Theo Sommer, ZEIT Online 2-2-2021
Người
dịch: Tôn Thất Thông
30/08/2021
https://www.diendan.org/the-gioi/diem-tu-huyet-cua-trung-quoc
Sự gia tăng quyền lực trên toàn cầu của nhà nước độc
đảng độc tài là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tình trạng dân số quá ư
già cỗi có thể đặt dấu chấm hết cho quá trình đó.
***
Các triết gia và nhà chính trị học thích bận bịu
với thuật ngữ "chuyên chế thời hiện tại". Đằng sau nó là điều quan
sát rằng, các sự kiện ngày nay ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta về tương
lai, và rằng trong tương lai mù mịt, sự phát triển nhiều lúc vượt quá tầm nhìn
của chúng ta. Đây cũng có thể là trường hợp về tương lai của Trung Quốc.
Trong cuốn sách của tôi Trung Quốc trước
hết (China First), tôi đã đặt thêm tiểu tựa Thế giới trên đường đến
thế kỷ 21. Trong sách đó, tôi đã mô tả sự vươn lên vô tiền khoáng hậu của
Trung Quốc, sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử loài người, tôi cũng đã mô tả
sự đòi hỏi có tiếng nói, hay đúng ra là tham vọng giành vị trí lãnh đạo của chủ
tịch Tập Cận Bình, từ đó tôi bảo vệ quan điểm rằng [phương Tây] không nên ảo tưởng
khi định hình chính sách Trung Quốc. Tôi không che giấu sự yếu kém
của chế độ toàn trị và những vấn đề nội tại của Trung Quốc: nợ nần quá mức, dân
số quá già nua, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng xã hội, chênh lệch giàu nghèo
giữa thành thị và thôn quê, thảm họa của 300 triệu người lao động nhập cư từ
vùng quê và tình trạng lạc hậu của hệ thống xã hội.
Hình : https://www.diendan.org/the-gioi/diem-tu-huyet-cua-trung-quoc/TuHuyet-Hinh-1.jpg
Nhưng lúc ấy tôi lại tin rằng, hệ thống toàn
trị của Tập Cân Bình có thể tự học hỏi để cải thiện. Ngay lúc vừa mới bắt đầu
viết cuốn sách cách đây năm năm, tôi vẫn còn tin vào tính ôn hòa của Bắc Kinh.
Nhưng trong thời gian qua, Tập đã nâng cấp
công nghệ, đập nát chế độ tự trị của Hồng Kông và đặt người Duy Ngô Nhĩ thuộc tỉnh
Tân Cương dưới sự đàn áp và bạc đãi liên tục. Tập Cận Bình thường xuyên đe dọa
Đài Loan bằng quân sự. Ở Biển Đông, ông đã thôn tính 80 phần trăm quần thể đảo
và biến bảy bãi cát ở đó thành pháo đài quân sự – điều đã chà đạp thô bạo lên lời
hứa với Tổng thống Obama. Đồng thời Tập muốn áp đặt chủ quyền lên quần đảo
Senkaku ở Biển Đông vốn đã do Nhật Bản quản lý. Ở vùng Himalaya, Tập liên tục tạo
ra các cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ. Với hàng tỉ đầu tư vào con đường tơ lụa,
Tập đã tạo ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trên khắp châu lục. Và Tập đã cuồng nhiệt
lợi dụng sự thành công trong chính sách chống dịch Covid-19 để tăng cường ảnh
hưởng qua biện pháp ngoại giao khẩu trang và tiếp đó là ngoại giao vắc-xin.
Sự kiêu ngạo nguy
hiểm
Có thể Tập Cận Bình cảm nhận đó là những thành
công vĩ đại về mặt chính trị. Nhưng thật ra, những điều đó đã gây ra một phản ứng
chống đối dữ dội trong thế giới phương Tây, từ Mỹ sang châu Âu đến Úc; Thái độ
của Tập được coi là sự kiêu ngạo nguy hiểm. Cách nói hung hãn của những
"chiến lang" trong giới ngoại giao của Tập đã làm suy giảm uy tín của
Trung Quốc. Ở nhiều nước, thái độ phê phán đối với Cộng hòa Nhân dân đã tăng
lên, làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Ngay cả trong các nước thuộc vành đai
con đường tơ lụa, sự phục tùng đã giảm xuống đáng kể. Người châu Âu không ganh
tị với sự vươn lên của Trung Quốc nhưng rõ ràng họ chống lại xu hướng hiếu thắng
của Tập. Con đường để Trung Quốc có thể đi đến độc quyền bá chủ thế giới rõ
ràng là có thể tránh được.
