Việt Nam cần một
nền văn minh tổng hợp Đông Tây kim cổ
Tạ
Dzu
29/10/2021
https://baotiengdan.com/2021/10/29/viet-nam-can-mot-nen-van-minh-tong-hop-dong-tay-kim-co/
Trong cuốn Triết Lý Lý Đông A, Tiến
sĩ Phạm Khắc Hàm nhận định rằng, thế kỷ 20 là một thế kỷ “bản lề” của lịch sử
con người, “đánh dấu một nếp gãy trong cách thức sống và tư duy của nhân loại”. [1]
Ông đưa ra giản đồ tri thức giải thích tư duy
trải hàng vạn năm chỉ la đà ngang ngang trục hoành. Đầu thế kỷ 20, đường biểu
diễn tri thức cong dần rồi vọt thẳng lên theo trục tung, với “Thuyết Tương Đối
Đặc Biệt nêu lên tính chất tổng thể của không-thời gian và phá sập nền tảng của
cơ học Newton. Thuyết Tương Đối Tổng Quát mô tả Vũ trụ bằng hình học 4 chiều
Riemann, và mở đường cho các nhà khoa học nghiên cứu bản thể Vũ trụ, một lãnh vực
xưa kia thuộc siêu hình học. Thuyết Cơ học Nguyên Lượng nghiên cứu bản thể của
Vật chất, một lãnh vực khác của siêu hình học và thêm một lần nữa, tàn phá những
gì còn sót lại của nền tảng tư duy…”, tựa như một “cơn bão trong thời gian và
trong tâm thức” với sức “tàn phá kinh khủng”. Bởi theo ông, “các chuyện mà cách
đây khoảng trăm năm, chỉ có các thần linh mới có thể làm được thì bây giờ đã trở
thành chuyện tầm thường đến nỗi ai nấy đều cho là chuyện đương nhiên, như mắt
nhìn xa vạn dặm (thiên nhãn thông), tai nghe xa vạn dặm (thiên nhĩ
thông), bay trên trời như chim (thần túc thông)…”
Thế kỷ 20, nhân loại cũng chứng kiến hầu như
toàn Á châu và Phi châu đều nằm “trong vòng nô lệ. Bây giờ tất cả đã được giải
phóng và con đường dân chủ là bất khả phản hồi…”
Nhưng “nô lệ” và “giải phóng” đều nằm trong thế
tương tranh quốc tế giữa tư bản và cộng sản, cả hai đều thoát thai từ phương
Tây, kéo dài từ cuộc ganh đua duy vật-duy tâm tranh chấp nhau, kéo cả nhân loại
vào cuộc chiến mà nước ta là nạn nhân bi thảm nhất.
Tất cả các biến cố xảy ra trong thế kỷ 20, từ
xã hội, chính trị, quân sự đến khoa học, triết học… liên quan với nhau “như những
mắt lưới”. Vẫn theo Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm, chúng thay đổi, nổ tung đến mức tạo
ra những cơn địa chấn làm “rung chuyển địa cầu.”
Nhưng nếp gãy tăng trưởng của tri thức lại ứng
với “khủng hoảng tư duy” vì “kiến thức ào ào đổ tới như thác lũ, tâm thức phải
đổi thay cho phù hợp với sự hiểu biết mới. Nếu không thay đổi kịp thời, người
ta sẽ cảm thấy bất an…” Nhưng thay vì thay đổi tâm thức, cả nhân loại lại phải
lao theo phương Tây trong cuộc tranh chấp ý thức hệ tả hữu, cộng sản và tư bản.
Tộc Việt với nền văn minh lúa nước, thấm nhuần
nguyên lý âm dương (hèm Tiên Rồng), biết cách thống nhất các khác biệt đối lập,
hợp tan, tranh chấp tả hữu của cuộc sống qua nhiều câu chuyện trong huyền sử,
ca dao tục ngữ, được thể hiện ngay trong ngôn ngữ và cuộc sống hằng ngày, hẳn
có khả năng đưa ra một tầm nhìn mới hợp thời đại, mở ra nước Đại Việt thời
2000, tiếp nối Đại Việt 1000 (Lý-Trần), tương xứng với bề dày lịch sử và văn
hoá trải dài hàng vạn năm, từ huyền sử sang chính sử.
Việt Nam hết thoát Hán thì lệ thuộc Pháp.
Thoát Pháp lại quay cuồng trong cơn lốc tương tranh Nga-Mỹ. Giờ lại đang bị Hán
hoá dưới vỏ bọc chủ nghĩa cộng sản của hai đảng anh em, và đang kẹt trong tương
tranh mới Mỹ-Trung.
Làm thế nào để Việt tộc thoát khỏi các gọng
kìm nguy hiểm có thể dẫn tới diệt vong, không chỉ về mặt thể chất mà cả về tinh
thần? Bởi nếu không độc lập về văn hoá sẽ không tạo được độc lập chính trị, tức
không có nền độc lập siêu nhiên.
Với
những thay đổi triệt để khốc liệt nêu trên, nếu không loại bỏ được tranh chấp
giữa những người trong tộc Việt với nhau để cùng chống lại cuộc Hán hoá mới, lồng
trong thế tranh hùng Mỹ-Trung thì họa diệt vong đã rất cận kề.
Nhưng loại bỏ tranh chấp không có nghĩa bên
này phải theo bên kia, nhưng là cùng trở về với cái nôi dân tộc, nơi dung chứa
mọi dị biệt và cũng là nơi dễ tạo được một mẫu số chung cần thiết. Bởi trong thế
kỷ vừa qua, hai miền Nam Bắc đã bị lôi cuốn vào cơn lốc tương tranh quốc tế của
hai tầm nhìn phiến diện, hoặc nghiêng về tinh thần (duy tâm), hoặc thiên về vật
chất (duy vật), trong khi văn hoá Việt đã hoá giải được các khác biệt để thống
nhất đối lập từ ngàn xưa (truyện Gậy Thần và Sách Ước).
Lý Đông A, tên thật là Nguyễn Hữu Thanh
(1920-1946?), Thư ký trưởng Đảng Đại
Việt Duy Dân, nhà cách mạng mang tâm chất của một nhà tư tưởng và nhà thơ, kết
tinh của dân tộc Việt đã làm công cuộc kiểm thảo lại toàn bộ tri thức nhân loại
từ cổ chí kim, dựa trên nền tảng văn hoá dân tộc, đã tập đại thành (đại tổng hợp),
sáng tạo triết thuyết
Nhân Chủ, bổ khuyết cho cả tâm-triết lẫn vật-triết. Ông trình bày
triết thuyết của ông trong một bộ sách mà ông đặt tên là “Việt Duy Dân Quốc
Sách Thảo Án Toàn Pho”.[2]
Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm cho rằng triết học
phương Đông được xem như đã hoàn chỉnh từ hai ngàn năm trước và gần như nằm
toàn bộ trong các tác phẩm cổ điển như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bách Gia Chư Tử… của
Trung Quốc, hay Áo Nghĩa Thư, Kinh Vệ Đà của Ấn Độ, hoặc Tam Tạng kinh điển của
Phật giáo, với số lượng từ giới hạn và những thuật ngữ quen thuộc nên tương đối
dễ hiểu. Trái lại, triết Tây có thể xem như luôn “trong tình trạng đang hình
thành”, họ tìm những ý niệm, đề tài mới, vùng hoang vu của tri thức nên phải tạo
ra những từ ngữ mới. Lý tiên sinh có sự tương đồng là cũng “rời bỏ các đường
mòn để khai phá những lãnh vực hoang sơ của tư tưởng”, vì thế mà ông cần có từ
vựng riêng, ngoài những Hán tự có thể tìm trong các từ điển.
Vì soạn thảo gấp rút trong một thời gian quá
ngắn, lại còn phải lập đảng chống Pháp và cộng sản, Lý Đông A chưa có thì giờ
triển khai tư tưởng của ông. Như một triết gia, ông phải sử dụng những thuật ngữ
mới, từ ngữ rất chính xác, lý luận khúc chiết và mạch lạc, nhưng cách hành văn
quá súc tích và câu văn thường quá tóm gọn nên tài liệu của ông rất khó đọc.
Tuy nhiên, trong một câu văn thường có những chữ chủ yếu, ở cả ba vị trí chủ từ,
động từ hoặc túc từ, hãy đọc lướt cả câu và nắm bắt những chữ chủ yếu đó, sắp xếp
lại cho hợp lý, câu văn sẽ sáng tỏ. Đó là kỹ thuật đọc bằng trực giác hay vô thức
mà cách phân tích theo khoa học thường không thực hiện được.
Ông đi trước thời đại và thuận chiều chứ không
ngược thời đại, và vì học thuyết của ông tổng hợp cả ba ngành học sử-khoa-triết[3] (từ quá khứ đến tương lai) một cách
thống nhất, nên càng tham chiếu nhiều sách báo theo ba khoa trên mà ông gọi là
“căn bản học” (sử, khoa, triết), càng dễ tìm hiểu tư tưởng Lý Đông A.
Để khởi đầu đi vào tư tưởng của ông, trước hết
cần tìm hiểu người là gì? Những điều nào tạo nên con người? Người khác vật ở chỗ
nào? Có thấu đáo người là gì mới thiết kế được một xã hội theo cách sống của
loài người.
Thế nào là người?
Đông tây kim cổ, các triết gia đều cố gắng tìm
hiểu xem người là gì, khác biệt với các giống khác ra sao? Chẳng hạn tư tưởng
Đông phương xem người là “đức của trời đất”, được xem như ngang hàng với trời đất
trong ba ngôi vị trời-đất-người. Khổng Tử tuy không định nghĩa rõ rệt nhưng cho
rằng người quân tử phải làm điều chân chính; tu thân tề gia; giữ mối cương thường
(tam cương ngũ thường) và cai trị bằng đạo đức. Mạnh Tử cho rằng người có tính
thiện (nhân chi sơ, tính bản thiện); quân tử phải có hạo nhiên chính khí, lấy đức
thu phục người.
Bên trời Tây, Aristotle cho rằng người là sản
phẩm của xã hội. René Descartes quan tâm đến tư tưởng nên ông phát biểu: Tôi tư
duy; do đó tôi hiện hữu (I think; therefore I am). Cũng thế, Blaise Pascal cho
người là một cây sậy có tư tưởng. Karl Marx chi tiết hơn, ông cho rằng người là
sự thống nhất và chịu sự tác động giữa hai mặt sinh vật và xã hội. Marx sáng tạo
thuật ngữ “lao động” và cho rằng qua lao động mà vượn thành người.
Tóm lại, qua sự tìm hiểu của các triết gia
đông tây kim cổ, tuy mỗi người nhận ra một khía cạnh khác nhau nhưng tựu trung,
có thể tóm kết như sau: con người là loài sống trong thiên nhiên, chịu sự tác động
của thiên nhiên, có tư tưởng và có xã hội tính.
Tự nhiên, Tư tưởng
và Xã hội thống nhất
Đây là cái nhìn tổng hợp của Lý Đông A khi ông
cho rằng ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội thống nhất nơi con người.[4]
Tương tự với tầm nhìn của Lý tiên sinh, nhà vật
lý và lý thuyết hệ thống (system theorist) Fritjof Capra trong cuốn The
Systems View of Life[5] nêu lên một tầm nhìn hệ thống có
tính thống nhất (unified systemic vision) của đời sống bao gồm các khía cạnh
sinh học [tự nhiên], nhận thức [tư tưởng], xã hội và sinh thái (intergration of
life’s biological, cognitive, social and ecological dimensions).
Khoáng sản, động vật, thực vật… thuộc phạm
trù tự nhiên, nuôi dưỡng con người. Văn học, nghệ thuật, lòng can đảm,
tình yêu nước… thuộc phạm trù tư tưởng. Người không thể sống một
mình mà sống chung với những người khác, thuộc phạm trù xã hội. Vậy
người là một tổng hợp của cả ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội. Điều này
giúp người nhận ra rằng khi khai thác thiên nhiên để làm phong phú đời sống thì
cũng phải tìm cách bảo tồn thiên nhiên, bởi huỷ hoại thiên nhiên, con người
cũng tàn lụi.
Tất cả mọi hiện tượng sống liên quan đến người
đều bao gồm ba phạm trù trên, chẳng hạn “cái bàn”. Bàn được làm bằng gỗ hay sắt,
thuộc phạm trù tự nhiên. Thiết kế bàn như thế nào, ba hay bốn chân, thuộc phạm
trù tư tưởng. Danh từ “cái bàn” do xã hội đặt tên, thuộc phạm trù xã hội.
Lý Đông A còn đi xa hơn khi tìm hiểu về con
người. Ông thấy rằng ngoài ba phạm trù thống nhất nơi mỗi người nói trên, người
còn có khả năng tu chỉnh tự nhiên để thành người.
Khả năng tu chỉnh
tự nhiên
Con người khởi đầu bằng cuộc sống hoang sơ. Từ
hoang sơ, người tiền sử đã dần biết sáng tạo các dụng cụ đơn giản. Các nhà nhân
chủng tìm thấy các viên đá được đẽo cho sắc bén, các mảnh đá nhọn và búa đá
cách đây hai triệu năm. Họ còn biết di chuyển đá từ nơi này đến nơi xa khác để
săn bắt. Dù chỉ là các dụng cụ thô sơ, chúng đánh dấu những giai đoạn đầu tiên
về khả năng người tiền sử có thể thay đổi (đẽo đá cho nhọn sắc) và sắp xếp lại
môi trường chung quanh (alter and rearrange the surroundings).[6]
Khả năng biến đổi môi trường cho thuận tiện và
phù hợp với mình đã trở thành nền tảng cho đời sống nhân loại mà Lý Đông A gọi
là sự tu chỉnh tự nhiên. Nhận xét này tương đồng với quan sát của
nhà Cổ Sinh học (Paleoanthropologist) Rick Potts khi ông ta cho rằng: “Sự khác
biệt giữa con người ngày nay với các giống người [tiền sử] thân cận đã tuyệt chủng
là những sự thích nghi cơ bản của chúng ta dựa nhiều vào khả năng thay đổi môi
trường chung quanh. Đây là phương thức sống còn của chúng ta”[7].
Nhìn sâu xa hơn Rick Potts, Lý tiên sinh nhận
thấy khả năng thay đổi môi trường sống (tu chỉnh tự nhiên) không chỉ là
“phương thức sống còn” mà còn làm cho con người thành tựu và tiến hoá luôn mãi:
“Loài người thành tựu được là bởi sự tu chỉnh tự nhiên, nó là cuộc cách
mạng tối sơ của loài người, nó là động cơ tiến hóa không dứt, nó là nét phác cần
yếu nhất của cương thường”[8]. Hàng triệu năm qua, nếu tổ tiên chúng ta
chỉ biết săn bắt hái lượm thôi thì không thể tạo được nền văn minh như ngày
nay.
Một trong những khả năng tu chỉnh tự nhiên là
trồng trọt. Hạt cây từ trái chín rụng xuống đất thì chỉ thụ động chờ mưa thuận
gió hoà mới mọc lên. Con người trái lại, chủ động đem hạt đi trồng, không chỉ tại
chỗ mà còn ở những nơi thời tiết thích hợp, vun tưới bón phân để thu hoạch cao
hơn. Lý tiên sinh gọi đó là “tái sinh sản bởi loài người đối với tự nhiên
sinh sản”[9]. Thuần hóa súc vật, dùng lửa nấu chín thức
ăn, biết giữ vệ sinh… cũng mang ý nghĩa tương tự.
Đất trời hiện hữu từ muôn thuở nhưng chỉ người
mới biết phân chia thời gian cho có đầu có cuối, xuân hạ thu đông, rồi cứ thế
tiến hoá. Sự xuất hiện của người đã làm cho đời sống có ý nghĩa. Người “lập tâm
cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai”.
Lý tiên sinh nhận thấy người còn khác
các động vật khác ở nhân tính, trái ngược với thú tính.
Xã Hội Tự
Tính
Lý Đông A cho rằng xã hội được thành lập thông
qua xã hội tự tính, bao gồm: sắc tính (nhu cầu duy trì và phát triển
nòi giống), nhu yếu tính (ăn, ở, mặc…), và xã hội tính (nhu cầu hợp quần). Qua
ba ‘tính’ này, người quần tụ với nhau mà thành xã hội. Bất cứ xã hội nào khi được
thành lập đều từ các tính trên, được ông gọi là xã hội tự tính.
Ngoài ra còn tự vệ tính là thuộc tính của tính xã hội trong giai đoạn đầu đấu
tranh với tự nhiên.[10]
Nhân Tính
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, ta chưa thấy rõ nhân
tính. Xã hội tự tính mới chỉ là ‘thiên tính’. Con ong, cái kiến cũng đều có các
tính đó. Vậy đâu là nhân tính?
Khởi đầu, do bộ óc chưa triển nở, nhận thức thấp
nên người sống như các động vật khác: cũng ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi, đực
cái lẫn lộn, ỷ mạnh hiếp yếu v.v… Dần dà, người nhận ra rằng không thể sống như
động vật mà cần phải tiến hoá, hướng thượng thăng hoa để sống một đời người
thay vì là kiếp vật.
