Wednesday, 12 December 2012

NHÂN ĐỌC "BÊN THẮNG CUỘC" của OSIN HUY ĐỨC [II] - (Anh Gấu Phạm)




by Anh Gau Pham on Tuesday, December 11, 2012 at 9:22am

Lâu lắm khi viết lách không xưng tôi nên hôm qua lúc viết phần I thấy gượng gạo quá. Hôm nay quay lại xưng mình cho nó giống anh Lành.

Trong phần này mình ghi chép lại một số suy nghĩ cụ thể gợi mở bởi nội dung của Bên Thắng Cuộc.

1. Người hành quyết bao dung
Cuốn sách khởi đầu với hình ảnh cụ Kiệt trong những giờ phút cuối cùng chuẩn bị vào Sài Gòn ngày 29-30/4-1975. Sau đó cụ xuất hiện thường xuyên trong suốt chiều dài cuốn sách với tần suất đủ cao để coi cuốn sách là một biên niên sử về cụ. Tuy nhiên, tác giả không bắt cụ phải phát biểu những lời quyền uy, hiệu lực như trong các bài báo ngắn mà đưa ra một hình tượng VVK rất con người, rất có lý mà cũng lại rất có tình. Việc này giúp khẳng định lại một lần nữa hình ảnh VVK tích cực trong lòng quần chúng nhân dân.

Ấn tượng mình thu nhận được về VVK là về một vị lãnh đạo bao dung, sẵn sàng bắt tay, nâng đỡ những người mà xã hội lúc bấy giờ xua đuổi. Có khoảng vài chục ví dụ về VVK tham vấn, hỗ trợ, nâng đỡ các trí thức cũ bằng cách cho người ta công ăn, việc làm, thực phẩm, dìu dắt con người ta, mở rào cho con cái người ta đi ra nước ngoài; VVK giúp cho các đôi yêu đương có vấn đề về lý lịch được cưới nhau; VVK thành lập lực lượng thanh niên xung phong rồi tổ chức đám cưới cho một đôi, vv.

Sau khi đọc một vài mẩu chuyện về VVK thì mình bắt đầu suy nghĩ là mặc dù ông có lẽ đúng là một người bao dung, nhân hậu nhưng ông đồng thời cũng là người có trách nhiệm chính tạo ra những khó khăn cho những người mà giờ ông đang phá rào để giúp đỡ. Đành rằng nhiều chủ trương rất lớn ví dụ như tập trung học tập cải tạo là do trung ương quyết định và ông dù muốn cũng không đảo ngược được xu thế nhưng đồng thời chính ông cũng là người chủ trương hoặc người quyết định mức độ thực hiện một số chính sách khác làm điên đảo cuộc đời người ta. Sau chừng dăm mười truyện kể để minh họa hình ảnh ông Thiện VVK mình bắt đầu nghĩ tới hình ảnh người hành quyết khoan dung lấy miếng vải lau sạch cái lưỡi đao để tránh nhiễm trùng cho người sắp bị chém đầu. Nói thế thì nghe có vẻ nặng nề nhưng đúng thực là ông VVK không thể nào ra một quyết định chính sách mà sau đó không quay lại tạo ra một ngoại lệ đối xử cho người này người khác. Có một mẫu hình lặp đi lặp lại từ cả những ví dụ trong sách này và những giai thoại ngoài đời (vụ đường dây 500KV, vụ Dung Quất) mà ở đó người ta thấy VVK hoặc là một người tiền hậu bất nhất không thể không xoay xở một chút với các chính sách ngay cả do chính ông đưa ra hoặc là một kịch sỹ, một chiến sỹ dân vận địch vận có tài. Chắc chắn ông không thể không biết về ấn tượng ông tạo ra cho quần chúng như một người ôn hòa và khoan dung với đối phương, với phía bên kia, viên cảnh sát hiền trong trò chơi good cop bad cop. Mình có nghi ngờ là VVK chỉ chờ chính sách bắt đầu có hiệu lực (tạo ra khó khăn cho ai đó) để cụ bắt đầu ra tay cứu giúp, hỗ trợ người ta và việc này mang lại cho cụ nhiều cảm giác sảng khoái.

