Sunday, 7 May 2017

CHỦ NGHĨA DÂN TÚY, KẺ THÙ MỚI CỦA DÂN CHỦ (Mario Vargas Llosa)




Biên dịch : FB Nguyễn Huy Hoàng
May 7, 2017

Mario Vargas Llosa in Madrid | Photograph by Andrea Comas/Reuters

Nguồn: Mario Vargas Llosa, “El nuevo enemigo,” El País, 5 Mar 2017.

Chủ nghĩa cộng sản không còn là kẻ thù chính của nền dân chủ tự do—của tự do—chủ nghĩa dân túy mới là kẻ thù chính của nó. Chủ nghĩa cộng sản đã không còn vị thế đó kể từ khi Liên Xô giải thể do không có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội cơ bản nhất, và khi (vì những lý do tương tự) Trung Quốc trở thành một chế độ tư bản chuyên chế. Các đất nước cộng sản còn tồn tại—Cuba, Bắc Triều Tiên, Venezuela—đang ở trong một tình trạng thảm họa đến mức họ khó có thể là một hình mẫu, như Liên Xô tỏ ra trước đây, để đưa xã hội thoát khỏi đói nghèo và kém phát triển. Chủ nghĩa cộng sản nay chỉ là một ý thức hệ tàn dư và những người theo đuổi nó, các nhóm và phe nhóm nhỏ, chỉ nằm ở bên lề đời sống chính trị của các dân tộc.

Nhưng trái với điều mà nhiều người tin, rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản sẽ củng cố nền dân chủ tự do và truyền bá nó đến toàn thế giới, mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy đã xuất hiện. Nó không phải là một ý thức hệ mà là một đại dịch lây lan—theo nghĩa độc hại nhất của từ này—tấn công các nước phát triển cũng như lạc hậu, mỗi trường hợp lại đeo một mặt nạ khác nhau, chính trị cánh tả ở Thế giới thứ Ba và chính trị cánh hữu ở Thế giới thứ Nhất. Ngay cả các truyền thống dân chủ lâu đời nhất như Anh, Pháp, Hà Lan, và Mỹ cũng không miễn nhiễm trước căn bệnh này, như chiến thắng của Brexit, việc Donald Trump đắc cử, việc Geert Wilders (của PVV, hay Đảng vì Tự do) dẫn đầu mọi bảng thăm dò cho cuộc bầu cử sắp tới của Hà Lan, và Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp của Marine Le Pen, đã chứng tỏ.

Chủ nghĩa dân túy là gì? Trên hết, nó là chính sách vô trách nhiệm và mị dân của những kẻ cai trị không ngần ngại hy sinh tương lai của xã hội vì một hiện tại phù phiếm. Ví dụ, việc quốc hữu hóa các công ty và cố định giá cả và tăng tiền lương, như Tổng thống Peru Alan García đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, sẽ tạo ra một sự tăng trưởng tạm thời làm gia tăng sự ủng hộ của dân chúng. Sau đó sẽ xảy ra tình trạng siêu lạm phát làm phá hủy cấu trúc sản xuất của một đất nước mà các chính sách này đã bần cùng hóa một cách tàn bạo. (Học được một bài học với cái giá là nhân dân Peru, Alan García đã có một chính sách tương đối hợp lý trong nhiệm kỳ thứ hai.)

Thành phần trung tâm của chủ nghĩa dân túy là chủ nghĩa dân tộc, căn nguyên, đằng sau tôn giáo, của những cuộc chiến chết chóc nhất mà nhân loại từng phải chịu đựng. Trump hứa hẹn với cử tri của mình rằng “nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại” và “sẽ lại giành chiến thắng”; Mỹ sẽ không còn bị lợi dụng bởi Trung Quốc, châu Âu, và các nước khác trên thế giới, vì bây giờ, lợi ích của đất nước sẽ được đặt lên trên lợi ích của mọi đất nước khác. Những người ủng hộ Brexit—tôi đã ở London và choáng váng khi nghe thấy chuỗi dối trá mang bản chất sô vanh và bài ngoại của những người như Boris Johnson và Nigel Farage, lãnh đạo Đảng UKIP, trên truyền hình trong suốt chiến dịch—đã thắng cuộc trưng cầu dân ý với tuyên bố rằng, rời khỏi Liên minh châu Âu, nước Anh sẽ giành lại được chủ quyền và tự do, mà giờ phụ thuộc vào bộ máy Brussels.

Không thể tách rời khỏi chủ nghĩa dân túy là sự phân biệt chủng tộc, và nó thể hiện trên hết trong việc đi tìm “con dê gánh tội” cho những kẻ chịu trách nhiệm cho mọi điều xấu xa ở đất nước. Người nhập cư da màu và người Hồi giáo hiện là nạn nhân đền tội của chủ nghĩa dân túy ở phương Tây. Ví dụ, những người Mexico mà Tổng thống Trump cáo buộc là những kẻ hiếp dâm, trộm cướp và buôn ma túy, và những người Ả Rập và người châu Phi mà Geert Wilders ở Hà Lan, Marine Le Pen ở Pháp, chưa kể đến Viktor Orbán ở Hungary và Beata Szydło ở Ba Lan, cáo buộc là đã cướp đi việc làm của người bản địa, làm rối loạn an ninh xã hội, làm xuống cấp hệ thống giáo dục công cộng, v.v.

