Monday, 13 February 2017

XÃ LUẬN : TƯ PHÁP MỸ (TẠM) ĐỨNG VỮNG TRƯỚC TRUMP (Nam Quỳnh - Luật Khoa)




11 Feb 2017

Người viết vẫn luôn mong mỏi rằng những gì mình đã viết vào buổi sáng sau ngày bầu cử tổng thống 08/11 năm ngoái sẽ mãi mãi chỉ là những lời nói ‘lo bò trắng răng’.

Đáng mừng là tình hình nước Mỹ tạm thời vẫn cho thấy rõ cái sự lo răng bò trắng của người viết: Nền tư pháp độc lập Mỹ vẫn đang hoạt động mạnh mẽ để kiểm soát quyền lực của Tổng thống Trump; chủ nghĩa pháp quyền quốc tế – nếu thật sự có một thứ như thế trên đời – đã không hề lụi tàn, mà thậm chí còn đang bừng sáng, ít ra là trên ‘miền đất tự do’ Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump và nền tư pháp Hoa Kỳ

Tổng thống Trump, tiếc thay, đã không cho thấy là ông có thể từ bỏ thói quen công kích cá nhân thẩm phán của mình.

Ông Trump gọi thẩm phán liên bang James Robart, người đưa ra lệnh hạn chế tạm thời đối với sắc lệnh cấm và tạm cấm nhập cảnh của ông Trump, là “một gã mang-danh thẩm phán” (‘so-called judge’). Ý ông Trump rõ là muốn dè bỉu tư cách nghiệp vụ của thẩm phán Robart.

Trong một tweet tiếp theo đó, ông Trump viết: “Không thể tin là một thẩm phán lại khiến cho đất nước lâm nguy như thế. Nếu có điều gì xảy ra, hãy đổ lỗi cho ông ta và hệ thống tòa án.”

Không dừng lại, trong một bài phát biểu hôm 08/02, ông Trump tiếp tục công kích một cách gián tiếp thẩm phán Robart (và có lẽ là bất kỳ thẩm phán nào dám quyết định trái ý ông Trump) bằng cách nói rằng “ngay cả một học sinh trung học yếu kém” cũng có thể đọc luật và hiểu rằng ông Trump có quyền đưa ra sắc lệnh kiểm soát nhập cảnh đang gây tranh cãi của ông.

Thẩm phán Robart hành nghề luật từ thời còn chiến tranh Việt Nam, có gần 13 năm kinh nghiệm làm thẩm phán liên bang, và là một thẩm phán do Tổng thống George W. Bush, cùng đảng Cộng hòa với ông Trump, bổ nhiệm. Khi Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu bổ nhiệm ông Robart năm 2004, 99 vị thượng nghị sỹ tham gia bỏ phiếu đều đồng lòng ủng hộ.

Lệnh hạn chế tạm thời của thẩm phán Robart sau đó được một nhóm ba thẩm phán cấp thượng thẩm Toà Khu vực Số 9 cùng nhất trí giữ nguyên hiệu lực bằng một phán quyết dài 29 trang. Phán quyết này nêu rõ lý do tại sao sắc lệnh của ông Trump, cho dù được đưa ra với mục đích bảo vệ an ninh đất nước, vẫn phải chịu những kiểm soát pháp lý nghiêm ngặt nhất. Đặc biệt khi bản thân phía chính phủ của ông Trump vẫn chưa chứng minh được “rủi ro khủng bố” từ nhóm bảy nước trong nội dung sắc lệnh đó.

Tất cả những điều trên có vẻ không hề có ý nghĩa gì với ông Trump và một số nhóm người ủng hộ ông ta.

Với họ, thẩm phán chỉ thật sự đáng là thẩm phán nếu chịu răm rắp nghe theo không chối cãi mọi mệnh lệnh của tổng thống và chính phủ.

Với họ, tư pháp độc lập, pháp quyền/pháp trị (rule of law), tam quyền phân lập hay những cái gỉ gì gi khác nữa, chỉ đáng trân trọng chừng nào chúng không làm cản trở việc thực hiện một ý muốn chính trị mà họ ủng hộ.

Trò bao-búa-kéo của quyền lực

Nhà báo Anh Joshua Rozenberg từng ví von rằng, tam quyền phân lập thực ra về bản chất cũng chả khác gì cái trò oẳn tù tì, bao-búa-kéo mấy đứa trẻ con chơi.

Bao giữ được búa, búa đập được kéo, kéo cắt được bao. Nhờ thế mà trò chơi có ý nghĩa, vì không có một ‘dụng cụ’ nào có thể có quyền lực tuyệt đối, đưa ra cái thắng luôn cả. Sự cân bằng vì thế có thể đạt được, người chơi nào cũng có cơ hội chiến thắng, chế ngự đối phương.

