Hà
Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
February 14, 2017
Người
ta đã có thể bắt đầu hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại của Tổng Thống Donald
Trump sau hơn hai tuần nhậm chức, và chắc chắn là không giống như dự đoán qua
những gì ông từng nói trước kia.
Sụ kiện đó là tự nhiên, vì từ trước đến nay, tầm
nhìn của tất cả các tổng thống Mỹ khi vào Tòa Bạch Ốc đều khác những gì nghĩ
hay nói trong thời gian tranh cử. Ông Trump không thoát ra ngoài quy luật ấy,
thể hiện bằng sự sửa đổi và uyển chuyển trong một số chủ trương đối ngoại.
Thoạt đầu, hành động để chứng tỏ ý chí chuyển đổi
hoàn toàn thực trạng và trật tự nước Mỹ, như lời hứa khi tranh cử, ông Trump đã
có một số quyết định cùng hành động gây ra rắc rối hơn là đạt tới kết quả. Đó
là vụ tổng thống Mexico hủy bỏ chuyến thăm Tòa Bạch Ốc đã dự định và sắc lệnh hạn
chế nhập cảnh Mỹ bị tòa kháng án phán quyết tạm ngưng thi hành.
Qua tuần lễ thứ nhì, Tổng Thống Trump có những thay
đổi trong chính sách ngoại giao. Dấu hiệu quan trọng nhất về sự rời khỏi chủ
trương cô lập hóa và cứng rắn là việc ông Trump đấu dịu với ông Tập Cận Bình và
khẳng định Mỹ duy trì chính sách “Một Trung Quốc.”
Một tín hiệu đáng chú ý khác là ông Trump cũng thay
đổi thái độ đối với Israel. Ban đầu, ông tỏ ra là người mạnh mẽ bênh vực Thủ Tướng
Benjamin Netanyahu trong các vấn đề thành lập những khu định cư của dân Do Thái
và chuyển tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem.
Nhưng bây giờ, ông Trump nhắc nhở Israel là việc
phát triển những khu định cư “không đóng góp cho tiến trình hòa bình.” Ông cùng
các cố vấn quan tâm đến ý kiến của các nhà lãnh đạo Ả Rập như Jordan, Saudi
Arabia, và có vẻ quay trở về đường lối của các tổng thống tiền nhiệm từ Bill
Clinton qua George W. Bush đến Barack Obama.
Không như lời ông Trump đã tuyên bố trong thời gian
tranh cử là sẽ xóa bỏ thỏa hiệp nguyên tử mà chính quyền Obama và các cường quốc
đã ký kết với Iran, các cố vấn Tòa Bạch Ốc nói với bà Federica Mogherini, phó
chủ tịch kiêm ủy viên đối ngoại/an ninh Liên Âu, là Mỹ có thể vẫn hoàn toàn tôn
trọng thỏa hiệp.
Những cuộc hội đàm của ông Trump với Thủ Tướng
Shinzo Abe của Nhật và Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada cũng cho thấy ông
Trump hiểu rằng nước Mỹ ở trong thế cần đến các đồng minh, chứ không dễ dàng
đòi hỏi Âu Châu và Nhật “phải chịu chia phí tổn nếu muốn duy trì các hiệp ước
liên phòng thủ.”
Khi chưa nhậm chức, hồi Tháng Mười Hai năm ngoái, cuộc
điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, gây sôi
nổi trong dư luận thế giới. Người ta dự đoán Mỹ thay đổi chính sách, cúng rắn với
Trung Quốc và thậm chí có thể sẵn sàng đi đến chiến tranh như sự mong đợi của một
số phần tử diều hâu hiếu chiến. Tất cả những suy đoán ấy hầu như đã bỏ qua thực
tế về vai trò của Trung Quốc đối với nước Mỹ trong mối quan hệ chính trị, kinh
tế và quốc tế.
Cuộc điện đàm hôm Thứ Năm tuần trước do Tổng Thống
Donald Trump chủ động gọi cho Chủ Tịch Tập Cận Bình đã xóa tan lập luận hoang
tưởng về thế đối đầu giữa hai cường quốc. Ông Jared Kushner, chồng cô Ivanka
Trump, con rể của Tổng Thống Trump, và cũng là cố vấn của ông, là người đã dàn
xếp chuyện này, sau khi đến gặp Đại Sứ Thôi Thiên Khải tại tòa đại sứ Trung Quốc
ở Washington, DC. Ông Trump khẳng định với ông Tập là nước Mỹ tôn trọng chính
sách “Một Trung Quốc” đã thi hành từ 48 năm qua.
Không nên lầm lẫn “chính sách Một Trung Quốc” và
“nguyên tắc Một Trung Quốc” của chính quyền Cộng Sản. Theo Bắc Kinh, Trung Quốc
là một đất nước thống nhất về lãnh thổ bao gồm lục địa, đảo Đài Loan chỉ là một
tỉnh còn do “những phần tử phản động” kiểm soát từ năm 1949. Họ không bao giờ
thừa nhận nhà cầm quyền Đài Loan là một chính phủ.
Về mặt công pháp quốc tế và ngoại giao, các quốc gia
trên thế giới chỉ công nhận có một chính quyền hợp pháp của Trung Quốc – hoặc
là chính quyền ở Bắc Kinh của Cộng Sản hoặc là chính quyền ở Đài Bắc của Đài
Loan. Từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Mỹ chỉ công nhận chính quyền Đài Loan, không
công nhận chính quyền Cộng Sản, và bằng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc, ngăn cản không cho Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Tổng Thống Richard Nixon ký kết thông
cáo chung Thượng Hải năm 1972, nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc,
nhưng không thay đổi chính sách. Tới năm 1979, Tổng Thống Jimmy Carter cắt đứt
quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chỉ công nhận một nước là Trung Quốc.
Chính sách ấy có nhiều điểm mập mờ, tuy nhiên, được
minh định rằng Đài Loan không là một quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc không có
chủ quyền ở Đài Loan, và Mỹ “thừa nhận” chính sách “Một Trung Quốc” đối với cả
hai phía bên eo biển Đài Loan. Do Mỹ chỉ bang giao chính thức với Bắc Kinh nên
không có tòa đại sứ ở Đài Loan, liên lạc ngoại giao với đảo quốc này chỉ là qua
các phái bộ liên lạc.
Sau cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, Tổng Thống
Tân Cử Donald Trump lúc đó nói là “sẽ thương thuyết về vấn đề Trung Quốc và Đài
Loan.” Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc khẳng định là sẽ không có thương lượng nào
về bất cứ vấn đề gì với Mỹ, nếu Mỹ không tôn trọng điều kiện tiên quyết về
chính sách “Một Trung Quốc,” Tổng Thống Trump đã phải đồng ý chấp nhận đấu dịu.
Sự chấp nhận ấy không có nghĩa là chính sách bang
giao với Trung Quốc đã được minh định. Còn rất nhiều vấn đề mà Mỹ cần giải quyết
với Trung Quốc, bao gồm từ vấn đề kinh tế, tiền tệ, mậu dịch đến chuyện Bắc
Hàn, Biển Đông.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Mỹ hay Trung Quốc
đều không thể có một lập trường cứng nhắc định sẵn khi phải đối diện với thực tế.
No comments:
Post a Comment