Về sắc tính, người chuyển từ quan hệ đực cái
sang nam nữ, vợ chồng, và thiết lập các nghi thức kèm theo. Sự trung trinh với
nhau trong cuộc sống hôn nhân được chọn làm tiêu chuẩn, không còn là đực cái nữa.
Với nhu yếu tính (ăn, ở, mặc…, quy mô lớn hơn
được gọi là kinh tế), người thấy rằng tranh đoạt hơn thua về vật chất không phải
là cách sống của loài người mà cần phải tạo bình đẳng về cơ hội,
nghĩa vụ và quyền lợi trong việc tạo dựng và hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên
cũng như của cải tạo ra.
Khi cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi càng bình đẳng,
chênh lệch giàu nghèo trong xã hội càng ít cách biệt, mọi người không phải quá
lo cho cơm áo gạo tiền bởi thành quả lao động được phân chia tương đối đồng đều
(bình đẳng về quyền lợi).
Tại Mỹ, hệ thống đại học có một số trường nổi
tiếng và mắc mỏ (ivy league schools), nhiều trường không tiếng tăm với học phí
rẻ. Tạm thời loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng đến việc nhập học thì hai người tốt
nghiệp ở hai trường với cùng một ngành sẽ được trả lương khá cách biệt, có khi
gấp đôi. Như vậy cơ hội giáo dục chưa bình đẳng, đem đến cơ hội tiến thân trong
xã hội sẽ rất khác nhau. Các nước Bắc Âu đã giải quyết việc này khá ổn thoả bằng
cách thiết lập một hệ thống đại học bình đẳng. Sinh viên học sinh không phải trả
chi phí giáo dục từ tiểu tới đại học.
Giả sử sinh viên tốt nghiệp từ trường không mấy
tiếng tăm, sau một thời gian cố gắng học tập và làm việc đã vươn lên mức lương
tương đương với người tốt nghiệp từ trường nổi tiếng. Hai người này sẽ phải
đóng một mức thuế thu nhập như nhau (same tax bracket). Như vậy nghĩa vụ đóng
thuế có thể xem như không bình đẳng bởi sự phát xuất của hai sinh viên đến từ
hai ngôi trường rất cách biệt.
Tại Nhật, người ta quy định lương giám đốc chỉ
hơn lương công nhân một mức nào đó thôi. Bắc Âu cũng tương tự, có quốc gia còn
dành quyền quyết định các mức lương bổng cho sự thương lượng giữa hiệp hội chủ
nhân và đại diện nghiệp đoàn. Nhờ đó, cách biệt giàu nghèo không cao như ở Mỹ.
Nếu là công ty được niêm yết trên sàn chứng
khoán, người ta có thể làm nhiều hơn thế để giới hạn cách biệt, chẳng hạn hai
giới chủ nhân và công nhân có thể thương lượng để công nhân, tuỳ theo tài năng
và mức thâm niên mà được hưởng bao nhiêu cổ phiếu của công ty, bởi sự thành đạt
của công ty có phần đóng góp rất lớn của tầng lớp công nhân.
Điều này là quan trọng để chính người dân quyết
định lấy đời sống kinh tế, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước hoặc lũng đoạn của
các đảng phái.
Nhân nói về người dân quyết định lấy đời sống
mình (dân chủ nhân chủ) xin mở một dấu ngoặc. Xã hội Việt trong giai đoạn
cường thịnh nhất (Lý-Trần), hệ thống chính trị được phân chia khá rõ rệt: những
gì liên quan đến cả nước, thuộc trách nhiệm của trung ương thì triều đình quyết
định (trung ương tập quyền). Chẳng hạn việc tổ chức hệ thống phòng thủ chống giặc
(tức quốc phòng – toàn dân vi binh, toàn địa vi phòng), ngoại giao, an toàn xã
hội… Nhưng những gì thuộc về địa phương thì địa phương tự quản (địa phương phân
quyền) đến độ phép vua cũng phải dừng lại trước cổng làng (phép vua thua lệ
làng).
Điều này là hợp lý bởi triều đình xa xôi,
không biết những thuận lợi cũng như khó khăn của từng địa phương nên địa phương
quyết định là hiệu quả nhất. Xem như thế thì hệ thống chính trị thời Lý-Trần và
Lê Thánh Tôn – trung ương tập quyền, địa phương phân quyền –
gọi là đan quyền[11] (tạm hiểu quyền trung ương và địa
phương đan xen nhau) rất thuận lợi cho nền dân chủ hiện đại, với sự phân công hợp
lý, mỗi người mỗi việc, hợp tác với nhau để công việc chung được hoàn thành mãn
nguyện (thay cho hệ thống phân quyền mà giằng co đảng phái hiện nay).
Chúng tôi trích lại một đoạn trong Việt
Sử Thông Luận (trang 28) của Lý Đông A về chính trị thời Lê Thánh Tôn
dưới đây, và qua thể chế liên bang hiện hành (một chính quyền trung ương mạnh,
địa phương phân quyền – nhìn theo hàng dọc), ta có thể hình dung phần nào cơ chế
đan quyền: “…Đến đời Lê Thánh Tôn, sự kiến thiết mới quy định và thực hiện,
các làng được tự trị (theo Lạc Chế), ruộng đất cùng chia đều (công điền) nhưng
cũng cho những người có tiền tậu để làm tư sản; chính trị vừa phân quyền (làng)
vừa trung ương tập quyền (triều đình), pháp luật làm mới lại và rất rộng rãi kỹ
lưỡng, giáo dục mở rộng (24 điều giáo hóa ra khắp dân chúng).”
Trong tài liệu Duy Dân Cơ Năng (trang
31), hệ thống đan quyền cho nước Việt tương lai được đề xuất vận hành theo Thuyết
Bản Vị, tinh tế và hữu hiệu hơn thể chế phân quyền, tức tam quyền phân lập của
các nền dân chủ hiện đại.
