Christopher
R. Hill, Project
Syndicate
Biên
dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 15/05/2017 by The Observer
Việc xâu chuỗi các điểm chiến lược gồm Afghanistan,
Syria và Triều Tiên đã trở thành một việc không thể không làm. Chỉ bằng cách đó
thì thế giới mới bắt đầu nhận thức được điều gì đó giống như một cách tiếp cận
mạch lạc, dù lệch hướng, về chính sách đối ngoại Mỹ của Chính quyền Tổng thống
Donald Trump.
Hãy bắt đầu với cuộc tấn công quân sự vào sân bay của
Syria, nơi mà chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã tiến hành một vụ tấn
công bằng vũ khí hóa học. Phải chăng loạt bắn các tên lửa Tomahawk chỉ đơn giản
nhằm gửi đi một thông điệp như chính quyền Trump tuyên bố? Hành động này có hàm
ý một cách tiếp cận mang tính can thiệp mạnh hơn vào cuộc nội chiến bế tắc ở
Syria?
Người ta có thể tự hỏi rằng liệu cuộc tấn công đó có
thể hiện một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn về tổng thể hay không. Không lâu
sau đó, quân đội Mỹ đã được trao toàn quyền hành động từ vị Tổng Tư lệnh của
mình, thả một quả “bom mẹ” (Massive Ordinance Air Blast – MOAB) – bom phi hạt
nhân lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ – lên Afghanistan. Mục tiêu ngay tức thời
chính là phá hủy một hệ thống đường hầm được Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng
(IS) sử dụng. Câu hỏi đặt ra là quả bom MOAB được thả xuống có phải chỉ vì mục
đích đó hay không. Trong khi đó, chúng ta đều biết rằng Triều Tiên vẫn thường
chôn giấu các thiết bị quân sự của mình dưới lòng đất.
Trump vừa ra lệnh cho nhóm tàu sân bay Hải quân Mỹ
di chuyển đến vùng hải phận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng
thẳng xung quanh các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tăng lên. Trong
tình hình này, dường như chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên của
Cựu Tổng thống Obama có khả năng sắp bị thay thế.
Tuy nhiên, dù dựa vào việc phô trương sức mạnh cứng
một cách ngoạn mục ở mức độ nhiều hơn Obama đã làm, Trump có vẻ như vẫn chưa lựa
chọn một cách tiếp cận ngoại giao bao trùm nào. Sau khi hăm hở cho các nhà ngoại giao được bổ nhiệm dưới
thời Obama thôi chức vụ vào ngày nhậm chức Tổng thống, Trump vẫn chưa bổ sung
các vị trí chủ chốt còn trống, gồm có Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung
Quốc.
Bất kỳ một lượng nhỏ các nỗ lực ngoại giao nào, ví dụ
như cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa rồi của Trump, cũng
tồn tại như chỉ để hỗ trợ cho các giải pháp quân sự. Lẽ ra cách tiếp cận phải
ngược lại, tức lực lượng quân đội nên được dùng để hỗ trợ cho ngoại giao. Đúng
như Đại tướng nước Phổ Carl von Clausewitz đã quan sát một cách tinh tế: Chiến
tranh là một công cụ nghiêm trọng cho một mục tiêu nghiêm trọng.
Giờ hãy xét đến tình hình tại Afghanistan. Richard
Holbrooke quá cố, người có thể được coi là nhà ngoại giao Mỹ vĩ đại nhất vào thời
đầu thế kỷ này, đã tìm cách đàm phán với những kẻ nổi dậy Taliban. Mặc dù không
phải tất cả mọi phiến quân Taliban ở Afghanistan sẽ cởi mở với phương án đối
thoại, ông tin rằng Mỹ có thể lôi kéo và khuyên giải một số lượng vừa đủ trong
số họ, từ đó làm suy yếu các phe phái cực đoan nhất. Đường lối này của
Holbrooke là một cách tiếp cận chiến lược thông minh, gợi lại chính sách “chia
để trị” của Đế chế La Mã trước kia.
Trái lại, quân đội Mỹ dưới sự chỉ huy của Trump đã
cho thả các quả “bom mẹ”. Có thể chính quyền Trump nghĩ đến phương án đơn
phương rút quân khỏi Afghanistan như chính quyền Obama đã từng nghĩ đến trước
đây. Tuy nhiên, dưới thời Trump, Mỹ có thể cho thả một vài quả “bom mẹ” nữa
trong quá trình rút quân.