Rất nhiều chính sách tạo ra và thực hiện ở SG thời hậu chiến có tác dụng lập tức đẩy nhiều người vào chỗ chết. VVK trong vai trò là lãnh đạo cao nhất của thành phố không thể được coi là bị động hay không liên quan. Hình ảnh ông Thiện VVK mà tác giả trình ra chỉ thể hiện một mảng nhỏ về con người lãnh đạo VVK, có lẽ chỉ là một thứ thú vui kiểu mèo khóc chuột của ông.

2. Tập trung dân chủ / Dân chủ tập trung (38/83/83/38)
Cuốn sách đưa ra thêm nhiều bằng chứng để khẳng định lại một nghi ngờ của mình rằng lãnh đạo Việt Nam lúc đó không biết phải làm gì với miền Nam sau chiến tranh. Nói cách khác, họ hoàn toàn không có một kế hoạch hậu chiến kỹ càng. Đi xa thêm một bước mình cho rằng kể cả nếu như họ đã có một kế hoạch hậu chiến thì kế hoạch đấy cũng sẽ bị sai do những nhược điểm căn bản của quy trình ra chính sách.

Thực vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng đại loại cho phép người ta được thảo luận nhưng cuối cùng thì mọi quyết định vẫn là do một người là bí thư Đảng đưa ra. Điều này đúng từ chi bộ cơ sở lên tới tận trung ương. Ở trung ương thì quyền lực của cụ Tổng bí thư, ở đây là đồng chí Lê Duẩn, lại càng là tuyệt đối. Mọi chính sách quan trọng đều do đồng chí tùy ý quyết định cả. Đành rằng đồng chí cũng có bí thư nọ, trợ lý kia nhưng những người này chỉ đưa ý kiến để đồng chí tổng bí thư tham khảo chứ quyết định cuối cùng vẫn là của đồng chí. Đồng chí càng lớn tuổi thì quyền lực của đồng chí càng mạnh trong khi cùng lúc đó sự tỉnh táo, minh bạch trong suy nghĩ, khả năng nắm bắt thực tế thay đổi của đồng chí lại càng đi xuống.

Tác giả cung cấp rất nhiều ví dụ về cung cách quản trị bằng mệnh lệnh, chỉ thị và cách mà những sự tùy thích của cá nhân lãnh đạo thông qua chính sách đã đày đọa người dân ra sao. Sự thiếu chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến gây ra việc các chính sách đưa ra thường chỉ tính đến những hiệu quả tức thời, ngắn hạn, mang tính đối phó với những vấn đề bức xúc trước mắt. Những quyết định được đưa ra bởi trung ương có tính toán đến một số báo cáo mà địa phương gửi lên, nhân sự cao cấp của trung ương có đi thực tế đôi chút (chuyến thăm của Tố Hữu) nhưng chủ yếu là để truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị, chứ không có thực tâm, thành ý tìm hiểu tình hình thực tế. Các chỉ thị chính sách thường gửi qua đường điện tín, ngắn ngủi và sử dụng thứ ngôn ngữ lờ mờ thiếu chính xác (ví dụ: cứ theo hướng đấy mà làm nhưng đồng thời phải đảm bảo làm sao cho người dân được an tâm ổn định cuộc sống). Như vậy là giữa chính sách và cái thực tế mà chính sách cần điều chỉnh có khoảng cách rộng và xa, cung cách ra quyết định chính sách tùy ý thích của lãnh đạo làm cho khoảng cách đó càng rộng và xa hơn nữa.

