Friday 26 April 2019

LUẬT SƯ TRẺ GỐC VIỆT DẤN THÂN VÌ NHÂN QUYỀN, PHÁP QUYỀN CHO VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)




26/04/2019

Vi Trần, một nữ luật sư trẻ người Mỹ gốc Việt, và các cộng sự đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm đưa tiếng nói của người dân trong nước ra bên ngoài một cách chân thực, phản ánh thực tế xã hội, và hướng đến một nền pháp quyền thượng tôn pháp luật cho Việt Nam.

Trang tạp chí tiếng Anh The Vietnamese của LIV.

Trao đổi với VOA, nữ luật sư Vi Trần nói rằng mục tiêu của Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV), tổ thức phi chính phủ của Mỹ đăng ký ở bang California - quản lý hai trang mạng Luật Khoa Tạp chí và The Vietnamese, là nhằm mang lại cho độc giả cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị ở Việt Nam. Luật Khoa Tạp chí cũng vừa lên tiếng bị “báo chí nhà nước lẫn dư luận viên dán nhãn là ‘phản động,’ ‘chống chính quyền,’ ‘cờ vàng ba que’…”

Từ văn phòng ở Đài Loan, Luật sư Vi Trần dành cho VOA cuộc phỏng vấn sau đây:

VOA: Xin cô Vi Trần giới thiệu đôi chút về LIV và hai trang mạng truyền thông của LIV?
Vi Trần: “Tôi là Vi Trần, một trong những người chủ xướng của báo mạng Luật khoa Tạp chí, một tạp chí chuyên về pháp luật, hướng đến các bạn trẻ có quan tâm đến pháp luật, nhân quyền ở trong nước. Chúng tôi cũng nhận thấy có những người nước ngoài quan tâm đến chính trị và nhân quyền ở Việt Nam và thế là chúng tôi lập tờ báo tiếng Anh – The Vietnamese. Đây là hai dự án báo chí nằm trong các danh mục hoạt động của tổ chức phi chính phủ Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) do chúng tôi thành lập để quản lý các dự án của mình.”

Trang Luật khoa Tạp chí của LIV.

VOA: Phản ánh thực trạng xã hội, chính trị Việt Nam là đề tài nhạy cảm, vậy LIV và các nhóm cộng tác có gặp trở ngại gì không?
Vi Trần: “Là một tổ chức phi chính phủ nên tài chính luôn là một vấn đề. Nhưng đó chỉ là một khó khăn nhỏ. Chúng tôi có một mạng lưới các cộng tác viên trong nước và việc kết nối với các bạn trong nước không phải là một trở ngại lớn lắm. Nhưng vì đây là hai tờ báo mạng, và sử dụng mạng xã hội (MXH) để phát tán thông tin. Hơn một năm qua, MXH, đặc biệt là Facebook, có những thay đổi về mặt thuật toán nên có một số bài bị chặn mà không có lý do rõ ràng; có một số cuộc tấn công về mặt kỹ thuật trên mạng… thì đây chính là các trở ngại lớn nhất.”

VOA: Luật khoa Tạp chí và The Vietnamese hướng đến đối tượng độc giả nào và vì sao chọn đối tượng đó?
Vi Trần: “Thành phần nồng cốt của Luật khoa Tạp chí là những người học luật ở trong nước và nước ngoài thuộc thế hệ trẻ. Chúng tôi nhận thấy cải cách tư pháp rất cần thiết cho bất kỳ đất nước nào, ngay cả ở Hoa Kỳ. Hệ thống tư pháp ở Việt Nam đương nhiên có những vấn đề cần được giải quyết. Sau 5 năm làm việc, chúng ta thấy ngày càng nhiều các bạn trẻ có mối quan tâm nhất định về luật pháp, tư pháp hình sự ở Việt Nam bởi vì chỉ có những vấn đề chỉ phát sinh khi xã hội lên tiếng, gần đây nhất là các vụ tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em.
“Hiện nay có nhiều bạn trẻ muốn vận động để sửa đổi luật pháp ở Việt Nam. Tờ báo của chúng tôi giúp các bạn có thêm thông tin về các kinh nghiệm ở nước khác, họ đã giải quyết như thế nào, luật pháp, án lệ của nước khác đã làm gì… Một tờ báo mà giúp có thêm thông tin để tự giải quyết và tự tìm con đường riêng cho Việt Nam là rất cần thiết. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn thực hiện điều này. Đó là một tín hiệu tốt cho một xã hội.”


VOA: Cách tiếp cận của LIV có khác với cách tiếp cận của người gốc Việt thuộc thế hệ trước? Vi nghĩ gì về sự khác biệt này?
Vi Trần: “Những người trẻ, đặc biệt sinh sau cuộc chiến, lớn lên ở nước ngoài, sống trong hòa bình, được đi học… tôi nghĩ chúng tôi là những may mắn, nhìn cuộc sống lạc quan hơn và muốn kết nối với người khác nhiều hơn, nhất là trong thời đại internet như bây giờ. Sự kết nối giữa người trẻ trong nước và nước ngoài cũng rất đơn giản. Và khi đã có một sự kết nối nhất định thì cách nhìn vấn đề của chúng tôi cũng khác do chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề hiện đang xảy ra ở trong nước và muốn giúp các người bạn của mình…
“Nói như vậy không có nghĩa là tôi không tri ân sự mất mát và những đóng góp của các thế hệ đi trước vì tôi may mắn không phải sống trong giai đoạn lịch sử mà họ đã trải qua. Vì vậy tôi chỉ có tri ân và hoàn toàn thông cảm với những nỗi đau và mất mát của họ.
“Là người Việt Nam nói chung thì ai cũng có một ước nguyện là đất nước của mình được tiến bộ, nơi mà người dân cảm thấy tự hào và đáng sống. Người trẻ xài Internet và MXH và các ứng dụng trên mạng rất nhiều. Đó là cách tiếp cận mới của giới trẻ.
“Người trẻ cũng có cách nhìn rất thoáng về việc đi du lịch và làm việc; họ chịu khó đi đến những nơi xa, học tập ở nhiều nước, phiêu lưu nhiều hơn. Những người trẻ có được may mắn và cơ hội này là do sự hy sinh của thế hệ trước.”

VOA: Các hồ sơ oan sai ở Việt Nam mà LIV đang vận động trên mặt trận quốc tế là các hồ sơ nào?
Vi Trần: “Có ba hồ sơ của các tử tù đang kêu oan là Hồ Duy Hải, Nguyễn Quang Chưởng và Lê Văn Mạnh. Vi thường xuyên viết bài về họ bằng tiếng Anh, cũng như thực hiện các công việc vận động tại các kỳ UPR, ICCPR gần đây… thực hiện các hoạt động trên mặt trận quốc tế cho ba hồ sơ này. Vì bản thân tôi từng học luật, tôi thấy các bản án đối với họ là sai trái.
“Ước mơ lớn nhất là sau này có thể dùng nhiều thời gian hơn để hỗ trợ tư pháp và pháp lý cho các hồ sơ tương tự…”

Tổ chức Ân xá Quốc tế ra Hành động Khẩn cấp đối với tử tù Hồ Duy Hải. (Amnesty International)

VOA: Xin cô Vi Trần cho biết đôi chút về bản thân và ước muốn của mình?
Vi Trần: “Từ những năm 90 thì Vi qua Mỹ sống và học trung học ở Mỹ, một người Mỹ gốc Việt khá là bình thường. Trước đây Vi sống ở California, đi học luật, trở thành luật sư và vì tò mò nên thường xuyên theo dõi tình hình ở Việt Nam. Vi có kết nối với một số bạn là các nhà hoạt động Việt Nam trong đó có Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang. Vi cùng các bạn sáng lập Luật khoa Tạp chí và từ đó Vi rời Hoa Kỳ và chuyển đến sống ở Đông Nam Á, tính đến nay đã gần 5 năm rồi. Hiện tại thì đang sống và làm việc tại Đài Loan.
“Ước mơ lâu nay của tôi là muốn trở về làm việc với người dân ở Việt Nam, đặc biệt là những dân oan, những người oan sai trong các vụ việc.”

VOA: VOA chân thành cảm ơn Luật sư Vi Trần.




No comments:

Post a Comment

View My Stats