Saturday, 13 May 2017

DONALD TRUMP GÂY ÁP LỰC BUỘC CỰU GIÁM ĐỐC FBI IM LẶNG (tin tổng hợp)




Đăng ngày 13-05-2017 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày càng lún sâu vào bê bối chính trị với vụ sa thải giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang FBI, hôm thứ Ba, 09/05/2017. Các thông điệp mà ông Trump liên tiếp đưa ra sau đó để bào chữa hay để đe dọa càng khiến công chúng nhớ đến vụ bê bối Watergate, đã dẫn đến sự ra đi của tổng thống Nixon. Hôm qua 12/05, Donald Trump tung một Twitter ngầm ý là cuộc nói chuyện với cựu lãnh đạo FBI có thể đã bị ghi lén, để gây áp lực buộc ông James Comey phải im lặng.

Hành động nói trên không khác đổ thêm dầu vào lửa, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình từ New York,

« Thái độ của tổng thống Donald Trump trong tuần lễ vừa qua càng ngày càng nhắc người ta nhớ đến cựu tổng thống Richard Nixon. Thật khó mà không so sánh giữa vụ sa thải giám đốc FBI James Comey hôm thứ Ba, với vụ cách chức người phụ trách điều tra bê bối Watergate hồi 1973. 

Hôm thứ Tư, Donald Trump thậm chí còn chụp hình chung không chút ngượng ngùng với Henry Kissingger, viên ngoại trưởng gây nhiều tranh cãi của tổng thống Nixon. Hôm qua, ông Trump còn hàm ý cho biết là có thể các cuộc nói chuyện với cựu giám đốc FBI đã bị ghi âm. Một thói quen kỳ quặc từng buộc Nixon phải trả giá đắt, với việc từ chức tổng thống. 

Thông điệp mới trên Tweeter trong đó Donald Trump đe dọa cựu giám đốc FBI đã mở ra một mặt trận mới chống lại Nhà Trắng.

Có thể thấy, ngay cả khi đã có sẵn một nghi án lơ lửng trên đầu, với cuộc điều tra về khả năng Nga can dự giúp ông Trump đắc cử, tổng thống Mỹ mỗi ngày lại tự đâm thêm một chiếc gai vào chân mình. Tối hôm qua, Dick Durbin, một chính trị gia Dân Chủ kỳ cựu, thậm chí còn cho rằng việc sa thải giám đốc FBI có thể coi như một hành động ngăn cản tư pháp, bởi Donald Trump cũng thừa nhận đã trách cứ nguyên giám đốc FBI về các điều tra trong vụ này. Thượng nghị sĩ Dân Chủ cho biết thêm là các thông điệp đe dọa được che đậy trên Twitter nhắm vào James Comey có thể đã phạm luật Hoa Kỳ. 

Nếu như vẫn còn khó hình dung về việc khởi sự một thủ tục phế truất Donald Trump trong hiện tại, do việc đảng Cộng Hòa đang kiểm soát đa số tại Hạ Viện, nhưng một kịch bản như vậy đã bắt đầu được báo chí nói đến nhiều. Năm 1974, tổng thống Nixon đã chọn con đường từ chức, hơn là phải chịu hình thức hạ nhục tột cùng này ».

------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 12-05-2017 

Tại Hoa Kỳ, việc tổng thống Mỹ bất ngờ cách chức giám đốc FBI James Comey đã gây rúng động. Trong bài xã luận mang tựa đề « Donald Trump và tiếng vọng Watergate »Le Monde nhận định Washington đang trong cơn bão chính trị, mà thủ đô nước Mỹ là tâm bão. Les Echos cho biết « Gọng kềm đang siết lại xung quanh Donald Trump », còn Le Figaro nhận xét « Donald Trump sa lầy trong vụ James Comey ».

Donald Trump và tiếng vọng Watergate
Theo Le Monde, vụ này chứng tỏ một chính quyền Cộng Hòa hỗn loạn hơn bao giờ hết, từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trầm trọng hơn nữa là xì-căng-đan mới này khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự gắn bó của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với nền dân chủ.

Chỉ với một lá thư dài bốn dòng báo cho ông James Comey là ông không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ, hôm thứ Tư 10/5 ông Trump đã cách chức giám đốc cảnh sát liên bang Hoa Kỳ (FBI). Ông Comey đang lãnh đạo một cách cứng rắn cuộc điều tra làm cho tổng thống bực tức, vì có thể liên quan trực tiếp đến ông. Đó là việc xác định xem Nga đóng vai trò như thế nào trong chiến dịch tranh cử năm 2016, cũng như khả năng có các quan hệ giữa các quan chức Nga tại Washington và một số thành viên trong ê-kíp của ông Trump.

Đây là lần đầu tiên kể từ xì-căng-đan Watergate – khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào mùa hè năm 1974 – một tổng thống Mỹ cách chức giám đốc FBI đang tiến hành điều tra về một vụ có liên quan đến mình. Nếu toàn bộ phe đối lập Dân Chủ tố cáo một quyết định tùy tiện, đi ngược lại với nền dân chủ ; nhiều đại biểu Cộng Hòa cũng đặt ra nghi vấn về cơ sở dẫn đến hành động này của ông Trump.

Donald Trump luôn bác bỏ mọi liên can với Nga trong tranh cử, những người thân cận của ông gọi cuộc điều tra của FBI là vạch lá tìm sâu. Họ khẳng định không có quan hệ gì với các tin tặc đã tấn công vào đảng Dân Chủ - mà tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định là từ Nga. Một số email được công bố rõ ràng muốn làm xấu đi hình ảnh của ứng cử viên Hillary Clinton.

Vấn đề là ông Trump liên tục cho người ta cảm giác là có điều gì phải giấu diếm trong quan hệ với Nga. Không ai hiểu được vì sao Donald Trump luôn ca ngợi Vladimir Putin. Người ta cũng nghi ngờ về quan hệ kinh doanh với các ngân hàng Nga của vị tổng thống đầu tiên từ chối công bố bản khai thuế, trong khi một sự minh bạch tối thiểu cũng giúp làm giảm đi các nghi vấn.

Về phía Quốc Hội tiếp tục cuộc điều tra riêng rẽ về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump phải bổ nhiệm một giám đốc mới cho FBI. Nếu tân giám đốc bỏ rơi « hồ sơ Nga », thì xì-căng-đan này sẽ nổ lớn. Do vậy phe Dân Chủ và một số nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa nhất quyết đòi bộ Tư Pháp đề nghị một công tố viên đặc biệt để đi đến cùng cuộc điều tra.

Donald Trump đã từng đả kích các thẩm phán về các dự luật nhập cư, phỉ báng cơ quan tình báo Mỹ, và không có tuần nào là ông không chỉ trích báo chí. Washington sống theo nhịp điệu những hành động thất thường và các tweet của một tổng thống, mà bao trùm lên là câu hỏi : liệu ông Trump có khả năng tôn trọng trò chơi tế nhị giữa quyền lực và phản biện, vốn là đặc điểm của nền dân chủ Mỹ ?

Gọng kềm siết chặt xung quanh Donald Trump
Les Echos nhận định, thật sự là Donald Trump đã sai lầm. Ông không nghĩ rằng vụ cách chức James Comey lại gây phản ứng dữ dội như thế. Phe Dân Chủ từ nhiều tháng qua chẳng đã từng đòi hỏi giám đốc FBI phải ra đi đó sao, vì cho rằng ông Comey chịu trách nhiệm lớn trong thất bại của bà Hillary Clinton.

Donald Trump đã nộ khí xung thiên khi nghe so sánh với vụ Watergate. Ông viết trên Twitter : « Đó là bọn mị dân bẩn thỉu ! ». Quá tự tin, tổng thống Mỹ chẳng thèm tham khảo nhân viên Nhà Trắng trước khi hành động, hầu hết chỉ được biết tin qua báo chí. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Newt Gingrich nhận định : « Tổng thống cần chậm lại một chút, và tham khảo các cố vấn. Không thể là người dẫn đầu mà không cho ê-kíp của mình hay biết gì cả ».

Sau 24 tiếng đồng hồ chao đảo, Nhà Trắng cố gắng kiểm soát lại tình hình. Như thường lệ, Donald Trump muốn đánh lạc hướng chú ý quan việc ra sắc lệnh kiểm tra mọi « sơ hở » trong hệ thống bầu cử. Ông vẫn tiếp tục khẳng định việc bà Hillary Clinton đạt được số phiếu bầu phổ thông nhiều hơn (hơn ông 3 triệu phiếu) là do gian lận (đăng ký tên giả, phiếu bầu giả…).

Nhưng không đủ để dập tắt đám cháy mà ông đã khơi lên tối thứ Ba. Các thượng nghị sĩ bất chợt đòi đẩy nhanh tiến độ điều tra. Ủy ban tình báo yêu cầu tướng Michael Flynn chuyển giao tất cả email, nội dung điện đàm và trao đổi tài chính có liên quan tới Nga. Ủy ban cũng chú ý đến liên quan về mặt này giữa ông Trump với Nga, và đòi hỏi một báo cáo chi tiết nơi bộ trưởng Tài Chính.

Trong số các câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ này, Les Echos cho rằng có ba vấn đề đáng ngại nhất cho ông chủ Nhà Trắng. Thứ nhất, quyết định cách chức James Comey có liên quan đến mong muốn của giám đốc FBI muốn đẩy nhanh tiến độ về hồ sơ Nga ? Thứ hai, liệu bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions có quyền cách chức ông Comey ? Cuối cùng, vì sao James Comey ba lần thông báo cho Donald Trump về diễn tiến cuộc điều tra, trong khi điều này bị cấm ?

Bên cạnh Quốc Hội, cơ quan FBI cũng chứng tỏ sẵn sàng chiến đấu. Trên Washington Post, một nhân viên ẩn danh cho biết : « Với sự ra đi của ông James Comey, Donald Trump đã tuyên bố chiến tranh với vô số nhân viên FBI. Chúng tôi đang phối hợp để trả đũa ». Còn người tạm thay thế ông Comey, trong cuộc điều trần trước Hạ Viện sáng thứ Năm khẳng định : « James Comey được ủng hộ rộng rãi trong FBI, cho đến hiện nay cũng vậy ».





No comments:

Post a Comment

View My Stats