Kính
Hòa, phóng viên RFA
2017-05-16
2017-05-16
Đầu tháng năm, năm 2017, tại thủ đô Washington, Hoa
Kỳ có diễn ra một cuộc hội thảo về cuốn sách lịch sử mang tên Vietnam the
New History, của nhà sử học Christopher Gosha, tạm dịch, Việt Nam
cái nhìn lịch sử mới. Ông Gosha hiện dạy sử tại Đại học Quebec ở Montreal,
Canada, ông cũng từng nghiên cứu lịch sử và học tiếng Việt tại Việt Nam. Trong
quyển sách này tác giả cho rằng lịch sử được dạy ở Việt Nam như một công cụ
chính trị.
Sau đây là phân tích của một số nhà quan sát và sử học
về cách thức viết sử tại Việt Nam, cũng như là sự thay đổi từ từ của nhà nước
Việt Nam về cách viết sử.
Lịch
sử là một công cụ chính trị
Một điểm quan trọng trong quyển sách mới của sử gia
Christopher Gosha về sách lịch sử của Việt Nam là cách mà lịch sử được trình
bày bên trong Việt Nam trong mấy chục năm qua:
“Ở Việt Nam, có lẽ là hơn nhiều nơi khác, nhất là
khi so với người Mỹ, người Pháp, lịch sử được dùng để phục vụ cho việc vinh
danh các cuộc chiến tranh. Sách giáo khoa lịch sử phải bảo đảm làm sao cho những
người trẻ tuổi học về các cuộc kháng chiến chống xâm lược, từ xưa đến nay. Điều
tôi thấy ở đây là sự huy động ở mức rất cao phương tiện lịch sử cho các mục
đích chính trị. Một sự huy động các nhà viết sử chính thống được đảng chấp nhận
nữa.”
Sự huy động phương tiện lịch sử cho các mục đích
chính trị mà ông Gosha nêu ra, còn được một số nhà quan sát chính trị xã hội Việt
Nam gọi là sự định hướng.
Khi trao đổi với chúng tôi về sách giáo khoa lịch sử
Việt Nam ở trong nước, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc
tế tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói:
“Chương trình (lịch sử) ở một chế độ, một đất nước
như Việt Nam thì người ta cần phải định hướng. Có những sự kiện người ta không
thể đề cập đến một cách đầy đủ, mà chỉ trình bày theo một chiều hướng nào đó.”
Ông Lê Hồng Hiệp nói rằng cách trình bày như vậy sẽ
làm cho các học sinh Việt Nam bị thiệt thòi vì không biết đầy đủ các sự kiện lịch
sử đã xảy ra.
Một cựu giáo viên dạy sử hiện sống tại Đà Nẵng nói rằng
cách thức trình bày lịch sử tại Việt Nam hiện nay là theo quan điểm Marxism, tức
là tất các sự kiện lịch sử sẽ được đưa về giải thích bằng sự mâu thuẫn giai cấp,
một điểm cốt lõi của học thuyết chính trị xã hội này.
Trong các sách giáo khoa lịch sử Việt Nam, giai đoạn
từ khi đảng Cộng sản Đông dương được thành lập vào năm 1930 trở về sau chiếm rất
nhiều chương. Trong khi giai đoạn lịch sử trước đó kéo dài hàng ngàn năm thì
chiếm thời lượng ít hơn, cũng như giai đoạn Pháp thuộc, giai đoạn Việt Nam Cộng
Hòa cũng sơ sài. Theo ông Gosha thì lẽ ra lịch sử Việt Nam phải được viết một
cách kỹ lưỡng hơn về quá khứ của nó, và bên cạnh đó những thời gian và không
gian lịch sử trong thời hiện đại cũng không nên bị bỏ qua, vì Việt Nam ngày nay
là tổng hợp của những cái đó.
Ông Gosha nói rằng nước Việt Nam hiện đại ngày nay
được hình thành dựa trên những điều kiện đã có trước đó không thể bỏ qua được.
