Quân
đội “lo từ A đến Z” và những kỹ thuật tuyên truyền chính trị kinh điển
VÕ
VĂN QUẢN - LUẬT KHOA
31/08/2021
Tìm hiểu cách chính
quyền thao túng để người dân phải ủng hộ một chính sách sai lầm.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/DSC09105.jpg
Lực lượng quân đội
“đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát lương thực tận tay người dân. Ảnh: Báo Lao Động
Báo chí, mạng xã hội và người dân đã có một tuần lễ
“lên bờ xuống ruộng” với chính sách đi chợ giùm cùng sự tham gia của Quân đội
Nhân dân Việt Nam.
Vài ngày trước khi thực hiện chính sách, bộ
máy tuyên truyền chính thống lẫn các họa sĩ, người dùng mạng xã hội tự nguyện
trở thành một phần của các chiến dịch truyền thông hừng hực ý chí và niềm tin rằng bộ đội sẽ trao thực phẩm tận nhà dân. [1] Những ai nhận định
chính sách nói trên là sai lầm đều dễ dàng bị chụp cho chiếc mũ phản động.
Nhưng cho đến nay, chỉ sau một tuần thi hành
trên thực tiễn, kết quả đã lộ ra rõ hơn bao giờ hết, ngay trên hệ thống báo chí
chính thống.
Lực lượng quân đội hầu như không giảm bớt gánh
nặng nào cho hệ thống vận hành tại địa phương. Quá trình đi chợ giúp dẫn đến
quá nhiều ùn ứ, nhiều hộ dân không thể tiếp cận hàng hóa, thực phẩm đúng và đủ theo
nhu cầu. [2] [3] Trên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ rằng không thể mua lẫn
nhận được hỗ trợ nhu yếu phẩm cơ bản.
Những lời hay ý đẹp cũng đã khen, những hình ảnh,
tranh cổ động cũng đã đăng, nhưng hiệu quả và khả năng giảm tải áp lực cho hệ
thống địa phương thì gần như bằng không. Làn sóng ủng hộ chính sách này có tất
cả dấu hiệu của một sản phẩm tuyên truyền chính trị kinh điển.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/DSC09149.jpg
Quân đội đi phát
lương thực đến nhà dân. Ảnh: Báo Lao Động.
Thế nào là tuyên
truyền chính trị (propaganda)?
Ta có thể tổng hợp các điểm chung nhất từ những
định nghĩa phổ biến và có thẩm quyền về tuyên truyền chính trị.
Kết hợp các khái niệm của Harold D. Lasswell, [4] một giáo sư hàng đầu về lý thuyết
chính trị và truyền thông của Hoa Kỳ, đưa ra vào năm 1927, của Viện Phân tích Tuyên truyền Chính trị tại Mỹ
(Institute for Propaganda Analysis) đưa ra vào năm 1937, [5] và của nhóm nghiên
cứu Benkler Yochai trong quyển “Network Propaganda: Manipulation, Disinformation, and Radicalization
in American Politics” (Oxford University Press) vừa xuất bản gần đây, [6]
ta có thể định nghĩa tuyên truyền chính trị dựa trên ba thành tố:
Một, nó là hành vi có chủ đích.
Hai, nó chủ yếu dựa vào các biện pháp thao
túng (có thể là thao túng thông tin, thao túng tâm lý đám đông, thao túng tình
cảm, v.v.).
Và ba, nó phục vụ các mục tiêu chính trị riêng
với mục tiêu gây ảnh hưởng và quản lý hành vi đám đông rất cụ thể.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở phần định nghĩa,
ai cũng có thể cáo buộc bất kỳ thông điệp nào đó là tuyên truyền.
Để nhận biết sự tồn tại của tuyên truyền chính
trị, người ta thường nhìn vào các công cụ hay kỹ thuật được áp dụng.
Nhận diện tuyên
truyền chính trị
Một trong những nghiên cứu lâu đời và có tầm ảnh
hưởng nhất liên quan đến các vấn đề tuyên truyền chính trị là “How to Detect
Propaganda” của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (American Association of
University Professors), xuất bản vào năm 1938. [7] Qua nghiên cứu, các tác giả
liệt kê bảy công cụ thường được sử dụng phổ biến.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/7.jpg
Bảy công cụ tuyên truyền chính trị. Nguồn: How to
detect propaganda. Việt hóa: Luật Khoa.
Trong chiến dịch tuyên truyền về chính sách
đưa quân đội can thiệp chuỗi cung ứng hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng
ta có thể dễ dàng nhận ra một số công cụ/ kỹ thuật đã được áp dụng.
Đầu
tiên là kỹ thuật gây áp lực số đông (bandwagon
device).