Ở châu Mỹ Latin, các chính phủ như của Rafael Correa ở Ecuador, của đại tá Daniel Ortega ở Nicaragua và của Evo Morales ở Bolivia, đều huênh hoang chống chủ nghĩa đế quốc và theo chủ nghĩa xã hội, nhưng họ chính là hiện thân của chủ nghĩa dân túy. Cả ba đều rất cẩn thận áp dụng những công thức cộng sản chủ nghĩa của việc quốc hữu hóa tập thể, chủ nghĩa tập thể, và chủ nghĩa nhà nước kinh tế, bởi lẽ, có một cái mũi tốt hơn kẻ không biết chữ Nicolás Maduro, họ biết những chính sách ấy sẽ dẫn đến thảm họa nào. Họ ủng hộ Cuba và Venezuela, nhưng không bắt chước theo. Họ thực hành chủ nghĩa trọng thương của Putin (tức chủ nghĩa tư bản thân hữu suy đồi), thành lập các liên minh tương tự mafia với các nhà công nghiệp quỵ lụy mà họ che chở bằng các đặc quyền và độc quyền, chừng nào bọn họ còn phục tùng trước quyền lực và trả hoa hồng xứng đáng. Tất cả đều xem, như Trump kẻ bảo thủ cực đoan, tự do báo chí là kẻ thù đáng gờm nhất của tiến bộ và thiết lập hệ thống kiểm duyệt, trực tiếp hay gián tiếp, để kiểm soát nó. Trong đó, Rafael Correa đã đi xa hơn bất cứ ai: ông ta đã thông qua đạo luật báo chí phản dân chủ nhất trong lịch sử Mỹ Latin. Trump vẫn chưa làm vậy, vì tự do báo chí là một quyền ăn sâu bén rễ ở Mỹ và sẽ gây ra một phản ứng tiêu cực lớn từ các thể chế và công chúng. Nhưng không thể loại trừ rằng, trong ngắn hạn hay dài hạn, ông sẽ có những biện pháp—như Sandinista ở Nicaragua hay Evo Morales của Bolivia—hạn chế và làm biến chất tự do biểu đạt.

Chủ nghĩa dân túy có truyền thống rất lâu đời, dù chưa bao giờ đạt đến mức độ hiện nay. Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc chiến đấu chống lại nó là nó thu hút những bản năng cố hữu nhất trong con người, tinh thần bộ lạc, sự nghi ngờ và nỗi sợ đối với người khác, những người khác chủng tộc, ngôn ngữ, hay tôn giáo, thái độ bài ngoại, lòng yêu nước, sự vô tri. Điều đó thể hiện rất đáng kể ở nước Mỹ ngày nay. Chưa bao giờ sự chia rẽ chính trị ở đất nước này lại lớn đến thế, và lằn ranh chia rẽ lại rõ ràng đến thế: một mặt là tất cả những người có văn hóa, có quan điểm thế giới chủ nghĩa, có giáo dục, hiện đại; một mặt là những người nguyên thủy, cô lập, tỉnh lẻ nhất, những người nhìn việc mở cửa biên giới, cuộc cách mạng truyền thông, toàn cầu hóa, với sự nghi ngờ hoặc hoảng sợ. Chủ nghĩa dân túy điên cuồng của Trump đã thuyết phục được mọi người rằng chúng ta có thể dừng thời gian lại, rút lui về cái thế giới được cho là hạnh phúc và dễ đoán, không có rủi ro đối với người da trắng và người Cơ Đốc giáo, nước Mỹ của những năm 1950 và 1960. Thức tỉnh khỏi cơn ảo tưởng này sẽ rất khó chịu, và không may là không chỉ đối với đất nước của Washington và Lincoln, mà với cả các nước còn lại trên thế giới.

Ta có thể chống lại chủ nghĩa dân túy không? Dĩ nhiên là có. Một ví dụ là người dân Brazil với cuộc tổng động viên đáng gờm nhằm chống tham nhũng, những người Mỹ kháng cự các chính sách điên rồ của Trump, những người Ecuador vừa đem lại một thất bại cho kế hoạch của Correa bằng cách áp đặt một cuộc bầu cử lại có thể đưa Guillermo Lasso, một nhà dân chủ thực sự, lên nắm quyền, và những người Bolivia đánh bại Evo Morales trong cuộc trưng cầu dân ý mà ông dùng để tìm cách tái cử mãi mãi. Và ví dụ của những người Venezuela, bất chấp sự man rợ của sự đàn áp của chế độ độc tài dân túy-ma túy Nicolás Maduro, vẫn tiếp tục chiến đấu vì tự do. Tuy nhiên, sự thất bại cuối cùng của chủ nghĩa dân túy, giống như thất bại của chủ nghĩa cộng sản, sẽ cho thấy thực tế, sự thất bại nặng nề của những chính sách vô trách nhiệm làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội và kinh tế của những nước bất cẩn đầu hàng trước sự lôi cuốn của chúng.

*
Mario Vargas Llosa là nhà văn người Peru. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 2010.

Copyright © 2017 by Mario Vargas Llosa.

---------------------

Bản tiếng Anh :

In this article that appeared on both El Pais (Spain) and La Nación (Argentina),  Nobel Prize winner Mario Vargas Llosa analyzes the threat populism poses to modern liberal democracies and why it is spreading.





No comments:

Post a Comment

View My Stats