20/05/2017
Trong tuyên bố nhân “Tháng Người Mỹ Cao niên” năm
2017, Tổng thống Donald Trump, sau khi cám ơn những đóng góp to lớn của người
cao niên đối với nước Mỹ, đã công nhận rằng càng lớn tuổi, giới lão niên càng cần
sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình. Vẫn theo lời ông Trump, nước Mỹ, chính phủ Mỹ
cam kết rằng công dân cao niên không bị quên lãng hay bạc đãi và được chăm sóc
sức khỏe tốt nhất, được sống trong những nơi thích hợp với tuổi tác của họ.
Viện Dưỡng Lão Golden Living Center tại Annandale, Virginia (ảnh chụp
ngày 18/5/2017)
Đối với người Mỹ, khi lớn tuổi hay bệnh tật không thể
tự lo cho mình được thì việc vào nhà dưỡng lão không thành vấn đề đối với họ,
nhưng với những người Việt Nam lớn tuổi, vào nhà dưỡng lão sống là một việc bất
đắc dĩ dẫu rằng họ được chăm sóc tốt.
Ông Diện, năm nay 84 tuổi, cựu công chức cao cấp
trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, hiện sống tại Viện Dưỡng Lão Golden Living
Center ở Annandale thuộc quận Fairfax, bang Virginia, bộc bạch:
“Nó thua mình ở nhà, tui có mấy người bạn có con, có nhà. Ở trong một
phòng, cũng có thể trả, phụ tiền của mình thì tốt hơn. Thiếu gì người làm như vậy.
Tôi thích ở nhà hơn bởi vì ở nhà mình có thể ra làm vườn được. Ở nhà thì quận
có cho người đến giúp mình.”
Ông chia sẻ thêm:
“Ở đây tốt, nhưng có cái là mình ở chung với những người không phải bình
thường như tui, tại tui yếu thôi, còn họ thì cụt chân, cụt cẳng, mấy người tâm
thần nên la này la kia hoài.”
Ngoài ra, còn những phiền toái khác nữa với các cụ
không biết tiếng Anh:
“Chăm sóc thì ăn cơm ngày ba bữa. Tắm rửa tuần lễ hai lần, nhưng mà mình
không có nấu nướng được, tui nhờ biết tiếng Mỹ thành ra tôi có cần cái gì tôi
nói với y tá.”
Làn sóng người Việt tị nạn thế hệ đầu cảm thấy họ được
ưu đãi, ưu tiên hơn những người đi sau.
Ông Hoan có kinh nghiệm thăm viếng thường xuyên mẹ
ông trong thời gian bà cụ còn sống nằm trong viện dưỡng lão.
Ông cho biết:
“Những người tị nạn lớn tuổi như bà cụ tôi sang đây đã 65 tuổi được hưởng
ngay Medicare, Medicaid mặc dù không có đi làm. Khi đau ốm thì cứ đi bác sĩ, bà
cụ không phải trả tiền gì cả cho đến lúc bà cụ phải vào viện dưỡng lão vì chúng
tôi không thể nào chăm sóc 24/24 được nữa.”
Ông Hoan khuyên con cháu những người có cha mẹ vào
viện dưỡng lão ở Mỹ rằng:
“Không nên hối lộ, nếu y tá làm sai mình bảo họ, nếu lần thứ hai họ không
nghe thì mình báo cáo với giám đốc, họ sợ lắm. Mình đòi hỏi họ phải đối đãi tử
tế với cha mẹ của mình, nhưng mình lịch sự với họ chẳng hạn như Tết nhất, lễ lạc
mình cho một món quà nhỏ, chẳng hạn như chả giò dăm ba cái thôi, chứ không nên
cho tiền, không nên hối lộ. Đấy là theo kinh nghiệm của tôi.”
Ngoài các viện dưỡng lão thường thường do tư nhân điều
hành, hiện nay tại Washington D.C và vùng phụ cận có nhiều công ty của người Việt
mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia. Những công ty này ký hợp đồng với Sở Xã hội
các quận để chăm sóc cho người lớn tuổi hay người khuyết tật tại tư gia. Số
ngày, giờ được phép chăm sóc tùy theo quyết định của Sở Xã hội quận, căn cứ
trên tình hình sức khỏe của người cao niên hay người khuyết tật.
Cô Vi thuộc công ty Care People cho biết:
“Công ty của em nhận được một trường hợp thì gởi một người y tá xuống,
người y tá sẽ đánh giá tình hình yếu như thế nào của ông bà cụ đó rồi sẽ gởi
báo cáo lên quận, nêu rõ số giờ và số ngày ông bà cụ đó cần được chăm sóc. Lúc
đó, Sở Xã hội quận sẽ thông báo cho công ty để thi hành.”
Đối với người lớn tuổi phải vào bệnh viện vì một lý
do nào đó, như bị té ngã, bị tai biến mạnh máu não cần phải được phục hồi bằng
các phương pháp vật lý trị liệu tại nhà v..v..v, cần phải xin Sở Xã hội ngay
khi còn trong bệnh viện để được trợ giúp nhanh chóng hơn, theo lời cô Thảo thuộc
công ty NOVA Home Health Care:
“Ông bà đi bệnh viện, còn nằm trong bệnh viện, chưa ra khỏi bệnh viện thì
phải xin liền, lúc đó trong bệnh viện có nhân viên xã hội mình xin liền, dễ được
chấp thuận lắm. Còn nếu mình xin trên quận thì mình phải chờ tới 45 ngày.”
Ông Lê Văn Bỉnh, trước là nhân viên của Sở Xã hội quận
Fairfax nay đã về hưu, giải thích rõ hơn về dịch vụ của các công ty chăm sóc sức
khỏe tại gia:
“Trường hợp mấy công ty đó gọi là Medicaid Waiver. Waiver tức là hoãn lại.
Những người đó đáng lẽ là phải vào viện dưỡng lão nhưng vì điều kiện ở nhà có
người giúp đỡ thêm cho nên quận cử người đánh giá trường hợp này, hay nhà
thương đánh giá, nói là người đó đáng lẽ phải được chăm sóc 24/24 tại viện dưỡng
lão nhưng mà gia đình muốn chăm sóc, gọi là Medicaid Waiver, và nhờ các công ty
chăm sóc sức khỏe cử người đến nhà chăm sóc ngoài sự chăm sóc của những người
trong gia đình.”
Chi phí phải đóng cho viện dưỡng lão rất cao, từ
4.000 đô la cho đến 5.000 đô la một tháng, nên những người cao niên lợi tức thấp
được hai chương trình Medicare và Medicaid của chính phủ tài trợ. Đối với những
người có lợi tức cao, có tài khoản trong ngân hàng, nhà nước giữ số tiền đó,
dùng để trả tiền cho viện dưỡng lão. Trong trường hợp tiền trong tài khoản của
họ cạn kiệt trong lúc họ vẫn còn sống trong viện dưỡng lão thì nhà nước sẽ trả
các chi phí cho họ.
No comments:
Post a Comment