Tác giả có đề cập đến một cuộc trò chuyện với ông Hoàng Tùng trong đó ông có nói rằng phải xem xét các quyết định trong hoàn cảnh lịch sử của thời kỳ đó chứ giờ là lúc Liên Xô đổ rồi mà nói thì thấy thời đó ấu trĩ lắm. Điều này như một nguyên tắc, tức là phải xem xét giải thích mọi sự trong hoàn cảnh riêng của chúng, thì đúng nhưng không thể dùng làm một thứ lập luận biện minh, bao phủ để xóa bỏ hết mọi trách nhiệm của cá nhân hay tập thể. Ngay cả vào những tình huống khó khăn, cấp bách nhất thì cũng vẫn có các lựa chọn chính sách, ngay cả khi đã ra chính sách rồi vẫn có sự linh hoạt nhất định trong thực hiện chính sách. Trong trường hợp chúng ta đang xem ở đây thì cả quy trình ra chính sách và thực hiện chính sách đều sai.

Ở đây mình nhớ đến một thảo luận dai dẳng trong kinh tế phát triển về quan hệ giữa dân chủ và phát triển, liệu sự tự do chính trị có giúp phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân hay không. Nghiên cứu cho thấy không kết luận được về tương quan giữa dân chủ và tăng trưởng, trong khi có những quốc gia dân chủ phát triển tốt thì cũng có những quốc gia dân chủ không phát triển; đồng thời với các quốc gia không dân chủ không tăng trưởng cũng có các quốc gia ít dân chủ tăng trưởng tốt. Ví dụ cho nhóm cuối cùng này mà người ta hay nhắc đến là Trung Quốc và Singapore. Mức độ dân chủ được đo bằng việc độc đảng hay đa đảng và có tồn tại bầu cử tự do hay không, vv.

Cá nhân mình lâu nay suy nghĩ và không coi nặng hình thức dân chủ bằng bản chất dân chủ. Đối với mình vì thế có một đảng cầm quyền hay nhiều đảng thì cũng không quan trọng bằng việc quá trình ra chính sách phải được nâng lên đặt xuống bởi nhiều người, phải cho phép có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt đề cao ý kiến chuyên gia. Với cách hiểu đấy thì Singapore và ở một mức độ thấp hơn là cả Trung Quốc về hình thức là các quốc gia kém dân chủ nhưng lại có quy trình xem xét và tạo lập chính sách mang tính dân chủ. Đặc biệt ở Singapore nơi đề cao kỹ trị thì quy trình ra chính sách lại càng đề cao ý kiến chuyên gia và dữ liệu tham khảo và quyết định chính sách cuối cùng phải được hỗ trợ hợp lý bởi nghiên cứu chứ không phải bởi sự tùy tiện, bốc đồng, sở thích cá nhân, hay một nghị trình chính trị.

Như vậy nếu so sánh thì Singapore và Việt Nam ta thời sau chiến tranh về hình thức thì đều là các quốc gia độc đảng không có bầu cử tự do, tức là các quốc gia không dân chủ; nhưng nếu nhìn sâu hơn chút nữa thì ta sẽ thấy có sự khác biệt đặc biệt quan trọng là quy trình ra chính sách: bên Sing thì có một quy trình dân chủ còn bên ta thì không.

Mình cảm nhận thấy nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng có lẽ là nguyên nhân trực tiếp nhất gây ra tình trạng tóe loe ở miền Nam sau chiến tranh. Nói không ngoa là mỗi lần bác Duẩn hắt hơi xổ mũi, bác thay đổi chính sách một tí (cho chúng mày trả tiền mà mua đường ra, thích đi tao không giữ) là lại có một đám người Nam chết thảm ở đâu đó ngoài biển.

Ở ta hôm nay quy trình lập chính sách vẫn chưa tiến bộ nhiều hơn thời trước. Điểm khác biệt lớn nhất giữa xưa và nay là xưa thì người ta đuổi theo một tương lai cách mạng xã hội dân chủ nhân dân, giờ thì người ta chạy theo lợi, còn thì cách ra quyết định vẫn là tùy ý. Người lãnh đạo cần nhận thức ra tầm quan trọng của việc sử dụng các nhóm phân tích chính sách sử dụng các công cụ chính sách mạnh để hỗ trợ cho việc ra chính sách. Điều này ở cấp trung ương người ta có thể đã làm tuy hời hợt nhưng ở cấp tỉnh xuống tới địa phương thì nói chung mình không có hy vọng gì.