Chính quyền Trump có vẻ như đồng tình với chính quyền
tiền nhiệm ở một mục tiêu chiến lược khác – lật đổ Assad tại Syria. Nhưng điều
gì sẽ xảy đến tiếp theo? Liệu những phần tử Hồi giáo Sunni chiếm đa số lực lượng
đối lập trên thực địa có thực sự buông vũ khí xuống, từ bỏ thứ chủ nghĩa cực
đoan gây rắc rối của mình, và theo đuổi cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc
dưới sự điều hành của một chính phủ dân chủ?
Trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng ta đều không
tìm được câu trả lời, bởi Assad vẫn đang chiến thắng. Ông ta có được sự ủng hộ
từ các đồng minh hùng mạnh, gồm Nga và Iran, và phe đối lập thì bị chia rẽ một
cách tuyệt vọng. Ngay cả Quân đội Syria Tự do thực ra cũng bao gồm những toán
quân khác nhau, hầu như không có triển vọng thống nhất, và thậm chí còn có ít
hi vọng hơn trong việc lật đổ được chế độ Assad. Lựa chọn hợp lý nhất để chấm dứt
cuộc chiến tại Syria chính là sự hợp tác giữa Mỹ cùng các cường quốc toàn cầu,
trong đó có cả các đồng minh của Assad, những nước công nhận sự cần thiết phải
giải quyết vấn đề bằng giải pháp ngoại giao dựa trên sự chia sẻ quyền lực và
phân quyền của chính phủ.
Triều Tiên cũng phải chịu đựng một nhà lãnh đạo độc
tài chưa có kế hoạch từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, không như Assad, Kim Jong Un
lúc này có thể cho nổ một thiết bị hạt nhân khác vào bất kỳ lúc nào.
Chưa kể, những gì mà một cách tiếp cận quân sự có thể
đạt được vẫn có những hạn chế ở đây, cho dù điều đó không thể ngăn cản Phó Tổng
thống Mike Pence đưa ra tuyên bố gần đây rằng “mọi lựa chọn đều đang được cân
nhắc”. Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã dành toàn bộ thời gian của
mình trên đất Hàn Quốc cho việc gặp gỡ Tư lệnh Quân sự Mỹ tại đây vào tháng trước,
thay vì gặp các nhân viên của chính mình, tức các nhà ngoại giao làm việc tại
tòa Đại sứ quán Mỹ.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham còn đi xa hơn khi đề
xuất phương án tiến hành một cuộc tấn công vào Triều Tiên ngay bây giờ, trước
khi chế độ này có thể phát triển các tên lửa cần thiết cho việc phóng vũ khí hạt
nhân đến Mỹ, dù rằng việc Triều Tiên có thể phóng chúng đến Hàn Quốc đã là điều
hiển nhiên. Graham tự nhận mình là một người thực dụng; nhưng việc hủy hoại niềm
tin đã làm nền tảng cho liên minh Mỹ – Hàn lại chẳng mang tính thực dụng chút
nào.
Hầu như không ai trong nước Mỹ có mong muốn sử dụng
hành động quân sự như Graham, bởi điều này sẽ đặt 20 triệu người Hàn Quốc vào mối
đe dọa hiện hữu nhất. Một vài người ủng hộ việc tiến tới một thỏa thuận với chế
độ nhà họ Kim, theo đó Triều Tiên tạm ngừng các vụ thử vũ khí để đổi lấy việc dừng
các cuộc tập trận quân sự Mỹ – Hàn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng làm suy yếu
liên minh Mỹ – Hàn, dù ở mức độ nhẹ hơn, trong khi lại không giúp gì cho việc
kiềm chế tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tình hình tại
Syria, Afghanistan và Triều Tiên có những khác biệt lớn, nhưng chúng có một vài
điểm chung. Tất cả đều là những thách thức nghiêm trọng đối với chính sách đối
ngoại của chính quyền Trump. Và chẳng thách thức nào trong số đó có thể được giải
quyết mà không cần đến các chiến lược ngoại giao toàn diện.
Người ta thường nói, 80% của thành công là ở việc bắt
tay vào làm. Tuy nhiên, trong ngoại giao, chìa khóa để thành công lại là việc
thực hiện tới cùng, biến tầm nhìn bao trùm của các nhà hoạch định chính sách cấp
cao thành một chiến lược mạch lạc, qua đó định hướng cho các công việc thường
nhật nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh trên khắp thế giới. Đó không
phải là điều mà quân đội có thể một mình đảm đương.
*
Christopher R.Hill, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ
phụ trách Đông Á, là Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan,
Phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ về Kosovo, Nhà đàm phán của Hiệp định hòa bình
Dayton, và là Nhà đàm phán chính của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên từ 2005 – 2009.
Ông hiện là Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Korbel, Đại học Denver, và
tác giả của cuốn Outpost.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Trump’s
Diplomatic Deficit
No comments:
Post a Comment