Tuesday 7 February 2017

TÌM HIỂU NỘI DUNG SẮC LỆNH CỦA TỔNG THỐNG TRUMP VỀ DI TRÚ (Phan Quang Tuệ)




Phan Quang Tuệ
February 7, 2017

Tổng thống Trump ký sắc lệnh về di trú ngày 27 tháng 1 năm 2017. (Hình: Getty Images)

ho đến khi khởi sự bài viết này, Tổng Thống Trump đã ký 18 sắc lệnh hành pháp từ khi tuyên thệ nhậm chức.

Đầu tiên là sắc lệnh thu hồi Obamacare. Kế đến là xây bức tường phía Nam tiếp cận Mexico. Tiếp theo là rút lui khỏi TPP (Trans Pacific Partnership). Mực chưa khô thì là lệnh đình chỉ tuyển dụng (freeze) thêm nhân viên hành chánh liên bang. Ngay sau đó là giản dị hoá thủ tục liên bang (deregulation). Cứ trung bình là 1.5 sắc lệnh mỗi ngày. Bao trùm mọi lãnh vực như y tế, hành chánh, quân sự, nội an, ngoại giao, thương mại, thuế quan,…

Thông thường các sắc lệnh hành pháp bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi công bố trên công báo liên bang (Federal Register). Nhưng chưa lên công báo thì những sắc lệnh của Tổng Thống Trump đã gây cuồng phong, bão tố. Không những trong nước mà còn khắp nơi trên thế giới.

Trong số những sắc lệnh đã ký thì sắc lệnh về di trú TT Trump ký ngày 27-1-2017 là văn kiện mà ảnh hưởng bùng nổ hầu như tức thời ngay sau khi khi công bố. Phản ứng ở các trung tâm chính trị, ngoài đường phố, trong các phi trường quốc tế, và ngay cả trong các gia đình có thân nhân không phải, hay chưa là, công dân Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt cũng sôi nổi với những cuộc tranh luận đôi khi gay gắt.

Tác giả Phan Quang Tuệ là Phó Biện Lý (Trial attorney) cho Sở Di Trú (INS) từ 1988-1993 và Thẩm phán Toà Di Trú San Francisco từ 1975 cho đến khi về hưu cuối năm 2012. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bài này được viết với tính cách thông tin đại chúng cho những người muốn tìm hiểu và nắm vững các dữ kiện.

Sắc lệnh được TT Trump ký ngày thứ Sáu 27-1-2017 dưới tiêu đề chính thức: ‘Protecting The Nation From Foreign Terrorist Entry Into The United States.’ Tạm dịch: ‘Bảo Vệ Quốc Gia Chống Quân Khủng Bố Nước Ngoài Xâm Nhập Vào Hiệp Chủng Quốc.’

Sắc lệnh gồm 10 điều khoản:

Điều 1 nói về mục đích của sắc lệnh, tuyên bố thủ tục cấp phát chiếu khán đóng một vai trò tối ư quan trọng nhằm khám phá những phần tử có mối liên hệ với quân khủng bố hầu ngăn chặn chúng xâm nhập vào Hiệp Chủng Quốc.

Điều 2 tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ là bảo vệ công dân của mình chống lại các phần tử nước ngoài âm mưu tấn công khủng bố trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Điều 3 nói về việc đình chỉ cấp phát chiếu khán và những quyền lợi di trú khác cho công dân những quốc gia cần có quan tâm đặc biệt. Trong điều 3 (c) TT Trump ra lệnh đinh chỉ nhập cảnh, cả thường trú nhân lẫn không phải thường trú nhân (as immigrants and non-immigrants) đối với những người thuộc 7 quốc gia được liệt kê trong điều 217 (a) (12) cuả Bộ Luật Di trú và Quốc Tịch. Bảy quốc gia này được đạo luật năm 2016 kể trên xếp loại vào trong danh sách những quốc gia cần có mối quan tâm đạc biệt. Hồi giáo là tôn giáo của đa số người dân những quốc gia này. Danh sách gồm có: Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia, Yemen, và Somalia.

Lệnh đình chỉ có hiệu lực kể từ ngày ký sắc lệnh và trong thời hạn 90 ngày. Chính điều khoản 3(c) này mới là một trong những điều khoản nằm trong Án Lệnh Tạm Ngưng Thi Hành, Temporary Restraining Order (TRO) ngày 03-02-2017 của Thẩm Phán Liên bang James L. Robart.

Điều 4 nói về tiêu chuẩn thanh lọc áp dụng đồng nhất trong tất cả các chương trình di trú.

Điều 5 nói về Tái Phối Trí (tạm dịch: Realignment) chương trình định cư tỵ nạn cho tài khoá 2017. Khoản 5 (a) của sắc lệnh đình chỉ chương trình định cư tỵ nạn một thời gian 120 ngày. Khoản 5 (b) quy định sau thời gian 120 ngày, Bộ Ngoại Giao và Bộ Nội An sẽ ấn định những thay đổi cần thiết, và ấn định thứ tự ưu tiên cuả các đơn xin tỵ nạn. Khoản 5 (c) đình chỉ vô thời hạn (cho đến khi có quyết định cuả TT Trump) chương trình tỵ nạn cho tất cả những đơn xin tỵ nạn cuả người Syria. Khoản 5 (e) quy định Ngoại Trưởng và Bộ trưởng Nội An quyền cho nhập cảnh từng trường hợp cá nhân xin tỵ nạn khi phù hợp và không gây thiệt hại cho quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ. Các điều 5 (a), (b), (c), và (e) là những điều còn lại nằm trong Án Lệnh Đình Chỉ Thi Hành Tạm của Thẩm phán liên bang Robart. Tóm lại, án lệnh Robart đình chỉ thi hành tạm điều khoản 3(c), 5(a), 5(b), 5(c), và 5(e) mà thôi. Các điều khoản còn lại của sắc lệnh vẫn giữ nguyên.

Chế độ chính trị của Hoa Kỳ đặt nền tảng trên nguyên tắc kiểm soát và cân bằng, tổ chức trên một bản Hiến Pháp 230 năm với 3 quyền Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp. Trong khuôn khổ của bài viết, Hiến Pháp đây là hiến pháp liên bang, và Tư Pháp đây là tư pháp liên bang. Các toà án liên bang, và thẩm phán liên bang được Hiến Pháp quy định trong điều 3. Vì thế, hệ thống toà án liên bang, và các thẩm phán trong hệ thống này, thường được gọi chung là Toà án và Thẩm phán Điều 3 (Article III judges). Hệ thống Tư Pháp liên bang gồm Toà Sơ Thẩm (US District Courts), Toà Phúc Thẩm (Circuit Court hay Court of Appeals), và Tối Cao Pháp Viện. Hiện nay có 94 tòa sơ thẩm liên bang, và 13 toà phúc thẩm.

Vụ án đưa đến Án Lệnh cuả Thẩm phán Robart xuất phát từ một đơn khởi tố ban đầu của tiểu bang Washington, sau đó có tiểu bang Minnesota đồng khởi tố, nộp ngày 03-02-2017, một tuần sau khi TT Trump ký sắc lệnh về di trú. Sau khi nghe luận cứ của nguyên đơn Washington và Minnesota một bên, và bị đơn TT Trump, Thẩm phán Robart ra Án Lệnh truyền các nguyên đơn, gồm tất cả các viên chức hành pháp, tạm ngưng thi hành các điều khoản kể trên.

Án Lệnh Robart ghi rõ có hiệu lực trên toàn quốc (nation wide) cho dù phe bị đơn yêu cầu, nếu được chấp thuận, án lệnh chỉ có thể áp dụng trong phạm vi lãnh thổ các tiểu bang liên hệ mà thôi. Thẩm phán Robart bác bỏ luận cứ này, viện dẫn một án lệ có tính cách áp dụng tổng quát theo đó luật di trú phải được thi hành một cách cương quyết và đồng nhất (uniformly.)

Trong phần kết luận cuả án lệnh, Thẩm phán Robart viết như sau: ‘Làm nền tảng cho công việc cuả bổn toà là công nhận với tất cả lương tri rằng toà án này chỉ là một trong 3 ngành với vị trí bình đẳng. Rằng công việc của bổn tòa chỉ gìới hạn trong việc bảo đảm rằng những quyết định cuả 2 ngành kia phù hợp với luật lệ quốc gia, và quan trọng hơn cả, phù hợp với Hiến Pháp.”

Làm sao một thẩm phán lại có quyền ra lệnh ngưng thi hành một sắc lệnh cuả một Tổng Thống đầy uy quyền? Câu trả lời nằm ngay trong Hiến Pháp. Điều II Hiến Pháp trao quyền hành pháp cho Tổng Thống. Tuy không minh thị vạch ranh giới cho quyền này, phần còn lại của Hiến Pháp đã chia quyền hạn quốc gia với hai ngành lập pháp và tư pháp qua điều I và III. Tuy có vẻ là một ngành bị động, tư pháp, qua Tối Cao Pháp Viện (TCPV) và các thẩm phán liên bang, lại là định chế có thẩm quyền phán xét tính cách hiến định cuả các quyết định hành pháp.

Lịch sử đôi khi lập lại, chỉ có vai trò các phe liên hệ là thay đổi. Người ta còn nhớ chỉ mới năm 2015 tại Texas, Thẩm phán liên bang Andrew Hannen ra án lệnh TRO tạm ngưng quyết định hành pháp (executive action) của TT Obama cho phép tạm đình chỉ trục xuất (withholding of deportation) các trẻ vị thành niên hội đủ một số điều kiện. Án lệnh này được Thẩm phán Hannen ký theo đơn khởi tố của Texas và 25 tiểu bang khác. Án lệnh này sau đó được Toà Sơ Thẩm Vùng 5 y án.

Như vậy thì đương trạng của vụ án này ra sao?

Khi bài viết này được viết phần kết vào lúc 3 giờ sáng ngày 7-02-2017 thì nội vụ đang ở trước Toà Phúc Thẩm Vùng 9 (9th Circuit Court). Bên nguyên đơn, được tăng cường thêm với biện minh trạng của 16 công tố tiểu bang, cộng thêm với bản tuyên bố của 2 cựu ngoại trưởng, John Kerry và Madeleine Bright, thỉnh cầu toà phúc thẩm giữ nguyên án lệnh của Thẩm phán Robart. Bên Bộ Tư Pháp liên bang thỉnh cầu toà phúc thẩm cất (lift) án lệnh này. Một ban (panel) gồm ba thẩm phán liên bang thuộc tòa phúc thẩm, sẽ cứu xét và quyết định. Tòa án Vùng 9th là toà phúc thẩm gồm có đông thẩm phán nhất (29 thẩm phán), lại là toà có số luợng kháng cáo về di trú nhiều nhất trong 13 toà phúc thẩm. Tác giả, khi còn phục vụ tại Toà Di Trú San Francisco, đã từng có nhiều phán quyết bị kháng cáo lên Toà Phúc Thẩm này. Phần lớn các tiểu bang Miền Tây, trong đó có tiểu bang Washington, cộng thêm Hawaii và Alaska, đều thuộc thẩm quyền lãnh thổ của Vùng 9.

Dẫu cho Toà Phúc Thẩm phán quyết ra sao, chắc chắn vụ kiện sẽ lên TCPV. Và từ khi Thẩm phán Scalia từ trần năm ngoái, TCPV hiện nay chỉ có 8 thẩm phán. Trường hợp biểu quyết đồng phiếu, 4-4, thì phán quyết Toà Phúc Thẩm sẽ y án. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của phán quyết ngày mai của 3 thẩm phán Toà Phúc Thẩm Vùng 9.

Hy vọng bài viết đóng góp thêm cho sự hiểu biết của những quý vị quan tâm đến vụ án đặc biệt này.

-----------------------------
7 tháng 2, 2017

Bộ Tư pháp Mỹ bảo vệ lệnh cấm đi lại của Tổng thống Donald Trump và kêu gọi tòa phúc thẩm khôi phục nó vì lợi ích an ninh quốc gia.

Bản tóm tắt hồ sơ 15 trang lập luận lệnh cấm đi lại là một "việc thực thi hợp pháp quyền hạn của tổng thống" và đây không phải là một lệnh cấm người Hồi giáo.
Sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh đối với tất cả những người tỵ nạn và du khách đến từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo.
Phiên điều trần dự kiến diễn ra hôm 7/2 về việc có nên khôi phục hoặc bác lệnh cấm này.
Chính quyền Trump đã trình thêm các luận cứ tại Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 của Hoa Kỳ để đáp lại việc một thẩm phán liên bang ở tiểu bang Washington ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump hôm 3/2.
Vị thẩm phán cho rằng lệnh cấm này vi hiến và có hại đến lợi ích quốc gia.
Do vậy mà những người đến từ bảy quốc gia - Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - với visa hợp lệ vẫn có thể đến Mỹ.

Bộ Tư pháp lập luận gì?
Bản tóm tắt hồ sơ nộp đêm 6/2 cho biết tòa án Washington đã "sai khi ngăn việc thực thi sắc lệnh".
Những lập luận quan trọng trong bản tóm tắt hồ sơ:
§  tổng thống là người có quyền đưa ra quyết định về an ninh quốc gia
§  "không chính xác" khi gọi đó là lệnh cấm người Hồi giáo vì bảy quốc gia đó được xác định có nguy cơ khủng bố
§  sắc lệnh này "trung lập và tôn trọng tôn giáo"
Sắc lệnh do ông Trump ký hôm 25/1 nhằm thực hiện lời cam kết trong chiến dịch tranh cử để thắt chặt các hạn chế về lượt người đến Mỹ.
Sắc lệnh bao gồm lệnh cấm tạm thời tiếp nhận tất cả người tỵ nạn và được diễn giải là ưu tiên người tỵ nạn Kitô hữu, ấn định hạn mức nhận tối đa 50.000 người tỵ nạn mỗi năm.
Nó gây tình trạng hỗn loạn ở các sân bay Mỹ và nước ngoài khi có hiệu lực, và bị lên án rộng rãi, dù các cuộc thăm dò cho thấy công luận Mỹ đang bị chia rẽ về chính sách này.

------------------------
07.02.2017

Một toà phúc thẩm liên bang Mỹ đang chuẩn bị lắng nghe những lập luận trong cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, ra lệnh đình chỉ chương trình nhận người tị nạn và cấm nhập cảnh vào đất Mỹ những người đến từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Chính phủ của Tổng thống Trump đang tìm cách lật ngược phán quyết do Thẩm phán James Robart của bang Washignton công bố hôm thứ Sáu, chặn đứng chỉ thị của Tổng thống Trump đình chỉ các chuyến đi Mỹ của tất cả những người tị nạn, đặc biệt là những người đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các nhà báo hôm thứ Hai rằng chính phủ tự tin là sẽ thắng thế trong thách thức pháp lý này. Ông nói:
“Chúng tôi không xét lại chiến lược của mình, tôi nghĩ toà án đã yêu cầu cả hai bên trình bày lập luận của mình. Nên nhớ rằng điều mà chúng ta đang thảo luận ngay bây giờ không có liên hệ gì đến sự chính đáng của sắc lệnh hành pháp, luật pháp rất rõ ràng về vấn đề này: Tổng thống có quyền hạn lớn để bảo vệ sự an toàn của nhân dân và các định chế quốc gia, liên hệ tới những ai được quyền nhập cảnh.”

Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới đã bắt đầu cho phép khách du hành có thị thực nhập cảnh hợp lệ được vào lãnh thổ Mỹ, theo phán quyết của thẩm phán Robart.
Tổng thống Trump lên án phán quyết của thẩm phán Robart trong một tin nhắn trên trang Twitter hôm Chủ nhật, nói rằng phán quyết ấy “đẩy đất nước chúng ta vào tình trạng nguy hiểm,” và ông thẩm phán sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tấn công khủng bố.
Hai bang Washington và Minnesota là bên đứng ra khiếu kiện. Ủng hộ hồ sơ khiếu kiện của hai bang này có các tổng chưởng lý của 15 tiểu bang khác, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ và gần 100 tập đoàn công ty.
Hai cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry và bà Madeleine Albright, miêu tả sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump là “không chín chắn, thi hành không hữu hiệu và không được giải thích một cách thoả đáng.”

LIÊN QUAN :

-------------------------------

Cuộc chiến pháp lý về di trú ở Mỹ
08.02.2017

Nước Mỹ vẫn tiếp tục chia rẽ ngay cả sau cuộc bầu cử Tổng thống.

Ngày 27.1.2017, tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký một sắc lệnh về di trú gây tranh cãi không chỉ trong lòng nước Mỹ mà cả trên thế giới khi cấm cửa người tị nạn Syria và hạn chế người nhập cảnh từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo bao gồm Iraq, Iran, Syria, Somali, Libya, Sudan, và Yemen.
Sắc lệnh này đã khiến hàng ngàn người bị kẹt lại tại các sân bay của Mỹ, kể cả những thường trú nhân có thẻ xanh trở về Mỹ từ các quốc gia trong danh sách.
Ngay lập tức, làn sóng biểu tình trên nhiều thành phố lớn của Mỹ như New York, Washington DC, Los Angeles hay San Fransico nổ ra rầm rộ và dường như không có dấu hiệu hạ nhiệt. Các luật sư túc trực tại các sân bay để hỗ trợ miễn phí cho các hành khách mắc kẹt tại đây.

Từ phán quyết của Thẩm phán James Robart ở Seattle, có ít nhất 5 tiểu bang đã cho tạm dừng sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump. Cuộc chiến pháp lý giữa ngành hành pháp (chính quyền Tổng thống Donald Trump) và tư pháp (Tòa án) cũng diễn ra từ đây.
Lý giải cho sắc lệnh của mình, Tổng thống Donald Trump nói rằng đây không phải là vấn đề tôn giáo, hay cấm nhập cảnh với người Hồi giáo, mà nhằm để bảo vệ nước Mỹ khỏi khủng bố. Bằng chứng được viện dẫn là 40 nước đạo Hồi còn lại không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thượng nghĩ sĩ John McCain và Lindsey Graham cho rằng lệnh cấm này sẽ làm tổn thương cuộc chiến chống khủng bố. Nhiều nghĩ sĩ Đảng Dân chủ cũng nói không thể trông cậy sắc lệnh này khi nó hạn chế ngay cả người nhập cảnh hợp pháp bao gồm cả những người đã có thẻ xanh thường trú nhân ở Mỹ. Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi là việc 100 công ty công nghệ Mỹ cùng với 2 tiểu bang và 2 cựu Ngoại trưởng Mỹ đứng ra khởi kiện sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và phía Tòa án Hoa Kỳ rồi cũng sẽ đi đến hồi kết, nhưng cuộc chiến pháp lý này cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho nền dân chủ tiêu biểu kiểu Mỹ. Theo đó đất nước Mỹ được điều hành bởi hệ thống tam quyền phân lập, nơi mà Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp hoạt động độc lập nhằm giữ thế cân bằng và kiểm soát quyền lực, vốn là một điều mới lạ đối với công dân các nước như Việt Nam.



No comments:

Post a Comment

View My Stats