Monday, 8 September 2014

GIỚI THIỆU SÁCH : TRẦN VĂN THẠCH (1905-1945) - CÂY BÚT CHỐNG BẠO QUYỀN ÁP BỨC (Trần Gia Phụng)




9/08/2014               0 Comments


"... Nếu đọc thật kỹ sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức, chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn nữa, là ít nhất thời Pháp thuộc, những người bất đồng chính kiến có quyền tỏ bày ý kiến, có quyền tranh đấu bất bạo động, có quyền viết báo, có quyền xuất bản sách báo, có quyền diễn thuyết, tức có quyền tự do ngôn luận. Chẳng những thế, những người bất đồng chính kiến còn có quyền ứng cử, tức có quyền tự do chính trị. Đó là chưa kể những quyền tự do khác mà các bài báo của Trần Văn Thạch cũng đề cập đến, như quyền tự do giáo dục, không theo một chủ nghĩa nào, tự do du học; tự do cư trú (không cần có hộ khẩu); tự do mưu sinh; tự do tôn giáo. Đáng chú ý là dưới thời Pháp thuộc, có hai tôn giáo được thành lập mà không cần xin phép, nhưng vẫn được tự do truyền đạo và hành đạo là đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, trong khi ngày nay, hai tôn giáo nầy bị truy bức gắt gao tàn bạo..."

*

Sau hai hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862) và Giáp Tuất (15-3-1874), Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp bãi bỏ giáo dục và thi cử Hán học, mở trường dạy chữ Pháp, theo chương trình Pháp, phổ biến văn hóa Pháp. Từ đó, người Việt ở Nam Kỳ chuyển qua học chữ Pháp, làm quen với văn hóa Tây phương. Cũng từ đó, nhiều thanh niên bắt đầu qua Pháp du học. 

Xin chú ý đây là thời kỳ phát triển của chủ nghĩa cộng sản (CS) sau khi Marx và Engels tung ra bản The Communist Manifesto (Tuyên ngôn cộng sản) năm 1848. Tiếp theo là một loạt biến cố: Đệ nhất Quốc tế thành lập năm 1864; Đệ nhị Quốc tế thành lập năm 1889, cách mạng CS thành công ở Nga năm 1917 và đảng CS Pháp được thành lập năm 1922. Các trào lưu nầy ảnh hưởng nhiều đến sinh viên du học. 

Đợt du học đầu tiên từ Nam Kỳ có thể chia thành hai nhóm: nhóm nhà giàu và nhóm trung lưu với nhà nghèo. Nhóm nhà giàu qua Pháp hoặc ăn chơi, hưởng thụ, hoặc học những ngành nghề để trở về tiếp tục bảo vệ và phát triển cơ nghiệp sẵn có của cha ông, từ đó hình thành năm 1923 đảng Lập Hiến (Parti Constitutionaliste), hợp tác với Pháp, nhưng cũng đưa ra một số đòi hỏi cải cách cho tự do dân chủ. 

Nhóm trung lưu và nhà nghèo phải chăm học, học giỏi mới được du học. Ngoài những người chỉ lo học để trở về phụ giúp gia đình, thì những sinh viên cấp tiến và thiên tả, qua Pháp vừa học, vừa hoạt động tranh đấu cho đất nước Việt Nam. Ngay tại Pháp, nhóm sinh viên nầy cũng chia thành hai: Nhóm thứ nhứt gia nhập đảng Cộng Sản Pháp và theo Đệ tam Quốc tế Cộng sản do đảng CS Liên Xô chỉ huy. Nhóm thứ hai tuy cấp tiến thiên tả, nhưng không theo chủ nghĩa nào, hoặc chịu ảnh hưởng của tư tưởng Trotsky, được gọi là nhóm Đệ tứ. Cần chú ý là Đệ Tam QTCS nằm trong hệ thống đảng CS do Liên Xô lãnh đạo, hoạt động theo lệnh đảng. Đệ tứ QTCS chỉ là một phong trào chính trị, cấp tiến, thiên tả và theo tư tưởng Trotsky, không thuộc đảng phái nào.

Riêng Trần Văn Thạch, ông đậu tú tài Pháp hạng ưu ở Sài Gòn năm 1925, du học Pháp năm 1926. Tại Pháp, bên cạnh việc học, ông còn hoạt động chính trị chống chính sách cai trị của Pháp tại Đông Dương, nên ông bị viên quyền toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội là Maurice Antoine Monguillot đề nghị với chính phủ Pháp trục xuất về nước năm 1928, nhưng nhờ Hội Bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền Pháp can thiệp, ông được ở lại Pháp tiếp tục việc học. 

Trần Văn Thạch tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Văn chương Đại học Sorbone (Paris) ngày 2-11-1929, và về nước đầu năm 1930, (Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, sđd. tr. 61), trước khi xảy ra cuộc biểu tình trước điện Élysée (văn phòng tổng thống Pháp) ngày 22-5-1930, để phản đối nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đàn áp dã man cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Sau cuộc biểu tình nầy, chính phủ Pháp trục xuất 19 nhà hoạt động chính trị ra khỏi nước Pháp, trong đó có nhiều nhân vật thuộc nhóm Đệ tam Quốc tế và Đệ tứ Quốc tế. Điểm đặc biệt là sau khi về nước năm 1930, các ông không tham gia chính quyền Pháp, không làm quan cho Pháp, mà hành nghề tư nhân tự mưu sinh, nhất là dạy học ở các tư thục. 

Sau khi an cư, ổn định cuộc sống, từ 1933 hai nhóm Đệ tam và Đệ tứ công khai liên kết tranh đấu, mở những cuộc diễn thuyết, và xuất báo La Lutte bằng Pháp văn, vì báo tiếng Pháp xin phép dễ ở thuộc địa Nam Kỳ. Báo La Lutte có mục đích tranh đấu đòi hỏi độc lập cho đất nước và bảo vệ quyền lợi của giới thợ thuyền, ra số đầu ngày 24-4-1933. Xuất bản được bốn số thì báo tự đình bản ngày 2-6-1933 sau cuộc bầu cử Hội đồng thành phố ngày 7-5-1933. Trong cuộc bầu cử nầy, Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch đác cử vẻ vang. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã tìm cách loại hai ông ra khỏi Hội đồng ngày 12-8-1933.

Các nhà tranh đấu tiếp tục hoạt động và tái bản báo La Lutte ngày 4-10-1934. Ngày nầy cũng là ngày chính thức ra mắt mặt trận thống nhứt “La Lutte” (Tranh đấu) giữa hai nhóm Đệ tam và Đệ tứ. Đây là sự kết hợp duy nhứt giữa Đệ tam và Đệ tứ trong phong trào cộng sản trên thế giới. Tháng 5-1935, trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn, các ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai trong nhóm La Lutte lại đắc cử, nhưng Pháp cũng kiếm cách loại bỏ. Chỉ Trần Văn Thạch đủ điều kiện, còn ở lại Hội đồng nầy. Do vậy, ông có cơ hội chứng kiến, theo dõi và chống lại những bất công xã hội, can thiệp giúp đỡ dân nghèo và lên tiếng trên báo chí.

Trên tờ La Lutte, ngoài những bài viết về chính trị thời sự, Trần Văn Thạch phụ trách mục thường xuyên “Petits clous” (Những cây đinh nhỏ), là “mục như câu chuyện hằng ngày trên các nhật báo bay giờ, mục châm biếm chỉ trích chánh sách cai trị... thật là cay chua, mà tế nhị với một bút pháp tinh vi, nhẹ nhàng mà nhức nhối cho những kẻ nào bị Thạch châm biếm, nhức nhối khó chịu như bị đinh đóng vào người.” (Bà Phương Lan, Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu 1906-1945, Sài Gòn, Nxb. Khai Trí, 1973, tr. 223.)

Sự hợp tác Tam-Tứ ở Sài Gòn chưa được bao lâu thì vào đầu 1937, tại Liên Xô, Stalin ra lệnh tiêu diệt những người theo xu hướng Trotsky. Đảng CS Pháp, nhận chỉ thị của Stalin, liền khuyến cáo nhóm CS Đệ tam Việt Nam phải chấm dứt hợp tác với nhóm CS Đệ tứ Việt Nam. Như thế là cuộc hợp tác CS Tam-Tứ ở Việt Nam chấm dứt và chính thức tan rã ngày 15-6-1937. (Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, sđd. tr. 77.) Chỉ còn một mình nhóm Đệ tứ điều khiển báo La Lutte.

