hỏi những người chòm xóm
thì người ta nói một câu rất nghĩa khí Nam Bộ: “Xong rồi thì thôi. Có gì nữa
đâu mà anh hỏi. Người nghèo chúng tôi không màng tới chuyện công lao. Chỉ cần
biết sống với nhau, hoạn nạn vui buồn có nhau là được rồi. Mấy ngày trước chưa
tìm ra xác con, mẹ thằng Tỷ chết đi sống lại. Ai mà không đau buồn? Thằng Tâm đi
khắp nơi vận động quyên góp giúp đỡ gia đình bị nạn. Cái nghĩa cái tình mới là
điều đáng quí. Nó cũng có khá hơn ai đâu nhưng giúp được gì trong khả năng là
nó giúp.”
Phóng viên viết như than vãn “Âu đây cũng là điều
đáng để suy gẫm”, nhưng tôi lại nghĩ với những dữ kiện trên thì đủ để có một
câu kết luận thích hợp hơn: đó là một sự tiếm công trắng trợn của phía chính
quyền. Các vị mang hàm tá uý, và chức danh cao ngất ngưởng đó chẳng thấy
làm gì cả; họ chỉ … chỉ đạo. Đáng lẽ cái công việc cứu hộ, cứu nạn là việc của
họ vì họ được người dân trả tiền thuế để nuôi nấng họ, để huấn luyện họ, và để
họ phải thực thi nhiệm vụ cứu hộ. Nhưng họ không làm hay không dám/muốn làm
việc khó khăn đó, mà chỉ muốn “chỉ đạo”. Đến khi người dân làm thì họ giành
công trạng và cấp trên của họ thì tự cho mình cái quyền khen thưởng. Nói cách
khác, họ tự khen thưởng với nhau!
Mà, điều đáng nói là họ làm việc đó rất ư là trắng
trợn. Họ chẳng xem công chúng và dư luận công chúng ra gì. Họ thản nhiên nói
nhờ sự quan tâm chỉ đạo của họ mà đội cứu hộ đã hoàn thành nhiệm vụ. Người ta
phải hỏi hoàn thành nhiệm vụ gì khi người ta lặn lội dưới cống còn họ thì mang
sao lấp lánh đứng trên bờ? À, thì ra đó là nhiệm vụ được chụp hình và được
thưởng. Còn một nhiệm vụ nữa: cướp công. Họ đúng là khinh thường công chúng đến
thế là cùng.
Nếu làm cứu hộ theo kiểu tiếm công như các vị đó thì
tôi nghĩ ai cũng làm được, chứ xã hội đâu cần đến họ làm gì.
Đây không phải là lần đầu họ làm như thế; cái việc
tiếm công này đã xảy ra trong quá khứ gần. Chúng ta còn nhớ khi tàu chở du
khách bị chìm trên sông Sài Gòn, người đầu tiên nhảy xuống cứu du khách thành
công là anh chàng lái ghe thương hồ. Khi anh đã di dời du khách vào ghe của anh
một cách an toàn thì lực lượng cứu hộ mới đến nơi. Và, dĩ nhiên, một thủ tục
không thể thiếu được là chụp hình ghi công. Mấy lần trước khi ngư dân bị Tàu
cộng tấn công và cướp bóc, ngư dân phải nhờ bạn bè ngư dân khác cứu hộ và đem
vào bờ, không có lực lượng cứu hộ nào cả. Nhưng ngạc nhiên thay, khi ngư dân
vào đến bờ thì đã thấy lực lượng cứu hộ trong những bồ đồng phục mới toanh và
mang sao lấp lánh đứng đó để chào đón và … chụp hình. Thế là bản tin ngày hôm
sau nói rằng lực lượng cứu hộ đã đưa ngư dân về bến an toàn! Trơ trẽn đến thế
thì phải nói là cùng cực vậy.
Sự tiếm công xảy ra rất thường xuyên, ngay cả ở cấp
cao hơn là cứu hộ. Mới đây một vị quan cấp phó chủ tịch tỉnh lên facebook để khoe thành tích của ông.
Trong fb có đoạn viết “Chí ít, nếu không có người có tâm và có tầm thì làm sao
hàng năm Nam Định có thể cống hiến cho đất nước 15.000 thanh niên ưu tú vào các
trường đại học.” Ông ấy dành công cho ông và đồng nghiệp của ông một cách phải
nói là trơ trẽn. Không biết ông có khi nào tịnh tâm và tự hỏi nếu không có ông
và chính quyền thì Nam Định sẽ ra sao, sẽ đóng góp nhiều hơn cho quốc gia? Ngay
cả trong công cuộc kháng chiến chống Pháp cũng có tình trạng tiếm công, nhưng
đây là chuyện dài và đã có người phân tích nên tôi không muốn nói ra ở đây.
Nhìn
như thế để thấy sự tiếm công và chiếm đoạt là một hiện tượng có hệ thống chứ
không ngẫu nhiên. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và
James Robinson, trong đó tác giả chứng minh rằng sở dĩ các nước nghèo và lạc
hậu là do thể chế chiếm đoạt về chính trị và kinh tế. Trong thời Pháp thuộc,
người Việt bị loại ra khỏi địa hạt chính trị và tước đoạt kinh tế vì tất cả đều
tập trung vào tay người Pháp. Ngày nay, đại đa số người Việt cũng bị tước đoạt
như thế, vì các tập đoàn kinh tế chỉ tập trung vào một thiểu số có quyền thế
gọi một cách mĩ miều là “nhóm lợi ích”, và đại đa số người Việt không có quyền
định đoạt chính trị. Thành ra, theo lí giải của Acemoglu & Robinson, chúng
ta có thể giải thích tại sao Việt Nam cho đến nay vẫn còn nghèo.
Nguồn:
FB Nguyen Tuan
—–
Mời
xem lại:
No comments:
Post a Comment