Sunday 30 September 2018

PHI HẠT NHÂN : BẮC HÀN ĐẶT ĐIỀU KIỆN VỚI MỸ (RFI | BBC)




Thanh HàRFI
Đăng ngày 30-09-2018 

Trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 29/09/2018, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên tuyên bố, Washington cần tạo dựng lòng tin với Bình Nhưỡng và coi đây là điều kiện thiết trên con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN -Singapore 04/08/2018REUTERS

Ngoại trưởng Ri Yong Ho bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng "đơn phương từ bỏ các chương trình nguyên tử" trong bối cảnh Mỹ vẫn chủ trương trừng phạt Bắc Triều Tiên. Bởi vì lập trường cứng rắn đó càng khiến Bình Nhưỡng "hoài nghi" về thái độ của Washington.

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên nói rõ, từ nhiều tháng qua, chính quyền Kim Jong Un đã có những quyết định "quan trọng" chứng tỏ thiện chí, từ việc ngừng các vụ thử nguyên tử và tên lửa đến việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Punggye Ri. Ngược lại về phía Mỹ, Bình Nhưỡng "không ghi nhận được những quyết định tương xứng". Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng, "không tin tưởng vào Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên không có phương tiện để bảo đảm cho an ninh quốc gia".

Trong suốt bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Ri Yong Ho tuyệt đối không đả động đến khả năng hai nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên họp thượng đỉnh lần thứ nhì, trong khi đó, ông nhắc nhiều đến những bước tiến quan trọng mà hai nước Triều Tiên đã đạt được sau ba cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều và cho rằng nếu như quả bóng được đặt ở sân chơi của Hàn Quốc chứ không phải là của Mỹ, thì tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã "không lâm vào bế tắc".

Dù vậy, theo giới quan sát, giọng điệu của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên lần này tại New York hòa dịu hơn hẳn so với bài phát biểu của ông nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 2017. Chính ông Ri Yong Ho, năm ngoái, đã dọa phóng hỏa tiễn tới tận lãnh thổ Hoa Kỳ.

Donald Trump ca ngợi thái độ "thân ái" với Kim Jong Un
Về phía tổng thống Trump dường như không gì lay chuyển được những tình cảm "thân ái" mà ông đã và luôn dành cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore.

Vận động cho cuộc bầu cử giữa kỳ tại Wheeling, khu vực tây bang Virginia ngày hôm qua 29/09/2018, tổng thống Mỹ đã dành cho ông Kim Jong Un rất nhiều lời khen, thậm chí nhấn mạnh đến quan hệ thắm thiết giữa đôi bên. Donald Trump nói :

"Quý vị không còn thấy các vụ thử nguyên tử. Họ bắt đầu đóng cửa các cơ sở hạt nhân. Quý vị không còn thấy các vụ bắn tên lửa … Tôi quý ông ấy và ông ấy quý tôi. Tôi nghĩ điều này tốt đấy chứ ? Ít ra tôi có quyền nói lên điều ấy hay không ?  Các bạn biết không, điều thú vị là ban đầu tôi cũng khó khăn với ông ấy lắm chứ, mà ông ấy cũng cứng rắn với tôi. Thế rồi chúng tôi trao đổi với nhau và rồi chúng tôi đồng cảm với nhau. Không, sự thực là như vậy mà. Ông ấy viết cho tôi những bức thư tuyệt vời. Chúng tôi đồng cảm với nhau. Truyền thông sẽ chê bai, cho rằng, 'Donald Trump đã yêu ! Thật là điều ghê gớm, không xứng đáng với một vị tổng thống".

-------------------------------------
BBC Tiếng Việt
30 tháng 9 2018

Ngoại trưởng Bắc Hàn cảnh báo "không đời nào" nước ông giải giáp trong khi Mỹ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho nói Mỹ cứ nhất định theo chính sách "phi hạt nhân trước đã".  AFP

Ri Yong-ho nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng các biện pháp trừng phạt đào sâu thêm sự ngờ vực của Bắc Hàn về Mỹ.

Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ và điều này được Nga và Trung Quốc ủng hộ.
Nhưng chính quyền Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bắc Hàn tiến hành phi hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt vào tháng 6/2018, tại sự kiện này ông Kim cam kết nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.
Có rất ít tiến bộ về điều này từ thời điểm đó.

Lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Hàn đã thu hút sự quan tâm của quốc tế và khu vực trong thời gian gần đây.  KCNA

Ông Ri nói gì?
Ông cho biết Mỹ cứ nhất định theo chính sách "phi hạt nhân trước đã" và "gia tăng áp lực bằng chế tài".
"Sự bế tắc gần đây là vì Mỹ vẫn giữ các biện pháp mang tính cưỡng ép mà có thể tổn hại đến việc tạo dựng lòng tin," ông Ri phát biểu.
"Nếu không có bất kỳ niềm tin nào vào Mỹ thì sẽ không có sự tin tưởng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi và trong hoàn cảnh như vậy không đời nào chúng tôi đơn phương giải giáp trước."
"Nếu ai đó cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể khiến chúng tôi phải quỳ gối thì đó là chuyện viễn vông và họ không biết gì về chúng tôi", ông nói thêm.

