Friday 17 June 2022

CÁC HỖ TRỢ QUỐC TẾ VỀ MÔI TRƯỜNG CHO VIỆT NAM PHẢI GẮN LIỀN VỚI VIỆC TRẢ TỰ DO CHO BÀ NGỤY THỊ KHANH (RFA)

 



Các hỗ trợ quốc tế về môi trường cho Việt Nam phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Nguỵ Thị Khanh

RFA

2022.06.17

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-environmental-activists-doubt-vn-commitment-after-the-sentencing-of-nguy-thi-khanh-06172022212013.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-environmental-activists-doubt-vn-commitment-after-the-sentencing-of-nguy-thi-khanh-06172022212013.html/@@images/fc199584-b6c9-48d8-b005-69ad76e8f4a9.jpeg

Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc GreenID tại văn phòng cơ quan ở Hà Nội hôm 6/2/2020.  AFP

 

Các nhà vận động về môi trường quốc tế hôm 17/6 lên tiếng phản đối án tù mà Hà Nội dành cho nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thuỵ Khanh, nghi ngờ cam kết của Việt Nam về việc đạt mục tiêu đưa phát thải khí carbon về không vào năm 2050, đồng thời kêu gọi các nước G7 gây sức ép về tài chính lên Chính phủ Việt Nam.

 

Bà Nguỵ Thị Khanh (46 tuổi) bị một toà án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù vào sáng ngày 17/6 với tội danh trốn thuế sau khoảng bốn tháng bị giam giữ để điều tra.

 

Bà Khanh là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID - một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vào năm 2018 nhận Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm việc lệ thuộc vào nhiệt điện than ở Việt Nam.

 

Vào năm 2019, bà Nguỵ Thị Khanh được trao giải Đột phá về Môi trường (Climate Breakthrough Award). Với giải này, tổ chức GreenID của bà sẽ được nhận khoản tiền là hai triệu đô la trong ba năm.

 

Ông Michael Sutton, Giám đốc điều hành của Goldman Environmental Prize - cơ quan trao giải thưởng cho bà Khanh - trong tuyên bố vào ngày 17/6 viết rằng:

Qua các công việc với GreenID và sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong các thập niên qua, bà Khanh đã giúp mang đến sự chú ý tích cực đối với các nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách chính sách năng lượng và chống biến đổi khí hậu.”

 

Ông Sutton bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc giam giữ bà Khanh “sẽ gây hại cho danh tiếng của Việt Nam ở quốc tế”, đồng thời ông kêu gọi: “bất cứ hỗ trợ chuyển đổi về năng lượng nào dành cho Việt Nam trong tương lai cũng phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Khanh”.

 

Vào tháng 10 năm ngoái, tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP 26 tại Anh, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đưa việc thải khí carbon ròng về không vào năm 2050. Các nước phát triển G7 hiện đang thảo luận để tiến tới một loạt các thoả thuận về năng lượng và trợ giúp tài chính.

 

Hiện chính phủ một số nước như Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đang đàm phán một Gói Chuyển đổi Năng lượng (JET-P) với Chính phủ Việt Nam với dự định sẽ có thông báo tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP 27 của LHQ tiếp theo tại Ai Cập vào tháng 11 năm nay.

 

Tiến sĩ Kimiko Hirata - người nhận Giải Goldman vào năm 2021 và là Giám đốc tổ chức Climate Integrate của Nhật Bản nhận xét: “Các nước G7 đang mon muốn làm đối tác với Việt Nam trong một loạt các nỗ lực quan trọng (về môi trường), đây là điều khó khăn khi các lãnh đạo về khí hậu của Việt Nam bị cầm tù”.

 

Trước phiên toà xử bà Nguỵ Thị Khanh, cũng trong năm nay, các toà án của Việt Nam đã kết án tù ba nhà hoạt động môi trường khác với cùng cáo buộc trốn thuế.

 

Ông Michael Sutton, Giám đốc Goldman Environmental Prize nhận định: “Các cáo buộc pháp lý nhắm vào bà Nguỵ Thị Khanh là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam.”

 

Jake Schmidt - Giám đốc Chiến lược Cấp cao thuộc Chương trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC) cho rằng:

 

Các nước và các công ty phương Tây rất mong muốn được đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam, nhưng họ không nên làm vậy nếu không có sự đảm bảo từ Chính phủ Việt Nam rằng xã hội dân sự có thể hoạt động một cách xây dựng, tự do và không sợ bị trả thù, bị tội phạm hoá. Khi các nước G7 tiến đến việc tài trợ quốc tế cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, họ nên đòi trả tự do cho bốn nhà lãnh đạo môi trường quan trọng là những người tham gia cần thiết trong việc đảm bảo việc chuyển đổi năng lượng của Việt Nam được thực hiện và có lợi cho người dân.”

 

Shruti Suresh, người đứng đầu Chiến dịch Các nhà bảo vệ môi trường và đất đai thuộc Global Witness nói:

 

Sự tham gia của xã hội dân sự là then chốt trong sự thành công trong chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam. Việc bỏ tù bà Khanh, một trong các nhà hoạt động tích cực lên tiếng nhất, người đã mang sự chú ý của quốc tế đến các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, là một nỗ lực rõ ràng để bịt miệng những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các nước đầu tư vào Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ cho Việt Nam cần đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền của những người bảo vệ môi trường để họ có thể tiếp tục các công việc quan trọng của họ mà không gặp nguy hiểm về an toàn và tự do.”

