Ngô Nhân
Dụng
Tuesday, September 09, 2014 7:21:29 PM
Hôm
nay Tổng Thống Barack Obama sẽ nói chuyện với dân Mỹ; chắc chắn ông sẽ trình
bày một chính sách đối phó với ISIS, một phong trào Á Rập quá khích đang hoành
hành ở Iraq, Syria. Các đạo quân này, còn gọi là “IS, Quốc Gia Hồi Giáo,” đe
dọa cả chính quyền các nước Hồi Giáo chung quanh. Trong bài diễn văn hôm nay,
ông Obama sẽ phải dùng lại những lý luận như người tiền nhiệm, Tổng Thống
George W. Bush, khi ông Bush kêu gọi dân Mỹ cùng ông mở cuộc “thánh chiến”
chống al-Qaeda (Tổng Thống Bush dùng chữ crusade, thập tự chiến).
Nhưng
ông Obama đang sống trong hoàn cảnh khác ông Bush 13 năm trước. Vào năm 2001,
ông Bush mới nhậm chức, kinh tế Mỹ đang hưng thịnh, nước Mỹ không phải lo một
mối đe dọa nào trên khắp thế giới. Dân Mỹ đau đớn và tức giận trước vụ khủng bố
ngày 11 Tháng Chín, làm chết ba ngàn người vô tội. Con đường mà ông Bush yêu
cầu dân chúng Mỹ cùng theo ông bước tới có vẻ giản dị và dễ dàng. Năm nay, kinh
tế Mỹ còn đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2007, Nga đang dọa
thôn tính Ukraine và nhiều nước thuộc Liên Xô cũ, Trung Cộng đang lấn áp các
nước quanh Biển Ðông, và nhóm ISIS, khác với al-Qaeda trước đây, chưa bao giờ
chỉ đích danh nước Mỹ như mục tiêu tấn công của họ.
Cho
nên, ông Obama sẽ chỉ phác thảo một chiến lược đối phó với ISIS vừa phí tổn
thấp vừa lâu dài. Ông sẽ kêu gọi dân Mỹ kiên nhẫn, sẽ không dám hứa giải quyết
xong mối họa này trong thời gian ông còn làm tổng thống. Có như vậy, ông mới có
thể yêu cầu dân chúng Mỹ cộng tác với ông trong những chương trình mà ông vẫn
hứa hẹn thực hiện, nếu không thì cả nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ trống rỗng.
Trong
nhiệm ký thứ nhất, từ năm 2009, ông Obama phải dành năng lực đối phó với hai
vấn đề không do mình tạo ra: Cuộc khủng hoảng kinh tế và các cuộc chiến tranh
tại Iraq và Afghanistan. Sau bốn năm, thành tích duy nhất của ông là đạo luật
cải tổ y tế, một chương trình đến nay vẫn còn nhiều người chống đối, và làm cho
đảng Dân Chủ mất đa số kiểm soát Hạ Viện. Ðầu nhiệm kỳ thứ nhì, Barack Obama đã
nêu ra các mục tiêu cải tổ quan trọng: cải tổ thuế vụ và hệ thống giáo dục,
giảm bớt tình trạng lợi tức cao thấp càng ngày càng cách biệt, gia tăng việc sử
dụng các nguồn năng lượng mới, huấn luyện kỹ năng cho giới lao động đang bị mất
việc vì kỹ thuật thay đổi, cải tổ chính sách di dân, vân vân.
Trong
bài diễn văn nhậm chức lần thứ nhì, Barack Obama chỉ nói đến chiến tranh khi
thông báo chương trình rút quân khỏi vùng Trung Ðông và Tây Á. Tháng Năm vừa
qua, nói chuyện với các sinh viên sĩ quan tại Westpoint, tổng thống Mỹ còn nhấn
mạnh: “Hành động quân sự không thể là yếu tố duy nhất, cũng không phải là phần
chính yếu, trong vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới.”
Nhưng
bây giờ, chỉ còn hơn hai năm nữa, chiến tranh sẽ chiếm mất rất nhiều thời giờ
và năng lực của ông tổng thống Mỹ, khiến ông khó lòng thực hiện được các mục
tiêu khác trong nội địa nước Mỹ. Rút kinh nghiệm ở Afghanistan và Iraq, ông
Obama sẽ báo cho dân chúng biết sẽ không ào ạt đổ quân Mỹ vào vùng Iraq hoặc
Syria để tiêu diệt phong trào ISIS. Sẽ kêu gọi các nước đồng minh xa hay gần hỗ
trợ. Và sẽ giúp các nước Á Rập Hồi Giáo theo phái Sun Ni, để cho quân đội các
nước này đóng vai chính trong việc tiễu trừ quân phiến loạn. Nói như vậy thì
dễ, nhưng thi hành rất khó. Chưa kể, chính phủ Mỹ sẽ còn lo đối phó với
Vladimir Putin, con người sẵn sàng thừa nước đục thả câu. Cho nên chính quyền
Obama trong hai năm tới sẽ khó dành đủ thời giờ và năng lực để thực hiện những
chương trình cải tổ trong nước mà ông tổng thống đã nêu ra khi tái nhiệm; nhất
là khi ông tổng thống phải làm việc chung với một Quốc Hội do đảng Cộng Hòa
chiếm đa số. Cả nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ không để lại được một thành tích
nào đáng kể, như ông ước mong và hứa hẹn.
