Thursday, 16 February 2017

TÌM HIỂU LUẬT TỊ NẠN MỸ & QUỐC TẾ QUA TRƯỜNG HỢP SYRIA (Quỳnh Vi - Luật Khoa)




Quỳnh Vi  -  Luat khoa
14 Feb 2017

Trong gần 3 năm vừa qua, khi cuộc chiến tại Syria leo thang thì hình ảnh người tị nạn từ đất nước này đã trở thành tâm điểm của truyền thông trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, Tổng thống Trump đã đưa ra những hứa hẹn khi tranh cử là sẽ thắt chặt việc nhập cảnh người tị nạn và di dân. Mặc dù đã bị toà án ra lệnh tạm hoãn thi hành, sắc lệnh hành pháp ban hành ngày 27/1/2017 cho thấy phần nào quyết tâm thực hiện điều này của Donald Trump trong những ngày sắp tới.

Tổng thống Trump và vấn đề người tị nạn Syria. Ảnh: Infowars.com.

Theo sắc lệnh này, Mỹ sẽ đóng cửa hoàn toàn chương trình tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày và ngừng tiếp nhận người tị nạn Syria vô thời hạn.

Vấn đề tái định cư người tị nạn không chỉ liên quan đến an ninh quốc gia của những nước tiếp nhận như Hoa Kỳ, mà đây còn là vấn đề quốc tế và đặc biệt có liên quan trực tiếp đến quyền con người.

Nếu nước Mỹ thật sự thay đổi chính sách và đóng cửa với người tị nạn thì lời kêu gọi của họ đến các nhà nước độc tài về việc thực thi những giá trị dân chủ và nhân quyền liệu có còn đủ trọng lượng như trước đây hay không?

Một số thông tin từ Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR) về thủ tục tái định cư, cũng như cùng tìm hiểu quy trình xử lý hồ sơ tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn cơ sở pháp lý của những tranh cãi xung quanh vấn đề người tị nạn hiện nay.

Định nghĩa về người “tị nạn” trong luật Quốc tế

Người “tị nạn” (refugees) là định nghĩa do Công ước về vị thế người tị nạn 1951 (United Nations 1951 Convention Relating to the Status of Refugees) đặt ra sau Thế chiến thứ 2, khi người dân tại một số nước Âu châu vẫn phải tiếp tục bỏ trốn nơi sinh trưởng vì các lý do đàn áp chính trị, tôn giáo, và cả chiến tranh.

Hoa Kỳ là một trong những nước dẫn đầu việc soạn thảo Công ước 1951 và cũng là một trong những nước thành viên đầu tiên. Hiện nay, có 145 quốc gia là thành viên của công ước này.

Quy ước về vị thế người tị nạn năm 1967 (1967 Protocols) đưa ra những nguyên tắc về việc tái định cư (resettlement) người tị nạn trên toàn thế giới đối với những quốc gia thành viên của Công ước QT về người tị nạn. (Việt Nam không tham gia Công ước 1951 hay Quy ước 1967).

Theo Công ước 1951, người tị nạn (refugees) là những người bắt buộc phải chạy trốn khỏi đất nước của họ để thoát khỏi tình trạng khủng bố, chiến tranh, bạo lực hoặc đàn áp về tôn giáo hay chính trị. (1)

Vì thế, người tị nạn KHÔNG PHẢI là người di dân (immigrant) và do đó, càng không thể bị gọi là người di dân bất hợp pháp.

Người di dân là những người tự nguyện rời khỏi đất nước của mình vì những lý do khác, mà kinh tế thường là nguyên nhân chủ yếu. Ngược lại, người tị nạn không tự nguyện rời bỏ quê hương.

Thủ tục cứu xét tái định cư người tị nạn theo Công ước 1951 và Quy ước 1967 

Trước hết, người tị nạn phải được Cao ủy LHQ xác nhận tư cách “tị nạn” rồi mới được đưa vào danh sách trình đến các quốc gia đồng ý tiếp nhận cho họ tái định cư, ví dụ như Hoa Kỳ.
Trong việc cứu xét tái định cư người tị nạn của Cao ủy LHQ, có vài thông tin từ LHQ (2) mà chúng ta cần chú ý:

Thông tin và dữ liệu về tái định cư người tị nạn toàn thế giới và tại Hoa Kỳ (UNHCR).

Thuyền nhân Việt Nam góp phần cho ra đời Luật Tị nạn Mỹ hiện hành

Sau cuộc chiến Việt Nam, con số thuyền nhân từ Việt Nam vượt biên đến các trại tị nạn trong khu vực Đông Nam Á đã có khi lên đến hàng trăm nghìn người mỗi năm, từ năm 1975 cho đến 1979. (3)

Đứng trước tình hình người tị nạn từ Việt Nam và một số nước ĐNA khác tiếp tục xin tị nạn, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng cần phải có một quy định pháp luật rõ ràng cho việc tái định cư của những người này.

Với sự đề xuất của thượng nghị sỹ Edward Kennedy thuộc đảng Dân chủ từ bang Massachusetts, và được sự ủng hộ của 14 thuợng nghị sỹ khác trong đó có cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một dự thảo luật về tái định cư người tị nạn đã được trình lên Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1979 (Dự thảo luật S.643). (4)

Dự thảo luật S.643 được thông qua với tên gọi Đạo luật về Người Tị nạn năm 1980 (The Refugee Act of 1980), và đã đưa các định nghĩa cùng nghĩa vụ pháp lý của Công ước 1951 vào luật Hoa Kỳ.

Đạo luật Người Tị nạn 1980 là cơ sở pháp lý cho việc hình thành và vận hành của Chương trình Tiếp nhận người tị nạn của Chính phủ Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program – USRAP) từ đó cho đến nay.

USRAP cũng chính là chương trình đã bị hoãn trong vòng 120 ngày bởi Điều 5(a) của sắc lệnh cấm nhập cảnh do tổng thống Donald Trump ký ngày 27/1/2017 vừa qua, trước khi tòa liên bang Mỹ tại địa hạt Tây Washington ban hành lệnh đình chỉ tạm thời việc thi hành sắc lệnh này.

Thuyền nhân VN thế kỷ 20 và người tị nạn Syrian hiện nay. Ảnh: Danny Nguyen/taskandpurpose.com.

Quy trình thẩm định và cứu xét người tị nạn tái định cư vào Mỹ hiện nay

Một người đã được Cao ủy LHQ xác nhận tư cách tị nạn, nếu muốn được tái định cư ở Mỹ còn phải trải qua quy trình thẩm định riêng của Mỹ. Thuyền nhân Việt Nam, cho đến những năm cuối thập niên 1980, đã được Cao ủy LHQ và Mỹ lập tức cho hưởng quy chế tị nạn khiến cho thời gian chờ đợi cứu xét được rút ngắn. (5)

Thế nhưng hiện nay, tình cảnh của người tị nạn Syria lại không được khả quan như thế.

Theo thủ tục hiện hành, sau khi trải qua vòng thẩm định kéo dài ít nhất 2 năm của Cao ủy LHQ và được công nhận tư cách tị nạn, một người muốn hưởng quy chế tị nạn của Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục trải qua một quy trình kéo dài từ 18-24 tháng (theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2014).
Quy trình thẩm định của Hoa Kỳ bao gồm sự tham gia của 8 cơ quan liên bang của Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa, với sự tra cứu dữ liệu từ 6 cơ sở dữ liệu quốc gia. Người nộp đơn còn phải trải qua 5 kỳ kiểm tra lý lịch đặc biệt, 4 lần kiểm tra an ninh sinh trắc, 3 cuộc phỏng vấn cá nhân, và 2 lần kiểm tra an ninh liên cơ quan.
Nếu Bộ Ngoại giao xác định một trường hợp đủ tiêu chuẩn tị nạn, hồ sơ này sẽ được chuyển đến 1 trong 9 tổ chức NGO (6 trong đó là các tổ chức về tôn giáo và tín ngưỡng) để các tổ chức này tiến hành các thủ tục bảo trợ. Sau khi người tị nạn đến Mỹ, thì cũng chính các tổ chức này sẽ đứng ra giúp họ tìm nơi cư ngụ, việc làm, và đăng ký các dịch vụ xã hội của chính phủ.
Không có bất kỳ quy trình thẩm định đặc biệt nào dành riêng cho người tị nạn từ Syria để có thể rút ngắn thời gian cứu xét như người Việt Nam đã từng được hưởng.


Ngừng nhận tị nạn, Mỹ gặp vấn đề gì với Luật Quốc tế?

Rất rõ ràng là một số người Mỹ và cả chính phủ của Tổng thống Trump hiện nay không đồng ý tiếp nhận người tị nạn, đặc biệt là người tị nạn từ Syria.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vấn đề người tị nạn còn liên quan đến các công ước QT. Nếu thế, liệu chính phủ Mỹ có vi phạm luật quốc tế khi quyết định dừng thi hành thủ tục tái định cư người tị nạn Syria hay không?

Câu trả lời không đơn giản là có hay không vì Công ước 1951 không phải là văn bản pháp lý có tính chế tài. Và do đó, không có bất kỳ biện pháp chế tài nào đối với các quốc gia thành viên khi họ không thực hiện cam kết.

Nguyên tắc căn bản và cũng là nghĩa vụ quan trọng nhất mà các nước thành viên của Công ước 1951 được khuyến nghị tuân thủ là “không hoàn trả người tị nạn” (non-refoulement) nằm ở Điều 33(1). Nguyên tắc “không hoàn trả” được hiểu là những quốc gia thành viên sẽ không trao trả người tị nạn trở về nơi mà tính mạng hoặc quyền tự do bị đe dọa vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính trị, nguồn gốc xuất xứ, hay vì họ là thành viên của một tổ chức xã hội.

“Không hoàn trả” cũng được hiểu là các quốc gia thành viên sẽ tiếp nhận người tị nạn dựa trên thủ tục tái định cư mà mỗi nước được quyền tự đề xuất. Quyền không bị hoàn trả lại nơi mà họ phải đào thoát đã được công nhận là một quyền con người theo luật QT. (Xin xem thêm Điều 3 của Công ước Chống Tra tấn – the Convention against Torture). Các nước thành viên Công ước 1951 sẽ chia sẻ với nhau trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn này.

Vì Hoa Kỳ đã ban hành một số đạo luật liên bang để thực thi Công ước 1951 ở cấp quốc gia, các đạo luật này – và cả Công ước 1951 – đều có thể được dùng làm cơ sở pháp lý cho những người muốn hưởng quy chế tị nạn tại Mỹ.

Ngoài yếu tố luật pháp trong việc xem xét liệu Mỹ có cần thực thi Công ước 1951 hay không, chúng ta cũng nên nhìn lại nguyên tắc của chính Hoa Kỳ về việc tiếp nhận người tị nạn trong quá khứ.

Tượng Nữ thần Tự do ở New York là biểu tượng cho truyền thống tiếp nhận người tị nạn và di dân của Mỹ. Trang: Adam Ellis – Buzzfeed. 

Trước hết, Hoa Kỳ không những là một trong những thành viên đầu tiên của Công ước 1951, mà còn là một trong những nước dẫn đầu việc soạn thảo nội dung của công ước và thúc đẩy các nước thông qua sau Thế chiến thứ 2.

Đặc biệt là từ khi Hoa Kỳ mở cửa tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 70 và 80, thì họ vẫn luôn là nước đứng đầu thế giới trong việc tái định cư người tị nạn. Theo Cao ủy LHQ, Mỹ đã tiếp nhận trên 3 triệu người tị nạn từ khắp nơi đến định cư tại đây từ năm 1975.
Nếu nước Mỹ ngày nay từ chối thực hiện nghĩa vụ dựa trên một công ước quốc tế trực tiếp liên quan đến quyền con người do chính họ soạn thảo và thúc đẩy các nước khác tham gia như Công ước 1951, thì tiếng nói của họ sẽ giảm đi sức mạnh khi yêu cầu các quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc thực hiện những công ước QT khác, ví dụ như Tuyên ngôn QT về Nhân quyền hay Công ước LHQ về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Cái mà nước Mỹ có thể mất đi khi từ chối người tị nạn Syria chính là vị thế lãnh đạo của mình trên chính trường thế giới và trong các cuộc đối thoại về nhân quyền với các nhà nước độc tài, chứ không chỉ là việc phải đối mặt với chế tài từ một công ước QT.

Tài liệu tham khảo:




No comments:

Post a Comment

View My Stats