Saturday, 13 September 2014

LÀM TỪ THIỆN : NÊN HAY KHÔNG ? (Ts. Nguyễn Đình Thắng)




Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Thursday, September 11 – 2014  @ 10:44:12 EDT

Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại thường có sự giằng co giữa 2 khuynh hướng về việc làm hay không nên làm từ thiện ở Việt Nam. Khuynh hướng làm từ thiện chủ trương rằng “máu chảy ruột mềm”, đồng bào khốn khó thì phải cứu giúp. Khuynh hướng ngược lại thì lập luận rằng chế độ thối nát hiện nay chính là nguyên nhân của các vấn nạn xã hội, làm từ thiện chỉ là nuôi mầm bệnh và bệnh trạng sẽ ngày càng trầm trọng. Bên nào nghe cũng có lý.
Quả vậy. Cả hai bên cùng có lý. Trong hoàn cảnh của Việt Nam đó là hai mặt của một đồng tiền. Không thể thiếu một. Mâu thuẫn xẩy ra khi cả hai bên cùng nghĩ rằng đồng tiền chỉ có một mặt: mặt của bên mình.
Làm Từ Thiện Là Bắt Buộc
Một xã hội nhân bản, nơi con người được tôn trọng và hạnh phúc của con người là cứu cánh, phải được xây dựng trên lòng nhân. Trước cảnh khốn khó của con người, đặc biệt là đồng bào, thì lòng nhân ấy thôi thúc chúng ta hành động. Ai đeo đuổi lý tưởng cứu dân, cứu nước mà không động lòng nhân cứu người thì rất đáng ngờ về thực tài và thực tâm – chưa làm việc nhỏ thì không thể làm việc lớn, và nói cứu thế mà không cứu người thì dễ dẫn đến tìng trạng nhân danh lý tưởng viển vông để hại người như đã diễn ra bao lần trong lịch sử nhân loại.

Nhưng không đủ
Trong hoàn cảnh Việt Nam, khổ nạn của đồng bào không chỉ là đơn lẻ mà phủ trùm cả xã hội. Nó mang tính hệ thống. Chế độ thối nát đẻ ra vấn nạn xã hội, như buôn người, bóc lột lao động, băng hoại đạo đức, xuống cấp giáo dục, chênh lệch giàu nghèo, hối lộ tham nhũng… Điều này ai cũng thấy. Điều ít ai để ý là bản chất độc tài của chế độ loại trừ yếu tố quyết định để đối phó hữu hiệu và giải quyết tận gốc các vấn nạn. Đó là yếu tố toàn dân nhập cuộc.
Hãy lấy nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ làm ví dụ. Có người cho rằng sự nghèo khổ đẩy trẻ em phụ nữ vào con đường nô lệ tình dục, cho nên tạo cơ hội ăn học và nghề nghiệp là giải pháp. Nghe hữu lý, nhưng ở Việt Nam chỉ hữu lý nếu áp dụng nơi nơi. Còn như chỉ được áp dụng ở một làng, một xã thì dù thành công, thực trạng vẫn y nguyên: Kẻ buôn người sẽ buôn bán trẻ em và phụ nữ ở làng bên, xã bên – nghĩa là khổ nạn được đùn đẩy sang những nạn nhân khác. Đâu lại hoàn đó.
Đó là chưa kể, trước một vấn nạn mang tính hệ thống, nếu không trị tận gốc thì bệnh ngày càng thêm trầm trọng – giúp một người thì thêm trăm hay nghìn người khác vướng mắc. Chẳng khác nào bệnh nội thương mà cấm tuyệt bác sĩ chữa trị và chỉ được phép băng bó ngoài da.
Cách duy nhất là trị tận gốc, thực hiện ở trên toàn xã hội. Và điều này đòi hỏi toàn dân nhập cuộc, một điều đi ngược với bản chất độc tài của chế độ vì nó chính là đòi hỏi dân chủ.
Đấy là nửa kia của đồng tiền: Trong hoàn cảnh Việt Nam, làm từ thiện manh mún thì chỉ là nuôi con bệnh.  

Trách nhiệm song hành
Làm từ thiện là bắt buộc nhưng đồng thời phải tranh đấu cho giải pháp căn bản trước vấn đề hệ thống. Lòng nhân thực sự đòi hỏi chúng ta phải làm cả hai: làm từ thiện để cứu một ít người và tranh đấu cho mọi người trong xã hội cũng có quyền làm từ thiện.
Bằng không thì sẽ có nhiều bất cập.
Chẳng hạn, có tổ chức ở hải ngoại được phép vào Việt Nam hoạt động chống buôn người hay xoá nạn thất học, dĩ nhiên chỉ ở một phạm vi địa dư rất hạn hẹp, trong khi các tổ chức tôn giáo có khả năng hoạt động trên địa bàn rộng lớn hay toàn quốc và với kinh phí thấp hơn nhiều thì lại bị cấm cản.
Hoặc, có một số tu sĩ được phép ra hải ngoại quyên góp cho việc xây cơ sở thờ phượng, nhưng những tu sĩ khác lại bị cấm xuất cảnh để vận động bảo vệ tài sản sẵn có của giáo hội đang bị cưỡng chiếm.

Có phải là chính trị?
Nói đến tranh đấu đòi quyền cho dân thì có người cho đó là làm chính trị nên tránh né. Chính trị là hoạt động để thay đổi, tham gia hay nắm chính quyền. Còn đòi cho toàn dân có quyền giải quyết các vấn nạn xã hội là việc chính đáng phải làm. Có người đề nghị dùng chữ “chính sự” cho những việc chính đáng phải làm, để phân biệt với “chính trị”.
Tóm lại, mỗi chúng ta trong hoàn cảnh đất nước hiện nay phải cùng lúc cáng đáng cả từ thiện và chính sự.



No comments:

Post a Comment

View My Stats