Nguyễn Hồng Hải, đến từ Canada.
Tác giả gửi tới Dân Luận
06/02/2017
Tổng thống Trump là một tổng thống gây ra nhiều
tranh cãi và chính sách của ông đưa ra không những ảnh hưởng tới Mỹ mà hầu hết
các quốc gia trên thế giới. Bài viết này muốn phân tích các chính sách của
Trump dưới góc nhìn của tác giả về tính khả thi của các chính sách này.
1. Một trong những quan điểm cơ bản và quan trọng
nhất mà Trump được phần lớn người dân có thu nhập thấp hoặc người thấp nghiệp tại
Mỹ ủng họ là muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ. Vậy để làm được
điều này Trump thực hiện những chính sách sau đây:
- Tăng thuế đánh hàng hóa sản xuất từ các quốc gia
chủ yếu như Mexico và Trung quốc nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
- Giảm thuế doanh nghiệp trong nước.
- Hạn chế nhập cư, đặc biệt trục xuất những thành
phần nhập cư lao động bất hợp pháp tại Mỹ.
Mục tiêu kéo việc làm về cho người Mỹ theo cá nhân
tôi sẽ thất bại bởi những lý do sau đây:
- Nếu các doanh nghiệp sử dụng nhân công Mỹ và mở
nhà máy tại Mỹ thì chi phí tạo ra sản phẩm sẽ khá cao và khó cạnh tranh với các
nước đang phát triển như Mexico và Trung Quốc và các nước đang phát triển khác.
Việc Mỹ đánh thuế cao các quốc gia khác sẽ làm cho các quốc gia này áp thuế cao
trở lại đối với hàng sản xuất từ Mỹ. Và đương nhiên không chỉ có các nước chủ yếu
như là Trung Quốc, Mexico bị áp thuế cao, Mỹ cũng buộc phải áp thuế cao với các
sản phẩm tiêu dùng từ các nước đang phát triển khác ví dụ như Việt Nam, vì nếu
không hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam sẽ tràn vào Mỹ. Các công ty Mỹ thường là
công ty mang tính toàn cầu, họ sản xuất không chỉ bán sản phẩm cho người Mỹ mà
toàn bộ người tiêu dùng trên thế giới. Khi giá hàng hóa bán ra bởi các sản phẩm
của Mỹ cao hơn các nước khác như vậy khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ thấp
hơn nhiều các nước khác trên thế giới. Những hàng hóa tiêu dùng đơn giản thì rõ
ràng không cạnh tranh được với sản phẩm như của Trung Quốc và Mexico. Còn những
hàng hóa cần kỹ thuật và chất lượng cao thì hàng Mỹ lại không cạnh tranh được với
Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc bởi các quốc gia phát triển còn lại họ vẫn dùng lợi thế
của toàn cầu hóa để giảm giá thành sản phẩm . Ví dụ đơn giản là Samsung dùng
nhân côn g tại Việt Nam. Nếu Iphone mà sử dụng phần lớn nhân công Mỹ thì tính cạnh
tranh của Iphone sẽ kém đi hơn nhiều so với Samsung.
- Việc hạn chế dân nhập cư cũng làm cho chi phí sản
xuất của Mỹ tăng cao. Phần lớn những dân lao động bất hợp pháp là làm việc với
mức lương thấp trả tiền mặt, môi trường và điều kiện lao động khắc nghiệt. Nếu
người Mỹ làm những công việc như vậy lương phải trả khá cao và doanh nghiệp phải
trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ theo quy định. Ngay kể cả những ngành cần
lao động kỹ thuật cao như công nghệ thông tin thì người Ấn Độ cũng sang Mỹ làm
việc rất nhiều để giảm chi phí lao động cho các công ty Mỹ và nhiều lĩnh vực
người Mỹ vẫn thiếu hụt lao động trầm trọng cần dân nhập cư.
