Thursday 2 February 2017

SÓNG NGẦM ĐANG PHÁ NÁT VIỆT NAM (Phạm Trần)




Phạm Trần
Posted by adminbasam on 02/02/2017

Nếu chỉ đọc những điều Đảng và Nhà nước nói thì Việt Nam là nước hòa bình, phồn thịnh, nhân dân hạnh phúc và không có gì phải băn khoăn. Nhưng đằng sau tấm màn nhung ấy thì đất nước lại là một xã hội đang suy đồi về luân thường đạo lý, tội ác gia tăng và con người Việt Nam đang mất định hướng.
Trước hết hãy đọc câu nói lạc quan đầu năm Đinh Dậu của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng:  “Bước sang Năm mới 2017, sẽ có nhiều thời cơ, vận hội mới mở ra với Việt Nam… Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, chúng ta vẫn bảo đảm một đất nước thanh bình…Vị thế, uy tín của Việt Nam trên chính trường quốc tế ngày càng cao….chúng ta rất vui mừng và tự hào những kết quả đạt được trong những năm vừa qua, một trong những năm có ấn tượng phát triển tốt, không khí đón xuân có khí thế, cả hệ thống chính trị chúng ta vào cuộc, nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Đó là cái rất sâu xa không ai có thể đong đo đếm được.” (Phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), 27/01/2017 (30 Tết).
Ông Trọng nói vậy mà không phải vậy vì ông đã nói những điều không thật. Quốc phòng an ninh Tổ quốc chưa bảo đảm vì mối đe dọa đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Hoa vẫn lơ lửng ở Biển Đông và dọc biên giới Trung-Việt.
“Một đất nước thanh bình” thì phải trong ấm ngoài êm, biên cương phải vững như bàn thạch, quần đảo Hòang Sa không còn trong tay Tầu và quân Trung Hoa đã rút khỏi 7 bãi đá chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 mà nay đã tân tạo, mở rộng thành đảo quân sự để đe dọa an ninh trong khu vực.
Tất cả những yếu tố quan trọng và then chốt này chưa xẩy ra nên sự vững tin của ông Trọng phải có lý do nào đó. Chẳng nhẽ sự lạc quan này lại gắn kết với “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đến năm 2025”?
Hai nước Việt-Trung đã ký Thỏa hiệp này trong chuyến thăm Trung Quốc không rõ lý do của ông Nguyễn Phú Trọng trong 3 ngày từ 12 đến 15/01/2017. Nhưng chi tiết của thỏa hiệp “nhìn chung” là nhìn như thế nào, và tại sao lại giới hạn đến năm 2025 đã không được tiết lộ.
Vì vậy đã có nghi vấn có phải “nhìn chung” là hai nước Việt-Trung đã hòa hoãn không gây khó khăn quân sự cho nhau ở biên giới; giữ nguyên trạng những vị trí đóng quân của đôi bên ở Trường Sa; Việt Nam cam kết không nhắc đến vấn đề Hòang Sa, và “quên” luôn cả những thảm họa Trung Quốc đã gây ra cho Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh biên giới 1979-1999? Hay còn những “nhìn chung” nào khác mà Việt Nam phải nhượng bộ để được yên thân?
Những nghi vấn này đang luẩn quẩn trong đầu nhiều người còn biết suy nghĩ ở Việt Nam vào lúc đảng Cộng sản Việt Nam phải đối diện với một số vấn đề nghiêm trọng đang đe dọa sự lãnh đạo của mình.

SUY THOÁI LÊN NGÔI
Đứng đầu trong số này là làm sao ngăn chặn được suy thoái đạo đức lối sống và tư tưởng trong cán bộ đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ban hành ngày 30/10/2016, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ” đang là cơn sốt vỡ da của đảng.
Vô số Hội nghị của đảng, nhà nước, quân đội, công an, báo chí, văn nghệ sỹ, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở v.v… đã được tổ chức để qúan triệt thi hành.