Và chính một sự cân bằng như thế, với các đối trọng rõ ràng để kiểm soát và ngăn ngừa sự lũng đoạn quyền lực, là thứ mà các nhà lập quốc của Hoa Kỳ mong muốn. Họ đã quá chán ngán sự lũng đoạn quyền lực, sự độc tài nhan nhản tại những quốc gia phong kiến của Cựu thế giới.

Quốc hội làm luật và nắm quyền phủ quyết các bổ nhiệm quan chức chính phủ, bổ nhiệm thẩm phán. Chính phủ của tổng thống áp dụng luật để điều hành đất nước, bổ nhiệm quan chức chính phủ, bổ nhiệm thẩm phán. Hệ thống tư pháp với các tòa án và thẩm phán chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi quyền lực của chính phủ, đảm bảo chính phủ không dùng quyền hành đi quá nội dung câu chữ của luật lệ.

Quyền lực tổng thống bất khả nghi hoặc, bất khả truy xét lại?

Những phản ứng nói trên của các thẩm phán Mỹ khi đối mặt với vấn đề sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump cho thấy rằng những lời thóa mạ, đe dọa của ông Trump và một số nhóm người ủng hộ ông không thể làm lung lay nền tư pháp độc lập và hệ thống tam quyền phân lập của nước Mỹ.

Trong khuôn viên tòa án Mỹ, thứ có sức nặng vẫn là luật lệ, là logic, là tư duy pháp lý, chứ không phải là những lời lẽ thóa mạ, đao to búa lớn từ mồm miệng các chính trị gia và những đám đông giận dữ.

Thứ có sức nặng trong khuôn viên tòa án Mỹ vẫn là nguyên tắc, là hiến pháp, chứ không phải quyền lực chính trị và nhu cầu hành pháp tùy nghi của chính phủ.

Khi tranh biện ủng hộ cho việc dỡ bỏ lệnh hạn chế tạm thời, người luật sư phía chính phủ ông Trump đã nói rằng tổng thống có một quyền “bất khả truy xét lại” (unreviewable) trong việc ngừng chấp nhận cho nhập cảnh một số nhóm người ngoại quốc. Đây cũng là luận điểm ưa thích của những người ủng hộ ông Trump trong vấn đề sắc lệnh di trú.

Tuy nhiên, phải chăng cái sự trâng tráo “bất khả truy xét lại” kia đi ngược lại tinh thần giám sát, cân bằng quyền lực của hệ thống tam quyền phân lập? Phải chăng chính trong nhóm từ “bất khả truy xét lại” này là mầm mống của sự độc tài mà những người lập quốc Hoa Kỳ căm ghét?

Nhóm ba thẩm phán Toà Khu vực Số 9 đã thẳng thừng từ chối sự “bất khả truy xét lại” của quyền lực tổng thống.

Họ nói, lời khẳng định “bất khả truy xét lại” đó “đi ngược lại cấu trúc nền tảng của nền dân chủ hiến pháp của chúng ta“.

Các án lệ nổi bật trong quá khứ có thể ủng hộ cho quan điểm là hệ thống tòa án phải tôn trọng và ‘nương theo’ (defer) các suy xét chính sách trong hành pháp của chính phủ Mỹ. Phần lớn các suy xét và mục đích hành pháp của chính phủ Mỹ trong thực tế thường đúng là những suy tư và mục đích xác đáng, thật sự vì nước vì dân.

Thế nhưng, hệ thống tư pháp Hoa Kỹ đã luôn chủ động ‘truy xét lại‘ quyền lực chính phủ, ngay cả trong thời chiến.

Sự tôn trọng và ‘nương theo’ suy xét chính sách của chính phủ của hệ thống tòa án Mỹ đến từ việc bản thân hệ thống tòa án đó chủ động ‘truy xét lại‘, rà soát kiểm tra kỹ tính pháp lý và suy tư chính sách bên trong các hành vi chính phủ, đặc biệt khi các hành vi đó tiềm tàng khả năng lạm quyền, vi hiến, chứ không phải đến từ một sự cúi đầu, tâm phục khẩu phục dán mồm bịt tai trước mọi hành vi của chính phủ.

Việc sắc lệnh di trú của ông Trump có vi hiến hay không vẫn còn chưa được quyết định chung thẩm. Nếu các luật sư của chính phủ ông Trump có thể trưng ra được bằng chứng rằng phía sau sắc lệnh của ông Trump là những suy tư chính sách xác đáng, dựa trên dữ liệu cụ thể và thực tế, chứ không phải dựa trên sự kỳ thị hay tư duy võ đoán của nhà cầm quyền, thì hoàn toàn có khả năng sắc lệnh của ông sẽ được tòa án Mỹ tuyên là hợp hiến.

Tuy nhiên, chiến thắng hôm qua tại Toà Khu vực Số 9 đã có thể được xem là chiến thắng thật sự của một nền tư pháp độc lập không luồn cúi.

-------------------

Đọc thêm:





No comments:

Post a Comment

View My Stats