Thursday 30 June 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/06/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/06/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

30/06/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/06/30/the-gioi-hom-nay-30-06-2022/

 

NATO tuyên bố Nga là “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất” của liên minh; trong khi tổng thư ký Jens Stoltenberg cam kết Ukraine có thể tiếp tục tin tưởng vào trợ giúp của NATO để chiến đấu với Nga đến “khi nào còn cần.” Dẫu vậy, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói NATO và đồng minh đang không cung cấp đủ pháo hiện đại và các loại vũ khí khác cho nước ông.

 

Ukraine và Nga tiến hành cuộc trao đổi tù binh lớn nhất từ đầu chiến tranh đến nay, với mỗi bên thả 144 người. Trong số những người Ukraine được thả có 95 người đã chiến đấu để bảo vệ Mariupol cho đến khi thành phố đầu hàng Nga hồi giữa tháng 5. Ngoài ra còn có thị trưởng Kherson, một thành phố miền nam Ukraine đang bị Nga chiếm đóng; ông bị bắt vì từ chối hợp tác với Nga.

 

Một tòa án Pháp đã kết án 19 người đàn ông liên quan đến chuỗi vụ tấn công khủng bố làm 130 người thiệt mạng tại nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France và nhiều quán cà phê khác nhau ở Paris vào năm 2015. Khi ấy, Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Người sống sót duy nhất trong nhóm mười kẻ tấn công đã bị kết tội giết người và tìm cách giết người với lý do khủng bố, với bản án chung thân không ân xá. Những người khác bị buộc tội hỗ trợ vận chuyển hoặc hậu cần.

 

Thẩm phán Stephen Breyer cho biết ông sẽ nghỉ hưu tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào thứ Năm sau gần 28 năm tại vị. Thẩm phán Breyer tuyên bố nghỉ hưu từ tháng 1, và Thượng viện đã phê chuẩn Ketanji Brown Jackson làm người thay thế ông. Ông rời tòa án vào một thời điểm nóng bỏng, với một loạt các quyết định gây tranh cãi như lật ngược phán quyết Roe v Wade, mở rộng quyền mang vũ khí ở nơi công cộng và làm xói mòn lằn ranh tách biệt nhà thờ và nhà nước.

 

Những người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Anh kêu gọi nhanh chóng hành động chống lạm phát trước khi nó ăn sâu. Phát biểu tại một hội nghị ở Bồ Đào Nha, các lãnh đạo ngân hàng trung ương cho rằng việc trì hoãn tăng lãi suất có thể khiến lạm phát “trở nên dai dẳng.” Jerome Powell đã gợi ý rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong tháng 7.

 

Chính quyền Biden ủng hộ bán máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày sau khi Ankara đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển trở thành ứng viên NATO. Trước đó trong tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu 40 chiếc F-16; cho đến thứ Tư, các quan chức Mỹ vẫn chưa bình luận về tính khả thi của thương vụ. Nó cuối cùng sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

 

Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói với các thành viên trong đảng ông là ông sẽ không tái tranh cử một ghế trong quốc hội. Ông đưa ra quyết định trên ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu giải tán quốc hội vào thứ Năm. Ông Bennett sẽ được thay thế bởi Yair Lapid, đương kim ngoại trưởng, cho đến khi có bầu cử vào mùa thu. Được biết đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ năm của Israel chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm. Không loại trừ khả năng cựu thủ tướng Binyamin Netanyahu sẽ trở lại.

 

Con số trong ngày: 651, là số người chết trong năm 2021 khi tìm cách vượt biên vào Mỹ từ Mexico.

 

.

TIÊU ĐIỂM

 

Tổng thống Indonesia thăm Nga và Ukraine

Một loạt các nhà lãnh đạo quốc gia đã đến gặp hai lãnh đạo Nga và Ukraine trong bốn tháng qua. Nhân vật mới nhất sẽ là Joko Widodo, tổng thống Indonesia. Sau khi đến thăm Volodomyr Zelensky vào thứ Tư, Jokowi, biệt danh ông thường được gọi, sẽ gặp Vladimir Putin vào thứ Năm.