Kết qủa ra sao thì có Trời biết. Chỉ thấy Tổng Bí thư Trọng lại mới triển khai thêm:  “Tôi xin nhấn mạnh thêm một số ý mới. Đầu tiên là phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phê bình và tự phê bình, làm chuyển biến trong mỗi con người, mỗi tổ chức.
“Thứ 2, phải nhấn mạnh xây dựng cơ chế chính sách luật pháp để kiểm soát cho được quyền lực. Ngoài việc kêu gọi tự giác giáo dục chính trị tư tưởng phải có biện pháp về tổ chức, tức là có cơ chế chính sách luật pháp,như tôi đã nhiều lần nói một cách hình ảnh là nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, quy chế chính sách.
“Thứ ba là tăng cường kỷ luật kỷ cương, vừa qua chỉ là xử lý bước đầu thôi.
“Thư tư, phải dựa vào nhân dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của công luận, của báo chí, công khai hóa.”
(Phỏng vấn của VOV ngày 27/01/2017)
Tuy có rõ ràng và chi tiết hơn nhưng nội dung thi hành thì vẫn như cũ và đã hỏng cả rồi. Bằng chứng là tòan đảng lại đang rầm rộ tổ chức “phê bình và tự phê bình” cho có vẻ “làm ăn” nghiêm chỉnh, nhưng cuối cùng rồi sẽ “trăm voi không được báo nước xáo” như trăm ngàn chuyện của đảng bấy lâu nay.
Bởi vì truyện dài “xây dựng, chỉnh đốn đảng” lần đầu tiên đã có trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII). Dưới thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nghị quyết ngày 02-02-1999 đã đưa ra chi tiết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.
Đến khoá đảng XI thời ông Trọng, Hội nghị Trung ương 4 lại tung ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” . Tổng cộng 20 năm,qua 3 đời Tổng Bí thư (Lê Khả Phiêu-Nông Đức Mạnh (2 khoá IX và X) và Nguyễn Phú Trọng (khóa XI rồi tiếp sang khóa XII), vấn đề xây dựng và chỉnh đốn đã biến thành “đạp đổ” và “đổ đốn” để tiến nhanh, tiến mạnh lên “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” nghiêm trọng hơn trong nội bộ đảng.
Nguyên do vì Chủ nghĩa Cộng sản, tuy còn sống trên giấy và trong đầu thiểu số lãnh đạo cực kỳ ù lì, bảo thủ và chậm tiến nhưng đã chết trong trái tim của hầu hết nhân dân Việt Nam.
Đảng CSVN có gần 4 triệu đảng viên trong tổng số 93 triệu dân, nhưng mấy ai trong họ còn tin rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh vẫn là cứu cánh và là nền tảng vững vàng để xây dựng đất nước thành công?
Cũng thay đổi là đi song song với Nghị quyết chống “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” là công tác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thay vì “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như trước đây.
Nhưng phong trào học tập này cũng chỉ làm cho có lệ và phần đồng là hình thức để báo cáo và khoe thành tích. Bởi vì nếu có làm như đã nói thì các tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, lãng phí, mất đòan kết, kèn cựa, nói xấu nhau trong đảng đã chết từ lâu rồi.
Cho nên khi người dân nghe câu nói tự khoe được “nhân dân đồng tình ủng hộ cao” của ông Trọng nói với VOV thì dân cũng chỉ biết chép miệng biủ môi cho đỡ xấu hổ.
Khó khăn cho đảng CSVN là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lỡ hứa sẽ làm triệt để, quyết liệt và cho bằng được, dù biết là rất khó.
Chẳng hạn như ông đòi mọi người phải “phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng “ và phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, quy chế chính sách”. Nhưng đâu phải bây giờ đảng viên mới suy thoái tư tưởng, tức không còn tin vào đàng, nói không đi dôi với làm hay làm ngược lại Nghị quyết, Chỉ thị của đảng?
Họ đã quay lưng lại với chế độ và tư tưởng Cộng sản từ ngay khi Thế giới Cộng sản tan rã năm 1991 ở nhà nước đầu sỏ Nga. Và từ sau Đại hội đảng đổi mới kỳ VI thời Nguyễn Văn Linh năm 1986 cho đến bây giờ trên 30 năm, cán bộ đàng viên tiếp tục chệch hướng và tự tìm đường mà đi để đạt mục tiêu giầu sang phú qúy.
Còn chuyện ông Trọng đòi quyền lực của mỗi đảng viên phải bị khép vào kỷ luật và khung luật pháp, kỷ cương và điều lệ đảng thì đó là chuyện của đảng nói và đảng làm.
Đảng đặt ra chính sách, người của đảng thi hành để cuối cùng khen thưởng hay kỷ luật cũng do người trong đảng nhỏ nhẹ với nhau, đa phần bằng bằng biện pháp hành chính, tha cho nhau để giữ tình đòan kết và bảo vệ lợi ích nhóm, thay vì truy tố và bỏ tù thì không phải “vừa đá bóng vừa thổi còi” là gì?

LÀN SÓNG NGẦM NGUY HIỂM
Nhưng bên dưới mặt nổi của tình trạng ngổn ngang nội bộ và những lạc quan bốc đồng của lãnh đạo thì những bất cập nổi cộm của chế độ đã lộ lên khắp mặt và đang tàn phá dữ dội nền tảng xã hội và con người Việt Nam.
Đó là nguyên nhân đã xuất hiện những phong trào do nhà nước chủ động được gọi là:  “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người phạm tội trong gia đình, ở địa bàn dân cư” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Những cuộc vận đồng này, tuy tốn phí cao, nhưng kết qủa giải trừ tội phạm chẳng được bao nhiêu.
Cũng đáng ngạc nhiên là một làn sóng lên tiếng về tình trạng tội phạm và phản ảnh mối quan tâm của người dân đã được nhiều giới và báo chí tham gia trong hai năm 2012-2014. Sau đó giảm dần nhưng không có nghĩa nhà nước đã thành công trong công tác diệt tội phạm.
Vì vậy, những gì trích dẫn trong bài này từ mấy năm trước vẫn còn nguyên giá trị của thời bây giờ, năm 2017, nếu so với các tin tức hàng ngày trên báo chí và báo cáo của công an.
Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa của Saì Gòn cho biết: ”Tình hình tội phạm hình sự ở nước ta đang gia tăng nghiêm trọng cả về số lượng và tính chất. Người ta dễ thấy tội phạm về con người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người dân, tội phạm về sở hữu làm tổn thất thu nhập và tài sản của xã hội. Tuy nhiên, tác hại của tội phạm còn đáng quan ngại hơn dưới lăng kính xã hội học.
Nạn côn đồ, lưu manh, băng nhóm là một báo động đỏ ở Việt Nam vì nó thể hiện những yếu kém, bất cập lớn cả về pháp luật lẫn công tác phòng, chống tội phạm. Doanh nghiệp sử dụng xã hội đen để đòi nợ; người dân, kể cả trong gia đình, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; tình trạng côn đồ, lưu manh hóa trong nhà trường, nơi công cộng đang lan tràn; hành vi coi thường, xúc phạm, thậm chí tấn công nhân viên công lực ngày càng phổ biến. Nguy hại của nạn côn đồ, lưu manh và băng nhóm là hết sức lớn vì chúng càng lộng hành thì người dân càng mất niềm tin ở công quyền, công lý và càng có xu hướng dựa vào chúng để đòi công lý bằng bạo lực, bằng “luật rừng”. (Theo Tạp chí Pháp luật TP.HCM online)
Như vậy thì lực lượng cảnh sát hình sự và điều tra tội phạm đã trốn hay không dám đụng tới kẻ phạm pháp?
Nguy hiểm hơn, theo Luật sư Nghĩa: ”Tình trạng trẻ hóa tội phạm là nguy cơ nhiều mặt. Giáo dục yếu kém của nhà trường và gia đình, cộng với đạo đức xã hội suy thoái khiến cho nhiều thanh thiếu niên tiêm nhiễm thói xấu, từ đó bị tiền sự, tiền án rất sớm, để lại những vết sẹo trong tinh thần và nhân cách, làm thui chột, hủy hoại cả phần đời còn lại. Do nhiều nguyên nhân, tỉ lệ tiếp tục dấn sâu vào tội phạm cao hơn tỉ lệ hoàn lương.”
Luật sư Trương Trọng Nghĩa nổi tiếng ở Quốc hội là người nói thẳng và nói mạnh những đỏi hỏi nhà nước phải giải quyết để tránh nạn cho dân. Do đó, không ngạc nhiên khi ông chỉ trích thẳng cán bộ thi hành luật pháp một cách tùy tiện để thủ lợi.
Ông bảo:  “Thực tiễn mấy năm qua cho thấy có nhiều chậm trễ, bất hợp lý trong pháp luật hình sự Việt Nam. Biết bao dòng sông trong mát ở các miền quê bị các doanh nghiệp gây ô nhiễm, đẩy hàng vạn nông dân vào chốn quẫn bách vì không trồng trọt, đánh bắt được, thậm chí tắm giặt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng ngay cả những vụ cố ý, gian dối xả chất thải độc hại ra môi trường bị bắt quả tang cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Hàng loạt công ty đa quốc gia khai lỗ triền miên trên sổ sách ở Việt Nam nhưng vẫn mở rộng đầu tư và tăng doanh số mà không thể xử lý tội trốn thuế. Nhiều vụ thua lỗ, thất thoát tài sản công do tham ô, lãng phí nhưng không thể khởi tố nhờ vào lá chắn trách nhiệm tập thể của pháp nhân. Nguyên nhân là ở tư duy pháp lý cũ kỹ, cho rằng chỉ có những cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Cuối Cùng, ông Nghĩa nói thẳng với nhà nước: ”Kết quả chống tham nhũng mấy năm qua cho thấy có sự lờn thuốc, mất sức đề kháng của không ít cán bộ, công chức, do đó phải có những thay đổi cấp bách, đột phá cả về thể chế, quy định và lực lượng phòng chống. Chừng nào chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng thì mọi nỗ lực phòng, chống tội phạm, kể cả những đạo luật chặt chẽ nhất cũng bị vô hiệu.”
Khẳng định của Đại biểu Nghĩa đã phản ảnh trong câu nói để đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 27/09/2013. Ông Trọng nói về tình trạng tham nhũng với cử tri quận Bà Đình, Hà Nội: ”Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”.
Nhưng sau câu nói thì tham nhũng vẫn tiếp tục sống hùng, sống mạnh và sống vinh quang như bấy lâu nay thì làm sao diệt được tội phạm?

CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI CAO
Đáng quan tâm cho tòan xã hội là càng ngày càng có nhiếu tội phạm gây ra bởi thành phần trẻ, chưa thành niên.
Một bài viết trên trang Cảnh sát Nhân dân ngày 22/12/2014 cho thấy: ”Số lượng tội phạm do người chưa thành niên gây ra chiếm tới 1/3 tổng số vụ phạm tội, hàng năm cả nước có xấp xỉ 15.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị đưa ra xử lý, 2.000 người chưa thành niên bị đưa vào trường giáo dưỡng và khoảng 1.200 người chưa thành niên phải chấp hành án hình sự tại các trại giam.”
Vẫn theo phân tích của hai Tác gỉa Thạc Sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trường Cao đẳng CSND I và Nguyễn Quang Dũng, Học viện CSND thì: ” Có khoảng 2/3 số người chưa thành niên vi phạm pháp luật được cải tạo và giáo dục, đồng thời, tại các địa bàn cơ sở, tuy vậy số lượng các vụ phạm tội do nhóm đối tượng này gây ra không giảm, thậm chí còn có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ của vụ việc phạm tội ngày càng nghiêm trọng như giết người man rợ, cướp tài sản táo tợn, manh động, có tổ chức.”
Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng này? Hai Tác gỉa trả lời: ” Nếu thiếu đi sự định hướng, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì nguy cơ phạm tội sẽ càng trở nên rõ rệt. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, phạm tội cướp tài sản nói riêng của người chưa thành niên.”
Tạp chí Cộng sàn Điện tử, cơ quan lý luận hàng đầu của đảng CSVN cũng có bài viết về tình trạng tội phạm ở Việt Nam trong số ra ngày 24/09/2014.
Báo này cho biết: ”Tội phạm có tổ chức, băng nhóm tội phạm mang tính chất “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm về ma túy hoạt động công khai, lộng hành ở nhiều thành phố lớn, trên các tuyến biên giới, trắng trợn xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, xã hội và nhân dân. Tham nhũng và tội phạm tham nhũng vẫn hết sức nhức nhối, trở thành một trong những mối đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ. Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra trong nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm có tính quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm sử dụng công nghệ cao đang là một thách thức lớn.” 
Nguyên nhân của tình hình trên”, theo Tạp chí , “một phần là do các yếu tố khách quan, như tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; sự xuống cấp về đạo đức xã hội, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, làm ăn chụp giật,… nhưng chủ yếu vẫn là do những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội. Cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tội phạm, vì vậy, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm chưa được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước.”
Như vậy thì chống với đỡ làm sao được. Cán bộ có trách nhiệm lơ là, không quan tâm hay làm cho có lệ để lấy điểm, khoe thành tích thì tội phạm lên ngôi là đúng trăm phần trăm.
Thậm chí, Tạp chí Cộng sản còn tố cáo: ”Nhiều cấp, nhiều ngành còn đứng ngoài cuộc hoặc chỉ tham gia một cách hình thức, chiếu lệ, đối phó. Tổ chức bộ máy, phân công, phân cấp ở các cơ quan bảo vệ pháp luật và chuyên trách còn bất cập, dẫn đến chồng chéo, trùng lặp. Năng lực tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện cũng như tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết tấn công tội phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, chiến sĩ lực lượng chuyên trách còn hạn chế, yếu kém, sa sút.”
Đi xa hơn, bài báo đã phản ảnh: ”Tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, mang yếu tố quốc tế, có tổ chức, xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao. Thủ đoạn hoạt động tinh vi, phương thức hoạt động xảo quyệt, manh động, liều lĩnh. Tội phạm hình sự có tổ chức, băng nhóm “xã hội đen” gây án nghiêm trọng, băng nhóm tội phạm ma túy có vũ trang ở khu vực biên giới, tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai và thương mại, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn hết sức nhức nhối. Xu hướng tội phạm cấu kết với nhau hình thành các tập đoàn tội phạm lớn hoạt động đa lĩnh vực, liên tỉnh, xuyên quốc gia, nếu không được đấu tranh ngăn chặn, có thể trở thành hiện thực. Tội phạm do suy thoái đạo đức xã hội, đạo đức gia đình có xu hướng gia tăng, trực tiếp đe dọa phá vỡ nền tảng đạo đức, văn hóa của xã hội.

BỘ CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC
Tình trạng tội phạm nghiệm trọng đến nỗi đã buộc Bộ Chính trị phải ra Chỉ thị ngày 19-12-014 có tên: ”Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.”
Chỉ thị nói: “Tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như:  khủng bố, rửa tiền, mua bán người, sử dụng công nghệ cao để phạm tội, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tội phạm về môi trường, tội phạm xuyên quốc gia… Số người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam và số người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài ngày càng nhiều. Tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội chiếm tỉ lệ cao, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm sử dụng vũ khí chống lại lực lượng thi hành công vụ gia tăng và quyết liệt hơn. Tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên xảy ra nhiều hơn, rất đáng lo ngại…”
Vậy nguyên nhân từ đâu, Chỉ thị vạch ra: “Tình hình trên đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm; lực lượng trực tiếp chống tội phạm ở nhiều nơi còn yếu; công tác quản lý xã hội, công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, về đạo đức, lối sống và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm còn nhiều hạn chế. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm do nguyên nhân xã hội còn thấp; tỉ lệ điều tra, khám phá một số loại tội phạm chưa cao…”
Trước tệ nạn này, như thường lệ phải tìm thủ phạm đâ bớt tội cho mình, Bộ Chính trị đã trơ trẽn viết: ”Trong thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dễ bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng, kích động làm mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự vững mạnh của chế độ ta. Do đó, công tác phòng, chống tội phạm cần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.”
Đáng chú ý là trong số những giải pháp, đảng đã ra lệnh phải: ”Chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên bao che, dung túng tội phạm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác này. Cán bộ, đảng viên có vợ (hoặc chồng), con bị xử lý hình sự thì tùy theo mức độ liên đới phải xem xét khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo hoặc miễn nhiệm, cách chức nếu cán bộ, đảng viên đó đang giữ chức vụ lãnh đạo.”
Nhưng từ đó đến nay (2017), chưa thấy có cán bộ đảng viên nào bị đem ra hành tội về bao che, dung túng tội phạm.

MA TÚY-THUỐC PHIỆN
Trong lĩnh vực nghiện ngập ở Việt Nam, theo báo cáo tháng 9/2015 của Bộ Lao động-Xã hội và Thương binh (LĐXH&TB) Kết quả rà soát đến tháng 9/2015 toàn quốc có hơn 204 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của lực lượng Công an, tăng gần 23 nghìn người (tăng 12%) so với cuối năm 2013.
Con số này chỉ gồm những con nghiện chính thức. Số người nghiện không khai báo hay lẩn trốn trong xã hội không thể đếm được.
Báo cáo cũng cho biết: ”Hiện nay, cả nước có 123 trung tâm cai nghiện bắt buộc với biên chế hơn 7 nghìn cán bộ, lương bình quân mỗi người là 3 – 4 triệu đồng/tháng, lưu lượng tiếp nhận cai nghiện khoảng 60 nghìn người/năm với cơ sở vật chất hàng ngàn ha. Nhưng hiện tại chỉ có 22,2 nghìn người cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện, trong đó có 14 trung tâm cai nghiện không có người nghiện rất lãng phí. Ngoài ra còn có 180 cơ sở điều trị mathadone, tại 42 tỉnh thành đang điều trị cho 42 nghìn người nghiện ma túy.”
Vậy ma túy mới đang đầu độc giới trẻ như thế nào? Báo An Ninh Thế giới Onine viết ngày 15/12/2016 cho biết có các loại đang lưu hành trên thị trường gồm: ”Tem giấy”, “lá khát”, “trà sữa”, “nước vui”, “đông trùng”… là những loại ma túy mới mà cơ quan chức năng vừa phát hiện ra ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành miền Bắc.”
Bài báo viết: ” Thoạt nghe không ít người cứ ngỡ rằng đó là những loại thực phẩm, dược phẩm rất “lành”, tốt cho sức khỏe. Song ngược lại, nó là những loại ma túy tổng hợp có thể khiến cho người sử dụng bị nghiện và mất kiểm soát hành vi.”
Vẫn theo An ninh Thế giới: ” Tháng 3-2016 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá một đường dây mua bán ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào Việt Nam. Điều khiến cho các trinh sát hết sức bất ngờ là các đối tượng đã đem vào nội địa những loại ma túy mới, hoàn toàn chưa từng xuất hiện tại Việt Nam trước đây.”
Riêng ở Việt Nam, Bộ LĐXH&TB báo cáo: ” Số người trẻ nghiện ma túy chiếm70%, 80% là nghiện nặng, 85,5% đã có tiền án tiền sự. Riêng ở Hà Nội, số người trẻ nghiện chiếm đến 93%. Trong đó, học sinh – sinh viên là 2.837 em. Những con nghiện ở Việt nam mỗi năm đốt 50 tỉ đồng. Tiền cho chương trình phòng chống, cai nghiện, quảng bá năm 1996 là 20 tỉ đồng. Từ năm 1998 – 2000 số tiền chi cho việc phòng chống trong cả nước là 125 tỉ 703 triệu. Số tiền này có thể xây 125 trường trung học cho cả nước (1 tỉ/trường), hoặc 4 -5 trường đại học (25 – 30 tỉ/trường). Nếu số tiền này chi cho việc xoá đói giảm nghèo (cả nước 2.800 hộ) thì mỗi hộ được hơn 4,5 tỉ đồng.”
Báo cáo viết tiếp: ”Tại thành phố Hà Nội 1995, có 5.000 người nghiện, đến 1998 là 13.000 người.Tại Sài Gòn, tháng 07/1997, số người nghiện mà công an nắm được là 4.500 người; đến tháng 07/1998 là 10.038 người, trong đó 81% ở độ tuổi dưới 30. Nhưng thực tế ước tính, tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 20.000 con nghiện, với 632 khu vực liên quan đến mua bán tổ chức chích hút ma túy.
Nhưng điều đáng sợ nhất là vấn đề ma túy hiện trong trường học. Số học sinh, sinh viên nghiện ma túy ngày càng tăng. Các con nghiện xâm nhập sân trường, dụ dỗ, mồi chài, lôi kéo, cho thử … Học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi trẻ đơn sơ, dễ bị lôi cuốn.”
Vẫn theo báo cáo của Công an thì thuốc phiện và má túy các loại đã nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa, Lào, Thái Lan và Cao Miên. Đường biển và đường hàng không, xe lửa và các phương tiện giao thông khác, kể cả di bộ vận tải ma túy, thuốc phiện cũng được các tổ chức sử dụng.
Theo các viên chức nhà nước, Việt Nam cũng đã biến thành trung tâm chuyển ma túy đi các nước khác.

TÌNH TRẠNG MẠI DÂM
Về tình trạng mại dâm, Việt Nam không có thống kê chính thức vì hành nghề bất hợp pháp. Báo cáo chính phủ chỉ cho biết: ”Mại dâm năm 2013 của Việt Nam cho thấy:  cả nước ước tính có gần 33.000 người bán dâm, phần lớn là nữ; nhưng chỉ có khoảng 9.000 gái bán dâm có hồ sơ quản lý. Độ tuổi bán dâm ngày càng trẻ hóa, từ 16 – 18 tuổi chiếm 15,3%, từ 25 – 35 tuổi chiếm 35% và đông nhất là từ 18 – 25 tuổi chiếm 42%. Về học vấn, 17,1% chỉ tốt nghiệp tiểu học, 39,3% đã tốt nghiệp trung học và đáng lưu ý là khoảng 10,3% đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.”
Tại “Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm” sáng 19/12/2014, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết:  “Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 11/2014, cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Trước đó, ngày 13/6/2014, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cả nước hiện có khoảng 30.000 người đang hoạt động mại dâm.”
Báo cáo cũng cho biết: ”Ở Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê năm 2016 ước tính cả thành phố có 3.600 người bán dâm, kích dục, tăng tới 20% so với năm 2015.”
Nạn buôn người để phục vụ mại dâm cũng gia tăngSố liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm cho thấy: ” Tại Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã phát hiện gần 2.000 vụ buôn bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Trong đó, trên 85% số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Phần lớn phụ nữ bị buôn bán để làm gái mại dâm tại các đô thị hoặc đưa sang Trung Quốc làm gái mại dâm tại nước này, ngoài ra đã có những trường hợp bị lừa sang Malaysia làm nô lệ tình dục.”
Một báo cáo khác của nhà nước Việt Nam xác nhận số phụ nữ và trẻ em “bỗng dưng mất tích” khỏi Việt Nam đã lên đến con số báo động trên 30,000 người. Phần lớn những người này từ cùng quê và các tỉnh vùng biên giới Tây Bắc tiếp giáp với Trung Hoa và ở những vùng nghèo túng.
Các cuộc điều tra dịa phương xác nhận tình trạng “mất tích” này được coi liên quan đến nạn buôn người từ Việt Nam có bàn tay tiếp sức của con buôn bất chính và các tổ chức nước ngoài.
Như vậy thì xã hội, đất nước và con người Việt Nam có hy vọng “bước sang Năm mới 2017, sẽ có nhiều thời cơ, vận hội mới mở ra với Việt Nam”, và “Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, chúng ta vẫn bảo đảm một đất nước thanh bình” như rêu rao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay những trận cuồng phong tội phạm, nghiện ngập, buôn người và mại dâm sẽ tiếp tục hủy diệt con người và xã hội Việt Nam?




No comments:

Post a Comment

View My Stats