Theo chủ trương của lãnh đạo Liên Xô, năm 1939, từ Trung Hoa, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), với bí danh là P. C. Lin, ra lệnh cho đảng Cộng sản Đông Dương (CSĐD) tiêu diệt nhóm Đệ tứ. Ở Nam Kỳ, nhóm Đệ tứ càng bị nhóm Đệ tam chỉ trích gay gắt hơn khi Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm đắc cử chính thức và Trần Văn Thạch đắc cử dự khuyết vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (còn gọi là Hội đồng thuộc địa) tháng 4-1939; trong khi Nguyễn Văn Tạo và nhóm Đệ tam thất bại nặng. Tuy nhiên thực dân Pháp không thừa nhận các kết quả nầy.

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ ở Âu Châu ngày 3-9-1939, Pháp bắt những người mà Pháp cho là nguy hiểm tại Việt Nam. Trần Văn Thạch, Nguyễn An Ninh bị bắt năm 1939. Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai bị bắt năm 1940 và đều bị đày đi Côn Lôn, từ 3 đến 5 năm. Mãn hạn tù Côn Lôn từ 1943, các ông trở về đất liền, nhưng đều bị biệt xứ và quản thúc tại gia. Trần Văn Thạch ở Cần Thơ, Phan Văn Hùm ở Tân Uyên (Bình Dương)...

Trong khi đó, từ năm 1940, tình hình chính trị Việt Nam càng trở nên phức tạp với sự xuất hiện của quân đội Nhật Bản. Nhật vẫn để Pháp cai trị nhưng luôn luôn áp lực nhà cầm quyền Pháp. Đầu 1945, khi bắt đầu thất bại, chuẩn bị rút quân về nước, Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945. Chẳng bao lâu sau, ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Quân Nhật ở Đông Dương buông súng. Mặt trận Việt Minh (VM) do đảng Cộng Sản Đông Dương chỉ huy, nhanh tay cướp chính quyền. 

Nắm được quyền lực, VM thi hành triệt để chủ trương giết tiềm lực trên toàn quốc, tức là giết tất cả những ai có khả năng, dù có đảng phái hay không đảng phái, mà không theo cộng sản. Tại Nam Kỳ, VM bắt giết hết các nhà hoạt động chính trị, kể cả các nhân vật trong nhóm Đệ tứ. Riêng Trần Văn Thạch bị giết ngày 23-10-1945 tại Bến Súc, Thủ Dầu Một. (Trần Mỹ Châu, sđd. tr. 123.)

Ngoài quyển Le Français correct xuất bản năm 1932, Trần Văn Thạch còn để lại rất nhiều bài báo mà ngày nay chúng ta gọi là tạp ghi bằng Pháp văn trên tờ La Lutte. Những bài báo nầy được con gái của ông là bà Trần Mỹ Châu sưu tầm trong các văn khố ở Pháp và ở Sài Gòn, gom góp trở lại khá đầy đủ, và do nữ văn sĩ Phan Thị Trọng Tuyến phiên dịch qua tiếng Việt, in thành sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức mà quý vị đang có trong tay. 

Sách gồm hai phần. Phần đầu là biên niên sử về Trần Văn Thạch với hai bài viết của hai người con của ông, là bà Trần Mỹ Châu và ông Trần Văn Tự. Là người trong gia đình, tác giả đã đưa ra một số chi tiết lịch sử mới về Trần Văn Thạch mà các tài liệu trước đây không được rõ ràng chính xác. Những chi tiết nầy tuy không lớn lao, nhưng rất cần thiết để đính chánh một số sự kiện lịch sử.

Ví dụ, tác giả xác định khi còn ở Patis tuy thiên tả nhưng Trần Văn Thạch chưa phải là Đệ tứ Quốc tế. Khi về nước và hoạt động với các nhân vật Đệ tứ, ông mới nghiên về Đệ tứ. Tác giả cũng xác định Trần Văn Thạch về nước đầu năm 1930, trước khi xảy ra cuộc biểu tình trước điện Élysée ngày 22-5-1930. Điều nầy hoàn toàn khác với các tài liệu về trước. Quan trọng nhất là nhờ tài liệu gia đình, tác giả xác định Trần Văn Thạch bị giết ngày 23-10-1945 tại Bến Súc, Thủ Dầu Một. Trước đây, các tài liệu đều cho rằng Trần Văn Thạch và những người Đệ tứ bị Việt Minh đưa ra Phan Thiết giết tại sông Lòng Sông. 

Phần thứ hai là các bài tạp ghi của Trần Văn Thạch trên tờ La Lutte, tranh đấu chống bạo quyền, bênh vực dân nghèo, chống lại những bất công xã hội hoặc châm chọc chế độ Pháp thuộc. Những bài báo nầy vẽ lại bức tranh xã hội thời Pháp thuộc một cách sinh động bằng những việc thật, người thật, thời gian cụ thể. Càng đọc, chúng ta sẽ càng thú vị ở chỗ là chúng ta sẽ rất ngạc nhiên là xã hội thời Pháp thuộc không khác gì xã hội hiện nay ở trong nước. Hai chế độ thuộc vào hai thời đại khác nhau, hai giai đoạn lịch sử khác nhau, hai nhà cầm quyền khác nhau, lại chẳng có gì khác nhau; cũng quan liêu, cũng thối nát, cũng bất công, cũng bóc lột, cũng đàn áp như nhau. Nguyên do vì hai chế độ nầy đều là hai chế độ thực dân. Một bên là thực dân ngoại lai, một bên là thực dân nội địa hay tự thực dân (auto-colonisation). 

Tuy nhiên nếu đọc thật kỹ sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức, chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn nữa, là ít nhất thời Pháp thuộc, những người bất đồng chính kiến có quyền tỏ bày ý kiến, có quyền tranh đấu bất bạo động, có quyền viết báo, có quyền xuất bản sách báo, có quyền diễn thuyết, tức có quyền tự do ngôn luận. Chẳng những thế, những người bất đồng chính kiến còn có quyền ứng cử, tức có quyền tự do chính trị. Đó là chưa kể những quyền tự do khác mà các bài báo của Trần Văn Thạch cũng đề cập đến, như quyền tự do giáo dục, không theo một chủ nghĩa nào, tự do du học; tự do cư trú (không cần có hộ khẩu); tự do mưu sinh; tự do tôn giáo. Đáng chú ý là dưới thời Pháp thuộc, có hai tôn giáo được thành lập mà không cần xin phép, nhưng vẫn được tự do truyền đạo và hành đạo là đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, trong khi ngày nay, hai tôn giáo nầy bị truy bức gắt gao tàn bạo. 

Riêng Trần Văn Thạch, đề mục “Petits clous” châm biếm, chống đối bạo quyền, chống áp bức bất công của Pháp, vẫn tự do đăng tải thường xuyên trên báo La Lutte, và không bị tù vì những bài báo mình đã viết. Ngày nay, chuyện nầy không thể xảy ra ở Việt Nam. Không có nhà văn hay nhà báo nào viết bài chống CS mà không bị tù. Không có tờ báo giấy nào đăng bài chống CS mà không bị đóng cửa. Vì vậy trong nước lại xuất hiện báo chui, là những bài báo “chấm com” (như gmail.com, yahoo.com, blog, hay face-book). Chấm com hiện nay là những cây đinh nhỏ tiếp nối truyền thống của Trần Văn Thạch.

Cuối cùng, trước khi chấm dứt, bài nầy xin ghi nhận công phu sưu tầm, biên khảo và phiên dịch của hai tác giả Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến. Sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức là những tài liệu quý giá của nhà cách mạng Trần Văn Thạch, đính chánh những sai lầm trước đây, giúp cho mọi người hiểu biết về xã hội và chính trị thời Pháp thuộc, về đường lối tranh đấu bất bạo động dưới chế độ thực dân, về những biến chuyển lịch sử một giai đoạn tuy ngắn ngủi nhưng đầy biến động vào cuối thời Pháp thuộc. Xin hân hạnh giới thiệu sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức đến quý vị độc giả khắp nơi. 

Trình bày tại Hội Người Việt Toronto ngày 6-9-2014

(Toronto, 6-9-2014)




No comments:

Post a Comment

View My Stats