 

Jokowi là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm cả hai nước kể từ khi Nga xâm lược. Ông đã mô tả “sứ mệnh” của mình là cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực có nguy cơ đẩy các nước nghèo, vốn phụ thuộc vào ngũ cốc từ Nga và Ukraine, “xuống vực thẳm của đói nghèo cùng cực.” Ông khó có khả năng thành công. Nhưng với tư cách là chủ tịch thượng đỉnh G20 năm nay vào tháng 11, ông đã mời cả ông Zelensky lẫn ông Putin tham dự, mặc dù Ukraine không phải thành viên. Nếu họ đến dự, đó sẽ là một thành tựu lớn. Và tốt hơn nữa nếu ông có thể định vị Indonesia như một cường quốc thế giới đủ khả năng hòa giải xung đột.

 

“Bongbong” Marcos nhậm chức tổng thống Philippines

Vào thứ Năm, Ferdinand “Bongbong” Marcos sẽ kế nhiệm vai trò tổng thống Philippines của Rodrigo Duterte. Trong số những người tham dự lễ nhậm chức sẽ có Imelda Marcos, mẹ của tổng thống mới và là góa phụ của Ferdinand Marcos (cha), một cựu tổng thống trước đây.

 

Chế độ của Marcos (cha) từng khủng bố các đối thủ chính trị và cướp bóc nền kinh tế, trước khi bị lật đổ bởi cuộc nổi dậy của quần chúng năm 1986. Nhưng bằng cách che đậy quá khứ không đẹp của gia đình, Marcos (con) đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 dù không hề vạch ra một đường lối chính sách cụ thể nào.

 

Việc khôi phục lại vương triều Marcos không chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Bà Marcos, người sẽ bước sang tuổi 93 vào thứ Bảy, đang được tại ngoại trong khi kháng cáo cáo buộc tham nhũng hồi năm 2018, một phần của vụ án tham nhũng 200 triệu đô có từ thời chồng bà đương nhiệm. Nhưng khi đã lên chức, con trai bà hoàn toàn có thể ân xá cho mẹ mình.

 

Kế hoạch khai thác dầu khí của chính quyền Biden

Với giá xăng dầu cao kỷ lục và lạm phát đạt đỉnh 40 năm, tổng thống Joe Biden đang đứng dưới áp lực phải hành động. Kế hoạch 5 năm của chính quyền ông về phát triển dầu khí và khí đốt tự nhiên ngoài khơi, sẽ được công bố dự thảo vào thứ Năm, có thể cho thấy cách họ dự định đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

 

Các đảng viên Cộng hòa (và đôi khi là đảng Dân chủ thân thiện với nhiên liệu hóa thạch) đã chỉ trích chính quyền Biden vì do dự mở các địa điểm khai thác mới ngoài khơi. Họ cho rằng tăng cung sẽ giúp giảm giá. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường tin rằng cắt giảm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để hướng nước Mỹ tới năng lượng xanh. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa vì ông Biden từng hứa khi tranh cử là sẽ cấm hoạt động khoan mới trong vùng biển liên bang.

 

Song phải nhận thấy rằng cho dù ông Biden có kế hoạch gì đi nữa, nhiên liệu cũng sẽ không đến đủ nhanh để giải quyết những khó khăn năng lượng hiện tại của Mỹ. Các công ty vẫn chưa thể tham gia đấu giá thuê địa điểm khai thác cho tới khi kế hoạch khai thác dầu khí được thông qua vào cuối năm nay. Một khi được tiến hành, họ sẽ phải mất vài năm để có thể bơm dầu ra thị trường. Người Mỹ còn phải chịu đựng giá xăng dầu đắt đỏ trong một thời gian tới.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats