Thursday, 11 May 2017

TÂN TÔNG THỐNG MOON JEA-IN : LÁ BÀI TẨY TRONG VỤ KHỦNG HOẢNG BẮC HÀN (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
May 10, 2017

Cuối cùng thì thương lượng có lẽ vẫn là giải pháp duy nhất để chấm dứt vụ khủng hoảng ở Triều Tiên và phương cách này sẽ chỉ có hiệu quả với sự chủ động bởi hai chính quyền Nam-Bắc.

Tân Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in. (Hình: Getty Images)

Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng chưa bao giờ một cường quốc nào có thể can dự để giải quyết hoàn toàn mọi vấn đề ở một quốc gia hay dân tộc khác, với tác động dù sâu rộng thế nào cũng chỉ là nhất thời và tạo thêm những hậu quả tai hại ngoài dự tính về sau.

Dù cho tình hình căng thẳng lên cao nhất hiện nay ở bán đảo Triều Tiên từ sau cuộc đình chiến Nam-Bắc năm 1953, ít ai tin là sẽ xảy ra chiến tranh. Thái độ thách thức ngoan cố của lãnh tụ Bắc Hàn 33 tuổi Kim Jong Un và phản ứng chứng tỏ ý chí mạnh mẽ của vị tổng thống Mỹ mới nắm quyền lực hơn 3 tháng Donald Trump đều không phải là những biểu hiện diễn tả nội dung đích thực.

Khó để cho Tổng Thống Donald Trump có thể quyết định mở cuộc tấn công Bắc Hàn vì những hậu quả nặng nề của một cuộc chiến tranh như thế. Dù Bắc Hàn không có khả năng gây nhiều thiệt hại cho quân đội Mỹ nhưng tổn thất về phía Nam Hàn sẽ không thể đo lường và giới hạn được ở mức nào. Ông Trump buộc phải có trách nhiệm và cân nhắc chuyện ấy vì chưa ai biết nhà lãnh tụ trẻ tuổi và ban lãnh đạo Bắc Hàn dám hành động táo bạo đến đâu.

Sau cùng, khi Bắc Hàn đã hoàn toàn bị đánh bại thì cũng chưa phải là xong chuyện. Công cuộc trợ giúp tái thiết và ổn định đất nước này là gánh nặng không nhỏ mà dù muốn dù không Mỹ phải nhận chịu, chưa kể hàng triệu dân tị nạn Bắc Hàn sẽ tràn qua Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản gây xáo trộn xã hội và kinh tế cho các nước này.

Thuần túy về mặt quân sự, thì lực lượng hùng hậu của Mỹ hiện nay đang hiện diện trong vùng, bao gồm Hải Ðoàn 1 với hàng không mẫu hạm Carl Vinson cùng nhiều chiến hạm kể cả tàu ngầm nguyên tử, chưa phải là đủ cho một trận chiến với quy mô lớn lao như vậy. Việc triển khai lực lượng được chính thức giải thích là để thực hiện những cuộc tập trận với quân đội đồng minh Nam Hàn và Nhật. Thực chất đây chỉ là sự biểu dương lực lượng theo lối gọi là “ngoại giao pháo thuyền” quen thuộc, để trực tiếp gây áp lực Bắc Hàn và gián tiếp nhằm thúc đẩy Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình trợ lực bằng ngoại giao.

Nhưng có thể tin rằng Mỹ cũng như Trung Quốc không thể hoàn toàn định đoạt kết quả cho giải pháp ngoại giao ấy. Yếu tố mới để mở lối thoát trong vụ khủng hoảng có lẽ sẽ là vị tân tổng thống Nam Hàn được bầu lên trong cuộc bầu cử ngày 9 Tháng Năm.

Theo những thăm dò thì hầu như chắc chắn đó là ông Moon Jae-in, 64 tuổi, đảng trung tả Dân Chủ, ứng cử viên tổng thống năm 2012 đã bị bà Park Geun-hye đánh bại sít sao, nhưng nay thì bà Park đang ở trong tù sau khi bị truất phế.

Chủ trương khi tranh cử của ông Moon là không cô lập mà can dự vào Bắc Hàn, bằng cách tiếp cận hợp tác với Kim Jong Un.

