Sunday 28 April 2019

TỰ DO TRANH LUẬN TỨC LÀ THỰC HÀNH VĂN HÓA DÂN CHỦ (Nguyễn Vi Yên)





Viết cho chị tôi, Nguyet Ha.

Chị,

Gần 100 năm trước, trong một lá thư, Phan Chu Trinh chê bai Phạm Quỳnh rằng "còn các anh như Phạm Quỳnh thì tôi thấy một hai bài trong nhật trình, không những là giả dối vẽ vời mà lại nói lắm điều hại cho thanh niên nhiều lắm”. [1]

Tờ báo Phong Hóa, cơ quan ngôn luận của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cũng liên tục làm vè, viết thơ chế giễu tư tưởng thân Tây của Phạm Quỳnh. Ví như bài "Phong dao mới" đăng trên số báo năm 1932 đả kích cả Phạm Quỳnh lẫn Nguyễn Văn Vĩnh:

"Nước Nam có hai người tài
Thứ nhất sừ Ĩnh, thứ hai là sừ Uỳnh
Một sừ béo núng rung rinh
Một sừ lểu dểu như hình cò hương
Không vốn liếng chẳng ruộng nương
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu."
[2]

Vào thời điểm đó, Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút tờ Đông Dương Tạp chí, còn Phạm Quỳnh là chủ bút tờ Nam Phong Tạp chí. Hai báo này cùng mạnh mẽ chủ xướng việc truyền bá chữ quốc ngữ. Phạm Quỳnh cũng chính là cha đẻ của câu nói lưu danh "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn." [3]

Mấy năm sau đó, trong giới trí thức nước Việt nổ ra hàng loạt cuộc tranh luận cả chính trị lẫn phi chính trị. Tiêu biểu nhất phải kể tới cuộc luận chiến giữa hai dòng tư tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh" giữa Hải Triều và Thiếu Sơn, Hoài Thanh những năm 1935-1939, mà rất nhiều trí thức tài danh khác như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư cũng vào cuộc.

Trong khi Hải Triều chủ trương "phải sống cái sống vĩ đại của nhân dân, phải cảm cái cảm sâu sắc của đại chúng", [4] thì Hoài Thanh cho rằng "lúc đó nhà văn không làm văn nữa mà chỉ làm phận sự người cầm bút mà thôi". [5]

Hải Triều mỉa mai phe "vị nghệ thuật" rằng "họ làm nghệ thuật để mà chơi, để cho đẹp, chỉ có thế thôi" [6] thì Hoài Thanh biên ngay một bài chạy tít "một lời vu cáo hèn". [7]

Cái thời luận chiến sôi nổi như vậy tưởng như đã bị xóa sổ, khi người cộng sản nắm quyền. Nếu như năm 1956, Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp vì "phá hoại mặt trận lý tưởng của Đảng", [8] thì sau 1975, những người cộng sản tiếp tục đóng cửa các tờ báo tự do và đốt sách. [9]

Những nếp văn hóa tranh luận mà tiền nhân gầy dựng bao năm đã bị thiêu rụi kể từ buổi ấy. Việc chính quyền đàn áp các tiếng nói bất đồng đã tạo ra thứ tư duy đồng bộ trong xã hội. Người ta rất dễ quen với việc sống trong một luồng quan điểm nhất định, trên tinh thần "đoàn kết" và "thống nhất".

May thay, mạng xã hội ngày nay, với khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook, đã mở ra một không gian tự do mới, nơi chính quyền không thể nào kiểm soát tất cả lời ăn tiếng nói của người dân.

Ở đó, chúng ta bắt đầu học lại những bài học đầu tiên về tự do ngôn luận, cũng là những bài thực tập vỡ lòng về văn hóa dân chủ.

Ta bắt đầu thấy lại các cuộc thảo luận thú vị, từ những vụ việc ít hoặc không liên quan đến chính trị, như Thiên Lương kịch liệt công kích bản dịch cuốn Lolita của Dương Tường, [10] Khánh Duy đưa ra các phê phán rất mới về Làng Mai và Thích Nhất Hạnh, [11] cho đến các vấn đề chính trị như khi Phạm Đoan Trang cho rằng những người trí thức hoạt động đấu tranh bằng hình thức gửi thư ngỏ là "lạc hậu, cũ kỹ". [12]

Năm ngoái, trong thời gian sống ở Tiệp, em có dịp chứng kiến cuộc bầu cử Hạ viện. Khắp các quán cà phê ven sông Vltava, người ta bàn bạc, người ta cãi nhau, kẻ thì chê Đảng Cướp biển là một bọn trẻ khùng, người thì mắng Thủ tướng Andrej Babis của ANO là lấy tiền mua lòng dân. Trong lúc đó, báo chí chạy đầy những hình ảnh châm biếm thủ lãnh các đảng. Nhìn sôi nổi, mới lạ, và hay.

Còn bây giờ, em vừa chuyển đến nước Úc để học việc trong văn phòng ông Hạ Nghị sỹ Chris Hayes. Sau đợt bầu cử tiểu bang hồi tháng ba, rải rác trong thành phố vẫn còn sót lại mấy tờ rơi chê bai cô Đài Lê, một ứng cử viên tự do, và cả những bài báo bêu xấu hình ảnh ông dân biểu Nick Lalich của đảng Lao Động.

Vậy mới thấy, các quan điểm xung đột nhau là chuyện rất bình thường ở những nền dân chủ, kể cả trong giới bình dân hay ở thượng tầng chính trị.

Dân chủ không phải là một thứ lý tưởng thần thánh, nơi người ta lúc nào cũng nhất nhất gật gù với nhau. Đi đôi với dân chủ là sự tự do ngôn luận. Mà một khi chúng ta chọn sống tự do, thì việc xảy ra xung đột quan điểm là điều tất yếu.

Từ cả trăm năm trước, các bậc tiền nhân ở nước ta đã chọn sống như thế: họ dám đăng đàn tranh luận, chấp nhận va chạm, và sẵn sàng phô bày quan điểm trước công chúng một cách tự tin.

Ngày nay, tuy chúng ta đang sống trong một chế độ toàn trị, nhưng ta lại có một không gian mạng xã hội tương đối tự do. Vậy thì tại sao ta lại không dùng nó để mạnh dạn bày tỏ quan điểm của ta, như tiền nhân đã làm?

Một số người tỏ mối lo ngại rằng, khi ta lên tiếng mà lỡ có bất đồng thì sẽ gây chia rẽ, làm suy yếu cộng đồng. Cái mối lo này chẳng khác gì việc đảng Cộng sản tuyên truyền "đa đảng sẽ gây bất ổn xã hội" cả. Rất phi logic, rất hão huyền.

Để có được một nền dân chủ đúng nghĩa, chúng ta không chỉ phải đấu tranh kêu gọi một thể chế dân chủ, mà còn phải thực hành văn hóa dân chủ trong từng hành động của ta. Đó là khi ta mạnh dạn nêu ra quan điểm của bản thân, dù là chống lại cường quyền, đối đầu dư luận, hay phản biện chính những người quen thân. Đó là khi ta sống tự do và hành xử theo tinh thần dân chủ.

Và như vậy, chị à, ta sẽ thấy bản thân xứng đáng với những gì ta đang tranh đấu.
---

Vài chú thích để tham khảo thêm

[1] Phan Chu Trinh, "Thư trả lời anh Đông", 1925. Xem https://www.chungta.com/…/tu-lieu…/thu_tra_loi_anh_dong.html

[2] Tức Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, hai người chủ trương việc truyền bá chữ quốc ngữ. Phong dao mới, Tạp chí Phong Hóa số 14, 1932. Xem https://issuu.com/nvthuvien/docs/ph_014_22_sep_1932…

[3] Phạm Quỳnh, "Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh", Nam Phong Tạp chí số 86, 1924. Xem https://issuu.com/nvthuvien/docs/q15_qn_085-090_t086…

[4] Hải Triều, "Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: những khuynh hướng trong tiểuthuyết", Tạp chí Tao Đàn số 2, 1939. Xem http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3233&rb=08

[5] Hoài Thanh, "Văn chương là văn chương", Báo Tràng An, 1935. Xem http://vietnamsuhoc.com/m/Vnshnext.aspx?id=3

[6] Hải Triều, "Nghệ thuật với nhân sinh", Báo Trung Kỳ số 1, 1935. Xem http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3175&rb=

[7] Hoài Thanh, "Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuật: một lời vu cáo hèn", báo Tràng An 3/12/1935. Xem http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi…

[8] Thụy Khê, "Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc", Tiếng Quê Hương, 2012. Xem http://nhanvangiaipham.free.fr/

[9] Huy Đức, "Bên thắng cuộc: Giải phóng", 2012. Xem https://www.amazon.com/Ben-Thang-Cuoc-Phong-Vi…/…/1484040007

[10] Trịnh Hữu Tuệ viết về bản dịch cuốn Lolita của Thiên Lương và Dương Tường, 8/1/2015. Xem https://www.facebook.com/trinhhuutue/posts/10205770816968806

[11] Khánh Duy, "Động cơ của tôi", 26/3/2019. Xem https://www.facebook.com/phapxa.chan.7/posts/413690215868931

[12] Phạm Đoan Trang viết về cách hoạt động chính trị, 15/1/2019. Xem https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10157274425173322








No comments:

Post a Comment

View My Stats