by Anh Gau Pham
on Monday, December 10, 2012 at 9:22am
Nếu chúng ta không thể
Làm chiếc bút chì màu
Để vẽ nên hạnh phúc
Cho những người buồn đau.
Làm chiếc bút chì màu
Để vẽ nên hạnh phúc
Cho những người buồn đau.
Thì chí ít, hãy cố
Làm chiếc tẩy, hàng ngày
Giúp xóa sạch khỏi họ
Những nỗi buồn đau này.
Làm chiếc tẩy, hàng ngày
Giúp xóa sạch khỏi họ
Những nỗi buồn đau này.
(Thơ Thái Bá Tân)
(Tôi đã sửa lại bài viết cho đỡ luộm thuộm. Tại đêm qua
phải giặt tay hơi mệt.)
Ngày hôm qua tôi đã đọc xong bản điện tử của quyển một
(Giải Phóng) của bộ sách mới của anh Huy Đức với tựa đề Bên Thắng Cuộc gần như
liên tục trong vòng 9 tiếng. Chủ đề của cuốn sách, những vấn đề mà nó xem xét
cũng là những điều làm tôi suy nghĩ vương vấn trong đầu nhiều năm nay.
Là một nhà báo năng động và thành công ở Sài Gòn trong
giai đoạn Việt Nam đổi mới, anh Huy Đức có lợi thế gần như không ai có được ở
khả năng tiếp cận với các cá nhân đã từng hoặc vẫn đang là giới chức cao cấp
hàng đầu của CHXHCN Việt Nam và các nhân sỹ, trí thức và cựu quan chức của Việt
Nam Cộng Hòa. Khả năng ngoại ngữ và góc nhìn hướng ngoại của anh cũng giúp anh
gặp gỡ với các nhân vật Mỹ có liên quan tới giai đoạn lịch sử thời chiến tranh
Việt Nam. Nhờ những lợi thế này anh Huy Đức đã gom góp được một nguồn sử liệu
khổng lồ từ các trao đổi cá nhân thu thập từ chính nhân vật lịch sử. Các thông
tin nguồn chính này kết hợp với các nguồn tham khảo đồ sộ mà tác giả sử dụng
tạo dựng cho cuốn sách này vị thế của một tác phẩm kinh điển tức thì về lịch sử
Việt Nam. Tôi tin rằng hàng chục năm nữa người ta vẫn sẽ còn tiếp tục trích dẫn
từ cuốn sách này.
Anh Huy Đức không được đào tạo về những phương pháp hiện
đại nghiên cứu và tái dựng lịch sử. Anh cũng không được đào tạo bài bản và
chuyên nghiệp về báo chí mà đã tự học lên từ thực tế công việc. Biết vậy tôi
càng cảm phục hơn tinh thần và nỗ lực làm việc nghiêm túc mà tác giả đã đổ vào
tác phẩm đồ sộ này. Tôi dễ dàng cảm nhận thấy từ giọng văn bình thản, lối trình
bày thông tin, dữ liệu tương đối cân bằng; cách tác giả không sa đà vào phân
tích; cách đặt tên các tựa đề và đề mục là tác giả đã bỏ công nghiên cứu cấu
trúc và phương pháp viết sử tương đối khoa học của các tác giả Mỹ viết sử Việt
Nam như Stanley Karnow (Vietnam: A History), William Duiker (Ho Chi Minh: A
Life), Sophie Quinn-Judge (Ho Chi Minh – The missing years). Tôi tin cuốn sách
này đã xác lập chắc chắn vị trí của anh Huy Đức trong số những người viết sử
Việt Nam hàng đầu
Tôi muốn nhấn mạnh nhận xét về cách tác giả không sa đà
vào phân tích. Điểm này đặc biệt ở chỗ nó khác hoàn toàn văn phong báo chí đã
trở nên quen thuộc của chính tác giả. Giống phần lớn người viết Việt Nam học và
làm nghề viết trong môi trường không đề cao kỹ năng viết, nhà báo Huy Đức có xu
hướng mắc phải những lỗi lập luận đơn giản mà một nhà báo phương Tây chịu sự
kiểm tra kỹ càng của công chúng ít mắc. Tôi sơ cử ra hai lỗi đã thấy ở anh Huy
Đức: một là trích dẫn một nguồn uy tín và coi đó nghiễm nhiên là sự thật và hai
là xuất phát từ định kiến có sẵn khai triển lập luận. Tôi cảm thấy vui mừng khi
cảm nhận thấy anh Huy Đức đã áp dụng một cách thức trình bày và phân tích thông
tin dữ liệu cân bằng, khách quan và bình thản. Cách tác giả đưa ra một lượng
thông tin ngồn ngộn rồi để độc giả tự nghiền ngẫm và quyết định cách phân tích
và cảm nhận theo tôi là cách tốt nhất khi viết về một vấn đề vẫn còn gây tranh
cãi, chia rẽ, xung đột, và kể cả thù hằn là vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Tuy vậy, sẽ là nhầm lẫn nếu suy luận từ sự thiếu vắng
phân tích của chính tác giả trong tác phẩm để cho rằng tác giả không có thái độ
cụ thể về chủ đề của tác phẩm. Thái độ của tác giả là gì trong trường hợp này
là một thứ ý tại ngôn ngoại. Trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam, gần như tất
cả các vấn đề mà tác giả đề cập đến (cải cách ruộng đất, học tập cải tạo, cải
tạo tư sản, vượt biên có bảo lãnh) vẫn còn là những vấn đề cấm kỵ bị tránh né
(dù nhiều điều đã là các bí mật mở). Việc tác giả tấn công trực diện từng vấn
đề, nêu đích danh tên từng nhân vật, nhiều người vẫn còn sống còn quyền sinh
quyền sát thể hiện một thái độ dũng cảm đáng kính trọng của tác giả. Sự dũng
cảm này còn được thể hiện trong việc tác giả lựa chọn tự xuất bản sách qua kênh
cá nhân như cách tuyên bố về sự độc lập, sự tự chịu trách nhiệm. Đây cũng là
một sự cẩn trọng cần thiết đối với một người viết độc lập để giữ được uy tín
với công chúng nhằm chống lại những buộc tội vô cớ chắc chắn sẽ đến về việc tác
giả bị mua chuộc bởi các thế lực. Thái độ của tác giả trong trường hợp này có
thể được so sánh như ý đồ của một nhiếp ảnh gia trưng bày ra một hình ảnh tĩnh
của thực tại. Mỗi góc nhìn, mỗi chi tiết được nhấn mạnh, dưới ánh sáng nào, mầu
sắc ra sao vv đều được tính toán kỹ và có lý do. Mỗi người chắc sẽ có cảm nhận
khác nhau về thái độ của tác giả. Ấn tượng của tôi là về một thái độ tôn trọng
sự thật rất đáng cảm phục và học tập.
Khi nhắc đến thái độ tôn trọng sự thật rất “đáng học tập”
của tác giả, tôi đã để lòi ra một cái đuôi về một xuất thân giống với tác giả
là cùng lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. “Đáng học tập” hay “đáng biểu
dương” hay “nêu gương” là những lời lẽ định hình chỉ trong môi trường thi đua
phấn đấu của trường học xã hội chủ nghĩa. Sự tương đồng này dẫn dắt tôi đến một
điểm khác đáng chú ý là việc tác giả là một trong số rất ít những người từ “bên
thắng cuộc” đưa ra một góc nhìn khác về chiến tranh. Thời nay là lúc lý tưởng
cách mạng trong xã hội Việt Nam ta đã nhạt nhòa và người ta không phải quá o ép
lời ăn tiếng nói vì thế từ người bình dân tới cán bộ cao cấp ai ai cũng có thể
nói những lời xét lại về quá khứ mà không sợ bị trừng phạt. Tuy thế việc viết
ra một cách có hệ thống các quan điểm xét lại này vẫn là điều không được chấp
nhận. Một vài người viết như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Dương Thu Hương
với các suy tư về ngày 30/4/1975 đã gặp rắc rối vì các quan điểm xét lại. Để
Huy Đức - một người lớn lên trong xã hội ưu việt miền Bắc, từ nhân dân cần lao
mà ra, được giáo dục từ trong trứng nước về tư tưởng anh hùng xã hội chủ nghĩa
và tính tất thắng của phe ta, lại từng là lính chiến đấu phụng sự sự nghiệp
cách mạng cao đẹp - viết được một tác phẩm xét lại thế này cần một nỗ lực lớn
hơn nhiều lần so với một học giả nước ngoài hay “phe họ”. Để một cá nhân đã
được lập trình cho quen với vị thế tiện lợi của người chiến thắng, người đúng,
phe chính nghĩa phải suy nghĩ lại, phải phân tích duy lý về vị thế đó và nếu
thấy cần thì rời bỏ nó đòi hỏi những hoàn cảnh, hiểu biết, tính cách cá nhân
nhất định. Một yếu tố quan trọng cần có nhưng khó có ở miền Bắc là óc tư duy
phê bình. Những người như anh Huy Đức, như tôi, như thế hệ của chúng tôi lớn
lên chỉ được tiếp xúc với thông tin một chiều và sự thật một chiều. Sự thật
được đóng gói sẵn, cần là có, rất tiện lợi và ngon lành, việc gì mà phải đi tìm
ở đâu nữa? Trong cái hang của Plato được giữ đóng và kín này thì lấy đâu ra hạt
giống cho những suy tư khác, cho sự nghi ngờ về việc có tồn tại một thế giới
khác bên ngoài hang? Cái nỗ lực của con kén phải rùng mình chui ra khỏi cái vỏ
kín tối thực sự là đau đớn. Ngoài ra việc anh Huy Đức mới chỉ là cậu bé 13 tuổi
khi kết thúc chiến tranh không có trải nghiệm trực tiếp trong cuộc chiến nhưng
vẫn chuyển mình đủ để sau này trình bày gẫy gọn, súc tích, bình thản về những
nỗi buồn chiến tranh là một tấm gương tôi thấy đáng học tập.