Điều này trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta bước
ra khỏi nền chuyên chế hiện tại và chỉ xem xét sự phát triển dân số trong tương
lai. Dân số Trung Quốc năm 1960 có 667 triệu, năm 1984 đánh dấu sự vượt mốc một
tỷ, đến năm 2010 là 1,37 tỷ và 2020 khoảng 1,43 tỷ. Vào năm 2029 – năm mà tổng sản
lượng quốc nội Trung Quốc sẽ vượt Mỹ – dân số của họ đạt đỉnh cao nhất. Sau đó,
dân số sẽ nhanh chóng đi xuống.
Các nhà nhân khẩu học dự đoán một sự suy giảm
khoảng 48% dân số tới năm 2100, lúc ấy chỉ còn 732 triệu. Yếu tố quyết định là
sự suy giảm 400 triệu người trong nhóm tuổi từ 20 đến 49 – giảm 84%. Cùng lúc
đó, dân số trở nên già hơn. Ngày nay, những người 65 tuổi trở lên đã nhiều hơn
lớp người [lao động] dưới 35 tuổi. Tỷ lệ những người cao niên và có nhu cầu
chăm sóc sẽ tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, cứ sáu lao động tương ứng với một
người hưu trí trên 65 tuổi. Đến năm 2039, sẽ có hai lao động và đến 2050 chỉ
còn 1,6 lao động phục vụ cho một người hưu trí. Những hậu quả thảm hại của
chính-sách-một-con ngày càng bộc lộ rõ rệt. Việc hủy bỏ chính sách đó vào năm
2016 vì các lý do khác nhau – chi phí, tiện nghi đời sống – cũng không có hiệu
quả gì; số lượng trẻ sơ sinh hàng năm giảm từ 17,8 triệu năm 2016 xuống còn
14,6 triệu vào năm 2019.
Sự phát triển cấu trúc dân số chính là điểm tử
huyệt của sự vươn lên thần kỳ Trung Quốc. Họ đã tự dẫn mình đến một cuộc khủng
hoảng nhân học như người Nhật Bản đã gặp vào thập niên 1980. Điều này đặt ra vấn
đề hết sức to lớn, về kinh tế, xã hội và thậm chí là quân sự. Nhà khoa học
chính trị Michael Beckley người Mỹ đã châm biếm một cách hơi hiểm độc rằng,
Trung Quốc cũng phải quyết định giữa những quả cà-nông cho quân đội và những
chiếc gậy hoặc xe lăn cho những người phụ lão ngày càng đông – mà điều này lại
xảy ra đúng vào lúc dân số của Mỹ sẽ gia tăng.
Sự suy giảm dân số cũng sẽ xảy ra khắp nơi – tại
Nhật Bản giảm 42% từ 127 đến 83 triệu; ở Nga giảm 27,4% từ 146 đến 106 triệu; tại
27 nước Liên Âu giảm 8,3% từ 447 triệu đến 410 triệu; ở Đức giảm 17% từ 83 đến
66 triệu. Nhưng suy giảm nặng nề nhất tất nhiên là Trung Quốc. Quốc gia này có
thể trở thành một bệnh nhân châu Á – chứ không phải là thế lực lãnh đạo.
Theo Sommer
Người dịch : Tôn Thất Thông
Bản gốc tiếng Đức: Chinas Achillesferse trên Die Zeit Online ngày 2-2-2021
----------------------------------------------------
Ghi chú của người
dịch để tham khảo thêm:
Cấu trúc nhân học của Trung Quốc qua thời gian: Năm 1950, cấu trúc này còn mang dạng hình tháp, vốn là điều kiện
lý tưởng để phát triển quốc gia và xây dựng chế độ xã hội. Trong thời gian đó,
tỉ lệ người già so với lực lượng lao động khoảng chừng 5-8%. Đến năm 2015, tỉ lệ
đó đã tăng lên 13-15%. Điều này có nghĩa là tỉ lệ của lực lượng lao động giảm
xuống so với tổng dân số, lợi tức đầu người vì thế không những không tăng mà có
nguy cơ giảm xuống, mặc dù GDP có thể vẫn còn tăng. Ngoài ra hệ thống xã hội để
phục vụ nhu cầu của người già khó lòng thực hiện tốt. Sang đến 2050, tỉ lệ người
già trên lực lượng lao động sẽ là 30-40%. Tức là cứ 1,5 đến 2 lao động phải
trang trải gánh nặng xã hội cho một người già. Trong một quốc gia chưa giàu như
Trung Quốc, điều đó có ý nghĩa như một quả bom nổ chậm có thể làm nỗ tung sự an
toàn xã hội.
https://www.diendan.org/the-gioi/diem-tu-huyet-cua-trung-quoc/TuHuyet-Hinh-2.jpg
Population by age groups
Ngược với xu hướng trên của Trung Quốc, những
nước có chính sách nhập cư uyển chuyển – như Mỹ, Canada, Úc và bây giờ ở vài nước
châu Âu – có thể đối phó phần nào tình trạng lão hóa dân số bằng giới nhập cư
trẻ tuổi.
No comments:
Post a Comment