 

---------------------

Tin, bài liên quan

 

·         LHQ quan ngại về việc bắt giữ và kết án những nhà hoạt động môi trường

·         Việt Nam sẽ nhận gói viện trợ 170 triệu USD phát triển bền vững từ Đức

·         Giám đốc Hợp tác xã cấp khống giấy thông hành cho con gái bị phạt 7,5 triệu đồng

·         Chín doanh nghiệp xả thải xuống sông Mã bị xử phạt

·         Tàu cá Trung Quốc bị nghi xả thải, gây hại cho môi trường biển ở Trường Sa

 

========================================================

.

.

Tòa án Hà Nội tuyên "Anh hùng môi trường" Ngụy Thị Khanh 24 tháng tù giam

RFA
2022.06.17

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/environment-activist-sentenced-to-24-month-on-charges-of-tax-evasion-06172022085313.html

 

.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/environment-activist-sentenced-to-24-month-on-charges-of-tax-evasion-06172022085313.html/@@images/1e7415ee-3851-4a09-8b94-f99ed6842313.jpeg

Bà Ngụy Thị Khanh trong một buổi phỏng vấn với AFP năm 2020

 

Chỉ sau một buổi sáng xét xử toà án Hà Nội đưa ra mức án hai năm tù đối với nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thế giới.

 

Một toà án ở Hà Nội sáng ngày 17 tháng 6 tiến hành xét xử nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thị Khanh dưới cáo buộc trốn thuế sau khoảng bốn tháng tạm giam. 

 

Nguồn tin giấu tên của phóng viên Đài Á Châu Tự Do cho biết, ban đầu phía Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 26 đến 33 tháng tù cho nhà hoạt động này. 

 

Phản ứng trước kết quả phiên toà, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế nói:

 

“Chính quyền Việt Nam đáng nhẽ ra nên tập trung vào việc đối phó với với biến đổi khí hậu và thực hiện lời hứa của thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cắt giảm mức phát thải xuống con số không vào năm 2050. 

Thay vào đó, chính quyền lại tiến hành cuộc đàn áp nhắm vào các quyền tự do biểu đạt và quyền tự do lập hội. 

Những nhà bảo vệ môi trường cần phải được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù.” 

 

Trước khi bị bắt, bà Khanh (46 tuổi) là giám đốc tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp tên là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID, hoạt động nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mê Kông, theo phần giới thiệu của tổ chức. 

 

Hồi năm 2018, nhà hoạt động này trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm nhiệt điện than ở quốc gia độc đảng. 

 

Đây là giải thưởng dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở và là giải thưởng lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực này. 

 

Người thắng giải "Anh hùng môi trường" sẽ được trao số tiền trị giá 200 ngàn USD. Theo nguồn tin riêng của đài RFA thì cáo buộc trốn thuế mà cơ quan tố tụng đưa ra đối với bà Khanh là có liên quan đến số tiền này.  

 

Vụ bắt giữ lãnh đạo của tổ chức GreenID diễn ra sau hàng loạt các vụ bắt bớ khác nhắm vào các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước trong lĩnh vực môi trường. 

 

Trong đó có các vụ bắt giữ ông Mai Phan Lợi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC), ông Bạch Hùng Dương - cựu giám đốc của tổ chức trên, cùng với ông Đặng Đình Bách - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD).

 

Tất cả những người này đều bị cáo buộc dưới tội danh trốn thuế, tương tự như tội danh mà bà Nguỵ Thị Khanh phải chịu.

 

Bình luận về hiện tượng này, bà Ming Yu Hah từ tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết:

 

“Việc sử dụng các cáo buộc trốn thuế để chống lại các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường đang là xu hướng đáng lo ngại trong những tháng gần đây. 

 

Chính quyền Việt Nam cần phải chấm dứt việc đàn áp các tổ chức này và để yên cho họ làm công việc quan trọng của mình.”

 

Hồi tháng 4, Văn phòng Nhân quyền và Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bắt giữ, giam cầm rồi kết án những nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ môi trường theo cáo buộc trốn thuế. 

 

Chúng tôi đã gửi email cho Quỹ Môi trường Goldman để đề nghị họ bình luận về bản án đối với bà Ngụy Thị Khanh, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời. Đến tối 17/6, vẫn chưa có tờ báo Nhà nước nào đưa tin về phiên tòa xử nhà hoạt động môi trường nổi tiếng này. 

 

----------------------

Tin, bài liên quan

 

·         Nghệ An: Bốn người bị thương khi công an dỡ lán trại của người dân phản đối xây nghĩa trang

·         Hải Phòng: Dừng hoạt động phân xưởng chế biến bột cá của công ty gây ô nhiễm

·         USAID giúp VN đối phó biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường

·         Rác thải tiếp tục tràn ngập nhiều tuyến đường tại Hà Nội

·         Công ty Rạng Đông chuẩn bị xây nhà máy 2500 tỷ đồng sau vụ cháy cuối tháng 8





No comments:

Post a Comment

View My Stats