Đúng như tên gọi, kỹ thuật số đông là biện
pháp tuyên truyền tạo đà ép buộc (hoặc gây ảnh hưởng) khiến đối tượng khán giả
của người tuyên truyền có cảm giác họ phải tuân thủ, phải làm theo, phải là một
phần của làn sóng chung, một làn sóng thống nhất.
“Ai cũng làm theo cả!” là tôn chỉ của kỹ thuật
này.
Trong suốt một tuần qua, từ thời điểm công bố
chính sách vào ngày 20/8/2021, mạng xã hội của Việt Nam ngập tràn các tranh vẽ
cổ động, ảnh chế, ảnh cảm tình nói về tính đúng đắn, sự hy sinh, sự gần gũi giữa
quân – dân trong đại dịch.
Tranh vẽ chị em mặc sẵn váy cưới chờ chú bộ đội đến
trao lương thực tại nhà. Nguồn: Sài Gòn Của Tôi/ Báo Tuổi Trẻ.
Các ảnh chế nói về việc “chị em sẵn sàng xiêm
y lấy chồng quân nhân”, “các anh tập luyện bắn súng trên thao trường nhưng giờ
công việc của các anh là chốt đơn”, “bộ đội tháo vát, mạnh mẽ chớp mắt đã khuân
vác xong hàng”, v.v. nằm chung trong làn sóng văn hóa ủng hộ tuyệt đối sự can
thiệp của quân đội vào hệ thống cung ứng hàng hóa của thành phố.
Trong làn sóng này, không có câu hỏi nào được
đặt ra về hiệu quả thật sự của việc vài ngàn quân nhân thay thế cho hàng chục
ngàn người vận chuyển với hệ thống thông tin hạ tầng có sẵn, và giá trị thặng
dư mà chính sách này thật sự bổ sung cho quá trình chống dịch.
Công
cụ thứ hai được áp dụng là kỹ thuật nhân chứng (testimonial
device).
Đây là một động tác tuyên truyền không dựa
trên nguồn thông tin đầy đủ, xác đáng hay khoa học. Thay vào đó, chúng sử dụng
thông tin, lời chứng thực của một vài cá nhân, trong một vài hoàn cảnh cụ thể để
khẳng định hiệu quả hay sự tốt đẹp của chính sách.
Nó được sử dụng phổ biến trên các trang mạng
“chống phản động” do chính quyền kiểm soát.
Ảnh chụp màn hình Facebook.
Xem xét ví dụ từ bài viết của một tài khoản mạng
xã hội có tên “Lính trẻ miền Đông”, dẫn lời của một “Việt kiều Đức” có tên
Karel Phùng. Nhân vật này bày tỏ sự thán phục và cảm động trước các “anh chị
em, các cháu bộ đội phục vụ bà con Việt Nam mình tận răng”. Anh khẳng định ai
dám than vãn, chê trách thì “cho nó đi công viên vĩnh hằng mà ở”. Không chỉ vậy,
anh này còn bồi thêm về cuộc sống khổ sở và khó khăn ra sao ở Đức trong thời kỳ
dịch bệnh, với những từ ngữ và lập luận khá mù mờ như dân và cảnh sát Đức “đập
nhau tơi tả” và dân “thua như được lập trình sẵn”.
Với câu chuyện này, “nhân chứng” một mặt khẳng
định hiệu quả “tận răng” của chính sách để bộ đội thay thế hệ thống vận chuyển,
giao nhận hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, mặt khác thêm vào viễn cảnh nếu
không có chính sách đúng đắn của đảng, người dân sẽ phải khổ sở và thua thiệt
ra sao như những người đang sống tại Đức.
Đó không chỉ là một trường hợp đơn lẻ. Có hàng
trăm bài viết tương tự trên mạng xã hội Việt Nam. Sự tồn tại của chúng là dấu hiệu cho một công cụ khác được
sử dụng: kỹ thuật tẩy sàn (card stacking device).
Tên gọi của kỹ thuật tẩy sàn hay chơi tất tay
đến từ cách chia bài gian lận (card stacking), trong đó quân bài tốt luôn được
dành cho phe mình. Bằng cách đó, phe tuyên truyền luôn nhấn mạnh quá mức hay
hoàn toàn lơ đi một chủ đề nào đó. Họ dùng mọi phương tiện để thao túng, lừa dối
và kiểm soát thông tin, khiến cho đường lối được tuyên truyền trở thành con đường
đúng duy nhất, không có lựa chọn khả dĩ nào khác.
Những người áp dụng kỹ thuật này thực hiện các
hành vi ngụy tạo người làm chứng, tạo thông tin giả, nhấn mạnh các vấn đề không
liên quan và tung hỏa mù để lảng tránh câu hỏi thật sự: để quân đội thay thế
shipper thương mại có giải quyết được vấn đề gì hay không?
Cuối
cùng và không thể thiếu trong hầu hết các chiến dịch tuyên truyền của các đảng
cộng sản trong lịch sử thế giới là kỹ thuật bọc đường (glittering
generalities device).