Ðể
tiêu diệt phong trào ISIS, trước hết phải giải quyết chuyện Iraq. Chính phủ
nước này đang thành hình, nước Mỹ có thể ép họ mở rộng cho cả hai giáo phái Shi
A (đa số dân) và Sun Ni (thiểu số), cùng với người Kurds tham dự. Họ sẽ phải
thỏa hiệp phân tản quyền hành cho các địa phương và chia đều ở trung ương. Phải
làm sao chia đều quyền lợi về các mỏ dầu lửa (xung đột giữa người Kurds và
chính quyền Baghdad). Việc khó nhất là phải cải tổ quân đội và guồng máy hành
chánh để người Shi A không lấn áp người Sun Ni (lý do khiến phong trào ISIS thu
hút nhiều người Sun Ni); một tiến trình đòi hỏi nhiều năm. Mỹ, Anh, Pháp có thể
giúp quân đội Iraq ném bom diệt quân ISIS, nhưng quân đội đó có được lòng dân
hay không là điều chính phủ các nước ngoài không thể quyết định.
Nhưng
khó nhất là việc can thiệp vào Syria. Vì khi đánh các đạo quân ISIS tức là cũng
giúp chính quyền độc tài Bashar Assad, mà các nước Tây Phương cũng như thế giới
Á Rập đều muốn chấm dứt. Trong số những đạo quân nổi dậy chống Assad, nhóm ISIS
mạnh nhất vì tàn bạo nhất và thu hút được những phần tử quá khích nhất; những
nhóm Quân Syria Tự Do (Free Syrian Army, FSA) rất yếu vì ôn hòa hơn và không
được tiếp viện vũ khí. Ném bom tiêu diệt một cứ điểm của ISIS tại Syria thì
quân đội nào sẽ vào chiếm đất, FSA hay quân của Assad? Cơ quan tình báo Mỹ CIA
đã huấn luyện 4,000 quân FSA, và đang chuẩn bị tăng cường, nhưng họ vẫn chậm
chân hơn quân ISIS. Ðến bao giờ thì chính quyền Bashar Assad sẽ công khai phản
đối việc Mỹ ném bom trên xứ Syria? Bao giờ thì hỏa tiễn của Assad, do Nga cung
cấp, sẽ bắn hạ các máy bay Mỹ dù bay vào đánh quân ISIS?
Chính
vì thấy quá nhiều bất trắc cho nên các nước Âu Châu đều dè dặt. Sau hội nghị
khối NATO vừa qua, chỉ có 10 nước đồng ý tham gia với Mỹ trong chiến dịch sắp
tới ở Trung Ðông, còn 18 nước đứng ngoài. Mười nước “cốt lõi” này cũng chỉ mới
đồng ý với nhau một điều: Không nước nào gửi quân vào Syria. Chính phủ Anh vốn
đi sát với Mỹ nhất trong chính sách Trung Ðông, nhưng Thủ Tướng Cameron vẫn
nhấn mạnh lúc này chưa phải là thời điểm cho các hành động quân sự. Ông còn
đang đả kích các chính phủ khác vì họ chịu trả tiền chuộc cho những công dân
nước họ bị ISIS bắt giữ; ông ám chỉ các nước Pháp, Ðức, Ý, Tây Ban Nha. David
Haines, một công dân Anh quốc đang chịu số phận này.
Thái
độ ngần ngại của các nước Âu Châu có thể hiểu được. Trước khi dấn thân vào cuộc
tranh chấp trong nước Syria, họ cần biết kết cục sau cùng sẽ như thế nào? Không
ai muốn bị sa lầy vào một cuộc chiến tranh không có mục tiêu rõ ràng. Cho nên,
tất cả đều trông đợi thái độ và hành động của các quốc gia Á Rập khác. Chính
những chế độ đang bị ISIS đe dọa phải đứng ra đóng góp tiền bạc, nhân lực và
vận động chính trị để giải quyết tận gốc cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria.
Cuối
tuần qua, 22 nước thuộc Liên Ðoàn Á Rập đã đồng ý sẽ hợp lực chống ISIS. Ông
Nabil Elaraby, tổng thư ký Liên Ðoàn còn hứa hẹn sẽ hợp tác với chính phủ Mỹ
trong chiến dịch này. Liên Ðoàn Á Rập đã từng cộng tác với Mỹ trong cuộc chiến
vùng Vịnh năm 1991 và giúp các nước Âu Châu trong việc lật đổ chế độ độc tài
Moammar Gadhafi tại Libya. Nhưng các hành động đó phần lớn là hỗ trợ về ngoại
giao, với một số nước giàu có đóng góp chút tài chánh. Còn trong hành động
thiết thực thì rất hiếm hoi (trong thập niên 1950 họ đã nhất trí cấm các phim
do cô Elizabeth Taylor đóng, khi cô này tuyên bố ủng hộ Israel). Ðể các nước Á
Rập tổ chức được việc gửi quân tới Syria, trước hết họ phải đồng ý được về một
chính quyền tương lai của nước này, sau khi cả chế độ Assad và ISIS đều chấm
dứt. Công việc này sẽ mất hàng năm. Ngoài ra, họ còn phải dò phẩn ứng của những
nước khác đang có ảnh hưởng tại Syria, trong đó có Iran, Nga và Trung Quốc.
Chính
phủ Mỹ đang giúp một tay trong công tác này. Ngày hôm qua, bà Susan Rice, cố
vấn an ninh của Tòa Bạch Ốc đang ở Bắc Kinh để kêu gọi chính quyền Trung Cộng
hỗ trợ Mỹ trong việc tiêu trừ ISIS. Bắc Kinh có thể đồng ý, nếu chính phủ Mỹ
giúp họ bắt những người Yughur đòi tự trị đang tị nạn khắp nơi, một điều Mỹ sẽ
phải từ chối.
Ngoài
các nước Á Rập, chính phủ Mỹ có thể vận động những quốc gia liên hệ đến cuộc
chiến ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở phía Bắc Syria, hiện đang cần giải quyết vấn đề
người thiểu số Kurds. Mỹ có thể đóng vai trung gian trong vụ này. Khi quân ISIS
tấn công Erbil, thủ phủ của lãnh thổ người Kurds ở Iraq, các đạo quân Kurds ở
Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) và Syria (Liên Hiệp Dân Chủ Kurds) đã sang cứu viện để giải
vây. Nhưng khi tình hình nguy ngập, ông Masoud Barzani lãnh tụ sắc dân này đã
gọi điện thoại cho Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden nhờ cứu. Chỉ sau khi máy bay Mỹ
thả bom, quân ISIS mới rút lui. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thương lượng hòa giải
Thổ Nhĩ Kỳ với nhóm PKK, mà chính phủ Mỹ liệt kê trong danh sách các tổ chức
khủng bố. Chính phủ Mỹ cũng không bao giờ liên hệ với nhóm quân Kurd ở Syria.
Bây giờ, nhờ mối đe dọa của ISIS, Mỹ có thể đóng vai hòa giải người Kurd với
chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Một
quốc gia mà chính phủ Mỹ có thể vận động nữa là Iran. Chính phủ Iran vẫn ủng hộ
Bashar Assad, nhưng cũng muốn tiêu diệt nhóm ISIS, vì nhóm này đã tàn sát các
tín đồ theo phái Shi A mà Iran là nước đông người Shi A nhất. Một biến chuyển
vào cuối tuần qua là thứ trưởng ngoại giao Iran và ngoại trưởng Á Rập Saudi đã
gặp nhau tại Jeddah, thuộc Saudi, đồng ý phải tiêu diệt ISIS. Nhưng hai quốc gia
vốn thù địch xưa nay sẽ mất nhiều thời giờ để thỏa hiệp về các cuộc xung đột
trong nội bộ các nước Iraq, Syria, Yemen, Lebanon và Bahrain, ở mỗi nơi hai
quốc gia này ủng hộ các nhóm khác nhau.
Nhìn
vào tình hình phức tạp như trên trong cả vùng Trung Ðông, có thể đoán công việc
chống các đạo quân ISIS sẽ kéo dài nhiều năm, chắc sẽ chưa xong khi Tổng Thống
Barack Obama mãn nhiệm kỳ thứ hai của ông. Trong hai năm tới, ông sẽ mong dân
chúng Mỹ chấp nhận việc can thiệp vào vùng Trung Ðông như một kế hoạch lâu dài
để tiêu diệt ISIS, giống như cuộc Chiến Tranh Lạnh trước năm 1989. Ông Obama sẽ
phải hứa hẹn công tác này không tốn kém ngân sách quá đáng, và không tổn thất
nhân mạng. Nếu giữ được đúng như thế, ông Obama mới hy vọng có thể làm thêm một
vài việc quan trọng khác trong hai năm tới.
No comments:
Post a Comment