Điểm cần lưu ý là “trung ương tập quyền” không
phải “dân chủ tập trung” kiểu cộng sản. Tập quyền là để có những quyết định
nhanh gọn mà hiệu quả, hợp tình hợp lý, phù hợp với tình thế và quyền lợi quốc
gia, thực sự được quyết định bởi các ‘đại biểu quốc dân’ (các quan từ các địa
phương trong triều). Dân chủ tập trung do các đại biểu của đảng (không phải của
dân) quyết định. Bầu bán chỉ là hình thức. Do đó quyền lợi đảng đi trước quyền
lợi dân, và nếu muốn, đảng có thể ngồi trên luật pháp quốc gia.
Khi đại đa số người dân đều có cuộc sống ổn định
khá giả (gọi là ‘tư bản xã hội hoá’), lương bổng và tài sản được phân bổ tương
đối đồng đều (bình sản) thay vì ngày càng tập trung vào 5, 10% ít ỏi
trên đỉnh, khi đó các nhà nước phúc lợi (welfare states) không phải mang gánh nặng
nợ nần cho những khoản trợ cấp xã hội to lớn. Hơn nữa, văn hoá Việt cổ suý sự
cùng sống (bầu bí chung giàn) chứ không tranh sống, nên thành công của xã hội
là thành quả chung của cả tập thể và cộng đồng; do vậy bình đẳng cơ hội, nghĩa
vụ và quyền lợi lại càng thích hợp với văn hoá Việt.
Tại châu Âu, các nước lớn như Pháp, Đức, Ý hay
Tây Ban Nha, trong một hai thập niên tới dân số sẽ già đi, không đủ người trẻ
đi làm để đánh thuế nuôi người lớn tuổi và chi phí cho các chương trình xã hội khác.
Họ chỉ có hai giải pháp: hoặc đánh thuế luỹ tiến rất cao với những ai đang
trong tuổi lao động, vốn đã chịu mức thuế cao, hoặc phải cắt giảm trợ cấp xã hội
tối đa. Cả hai giải pháp đều rất khó thực hiện. Khi gặp giải pháp khó sẽ dễ tạo
ra các chính khách mị dân, hứa nhiều để thắng cử chứ không giải quyết được bao
nhiêu, trong khi quyền lực và quyền lợi lại thường là hưởng nhiều hơn người dân
bình thường. Trung Cộng cũng sẽ phải đối phó với tình trạng dân số già nua trước
khi thực hiện được giấc mơ cường quốc đứng đầu thế giới.
Trong cuốn Capital in the Twenty-First
Century,[12] Kinh tế gia Thomas Piketty nhận xét
rằng trong thời đại toàn cầu hoá, những người có bằng cấp và tay nghề cao mới
theo kịp các phát minh công nghệ mới để kiếm được việc làm trả lương cao. Họ có
đời sống khá giả, đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau nên ngày càng khấm khá
hơn. Thu nhập qua đầu tư rất cao, có thể lên tới 30-40% một năm, trong khi
lương bổng của thành phần trung lưu vừa và thấp chỉ tăng khoảng 5% trong ba thập
niên qua, sau lạm phát. Họ chỉ đủ sống và do giá cả mọi thứ, nhất là tiền thuê
nhà tăng cao nên ngày càng gặp khó khăn.
Chỉ những người khá giả, giàu có mới có tài sản
để lại cho con cháu. Do đó qua một vài thế hệ, của cải ngày càng tập trung vào
10-20% giàu có nhất. Điều này tạo ra hai giai cấp giàu nghèo khá rõ rệt trong
xã hội, mà giai cấp lại là ‘kẻ thù’ của dân chủ.
Chúng tôi chỉ nêu ra một vài ví dụ điển hình
trong hàng trăm vấn đề mà các nước tiên tiến hàng đầu đang gặp phải để chúng ta
suy nghĩ đến vấn đề thực hiện bình đẳng cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc
thiết kế nền kinh tế “bình sản” trong tương lai.
Về mặt tự vệ và xã hội tính, ở tự nhiên giới
(động vật) là mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Người không thể cư xử với
nhau như tự nhiên giới mà luôn muốn sống an hoà bên nhau, và
chỉ người mới có khả năng nghị hoà. Hoà là tiêu chuẩn của xã hội
tính để trở thành nhân tính.
Nhờ ba tiêu chuẩn của xã hội tự tính là trinh (trên
sắc tính), bình (trên nhu yếu tính), và hoà (trên
tự vệ và xã hội tính) mà con người có nhân tính.
Theo Lý Đông A, chính trị là điều lý
nhân tính[13] – không phải là tranh đoạt quyền
hành dù trong thể chế đa hay lưỡng đảng – để người được sống theo nhân đạo (đường
sống, lối sống người). Con người càng gần với ba tiêu chí trên, xã hội ngày
càng thăng hoa và càng tiến hoá hướng thượng.
Duy Nhiên, Duy
Nhân, Duy Dân thống nhất
Ngày nay, ai cũng nhận ra rằng nhân loại là một,
dân tộc là nhiều. Hiểu cách khác thì nhân (loại) là gốc của dân (tộc).
Cả nhân và dân đều dựa vào tự nhiên, cải biến nhiên mà
sống nên ‘ba tầng’ nhiên, nhân, dân có liên hệ mật thiết
với nhau, không thể vì tư kỷ khai thác thiên nhiên quá mức gây nguy hại cho môi
trường sống chung của loài người; hoặc chỉ biết mình, dân mình mà xây hết đập
này đến đập khác dẫn đến hạ nguồn bị cạn nước. Cho nên hiến pháp mỗi quốc gia
phải nêu bật được cương thường (nguyên lý sống, không phải tam cương ngũ thường)
của cả nhân loại, không chỉ là giao kèo giữa nhà nước với nhân dân.
Nếu không thấy được sự nhất quán giữa duy nhiên, duy nhân và duy dân (gọi
tắt là nhiên, nhân, dân) thì không đưa dân về được với nhân, dân
hoà vào nhân khiến dân luôn tranh chấp, khó kiến tạo được một cộng đồng nhân loại
vui sống bên nhau trong một môi trường lành mạnh.