Ông tuyên bố: “Bắc và Nam là một dân tộc chung tiếng nói và văn hóa từ 5,000 năm. Tối hậu chúng tôi phải thống nhất.” Quan điểm của ông là không giải phóng Bắc Hàn mà từng bước thận trọng tiếp cận với chế độ độc tài hũ nút này.

Cha mẹ Moon Jae-in là dân tị nạn từ Bắc Hàn năm 1950 và ông chào đời ở Nam Hàn vào thời gian cuối chiến tranh. Do đó ông có quyền nói: “Bố tôi chạy khỏi Bắc Hàn và thù Cộng Sản. Tôi cũng ghét chế độ ấy nhưng điều đó không có nghĩa là tôi muốn bỏ mặc dân chúng miền Bắc chịu sự đàn áp.” Ông cho rằng: “Sự đối kháng Nam-Bắc hiện nay không giúp ích cho ai cả.”

Ông Moon đã sống qua tuổi thơ ấu trong cảnh nghèo khó thời hậu chiến. Nhưng theo ông hoàn cảnh ấy giúp ông sớm trưởng thành hơn nhiều người đồng tuế, và nhận thức được rằng “tiền bạc không phải là cái quan trọng nhất trong cuộc đời.”

Sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành luật sư chuyên về nhân quyền và dân quyền, ông Moon hợp tác và làm việc với ông Roh Moo-hyun, người sau đó trở thành tổng thống thứ 9 của Nam Hàn (2003-2009). Thời gian làm đổng lý văn phòng cho Tổng Thống Roh, ông đã trợ giúp thực hiện được cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc, Roh Moo-hyun – Kim Jong il, bố của Kim Jong Un, năm 2007, và khởi sự cuộc hội đàm nguyên tử 6 bên – Bắc Hàn, Nam Hàn, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc.

Quan điểm của ông Moon Jae-in là không nên cô lập hóa Bắc Hàn: “Dù cho chúng ta đều coi Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo phi lý, vẫn phải chấp nhận Kim đang cai trị Bắc Hàn và cần đối thoại với ông ta.” Có nhiều dấu hiệu khác cho thấy Kim sẵn sàng nói chuyện với Nam Hàn mặc dầu ít có hy vọng có thể đạt tới thỏa hiệp nào về vũ khí nguyên tử, một nhu cầu sống còn của chế độ độc đoán bằng sự thể hiện sức mạnh trên cả hai mặt quốc nội và quốc tế. Nhưng theo ông Moon thì đối thoại Nam-Bắc sẽ chỉ có ý nghĩa nếu có được bảo đảm về sự ngưng, nếu chưa phải là chấm dứt hẳn, chương trình phát triển nguyên tử.

Tuy nhiên, Bắc Hàn luôn luôn là một chế độ khó hiểu và không đáng tin cậy. Chính sách “Ánh Dương” do Tổng Thống Nam Hàn Kim Dae-jung đề xướng đã đưa tới sự hòa hoãn giữa hai miền Nam-Bắc từ 1998 đến 2008. Nhưng những giới chỉ trích cho rằng $4.5 tỷ trợ giúp của miền Nam trong thời gian ấy chỉ làm củng cố chương trình phát triển nguyên tử của miền Bắc.

Ông Moon Jae-in cũng hiểu rằng thống nhất đất nước sẽ tạo nên một gánh nặng tài chính khổng lồ cho Nam Hàn. Do đó theo ông, bước đầu phải là hợp tác kinh tế Nam-Bắc. Ông muốn các xí nghiệp Nam Hàn có thể khai thác được nhân công rẻ ở Bắc Hàn, và điều này có lợi ích cho cả hai miền đang trải qua thời kỳ khó khăn.

Còn rất nhiều trở ngại khác cho chủ trương hòa giải của ông Moon Jae-in, trong mối quan hệ phức tạp giữa Bắc Hàn, Nam Hàn, Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ông cho rằng chính sách đối phó kiên nhẫn của Tổng Thống Barack Obama cũng như chính sách tìm cách lôi cuốn Trung Quốc của Tổng Thống Donald Trump đều không có hiệu quả.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg tuần trước, Tổng Thống Trump đã trở lại với lời ông đã nói khi tranh cử là sẵn sàng gặp Kim Jong Un. Dù cho điều này có thể thành hiện thực hay không thì “tân tổng thống” Moon Jae-in chắc chắn vẫn đóng một vai trò thiết yếu cho kết quả trong tất cả mọi thương lượng và thỏa hiệp.

—————–
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats