Wednesday, 8 February 2017

SẮC LỆNH DI TRÚ CỦA DONALD TRUMP BỊ CHỐNG ĐỐI KỊCH LIỆT (Lydia O’Connor - Huffington Post)




Lydia O’Connor - Huffington Post
Thạch Đạt Lang, lược dịch
Posted by adminbasam on 08/02/2017

Lời người dịch: Sau hai tuần lễ ban hành, sắc lệnh di trú giới hạn nhập cư công dân 7 nước Hồi giáo của tân tổng thống Donald Trump đã gặp một sự chống đối dữ dội trên toàn nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Hậu quả của sắc lệnh này ra sao, có thiệt hại về kinh tế, an ninh của Mỹ không? Sắc lệnh có bị hủy bỏ hay sẽ có hiệu lực trở lại, vẫn còn đang chờ phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, điều trước mắt cho thấy rõ là tình hình chính trị của nước Mỹ trong những ngày sắp tới chắc chắn sẽ không yên ổn, nước Mỹ đang bị chia rẽ nặng nề.

*

TT Donald Trump và thẩm phán James Robart. Ảnh: internet

Một nhóm người bao gồm các cựu viên chức cao cấp trong chính phủ, gần 100 chủ tịch các tập đoàn công nghệ (Techs CEO) cùng chính quyền nhiều tiểu bang đã liên kết với nhau tạo thành một mặt trận hợp pháp để chống lại sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump. Họ giải thích rằng, sắc lệnh đó làm nguy hại nền an ninh quốc gia và hủy diệt kinh tế.

Bản điều trần mới nhất do bà cựu ngoại trưởng Madeline Albright (thời tổng thống Bill Clinton) và John Kerry cùng đứng tên với hàng trăm cựu nhân viên an ninh quốc gia, đã được nộp cho tòa phúc thẩm số 9 (9thCircuit Court), yêu cầu tái xem xét sắc lệnh.

Trong bản điều trần này, họ bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của một chánh án liên bang ở Seattle ban hành cuối tuần trước, cấm tạm thời đối với sắc lệnh của Donald Trump, cấm vô thời hạn người nhập cư ở Syria, cũng như hoãn sự nhập cảnh của những người đến từ 6 nước khác là Somali, Soudan, Yemen, Libya, Iraq, Iran trong 90 ngày, cho dù những người này đã có visa vào Mỹ hoặc có thẻ thường trú (green card) trước đó. Phán quyết của chánh án James Robart ở Seatlle cho phép những người đã có visa hoặc thẻ thường trú được tiếp tục vào Mỹ.

Bản điều trần nói rõ ràng rằng sắc lệnh cấm người nhập cư vào nước Mỹ gây nguy hiểm cho các sở tình báo, các đơn vị của quân đội Mỹ đóng quân ở các nước nằm trong danh sách cấm, sắc lệnh đó phá hủy những hoạt động chống khủng bố và ngoại giao, gây ra sự xa cách, lạnh nhạt của người Mỹ gốc Hồi giáo, những người có thể giúp đỡ Mỹ trong việc xác minh những kẻ cuồng tín. Nó cũng tác động, gây ảnh hưởng nặng nề về vấn đề nhân đạo, làm thiệt hại nền kinh tế của Mỹ. Hơn thế nữa nó còn được diễn giải rằng, Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh với người Hồi Giáo, từ đó ISIL và các tổ chức khủng bố cực đoan khác sẽ dễ dàng tuyển mộ thêm chiến binh.

Lá thư điều trần được các cựu viên chức chính quyền như Leon Panetta – cựu bộ trưởng quốc phòng, Janet Napolitano – cựu bộ trưởng nội an, cựu giám đốc CIA Michael Hayden, cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice… đồng ký tên.

Theo sau bản điều trần là một bức thư ủng hộ của gần 100 lãnh đạo các công ty lớn có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Mỹ như Apple, Facebook, Google, Netflix, Twitter và Microsoft… được gửi đến tòa phúc thẩm số 9 hôm Chủ Nhật tuần trước.

Bức thư này viết rằng: “Trong số những thương gia, chính trị gia hàng đầu, nghệ sĩ nổi tiếng, những nhà hảo tâm… có rất nhiều di dân. Kinh nghiệm và năng lượng của những người đến mảnh đất này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và con cháu – Một giấc mơ Mỹ – đã đan, dệt thành một nền tảng chính trị, kinh tế cho quốc gia.
Sắc lệnh di dân vừa được ký đã gây ra nhiều khó khăn, trở ngại, tốn kém hơn cho các doanh nghiệp để tuyển mộ, thuê mướn hay giữ lại những cộng tác viên giỏi nhất, hậu quả là công nhân Mỹ và nền kinh tế sẽ bị thiệt hại”.

Bản điều trần cùng với lá thư của các doanh nghiệp còn nhận được sự ủng hộ bởi một khiếu nại của tiểu bang Washington, sau đó tiểu bang Minnesota cũng nhập cuộc vào thứ Sáu vừa qua. Tất cả những cố gắng này đã đưa đến một chiến thắng bước đầu, sắc lệnh di dân của Trump bị tạm hoãn trên toàn quốc, chờ xét xử, đánh giá lại.

Hawaii sau đó cũng tham gia vụ kiện cùng với 2 tiểu bang khác nhưng nộp đơn riêng, khiếu nại về lệnh cấm nhập cư một vài tiếng đồng hồ trước khi sắc lệnh của Trump bị đình hoãn trên khắp nước Mỹ. Tham gia sự khiếu nại lệnh cấm, Hawaii muốn bảo vệ quyền lợi thiết thực đặc biệt của tiểu bang.

Đơn khiếu nại của Hawaii nói rõ rằng, Hawaii là một quốc đảo, kinh tế của tiểu bang lệ thuộc nặng nề vào du lịch. Sắc lệnh giới hạn nhập cảnh của Donald Trump sẽ tác động, gây thiệt hại ngay lập tức đến nền kinh tế của tiểu bang. Giao thông giữa các hòn đảo cũng như cư dân Hawaii hoàn toàn trông cậy vào đường hàng không để đi và về.

Những tiểu bang khác cũng đang cân nhắc việc chống lại lệnh cấm nhập cư của Trump, trước khi tòa số 9 bắt đầu xét xử. Một liên minh gồm 15 tiểu bang, dẫn đầu bởi New York và quận Columbia (Columbia District), Liên Minh Dân Sự Tự Do Mỹ, Korematsu Center, một tổ chức phi lợi nhuận đã yêu cầu tòa án hiểu rằng lịch sử và gốc rễ của sự phân biệt đối xử là nhắm vào các chủng tộc thiểu số.

Tòa phúc thẩm số 9 đã bác bỏ đòi hỏi của Bộ Tư pháp Mỹ, yêu cầu phải áp đặt lệnh cấm trở lại ngay tức khắc. Tuy nhiên tòa án sẽ sớm có quyết định đóng băng sắc lệnh đó hay không, trong lúc các tiểu bang có thể tiếp tục kháng nghị ở các tòa cấp thấp (District Court).

Trong một vụ việc riêng biệt khác ở miền Đông, một liên minh 4 tiểu bang, thường được gọi là Commonwealths Virginia gồm có Kentucky, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia, đã yêu cầu một chánh án liên bang, bắt buộc Trump cùng các viên chức cao cấp của chính quyền, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, phải cho biết lý do tại sao họ không bị bắt giữ khi vi phạm, không tuân theo án lệnh của tòa, cho phép các luật sư được quyền xem xét hồ sơ của những thường trú nhân hợp pháp bị bắt giữ tại phi trường quốc tế Dulles, là hậu quả của lệnh cấm nhập cư. (*)

Đầu tuần trước, thượng viện tiểu bang California đã thông qua một quyết định, lên án sắc lệnh nhập cư, cho rằng sắc lệnh này đã bôi nhọ các giá trị của người Mỹ, tạo điều kiện cho sự sợ hãi, làm mất đi bản năng sinh tồn của con người.

Song song với diễn tiến của phiên tòa chống lại sắc lệnh nhập cư của Donald Trump, nhiều chủ nhân các tập đoàn kinh doanh lớn như Starbucks, Goldman Sachs, Ford, Netflix, Airbnb, Lyft và Nike cùng với nhiều nhân vật nổi tiếng, các vận động viên cũng đã lên tiếng phản đối sắc lệnh này.

______

(*) Ghi chú của trang Ba Sàm: Hiến pháp Mỹ là tối thượng. Khi tổng thống ban hành sắc lệnh, các thẩm phán liên bang – đại diện cơ quan tư pháp – có quyền ra lệnh tạm cấm (temporary restraining order), vô hiệu hóa sắc lệnh đó, khi các thẩm phán cho rằng sắc lệnh của tổng thống là vi hiến. Tất cả người dân Mỹ, kể cả tổng thống Mỹ, buộc phải tuân theo lệnh của thẩm phán liên bang. Do một số quan chức trong chính quyền Trump và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới đã không tuân theo lệnh của thẩm phán, không cho các luật sư xem hồ sơ của những người bị giữ tại phi trường (có người bị giữ cả tuần lễ – theo Huffington Post) do sắc lệnh của Trump, nên các tiểu bang miền Đông này đã yêu cầu thẩm phán liên bang bắt buộc Trump và những người của ông ta phải tuân theo lệnh của tòa.

--------------------------

TrầnThị Sông Dinh  -  Báo Nước Việt   
February 8, 2017

Báo Nước Việt – Một bản tin của Laura Beck, từ website Cosmopolitan, mà yahoo.com đăng lại trên trang nhất tối thứ ba, dưới tựa đề Poll: 40-Percent of Americans Want Trump Impeached, đã cho thấy rằng sự tín nhiệm của dân chúng Mỹ đối với TT Donald Trump đã đi xuống đáng kể.

Bài báo này viết rằng tổ chức thăm dò dư luận về chính sách công – The Public Policy Polling (PPP) – vừa tung ra kết quả thăm dò dư luận quốc gia mới nhất, và kết quả đó cho thấy rằng hơn 1/3 dân Mỹ muốn thấy tổng thống Trump bị bãi nhiệm.

40% cử tri tham gia vào cuộc thăm dò này nói rằng họ muốn ông ta bị bãi nhiệm. Con số này cao hơn 5% so với tuần trước. Chỉ có 48% cử tri chống lại việc bãi nhiệm, và 52% cho biết họ ước Obama vẫn còn là tổng thống Mỹ.

Ông Dean Debnam, chủ tịch của tổ chức Public Policy Polling, nói trong bản thông cáo báo chí như sau: “Thông thường, một tổng thống tân cử thường ở đỉnh cao của sự yêu mến, và hưởng giai đoạn trăng mật sau khi nhậm chức. Thế nhưng, tổng thống Trump đã làm nên lịch sử một lần nữa khi mà một số cử tri đáng kể đã muốn bãi nhiệm ông ta, và đa số cử tri muốn có TT Barack Obama trở lại. 

Với ngày càng nhiều những sắc lệnh không được lòng dân từ tòa Bạch Ốc, thật khó thể nào không nghĩ rằng số người muốn bãi nhiệm ông Trump sẽ không tăng lên.

Trần Thị Sông Dinh





No comments:

Post a Comment

View My Stats