Điều gì đã xảy ra kể từ cuộc gặp tại Singapore?
Một thỏa thuận đạt được ở đó cho biết Bắc Hàn sẽ tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng không đề cập bất kỳ mốc thời gian, chi tiết hoặc cơ chế để xác minh quá trình này.
Tháng trước, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc, đồng minh của Bắc Hàn, phá hoại tiến trình phi hạt nhân do căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Các cáo buộc đưa ra là gì?
Dưới đây là những gì được truyền thông Mỹ nêu ra hồi tháng 7/2018:
§  Địa điểm làm giàu hạt nhân chính thức duy nhất của Bắc Hàn tại Yongbyon đang được nâng cấp.
§  Nước này đang đẩy nhanh việc làm giàu ít nhất là hai hoặc có thể hơn nữa các địa điểm, bên cạnh Yongbyon.
§  Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất thêm các xe chở bệ phóng tên lửa đạn đạo di động.
§  Bình Nhưỡng cũng đã phát triển việc sản xuất tên lửa với động cơ sử dụng nhiên liệu khô, có khả năng di động cao hơn và dễ phóng hơn.
Các tường thuật này có độ tin cậy đến đâu? Đó "chỉ là" các tường thuật, nhưng có vẻ như chính xác, theo đánh giá của những nhà quan sát đáng nể trọng chuyên theo dõi tình hình Bắc Hàn.
Thông tin được đưa ra dựa trên các nguồn ẩn danh từ giới tình báo Hoa Kỳ cũng như từ nghiên cứu của trang 38 North đối với các ảnh chụp vệ tinh địa điểm Yongbyon.

Nhiên liệu khô và các bệ phóng di đông sẽ là một bước tiến lớn cho Bình Nhưỡng.  KCNA

Các cáo buộc nghiêm trọng đến đâu?
"Không hoạt động nào trong số này vi phạm tới bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra tại kỳ họp thượng đỉnh Singapore giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un," Vipin Narang, giáo sư ngành khoa học chính trị tại MIT và là chuyên gia về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, nói.

Trong tuyên bố ra cuối kỳ họp thượng đỉnh, Bình Nhưỡng chỉ đồng ý hợp tác hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng coi là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn.
Chi tiết về tiến trình này vẫn đang được hai bên bàn thảo.

"Sẽ không bao giờ là chuyện đơn phương, ngay lập tức," ông Narang nói. "Cho nên Kim Jong-un tự do tiếp tục vận hành các địa điểm đã có."
Tuy nhiên, các tường thuật về việc Bắc Hàn tiếp tục hoạt động hạt nhân vẫn bị coi là hành động làm xói mòn tới tinh thần cuộc họp thượng đỉnh, và gây nghi ngờ về sự thành thật của Bình Nhưỡng trong việc phi hạt nhân hóa.
"Bức tranh lớn hơn ở đây là chương trình hạt nhân của Bắc Hàn vẫn tiếp diễn, được thực hiện dưới sự điều hành của Kim Jong-un, thể hiện qua bài diễn văn của ông hồi tháng Giêng, khi ông thúc giục viêc tiếp tục sản xuất đầu đạn và tên lửa đạn đạo," Ankit Panda, biên tập viên tạp chí The Diplomat nói.

Ông Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa.  REUTERS

Việc gây áp lực có đem lại hiệu quả không?
Câu hỏi hiện nay là liệu trong thời hậu kỳ họp thượng đỉnh Singapore thì kiểu gây áp lực thế này liệu có ép Bình Nhưỡng đi vào đúng hướng được không.
Từ những gì mới được công bố trong các tường thuật mới đây thì việc Bắc Hàn tiếp tục nỗ lực hạt nhân, quân sự cho thấy nước này có ý duy trì năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thậm chí còn đang tiếp tục sản xuất các thứ vũ khí này.
"Có thể là Bình Nhưỡng đang tính toán rằng bất kể thế nào thì Trung Quốc cũng đã có những hành động tối đa trong vấn đề trừng phạt Bắc Hàn. Và Hoa Kỳ thực sự không thể tiếp tục mà không có sự ủng hộ của Trung Quốc," ông Narang nói.
"Kim Jong-un có thể đơn giản nói rằng 'Tôi đã làm những gì cần phải làm để phá vỡ chiến dịch gây áp lực tối đa' - và tôi cho rằng có lẽ ông ấy đã đúng."






No comments:

Post a Comment

View My Stats