Nhưng chân lý ở mỗi tầng nhiên, nhân, dân mỗi
khác, cần phải thấu triệt và tôn trọng, hoặc điều chỉnh cho phù hợp khi ứng dụng
chân lý ở tầng này vào tầng khác. Nếu không, sẽ tạo ra hỗn loạn hoặc chiến
tranh, như những người cộng sản đã áp dụng quy luật đối lập hủy diệt (mạnh được
yếu thua) trong tự nhiên giới (động vật) của tầng tự nhiên vào tầng nhân loại
và tầng dân tộc; hoặc giới tư bản chỉ mong lợi nhuận cao, bất chấp có thể gây
nguy hại cho người/dân tộc khác như trong vụ giới này rút vốn ra khỏi Thái Lan
năm 1997, Nam Âu năm 2010 gây khủng hoảng kinh tế cho cả khu vực; hoặc do làm
ăn cẩu thả, chỉ nghĩ đến lợi nhuận phần mình mà gây tai họa cho biết bao người
đã bị tiêu tán nhà cửa và tiền tiết kiệm trong vụ khủng hoảng tài chánh năm
2007-2008 tại Mỹ. Hẳn mọi người còn nhớ những cuộc biểu tình Chiếm lĩnh giai đoạn
đó (Occupy 2011) với phương châm “We are the 99%” (main treet) chống đối 1% tài
phiệt Wall Street vì sự bất bình đẳng về lương bổng và tài sản.
Vũ trụ tự nhiên hiện hữu không biết đâu là đầu,
đâu là cuối, trùng trùng duyên khởi và trùng trùng cứu cánh. Do đó chân lý của
tầng Duy Nhiên là vô nguyên tương đối. Khoa học
khám phá tới đâu, sự hiểu biết của con người về tự nhiên được nâng cao tới đó.
Vật chất có tính tương đối như nước có lúc ở
thể lỏng, đặc hoặc hơi. Một phân tử oxy kết hợp với hai phân tử hydro sẽ tạo
thành nước, nhưng oxy cũng là yếu tố làm hao mòn sắt. Những nhà duy vật chọn vật
chất làm tiền đề triết học, vậy chọn ở “thời điểm” nào? Lúc oxy kết hợp với
hydro thành nước hay khi oxy phá huỷ sắt? Chọn nguyên tử với tính chất riêng biệt
hay vũ trụ mang tính bao quát? Cũng vậy, các nhà duy tâm chọn ý chí tuyệt đối
(tinh thần) làm tiền đề. Nhưng không có vật chất, làm thế nào để tinh thần phát
triển?
Hàng ngàn năm trước, Việt tộc đã biết cách thống
nhất âm và dương, tả với hữu, tinh thần và vật chất để làm phong phú và cân bằng
cuộc sống qua biểu tượng Tiên Rồng.
Trong một thế giới luôn tranh chấp và miệt mài
đuổi bắt theo cuộc sống vật chất ngày nay, tìm lại đời sống quân bình cha ông
truyền lại cho chúng ta là điều quan trọng và cấp thiết.
Như đã trình bầy ở trên, không có sự xuất hiện
của người, vũ trụ hiện hữu cũng thành vô nghĩa. Vậy chỉ người (Duy Nhân)
là nhất nguyên tuyệt đối.
Người phải là trọng tâm của triết học. Mọi
công trình kiến thiết cần xoay quanh con người: người làm chủ hoàn cảnh và xã hội
(nhân chủ), dựa vào gốc người (nhân bản), theo đuổi thực hiện phạm trù người
cho ‘tính người’ (ba tiêu chuẩn trinh, bình, hoà) ngày càng thăng hoa và hướng
thượng (nhân tính). Vậy nhân chủ, nhân bản, nhân
tính (tam nhân) cần trở thành mục tiêu theo đuổi trong việc xây dựng
xã hội người cho mỗi dân tộc.
Do nhiều yếu tố khác nhau (văn hoá, lịch sử,
ngôn ngữ, địa phương cư trú…) mà nhân-nhất-nguyên trở thành dân-đa-nguyên. Chân
lý của dân (Duy Dân) là đa nguyên tương đối, cần phải được
tôn trọng. Những người cộng sản đã sai lầm khi muốn phá bỏ dân để chỉ còn lại
nhân trong thế giới đại đồng cộng sản.
Tuy phân ra ba tầng duy nhiên, duy nhân, và
duy dân cho dễ nhận diện, trong thực tại đời sống, mọi hiện tượng sống đều bao
gồm cả ba, cũng như mọi hiện tượng sống bao gồm: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.
Chúng luôn luôn thống nhất – ba trong một – như mỗi người đều có ‘ba con người’:
con người cá nhân, con người dân tộc, và con người nhân loại. Khi ai ai cũng nhận
ra trong ta có ba con người như thế thì cách suy nghĩ, cách sống và cách cư xử
với nhau nhân bản hơn, dễ đưa đến một cộng đồng nhân loại vui sống hoà hài bên
nhau hơn.
Vì không nhận ra chân lý ở mỗi tầng và đặt định
mỗi người, mỗi đoàn thể cho đúng với chức năng và trách nhiệm mà Lý Đông A xét
thấy “các hiến pháp cũ, ước pháp trước chỉ có thể gọi được là những ước lệ,
ước luật lâm thời… Tự nó bị hạn chế trong nền tảng và các điều kiện đương thời…
nên ta phải kiểm thảo lại một lượt hết thảy để mà tung hợp một cách khách quan
lại thành những căn tính đồng nhất, những sự lệ tối đồng nhất của loài người [nhân
loại nhất nguyên], lập định những cương thường… cho nay mai.”[14]
Qua sự lập định những cương thường đó, ông cho
rằng có thể phục hồi lại sinh mệnh loài người – người tự làm chủ lấy mình, xã hội
và môi trường, gọi là nhân chủ; dân tự làm chủ lấy mình, gọi
là dân chủ nhân chủ (hay dân chủ trên nhân chủ) – không để bị
các thế lực kinh tế, chính trị thao túng hay thế lực siêu hình trói buộc, hoặc
biến dân thành vong bản, vong thân.
Thấu triệt tất cả những điểm quan trọng bầy
bên trên, mỗi người, mỗi tập thể sẽ hoạt động ra sao nhằm đạt được một xã hội ổn
định, hoà hài và cùng thăng tiến? Cần có mô hình để thực hiện. Đó là lý do cho
sự ra đời của học thuyết Bản Vị.
Học thuyết Bản vị
Bản vị là một hệ thống thống nhất, một tổng thể
(whole, unit) bền chặt và ổn định, có tính chất đặc thù, kết hợp bởi các cơ
năng thành phần.
Cơ năng là một cơ cấu có chức năng riêng biệt
trong một hệ thống thống nhất (bản vị). Một hệ thống bản vị được cấu thành bởi
nhiều cơ năng thành phần (parts). Mỗi cơ năng thành phần này có bản sắc và chức
năng hoạt động đặc thù nhưng tác động với nhau một cách hoà điệu mà kết hợp nên
hệ thống bản vị. Mỗi cơ năng tự nó lại phải được cấu thành bởi nhiều yếu tố, do
đó bản thân mỗi cơ năng lại là một hệ thống bản vị. Như thế, mỗi bản vị đồng thời
là một cơ năng và mỗi cơ năng đồng thời lại là một bản vị (ĐNHX).
Lý thuyết Hệ thống (Systems Theory), Phân tích
Hệ thống (Systems Analysis) và Cơ cấu luận (Structuralism and Functionalism) là
những khám phá của khoa học hiện đại, phù hợp với Học thuyết Bản Vị của Lý tiên
sinh.
Khi chưa thấy được chân lý ở mỗi tầng và chưa
biết cách thống nhất các mặt đối lập giữa tả và hữu, giữa tâm và vật để tạo
quân bình, kiến thiết xã hội dễ bị lệch lạc, đưa đến sự thất điệu giữa các cơ
năng thành phần (quốc gia/hội đoàn, chức nghiệp, gia đình, cá nhân) trong một bản
vị chung (quốc tế/dân tộc).
Cơ năng cần phân công và hợp tác.
Bản vị cần hiệp điệu và thống nhất, như các ngón tay (cơ năng) trên
một bàn tay (bản vị). Mỗi ngón tay tự nó lại là một bản vị bao gồm da, gân,
xương… Đến phiên bàn tay lại trở thành cơ năng, kết hợp với các cơ năng khác để
trở thành bản vị cánh tay. Quá trình vận động và kết hợp này được gọi là cơ
năng hoá.[15]
Chúng ta có thể hình dung sự vận hành của các
cơ năng thành phần chức nghiệp, hội đoàn như những bánh xe răng cưa ăn khớp với
nhau, vận hành nhuần nhuyễn trong một bộ máy, hay các cơ phận trong cơ thể. Nếu
các cơ năng không được phân công đúng chỗ, hoàn thành trách
nhiệm và hợp tác với nhau thì cả guồng máy không còn hiệp
điệu, vận hành nhịp nhàng thống nhất nữa.
Mỗi cá nhân vận động và kết hợp với các cá
nhân khác để thành lập hội đoàn, tổ chức. Các hội đoàn vận động và kết hợp với
nhau để trở thành xã hội. Trên bình diện quốc tế, thế giới đang đi vào mô hình
cơ năng-bản vị: các quốc gia Đông Nam Á hay tại châu Âu hợp tác với nhau để trở
thành các tổ chức khu vực như ASEAN hay Liên Hiệp Châu Âu. Các nơi khác cũng đều
vận động để đi đến kết hợp như thế (NAFTA, CPTPP…).
Vậy vận động và kết hợp là hỗ tương nguyên
nhân, như bản vị với cơ năng cũng hỗ tương nguyên nhân.
Khi cả thế giới áp dụng mô hình cơ năng-bản vị
sẽ dễ dàng xây dựng được “đại đồng nhân loại” một cách ổn định, chân thực và bền
vững. Các quốc gia sẽ tiến lên từ tiểu đại đồng dân tộc, sang trung đại đồng
khu vực rồi đại đại đồng thế giới. Không thể tạo được quốc tế đại đồng bằng
cách loại bỏ bản vị dân tộc hay ‘áp đặt dân chủ’ như tại Iraq hoặc Afghanistan.
Trong quá trình vận động và kết hợp để các cơ
năng trở thành bản vị sẽ tạo ra một trung tâm bản vị, điều hành bản
vị để tiếp tục vận động và kết hợp với các cơ năng khác hầu trở thành bản vị lớn,
mạnh mẽ ổn định hơn. Trung tâm bản vị thực hiện công việc điều hành và phối hợp
chứ không cai trị để các cơ năng phát huy hết khả năng và tiềm lực, đóng góp
vào sự thịnh vượng tiến bộ của bản vị mới.
Phân công thay
phân quyền
Nhìn như thế thì vai trò của nhà nước cần thay
đổi để trở thành trung tâm điều phối mọi hoạt động quốc gia, giúp dân tự phân
chia bổn phận (self-regulating), tạo điều kiện để mọi cơ năng hợp tác với nhau
hoàn thành trách nhiệm (self-governing) trong công việc chung, không còn là nhà
nước cai trị (ruling) nữa.
Mỗi cơ năng bị tổn thương hay không hoàn tất
nhiệm vụ đều ảnh hưởng đến sự ổn định và thăng tiến của cả bản vị. Một hay nhiều
ngón tay bị trầy xước sẽ ảnh hưởng đến cả bàn tay, không còn cấm nắm một vật gì
chắc chắn. Cũng vậy, bất cứ cơ phận nào (tim, gan, phổi, thận…) không làm đúng
chức năng hay không hợp tác với cơ phận khác hoặc bị yếu đi, cả cơ thể sẽ đổ bệnh.
Bộ óc không ‘cai trị’ nhưng điều phối mọi hoạt động để cơ thể ổn định và phát
triển. Muốn vậy, dân phải được tự do hầu thực hiện chức năng của mỗi cơ năng,
không bị gò ép chờ ‘trên’ quyết định giùm.
Như thế, phân công được thay
thế cho phân quyền. Quyền đi theo công để
hoàn thành công việc mình phụ trách chứ công không theo quyền. Quyền lúc đó có
thể xem là rights thay vì power để các phe
phái phải cố giữ hay giành giựt như hiện nay. Trong cấu trúc cơ năng-bản vị thì
quyền lực không còn là trọng tâm, mà công việc và hoàn thành công việc chung là
quan trọng.
Bản vị học thuyết rất tương hợp với các khám
phá của ngành quản trị, hay các học thuyết hiện đại như holacracy và systems
theory.[16]
Bản vị học thuyết mở ra một cách điều hành và
quản lý mới, rất phù hợp với đời sống hiện đại hoá và toàn cầu hoá ngày nay, từ
tập thể nhỏ đến những tổ chức có quy mô lớn, từ quốc gia đến quốc tế.
Điều này đòi hỏi cần có một nền giáo dục nhân
bản, phát triển con người toàn diện, để không cần phải ép buộc răn đe mà mỗi
người vẫn có thể tự chủ, tự giác và tự động hoàn
thành trách nhiệm, góp sức với các cơ năng khác hầu công việc chung được thực
hiện, hợp với lợi ích của cả tập thể, cũng rất phù hợp với văn hoá ‘cùng sống’
thay vì tranh sống của dân tộc ta từ ngàn xưa.
(Tựa được thay đổi từ Giới thiệu sơ lược
về tư tưởng Lý Đông A).
_____
Độc giả có thể tham khảo các tài liệu của Lý
Đông A trên trang Thắng Nghĩa Lý Đông A, mục Tuyển tập Lý Đông A: https://thangnghia.org/tuyen-tap-ly-dong-a/
Độc giả cũng có thể đọc thêm các bài viết diễn
giải về tư tưởng Lý Đông A trong mục Diễn đàn Thắng Nghĩa trên trang Thắng
Nghĩa Lý Đông A: https://thangnghia.org/ddtn-moi/
[1] Phạm Khắc Hàm (1997). Triết Lý Lý Đông A. Nhóm Diễn
đàn Địa lý Nhân văn Việt Nam, Ch. 1.
[2] https://thangnghia.org/tuyen-tap-ly-dong-a/
[3] Sử-khoa-triết (sử học, khoa học, triết học): Đúng ra là sử học,
khoa học, đạo học. Đạo học cao sâu hơn và bao gồm cả triết học.
[4] Lý Đông A (không ghi năm). Chìa Khoá Thắng Nghĩa. Học
hội Thắng Nghĩa 2020 (4899 T.V.), tr. 5:
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2021/01/chiakhoathangnghia.pdf
[5] Fritjof Capra and Pier Luigi Luisi (2014). The Systems
View of Life: A Unifying Vision. Cambrige University Press.
[6] Rick Potts. The Moral Dilemma We Face in the Age of
Humans. Smithsonian.com, dated October 7, 2014, accessed 26 January
2018: https://www.smithsonianmag.com/smithsonian-institution/moral-dilemma-we-face-age-of-humans-180952909/?no-ist
[7] Rick Potts. The Moral Dilemma, Oct. 7, 2014.
[8] Lý Đông A (1943). Duy Nhân Cương Thường. Học Hội Thắng
Nghĩa 2016 (4895 T.V.), tr. 25.
Cương thường không phải là ‘tam cương ngũ thường’,
mà là đời sống đặc thù của loài người: https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016.pdf
[9] Lý Đông A (1943). Sđd, tr 24:
[10] Lý Đông A (1945). Bình Sản Kinh Tế. Học hội Thắng
Nghĩa 2017 (4896 T.V.), tr. 2-3:
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2020/01/binhsankinhte-version-layouted-nov2017.pdf
[11] Lý Đông A (1943). Việt Sử Thông Luận. Học hội Thắng
Nghĩa 2016 (4895 T.V.), tr. 28:
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/02/vietsuthongluan-version-layouted-may2016-1.pdf
Lý Đông A (1942). Duy Dân Cơ Năng.
Học hội Thắng Nghĩa 2018 (4897 T.V.), tr. 31:
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/bo5duydanconang-versionlayoutedjan2018.pdf
[12] Thomas Piketty (2017). Capital in the Twenty-First
Century. Belknap Press: An Imprint of Havard University Press. Reprint
Edition.
[13] Lý Đông A (1945). Bình Sản Kinh Tế. Học hội Thắng
Nghĩa 2017 (4896 T.V.), tr. 3:
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2020/01/binhsankinhte-version-layouted-nov2017.pdf
[14] Lý Đông A (1943). Duy Nhân Cương Thường. Học Hội Thắng
Nghĩa 2016 (4895 T.V.), tr 6. Chúng tôi giản lược câu văn gốc cho dễ đọc:
[15] Trong tài liệu Duy Nhân Cương Thường, trang 33, Lý
Đông A đã biên soạn cách thiết lập Hiến pháp theo cơ năng hoá. Ông gọi là Cơ
Năng Hiến Pháp:
[16] Holarcracy: https://www.holacracy.org/
https://www.investopedia.com/terms/h/holacracy.asp
Systems Theory: https://www.sciencedirect.com/topics/psychology/systems-theory
https://www.onlinemswprograms.com/social-work/theories/systems-theory-social-work/
No comments:
Post a Comment