Trong kỹ thuật này, người tuyên truyền sử dụng
các mỹ từ đầy đức hạnh để nói về chính sách, các lựa chọn chính trị hay thông
điệp của mình, nhưng ít khi dành thời gian để lý giải vì sao, bằng cách nào và
như thế nào chính sách của họ có thể đạt được những đức hạnh đó.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này với diễn ngôn
“người dân thành phố được lo từ A đến Z” trong một bài báo
trên tờ Thanh Niên. [8] Nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng.
Bộ đội dầm mưa trao thực phẩm đến người dân. Ảnh:
Báo Dân Trí.
Các mỹ từ, hoa ngữ đầy đức hạnh về chính sách
can thiệp của quân đội xuất hiện trong các bài báo như “Bộ đội dầm mưa mang thực phẩm đến từng nhà, trao tận tay người
dân TP.HCM”, rồi là “TP.HCM phòng chống Covid-19: Bộ đội giao đồ ăn tận nhà, người
dân chúc các anh mạnh khỏe” đều thể hiện một tinh thần hy sinh cho dân, phản
ánh tình quân – dân cá nước. [9] [10]
Trên mạng xã hội, người ta còn chia sẻ nhiều
bài thơ dạy bảo người dân không được than thở, không được trách móc, không được…
đói, khi các anh bộ đội đang “gồng mình” chống dịch.
Trong khi đó, những câu hỏi rất cơ bản về mặt
quản lý như hộ nào được giao, bao nhiêu phần trăm hộ đã được giao, tỉ lệ đặt
hàng và giao hàng thành công ra sao, v.v. đều bị né tránh.
***
Chưa đến một tuần sau khi thực hiện chính
sách, nhiều tờ báo buộc phải đổi giọng ghi nhận sự lộn xộn và dồn ứ của quá trình đặt và giao hàng do
quân đội “tiếp quản”. [11]
Việc đưa quân đội vào thay thế chuỗi cung ứng có sẵn
của thành phố Hồ Chí Minh rõ
ràng là một chính sách sai lầm. Nó không giải quyết vấn
đề thực chất nào, nhưng lại được tô vẽ bằng một chiến dịch tuyên truyền hoành
tráng.
Giống như các chiến dịch tuyên truyền
chính trị khác của những thể chế độc tài, dư luận trong trường hợp này bị thao
túng, sự thật bị gạt qua một bên, và người dân luôn là đối tượng chịu mọi hậu
quả.
----------------------------------------------------------
Chú thích:
1. VnExpress. (2021, August 23). Bộ
đội trao thực phẩm tận nhà dân. vnexpress.net.
https://vnexpress.net/bo-doi-trao-thuc-pham-tan-nha-dan-4345030.html
2. VnExpress. (2021b, August 27). Đơn
hàng “đi chợ hộ” quá tải. vnexpress.net.
https://vnexpress.net/don-hang-di-cho-ho-qua-tai-4347128.html
3. Minh T. T. H. (2021, August
27). Người dân TP.HCM được đi chợ hộ: “Nhận 1/3 số hàng đăng ký là mừng.” ZingNews.vn.
https://zingnews.vn/nguoi-dan-tphcm-duoc-di-cho-ho-nhan-13-so-hang-dang-ky-la-mung-post1255536.html
4. Lasswell, H. D. (1927). The Theory of
Political Propaganda. American Political Science Review, 21(3),
627–631.
https://www.jstor.org/stable/1945515
5. The fine art of propaganda; a
study of Father Coughlin’s speeches, (Book, 1939) [WorldCat.org]. (1939).
WorldCat.
6. Benkler, Y. (2021). Network
Propaganda. Oxford Scholarship Online.
7. How to Detect Propaganda. (1938).
<i>Bulletin of the American Association of University Professors
(1915-1955),</i> <i>24</i>(1), 49-55. Retrieved August 31,
2021, from
http://www.jstor.org/stable/40219502
8. Thanh Niên. (2021). Người dân
TP.HCM được ‘đi chợ hộ’ 1 lần/tuần: Hỗ trợ từ A đến Z.
https://thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-dan-tphcm-duoc-di-cho-ho-1-lantuan-ho-tro-tu-a-den-z-1434550.html
9. Tú A. (2021, August 26). Bộ đội
dầm mưa mang thực phẩm đến từng nhà, trao tận tay người dân TPHCM. Tin tức
mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn.
10. Thanh Niên. (2021). TP.HCM
phòng chống Covid-19: Bộ đội giao đồ ăn tận nhà, người dân chúc các anh mạnh khỏe.
11. Trần D. (2021, August 27). Đơn
hàng ‘đi chợ hộ’ đang dồn ứ ở các siêu thị. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
https://thesaigontimes.vn/don-hang-di-cho-ho-dang-don-u-o-cac-sieu-thi
No comments:
Post a Comment