Trở lại câu hỏi về hạt giống nào của sự thật, trong hoàn
cảnh như thế nào đã khởi động quá trình một người thắng cuộc bắt đầu nghi ngờ
về vị thế siêu việt của mình. Tôi cho rằng hạt giống của sự thật thường đến
trong hình hài của những mâu thuẫn. Suy nghĩ này làm tôi nhớ đến câu cách ngôn
đại ý nếu cứ nói thật thì khỏi cần phải nhớ đã nói gì. Trong thực tế cuộc sống
thì những thứ không phải là sự thật hoặc chỉ là sự thật một chiều – tôi định
nghĩa là thứ sự thật quy ước cục bộ – sẽ bị thách thức khi không gian quy ước
cục bộ bị phá vỡ. Sẽ xuất hiện những bằng chứng về sự mâu thuẫn giữa những thứ
không phải sự thật, sự thật cục bộ, quy ước với những sự thật toàn cục kiểm
chứng được. Những bằng chứng mâu thuẫn sẽ khiến người ta xem xét lại hệ thống
niềm tin sẵn có của người ta. Nhưng trên thực tế để đi từ chỗ bắt đầu xem xét
tới chỗ có niềm tin mới là một quá trình rất dài lâu và khó khăn, càng khó hơn
trong môi trường thiếu thông tin có sự kiểm soát, áp đặt tư tưởng.
Đối với anh Huy Đức, Dương Thu Hương và cả tôi những bằng
chứng mâu thuẫn đầu tiên đến từ chính bên thua cuộc. Những gì chúng tôi được
dạy về họ không giống những thứ chúng tôi quan sát được ở họ. Anh Huy Đức,
trong tác phẩm này, vừa trực tiếp vừa định hướng, đã đưa ra một số lượng khổng
lồ các bằng chứng loại này. Mỗi người đọc có thể tự suy ngẫm và so sánh với
niềm tin riêng của mình. Sự thay đổi về niềm tin nếu có phải là một hành trình
cá nhân.
Mười tám năm trước có lần tôi tranh luận mười mấy tiếng
đồng hồ với một người bạn nước ngoài về vấn đề học tập cải tạo sau chiến tranh.
Người bạn đó có một người bạn Việt Kiều ở Thụy sỹ tên là Loan; cha cô Loan đã
đi học tập hơn 10 năm. Người bạn tôi nói rằng việc tập trung cải tạo giam giữ
lâu dài như thế là không cần thiết và vô nhân đạo. Tôi, bên thắng cuộc, nói
rằng người chiến thắng đã hy sinh quá nhiều để giành chiến thắng và có quyền
bảo vệ chiến thắng đấy. Bảo vệ chiến thắng bằng cách cho đối phương học tập cải
tạo là lựa chọn tử tế và nhân đạo hơn so với việc giết họ đi. Tôi cũng nói đám
người vượt biên là đám ô nhục bỏ tổ quốc ra đi vì lý do kinh tế. Cuộc tranh
luận bất phân thắng bại kết thúc bằng việc hai bên không ai chịu ai đều khóc.
Sau khi lớn lên được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin và nhân vật lịch sử của
cả hai bên, được đọc nhiều sách vở bằng ngoại ngữ, rồi được qua Mỹ học về hành
chính và qua đó thu thập được những công cụ phân tích cơ sở, tôi đã dần dần tự
luận ra được nhiều điều. Giờ đây nhiều năm sau tôi tự cảm thấy đã có những niềm
tin khác cân bằng và ôn hòa hơn. Là người sinh ra sau chiến tranh, gia đình
không mất ai trong chiến tranh, hiện không hoạt động chính trị hay tham gia
đảng phái nào (tôi cũng chỉ có một đảng là đảng Việt Nam), dựa trên những hiểu
biết tự thu thập và xử lý, với tuyên bố rằng không ai mua chuộc hay ép buộc
tôi, tôi nói nhân danh cá nhân tôi rằng những gì đã xảy ra, đặc biệt trong thời
hậu chiến, như anh Huy Đức đã kể ra rành mạch trong tác phẩm này của anh, quả thực là quá oan ức và đau khổ cho miền Nam. Vì điều đó nhân danh
chỉ cá nhân tôi tôi muốn được xin lỗi.
No comments:
Post a Comment