Ông đưa ra các chủ đề như là giai đoạn Việt Nam là thuộc địa của đế quốc Trung
Hoa đã đem đến cho Việt Nam những ý tưởng về nhà nước, về luật, hay là Việt Nam
vừa bị thuộc địa bởi người Trung Quốc, người Pháp, đồng thời cũng chinh phục
các lãnh thổ khác của người Chăm, người Khmer để làm thuộc địa, và trong tất cả
quá trình đó, những con người khác nhau, những ý tưởng khác nhau đã tương tác lẫn
nhau để tạo nên Việt Nam ngày nay. Ông nói về một số chương sách của ông:
“Trong quyển sách của tôi, tôi cố trình bày câu
chuyện xứ Đông Dương thuộc Pháp vốn bị các nhà viết sử chính thống Việt Nam bỏ
qua, và tôi cũng cố gắng trình bài về những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa.
Ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn (phe cộng sản), đương nhiên, nhưng còn có Việt Nam
thứ hai nữa, Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam này bị thất bại, nhưng không phải vì
thất bại mà bỏ nó ra khỏi dòng lịch sử.”
Theo ông Gosha đã có những ý tưởng thách thức cách
viết sử của các nhà sử học chính thống, ông lấy ví dụ như hai nhà văn Dương Thu
Hương, và Bảo Ninh đã nêu lên cách nhìn chiến tranh của mình không giống như lịch
sử chính thống của nhà nước trong các tác phẩm của họ.
Bảo Ninh và Dương Thu Hương là hai nhà văn lớn lên từ
miền Bắc dưới chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu lịch sử khác đã quá cố là ông Tạ
Chí Đại Trường cũng có cách ghi nhận lịch sử không giống với các nhà viết sử
chính thống. Trong quyển sách của ông tên gọi Lịch sử nội chiến Việt
Nam, ông đã phân tích những khiếm khuyết của triều đại nhà Tây Sơn, trong
khi đó triều đại này thường được lịch sử của nhà nước Việt Nam ca ngợi, thậm
chí gọi đây là cuộc cách mạng của giai cấp nông dân.
Ông Tạ Chí Đại Trường là một nhà sử học của miền Nam
Việt Nam, nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại miền Nam trước năm 1975, và tại Hoa Kỳ
sau năm 1975.
Sự
thay đổi
Tuy nhiên với sự mở cửa của xã hội Việt Nam, một số
sách lịch sử có cách viết khác với lối viết chính thống được chấp nhận tại Việt
Nam. Vào năm 2007, quyển sách Lịch sử nội chiến Việt Nam của
ông Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản tại Việt Nam, nhưng buộc phải đổi tên là
Nước Việt Nam thời Tây Sơn.
Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, cựu hiệu trưởng trường
Đại học Hoa Sen tỏ ý cẩn trọng khi nói với chúng tôi về việc xuất bản quyển
sách này ở Việt Nam:
“Người mà xuất bản thì muốn xuất bản với cái nội
dung, cho nên sự đổi tên là một sự nhượng bộ để có thể xuất bản được. Khi mà có
thể thay đổi thì người ta nói lại cho đúng thôi. Sẽ có sự thay đổi nếu nó đến từ
những người trước đây không đồng ý, tôi không nghĩ rằng những người đó đã thay
đổi.”
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà hoạt động
chính trị và nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện sống ở Pháp thì chính phủ Việt
Nam đã có nhiều nhân nhượng về cách thức viết lịch sử. Ông đưa ra ví dụ là vào
năm 2014, ông Tạ Chí Đại Trường đã được một quĩ nghiên cứu độc lập tại Việt Nam
là Quĩ Phan Chu Trinh trao giải thưởng về các công trình của ông, trong đó có
quyển sách Lịch sử nội chiến Việt Nam. Và trong bản tin của báo Tuổi trẻ thành
phố Hồ Chí Minh vào tháng ba năm 2016 về việc qua đời của nhà sử học Tạ Chí Đại
Trường, tên quyển sách được gọi theo tên gốc của nó là Lịch sử Nội chiến Việt
Nam chứ không phải là Việt Nam thời Tây Sơn như lần xuất bản năm 2007.
Khi chúng tôi hỏi ông Gosha là liệu sắp tới đây các
nhà viết sử bên trong Việt Nam sẽ thay đổi cách viết của họ hay không, ông cho
rằng trong tương lai gần thì điều đó không xảy ra.
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment