Tuesday 30 April 2019

BẢN TIN NGÀY 30-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




30/04/2019

Tin Biển Đông

Mâu thuẫn trên Biển Đông giữa Việt Nam với Indonesia: ‘Tàu CSB Việt Nam đâm tàu Indonesia, 12 ngư dân Việt bị bắt’, theo VOA. Hãng tin AP cho biết chính quyền Indonesia đã bắt giữ 12 ngư dân Việt, tạm giam tại một căn cứ hải quân. Phía Indonesia thông báo, hôm 27/4 một tàu tuần tra của nước này đang định ngăn chặn một tàu cá Việt Nam, thì bị “tàu cảnh sát biển Việt Nam đâm vào”.

Thiếu tướng hải quân Indonesia, ông Yudo Margono nói: “Địa điểm bắt giữ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Nhưng chính quyền Việt Nam cũng tuyên bố khu vực này thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Phía Việt Nam kêu gọi chính quyền Indonesia đối xử nhân đạo với 12 ngư dân Việt trên tàu cá tỉnh Bình Định, số hiệu BĐ-97916.

BBC có bài: Indonesia nói ngày 4/05 sẽ huỷ hết các tàu cá VN ‘đánh bắt phi pháp’. Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti chỉ trích Cục Kiểm ngư Việt Nam, với cáo buộc đã ngăn cản chấp pháp Indonesia khi đang bắt bốn tàu Việt Nam: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam giải thích và xin lỗi”.

Bà Pudjiastuti thông báo, ngày 4/5 sắp tới, Indonesia sẽ cho hủy toàn bộ 51 “tàu đánh cá phi pháp” đa số đến từ VN. Một người dân Indonesia bình luận, ngư dân VN “thật tuyệt vọng trong việc săn bắt vì họ không thể nào đánh cá ở vùng biển của chúng ta”.

RFI đưa tin, Biển Đông: Mỹ sẽ “mạnh tay” hơn với dân quân biển Trung Quốc. Trước hiện tượng các lực lượng tàu hải cảnh và tàu cá của dân quân biển TQ càng lúc càng hung hăng trên Biển Đông, tư lệnh Hải Quân Mỹ, đô đốc John Richardson, cảnh cáo Bắc Kinh, rằng Washington sẵn sàng áp dụng các quy tắc đối phó với Hải Quân để đáp trả các hành vi khiêu khích của các lực lượng bán quân sự TQ. Ngày 28/4/2019, ông Richardson đã chuyển thông điệp đó cho phó đô đốc Thẩm Kim Long, tư lệnh Hải Quân TQ.


Tin nhân quyền

Một tin làm những người công giáo bàng hoàng, đó là: Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ, báo Một Thế Giới đưa tin. Nhà thờ Bùi Chu có tuổi đời tương đương với thờ Đức Bà ở Sài Gòn (xây dựng năm 1880) và nhà thờ Lớn Hà Nội (xây năm 1886), sẽ bị đập bỏ vào ngày 13.5 để xây nhà thờ mới.

Bức ảnh nhà thờ Bùi Chu với lời ghi chú “Sẽ bị phá hủy vào ngày 13 tháng 5” trên Facebook Martin Rama

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Ngôi nhà thờ phụng Chúa Jesus của những người Công giáo đầu tiên trên đất Việt, được dựng nên từ năm 1884. Dựng nên một thành tích mới huy hoàng của một linh mục hay một giáo phận thì dễ, nhưng giữ lại được một lịch sử tín ngưỡng đã chia sẻ thăng trầm cùng dân tộc thì mới khó. Khó lắm. Đó là chưa nói, Bùi Chu – Phát Diệm còn là ký ức vĩ đại của những người Công giáo đã liều chết ở lại canh giữ các ngôi nhà của Chúa, bất chấp tai ương từ chế độ Cộng sản vô thần sau 1954“.

RFA dẫn lời ông Tim Kaine, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ: Nhân quyền phải là cột trụ trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ. Ông Kaine nói: “Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh”.

Ông Kaine cho biết về chuyến thăm VN: “Một trong những cuộc gặp mà chúng tôi thực hiện ở Hà Nội là gặp một nhóm những người trẻ bất đồng chính kiến. Họ rất sẵn sàng gặp gỡ chúng tôi… Rõ ràng là có những người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù ở Việt Nam”.

VOA dẫn lời bình của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, USCIRF: ‘vi phạm tự do tôn giáo ở VN tiếp tục có khuynh hướng tiêu cực’. Phúc trình của USCIRF nhận định, trong năm 2018, chính quyền VN tiếp tục đàn áp các lãnh đạo tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động ôn hòa, và những người chỉ trích khác trên toàn quốc, đặc biệt là những người tham gia biểu tình phản đối luật Đặc khu.

Báo cáo này còn liệt kê trường hợp “nhóm quân nhân Cờ Đỏ” được chính quyền hậu thuẫn ở Nghệ An: “Không giống như những tên côn đồ mặc thường phục, nhóm Cờ Đỏ được tổ chức, không giả danh là một nhóm phá phách ngẫu nhiên; nhóm này liên quan chặt chẽ với — và đôi lúc làm theo chỉ thị của nhà chức trách địa phương”.

Sai phạm đất đai

VTC đặt câu hỏi: Sai phạm chồng chất sai phạm, tại sao bộ GTVT quyết chọn ACV mở rộng Tân Sơn Nhất?  Thanh tra của Bộ Tài chính sau khi kiểm tra việc đầu tư 5 dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), kết luận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán đã vận dụng định mức với một số hạng mục công việc bảo dưỡng bê-tông xi-măng chưa phù hợp, dẫn đến việc thanh quyết toán bị dở dang.

TS Nguyễn Thiện Tống lưu ý: “Từ kết luận của thanh tra bộ Tài chính chúng ta có thể thấy việc bộ GTVT quyết định giao đất cho ACV tiềm ẩn nhiều rủi do đặc biệt là vấn đề tài chính. Thêm vào đó, tại khu đất này có các đơn vị quân đội đóng quân, chưa thể di dời ngay cho dù bộ Quốc phòng đã có chủ trương bàn giao đất để xây dựng nhà ga hành khách T3”.

UBND tỉnh Gia Lai vừa “sờ gáy” 6 doanh nghiệp nhiều sai phạm sử dụng đất công, theo báo Tiền Phong. Nhóm 6 doanh nghiệp này gồm: Công ty CP Gia Lai, Công ty CP KD&PT miền núi Gia Lai, Công ty CP Thương mại Gia Lai, Công ty CP Du lịch Gia Lai, Công ty CP XD&XL điện Gia Lai, Công ty CP XD Thương mại Ia Grai, bị đề nghị xử phạt vì sai phạm trong quản lý, sử dụng và cho thuê tài sản trên đất công. Thanh tra cũng đề nghị thu hồi 11 thửa đất công mà các doanh nghiệp thuê nhưng không sử dụng.

Trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin: Vi phạm đất đai tại xã Vĩnh Quỳnh gây ra nhiều hệ lụy. Theo đó, do UBND xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì buông lỏng quản lý, nên xảy ra tình trạng san lấp đất nông nghiệp cạnh tuyến đường 70 kết nối quận Hà Đông đi ra quốc lộ 1A dài 9km chạy qua 9 xã, phường, thị trấn của quận Hà Đông và huyện Thanh Trì.

Bài báo cho biết, hàng loạt trường hợp ngang nhiên dựng lều lán bằng khung sắt, mái tôn hoặc đặt cả container làm chỗ ở rồi san lấp đất nông nghiệp ven tuyến đường này làm bãi tập kết hàng hóa, dịch vụ sửa chữa xe ô tô siêu trường, siêu trọng ngay dưới hệ thống mạng lưới cột và đường dây điện cao thế.


Các vụ xâm phạm đất rừng

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi về vụ đổi đất rừng lấy dự án ở Nghệ An: Gần 1.500ha đất rừng tự nhiên sẽ bị “xóa sổ” để phục vụ dự án?  Tỉnh này sẽ có 6 nhóm dự án thuộc lĩnh vực ANQP với tổng diện tích rừng tự nhiên xin được chuyển đổi là 354,99ha, 7 dự án thuộc nhóm phát triển KTXH với tổng diện tích 243,947ha, 14 dự án thuộc nhóm công trình phúc lợi xã hội với tổng diện tích 856,659ha.

Bài viết lưu ý: nhiều công trình, dự án xây dựng trên diện tích đất rừng tự nhiên với diện tích lớn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hoặc được “bật đèn xanh” theo kiểu cho xây dựng trước, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sau. Hậu quả là rừng tự nhiên ở Nghệ An ngày càng cạn kiệt, nguy cơ thiên tai khiến cho môi trường sống tại nhiều địa phương bị xáo trộn, hủy hoại con người.

Các dự án khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An hàng năm cũng góp phần “xóa sổ” hàng trăm ha rừng tự nhiên. Nguồn: DĐDN

Báo Thanh Tra đặt câu hỏi về vụ phá rừng vừa xảy ra ở Ba Vì, Hà Nội: Ngang nhiên chặt phá hàng nghìn mét vuông đất rừng? Bà Bùi Thúy Nga, một người dân địa phương cho biết, đầu tháng 4/2019 có một số đối tượng mang máy móc thiết bị vào chặt phá cây cối và san gạt đất rừng trong phần diện tích đã được VQG Ba Vì giao khoán theo hợp đồng từ năm 1992 đến nay. Chuyện chặt phá này chỉ dừng lại khi bà Nga phản ánh lên UBND xã Yên Bài và VQG Ba Vì.

Những kẻ phá hoại mang máy móc thiết bị vào san ủi ngang nhiên, rầm rộ. Nguồn: Thanh Tra

Trang Kinh Tế Đô Thị đặt câu hỏi: Vì sao nhà ở của ca sĩ Mỹ Linh vi phạm trật tự xây dựng chưa bị cưỡng chế? Mặc dù “biệt phủ” của bà Mỹ Linh xâm phạm đất rừng Sóc Sơn, nhưng các lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn chỉ ra, công trình của gia đình bà Mỹ Linh được xây dựng từ những năm 2008 – 2009. Trong khi đó, đề nghị của Thanh tra TP Hà Nội chỉ yêu cầu cưỡng chế các công trình vi phạm trong hai năm 2017 – 2018. Chính vì vậy, nhà ở của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh chưa thuộc diện phải thực hiện cưỡng chế trong đợt này!


Tin giáo dục

Báo Người Đưa Tin bàn về hậu quả gian lận thi THPT Quốc gia: Người học thật mất chỗ oan uổng và trách nhiệm của bộ GD&ĐT. Bài viết cho rằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên đứng ra xin lỗi các thí sinh, bởi vì đó là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Sai phạm gian lận thi cử xảy ra, cả một hệ thống bị ảnh hưởng, có những thí sinh học thật, thi thật, điểm có thể đỗ thủ khoa nhưng lại không thể vượt những thí sinh gian lận, vì chênh lệch đến gần 30 điểm.

Báo Thanh Niên đưa tin: Hàng trăm giáo viên hợp đồng dài cổ chờ lương. Ông Lữ Đình Thành, Hiệu phó Trường tiểu học Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, cho biết, từ tháng 1/2019 đến nay, do chủ trương cắt giảm hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục công lập nên 7 GV hợp đồng của trường vẫn chưa được nhận lương: “GV hợp đồng đứng lớp giảng dạy với số tiền lương rất ít. Đã vậy, từ đầu năm 2019 đến nay lại không có lương nên đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, gây tâm lý bất an, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy”.

Bài báo cho biết, thực trạng trên không chỉ diễn ra trên địa bàn TP Quảng Ngãi mà ở hầu hết các huyện trong tỉnh, với khoảng 700 giáo viên hợp đồng đang trong tình cảnh chờ lương, một phần còn do mâu thuẫn giữa Nghị quyết 19 của Đảng, với Nghị định 161 của Chính phủ.

UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vừa cách chức hiệu trưởng bớt xén tiền hỗ trợ học sinh nghèo, theo báo Người Lao Động. Một lãnh đạo huyện này cho biết, hội đồng kỷ luật đã họp và thống nhất cách chức hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn đối với bà Vũ Thị Sơn vì đã bớt xén 135 triệu đồng tiền hỗ trợ học sinh nghèo, rồi chia cho mình và gần 40 giáo viên, nhân viên trong trường.


***









No comments:

Post a Comment

View My Stats