Phần này vì thế là ôn cố để mà tri tân.

3. Vượt biển và kế toán con người
Trong khi đọc sách của anh Huy Đức thì những chi tiết làm lòng mình tan nát nhất chính là số liệu về người chết. Sau chiến tranh nhiều người miền Nam tiếp tục chết vì các nguyên nhân không tự nhiên trong đó số lớn nhất là vì vượt biển.

Hôm qua mình đọc được trên status của Nguyễn Thanh Sơn trích đoạn thơ Don Juan của Byron do Thái Bá Tân dịch có câu: Hạnh phúc trong chiến tranh là tàn phá. Mình cho là cái ý này có thể áp dụng cho thời kỳ hậu chiến ở miền Nam. Thời đó nhiệm vụ được ưu tiên là phá chứ không phải là xây. Muốn xây chế độ mới thì trước hết phải cần phá chế độ cũ, nền tảng cũ, cơ chế cũ. Trong cái xu thế lớn đấy thì cái sinh mạng người cũ chẳng có nghĩa lý gì.

Sau khi PA2 tức chủ trương bán giấy phép vượt biên hợp pháp thu vàng bị dừng lại, ban 69 là ban được tạo ra để xem xét lại quá trình thực hiện chủ trương này ghi chép lại là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi có 1000 người chết trong các tai nạn thuyền bè vượt biên. Một thuyền được sửa chữa vội vàng từ tầu kéo, bỏ qua hết các phần an toàn, chìm ngay ở bến Cát Lái ngoại ô SG khiến 277 người chết cùng một lúc. Con số người chết kinh hoàng này xảy ra trong chỉ một vụ của hàng ngàn vụ tai nạn khi vượt biển khiến hàng trăm ngàn người chết cho tới tận đầu những năm 90.

Khi lớn lên ở miền Bắc mình được dạy là đám người vượt biên là những kẻ chống chế độ, tham lam vật chất, đời sống bơ thừa sữa cặn ở nước ngoài nên bỏ nước ra đi. Mình căm ghét những kẻ đấy, không có thương tiếc gì cả. Năm 1985 có mẹ đứa bạn cùng lớp ở Hà Nội vượt biên không thoát bị giam một thời gian xong được thả về. Bạn bè thì thào là mẹ bạn đó đi bị hiếp ở trên thuyền, mình từ sau đấy không nói chuyện với bạn đó nữa.

Suy nghĩ của mình thay đổi nhiều từ lúc vào SG lần đầu, mua và đọc sách vở từ thời SG cũ, tiếp xúc với bạn bè người Nam, và sau này qua Mỹ là đọc các ghi chép của người vượt biển. Về sau mình có một thời gian làm việc với người tị nạn Sudan ở văn phòng Tổ chức Di trú Quốc tế ở Cairo. Trong các cuộc phỏng vấn để quyết định xem một người/gia đình Sudan có thể được chấp nhận định cư ở nước thứ 3 không thì người phỏng vấn phải xác định xem liệu người đó muốn ra đi vì lý do chính trị (bị áp bức, ra đi tìm kiếm tự do) hay vì thuần túy vì lý do kinh tế. Trải nghiệm này cho mình cơ hội suy nghĩ kỹ về thân phận những người tị nạn đồng bào của mình để quyết định được rằng đa số họ lúc đó ra đi là để tìm kiếm tự do. Thiểu số còn lại ra đi vì lý do kinh tế mình cũng thấy không có điều gì phải khinh ghét họ như mình khi trước. Chẳng phải chính Bác Hồ kính yêu của mình đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Mỹ: người ta ai ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc? Họ ra đi vì điều kiện kinh tế tốt hơn để mưu cầu hạnh phúc thì cũng đâu phải là điều gì sai trái.

Sự ra đi nào cũng có ai yếu tố push và pull – đẩy và kéo. Đời sống tự do, vật chất cao hơn ở phương Tây là cái yếu tố kéo rất rõ ràng, dễ hiểu. Để đến được đó thì rủi ro mà người vượt biển phải chịu rất cao. Anh Huy Đức kể chuyện có người ra đi 15 lần không xong. Đi được rồi thì ra đến biển khả năng mất mạng cũng rất cao, xác suất tử nạn trên biển có lẽ phải tới 15-20%. Việc người ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao như thế để ra đi phản ánh cảnh khổ của người miền Nam sau khi được giải phóng. Cảnh khổ này về thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu sách, thiếu tự do, bị hạn chế, bị kỳ thị, bị coi là công dân hạng thấp, là kẻ thù tiềm năng, là đối tượng cải tạo, là cản trở sự tiến bộ của xã hội được ghi chép rất kỹ trong sách. Cảnh khổ này tương phản rõ ràng với đời sống dư thừa và tự do thời trước 30/4 mà một số người sẽ nhắc là do phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, là cơm thừa canh cặn. Nói miền Nam phồn vinh chỉ vì có viện trợ Mỹ là lối nói tuyên truyền. Trong 300 năm hình thành, phát triển lúc nào những vùng đất này cũng giàu có nhờ sản vật thiên nhiên và thương mại tự do, và con người cũng được hưởng những quyền tự do kể cả trong thời Pháp. Nếu không có chiến tranh thì người ta đã không cần phải có viện trợ Mỹ và vẫn đủ sống thoải mái hơn cảnh tem phiếu cân đường, cân gạo, mẩu thịt mua tranh bán cướp du nhập từ Bắc vào. Đối với người miền Bắc, giải phóng quét sạch giặc thù có thể là một niềm tin thật nhưng đối với người Nam đấy là bắt đầu cảnh sống nô lệ, và vì thế nhiều người quyết định liều mạng ra đi. Nếu mình bị rơi vào cảnh đó mà đi được thì mình cũng đi.

Cách cư xử của chính quyền mới đối với người dân phản ánh mối quan hệ giữa người chiếm và người bị chiếm. Danh dự, tài sản, tương lai, vv của những người có dính líu tới chế độ cũ (mà có mấy ai là không có dính dáng tới chính quyền cũ) là không còn gì cả và mạng người Nam lúc đấy có lẽ là rẻ mạt. Người ta bị sử dụng vào những kế hoạch viển vông và gian khổ như kinh tế mới, thanh niên xung phong – mạng sống hoàn toàn bị phụ thuộc vào ý thích của cấp lãnh đạo. Cách người Nam bị cư xử như thế sau chiến tranh đi ngược lại với câu nói của Hồ Chí Minh được dùng làm kim chỉ Nam suốt cả thời chiến tranh: Miền Nam trong trái tim tôi. Lối cư xử đấy đành rằng có lý do tình thế nhưng có một phần không nhỏ là do sự ác ý của chính những người lãnh đạo, người với người nói chung mà cư xử thế đã là không được chứ đừng nói là giữa đồng bào với nhau.

Một đặc điểm của các nước văn minh có nền pháp trị mạnh là người ta không tùy tiện giết đồng bào của mình. Một người Mỹ dù có phạm tội phản quốc cũng vẫn phải được đưa ra xét xử đàng hoàng chứ không thể bị tiêu diệt tùy thích. Người Việt Nam mình có lẽ cũng nên tham khảo cung cách hành xử của xã hội văn minh để lập ra một lời quốc thệ là từ nay về sau không bao giờ thờ ơ với hay tùy tiện cướp đi mạng sống của đồng bào của mình để những thời gian khủng khiếp đã qua sẽ không bao giờ trở lại nữa.









No comments:

Post a Comment

View My Stats