Monday, 22 May 2017

PHIÊN CHỢ LẠ LẪM MIỀN BIÊN VIỄN (Trần Tuấn - Lao Động Online)




Trần Tuấn  -  Lao Động Online
7:0 AM, 22/05/2017

Trên đỉnh trời ở cột mốc ranh giới quốc gia Việt - Lào quanh năm mây mù che phủ ấy, mỗi tháng diễn ra 3 phiên chợ trao đổi hàng hóa giữa người Việt với người Lào vùng biên. Sản phẩm mà họ đem bán chủ yếu được hái lượm từ rừng núi, hoặc “cây nhà, lá vườn” tự trồng, nuôi được.

Người phụ nữ Lào này đi chợ biên chỉ để bán mấy cục đá nhặt trên suối dùng để mài dao..

Chợ một tháng chỉ họp 3 ngày...

Tôi có người quen từ miền xuôi lên định cư ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ở xa, cứ mỗi lần gọi điện chuyện trò là anh nằng nặc “gắng thu xếp lên chơi rồi anh dẫn đi chợ biên một lần cho biết”. Với anh ấy, chợ biên như là món quà đãi khách xa để họ được gặp gỡ người Lào, ăn những sản vật của Lào và đặc biệt, cảm nhận được nét văn hóa, con người vùng cao ở biên giới hai nước Việt - Lào tại cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Lời mời “chiêu đãi” bữa đi chợ biên của anh ấy khiến tôi thật sự háo hức, nhiều lần hứa sẽ thu xếp đi một chuyến. Ấy thế mà cứ thất hẹn mãi.... phần vì do bộn bề công việc, đường xa xôi, hiểm trở. Mà có lẽ cái chính là do phiên chợ ấy quá đặc biệt - tháng chỉ diễn ra được 3 ngày vào mồng 10, 20, 30 nên chưa kịp lên đường đã qua phiên chợ. Không để ông anh thất vọng về sự thất hẹn mãi, ngày 10 vừa rồi tôi tặc lưỡi gật đầu vượt gần 400km từ Hà Tĩnh lên anh chơi một chuyến rồi đi chợ biên cùng anh.

Đón xe khách chạy suốt đêm, khi trời vừa mờ sáng tôi đã có mặt tại thị trấn Mường Xén. Chúng tôi cưỡi con xe bán tải băng băng qua bao đèo dốc, khúc cua ngoằn ngoèo, chìm khuất trong màn sương dày đặc vượt quãng đường hơn 20km đến Cửa khẩu Nậm Cắn thì thấy chợ thoáng hiện ra trước mặt.

Xuất trình giấy tờ cần thiết qua cửa khẩu rồi chạy khoảng hơn trăm mét là vào đến chợ biên ở Nậm Cắn. Nhìn tổng quát, chợ hình bán nguyệt dài khoảng vài trăm mét nằm bên triền núi, bên này là Cửa khẩu Nậm Cắn của nước ta, bên kia là cửa khẩu nước bạn Lào, hai cửa khẩu cách nhau chỉ mấy trăm bước chân. Chợ khá hoang sơ, không có cổng, chẳng có tên. Phần lớn, mọi người có gì bán đều tự lót bạt giữa nền đất đá lởm chởm rồi bày hàng ra. Chỉ có ít gian hàng bán hàng thổ cẩm, băng, đĩa nhạc, thuốc bắc..., ở phía cuối chợ đã có ki ốt dạng khung sắt dựng tạm, lợp mái tôn.

Đảo một vòng quanh chợ, tôi bắt chuyện hỏi về giá cả bằng tiếng Kinh thì hết người này đến người khác đều lắc đầu đáp lại bằng tiếng bản địa mà tôi không hiểu. Người đàn ông đi cùng tôi do sống lâu ở vùng này nên cũng biết tiếng Mông, Thái sơ sơ. Anh bắt chuyện hỏi giúp tôi, nhưng gặp người dân tộc Mông, Thái của nước mình thì có thể hỏi chuyện được ít câu. Còn với người Lào thì anh cũng... đầu hàng. Trước tình thế này, chúng tôi đã phải thuê một người bản địa là anh Thò Bá Chà (35 tuổi, người dân tộc Mông, quốc tịch Việt Nam) nhà ngay cạnh chợ, làm... “thông ngôn” giúp. 

Hàng thổ cẩm của người Lào được bày bán ở chợ.

Anh Chà là người có hàng chục năm làm nghề mua bò ở Lào về Việt Nam bán nên nói tiếng Lào rất sành sỏi. Tôi hỏi, sao ở chợ này hỏi mãi không ai biết tiếng Kinh vậy? Anh Chà cười rồi trả lời “Ở đây hai phần là người Lào, một phần là người Mông, người Thái của ta. Họ chủ yếu nói tiếng dân tộc với nhau thôi, ít người biết tiếng Kinh”. Tôi lại hỏi, vậy chợ này không có người Kinh bán? anh Chà nói “Có, mà ít lắm. Ai là người Kinh đến bán buôn ở đây thì ít ra cũng phải biết nói tiếng Mông, tiếng Thái”.

Cục đá trên suối cũng nhặt đem bán

Sản phẩm được người bản địa đem bán ở chợ này rất bình dị. Đó là hoa chuối rừng, măng rừng, rau má, hạt tiêu rừng, gà rừng... Đặc biệt, có người đi chợ chỉ bán mấy cục đá nhặt ở suối. Qua anh “thông ngôn”, người đang bán mấy cục đá rừng ấy tên là Già Y Sầu (30 tuổi, người ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào). Những cục đá có hình chữ nhật, lớn bằng hai bàn tay úp lại ấy được chị Sầu nhặt trên khe, suối ở rừng về đưa ra chợ bán với giá 30.000đ/cục. Đá có màu vàng sẫm, rất nhám. Người ta mua những cục đá ấy về để mài dao, rựa. “Đá này sao bằng đá nhám đúc sẵn được?” Tôi băn khoăn thì anh Chà nói “Chú nhầm rồi. Đá này chất lượng hơn, cứ mua thử một cục về dùng sẽ biết. Đảm bảo mài dao, rựa sắc khỏi chê, là đá tự nhiên nên dùng được lâu, rất ít bị hao mòn”.

Một phụ nữ Lào khác ngồi bên cạnh bán sợi dây buộc vào một túi “tí hon” bọc trong mảnh vải thổ cẩm lớn bằng một đốt ngón tay, chẳng biết bên trong đựng những gì. Đó là sợi dây “bùa” để những ai hay bị giật mình trong giấc ngủ, hay bị ám ảnh... thì mua đeo vào. Theo cách lý giải của anh Chà là dùng để trừ tà. Cạnh đó là vài ki ốt hàng thổ cẩm bày bán những chiếc váy sặc sỡ, đan xen nhiều màu, những chiếc khăn đội đầu đan rất tinh tế, thêu hoa văn đẹp mắt. Tiếp nữa là hàng thuốc nam dân tộc với hàng chục vị thuốc lạ, nhìn qua ngỡ như có cây hoa, lá cỏ gì ở rừng cũng được lượm lặt về đây làm bài thuốc. Hàng trăm mặt hàng bày bán ở đây, có nhiều thứ rất lạ lẫm, ấn tượng.

Gần trưa, khá đói bụng. Tôi hỏi anh Chà, ở đây món gì là đặc sản? Anh Chà dẫn chúng tôi vào một quán bia cạnh chợ. Ở đó, chủ quán là người Lào đang nướng những con gà thơm lừng. Anh Chà bảo “Đấy, món gà đen của Lào nướng là đặc sản, muốn ăn lúc nào cũng có”. Gà đen Lào được nuôi thả tự do đi bới giun, dế trong vườn, nên thịt rất chắc, thơm ngon đặc biệt. Gọi một con gà đen nướng uống với bia Lào vị đậm nồng, tôi thật sự bị mê hoặc. Đánh chén xong mà vẫn chưa muốn rời quán. Anh bạn người quen thấy tôi ăn uống ngon lành nên vỗ vai nói “Lúc nữa về tôi mua cho cậu cặp gà đen về làm quà. Đảm bảo người nhà ăn không mê mới lạ”.

Sản phẩm măng rừng được bán phổ biến ở phiên chợ.

Tăng giao thương hàng hóa Việt - Lào

Mặt trời gần đứng bóng, người bắt đầu vãn dần. Mặc cho tiếng xì xào của người buôn, kẻ bán, tiếng lợn éc, gà kêu... những đứa trẻ “đi chợ bất đắc dĩ” vẫn ngủ say sưa trên lưng mẹ. Tôi hỏi sao những đứa trẻ còn quá bé, có cháu tầm mới chỉ 5-7 tháng tuổi như thế mà người ta đã đưa đi chợ giữa bao ồn ào, bụi bặm, nóng nực? Anh Chà nói, với người dân tộc thiểu số ở đây, cả người Việt và người Lào đều có thói quen như thế. “Họ cứ địu theo con đi chợ, đi rẫy, lên nương.... Như thế để mẹ làm được việc, con khóc đòi bú lúc nào cho bú lúc đó. Không phải mất công có người ở nhà giữ con” - anh Chà giải thích.

Muốn hỏi dăm ba điều về việc quản lý hoạt động ở chợ này nhưng tôi tìm đỏ mắt vẫn không thấy ban quản lý chợ ở đâu. Anh Chà nói, chợ này không có ban quản lý. Mọi người tự giao thương, thỏa thuận trao đổi mua bán với nhau. Hỏi ông Phan Sỹ Thắng - Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, ông Thắng nói rằng, chợ đó nằm ở phía bên kia cột mốc biên giới, thuộc đất Lào, do Lào mở ra và quản lý. Ông cũng không rõ là chợ có ban quản lý hay không, chỉ biết rằng, với những người dân đến bán buôn ở đó đều phải nộp thuế cho Lào. Ông Thắng kể rằng, chợ biên đó ra đời từ những năm 93, 94 của thế kỷ trước. Chợ từng hai lần nằm bên phần đất của ta, sau đó dời về đất Lào. Địa điểm như bây giờ mới chuyển đến được hai năm và đã là lần di dời thứ 5.

“Có những lần chợ dừng hoạt động cả năm. Nhưng rồi vì nhu cầu giao thương buôn bán của người dân vùng biên giới, nên tất yếu mở hoạt động trở lại. Trước đây mỗi tháng chỉ diễn ra hai phiên vào ngày 15 và 30. Nhưng gần đây đã tăng lên mỗi tháng 3 phiên. Có thể sau này còn tăng phiên họp chợ lên vì nhu cầu giao thương, buôn bán ngày càng tăng” - ông Thắng nói.

-------------------------
·         Nhộn nhịp chợ vùng cao






No comments:

Post a Comment

View My Stats