- Giới doanh nhân tư bản là người tính toán chi phí
từng xu. Nên họ luôn có xu hướng cắt giảm chi phí nếu có thể. Thường các công
ty mở tại những quốc gia phát triển có chi phí đắt về nhân cộng, các vấn đề thuế
má, môi trường… thì buộc họ sẽ áp dụng công nghệ vào sản xuất. Và việc đó sẽ
không làm tăng thêm việc tuyển dụng nhiều nhân công. Khi mở nhà máy tại các nước
nghèo thì chi phí sử dụng lao động đơn giản sẽ tiết kiệm hơn so với áp dụng
công nghệ cao nên họ thuê nhiều lao động. Nhưng ngược lại tại Mỹ thì họ sẽ
thích sử dụng robot hơn là tuyển dụng người.
- Nhiệm kỳ của Trump cũng chỉ 4 năm. Nên việc quyết
định mở một nhà máy tại Mỹ hay tại nước ngoài sẽ buộc các doanh nghiệp tính
toán kỹ lưỡng. Họ không dại gì quyết định mang nhà máy về Mỹ luôn vì điều này
quá rủi ro. Chi phí xây dựng triển khai một nhà máy rất tốn kém. Có chăng những
chính sách hiện tại của Mỹ có thể làm chậm tiến độ của một số công ty muốn chuyển
nhà máy từ Mỹ sang các nước thứ ba hoặc hỗ trợ thêm một số nhà máy tại Mỹ nhưng
có chí nhánh toàn cầu mở rộng tuyển dụng hơn tại chi nhánh ở Mỹ và tuyển dụng
ít hơn tại các công ty trực thuộc tại nước ngoài.
- Việc các sản phẩm đều tăng giá tại Mỹ. Các sản phẩm
trong nước sản xuất ra thì chi phí cao, các sản phẩm nhập khẩu bị đánh thuế thì
giá cũng cao. Sẽ đẩy chi phí tại Mỹ tăng cao và người tiêu dùng có xu hướng tiết
kiệm chi tiêu, mua sắm. Điều này lại hạn chế phát triển sản xuất trong nước.
- Chính sách thuế giảm của Trump dự kiến làm tốn
kém 9.500 tỷ USD cho ngân sách liên bang, trong khi chính sách của bà Clinton
thì dự kiến mang lại thu thêm cho liên bang 200-500 triệu USD. Trong khi đó
Trump còn tăng cường mạnh chi phí quốc phòng, chi phí cho an ninh trong nước để
tìm kiếm và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, tăng chi phí chống khủng bố
trong nước và quốc tế. Chi phí cho xây dựng bức tường ngăn giữa Mỹ và Mexico.
Trong khi việc mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chưa rõ ràng.
Không rõ Trump sẽ lấy nguồn bù đắp từ đâu.
2. Về đối ngoại:
Tổng thống Trump đã đưa ra quan điểm đánh giá lại tất
cả mối quan hệ với các nước để làm sao tạo ra thế có lợi nhất cho Mỹ. Điều này
cũng có phần đúng nhưng có nhiều phần là không khả thi.
- Trong quan hệ giữa các nước với nhau. Nước nào
cũng muốn phần lợi về phía mình. Nếu Trump tìm kiếm quan hệ theo kiểu muốn mình
được nhiều và muốn nước khác mất hoặc lợi ít thì hoàn toàn không dễ dàng. Trump
muốn đàm phán kiểu song phương hơn là liên mình. Việc này làm tốn rất nhiều thời
gian để có thể chốt được các đàm phán. Vì mỗi quyết định phải xem xét rất nhiều
mặt, đảm bảo sự thỏa thuận cả các bên. Trong khi Trump chỉ có nhiệm kỳ 4 năm,
không đủ thời gian để xem xét lại hết các quan hệ với từng nước và khu vực.
Thông thường tổng thống nên duy trì những cái cũ không ảnh hưởng lớn tới Mỹ và
chỉ tập trung và những điểm lớn ảnh hưởng tới Mỹ.
- Việc Trump tăng cường quân sự nhằm tiêu diệt IS
cũng không làm cho Mỹ khác biệt trước đây. Tiêu diệt IS không chỉ duy nhất bằng
súng đạn. Bới nhiều người đạo Hồi vẫn coi Mỹ là nguyên nhân gây ra chiến tranh,
chết chóc, và giành tài nguyên của họ (điều này cũng do tác động của hệ thống
tuyên truyền tại các nước này từ trước tới nay. Tương tự sự thay đổi tuyên truyền
và truyền thông tại Việt Nam cũng tác động tới suy nghĩ có phần tích cực và thiện
cảm hơn rất nhiều của phần lớn người Việt đối với người Mỹ nếu so sánh với trước
đây). Do vậy, nhiều người Hồi giáo vẫn chống Mỹ khá cực đoan. Hơn nữa Trump ban
hành những quyết định mang tính phân biệt rất rõ ràng với người Hồi giáo đã đẩy
cao hơn sự thù địch của người Hồi giáo với người Mỹ. Người Mỹ có lẽ sẽ càng bất
an hơn so với thời kỳ trước đây ngay kể cả trong nước. Bởi hệ thống an ninh Mỹ
chỉ có thể theo dõi những người Hồi giáo nhập cư chứ không thể theo dõi hết những
người hồi giáo trong nước. Những vụ khủng bố trong lòng nước Mỹ gần đây rất nhiều
do những người Hồi giáo sinh ra và lớn lên tại Mỹ hoặc đã là công dân Mỹ từ rất
lâu. Họ hành động đơn lẻ và tự phát do tác động từ những tư tưởng cực đoan tới
từ những nhóm Hồi giáo cực đoan từ nước ngoài.
- Việc Mỹ can thiệp vào các xung đột trên thế giới
theo kiểu “ con buôn” mà không quan trọng tới liên minh lâu dài, tức là chỉ can
thiệp khi đạt được lợi ích lớn ngắn hạn có thể nhìn thấy được hoặc giả sử Mỹ phớt
lờ các xung đột trên thế giới để chỉ tập trung vào nội bộ. Có thể dẫn tới xung
đột trên thế giới nhiều hơn. Khi mà các nước sẽ chạy đua vũ trang để tự bảo vệ
mình. Những nước lớn hơn trên thế giới có xu hướng bá quyền, cần nhiều tài
nguyên thiên nhiên để phát triển sẽ không bị thế lực nào cản trở và sẽ chèn ép
nhiều hơn các nước nhỏ xung quanh.
3. Về công tác điều hành đối nội:
Có lẽ vẫn có nhiều người thích phong cách của Trump
ở điểm “ nói là làm”, không ngại va chạm. Tuy nhiên, làm chính trị và điều hành
một đất nước không đơn giản như vậy, và càng không giống điều hành công ty kiểu
như Trump từng có kinh nghiệm điều hành.
Trump tuyên bố sẽ đoàn kết nước Mỹ để cùng tạo ra một
nước mỹ vĩ đại trở lại. Thực tế thì tổng thống nào chẳng muốn làm điều đó và chỉ
có điều cách đi của họ khác nhau. Lời nói và hành động của ông Trump đang làm
đã gây chia rẽ nước Mỹ. Một tổng thống không thể mất quá nhiều thời gian để
tranh luận và phản biện với những người chỉ trích mình. Cần tập trung thời gian
và trí tuệ để vào những việc lớn. Trump quan tâm tới những chuyện rất nhỏ như số
người dự lễ nhậm chức, phản biện lại các chỉ trích từ cô ca sỹ này, doanh nhân
nọ, rồi tờ báo kia… Mỹ hấp dẫn nhân tài trên thế giới không phân biệt tôn giáo,
tín ngưỡng, quốc gia bởi những giá trị cao về lòng nhân ái, về dân chủ, về tự do,
bình đằng. Nhưng Trump dường như đã vi phạm những nguyên tắc này bằng những lời
nói và hành động có ý phân biệt tôn giáo, phụ nữ, người nhập cư.
Một ông chủ doanh nghiệp thì có thể tự quyết định mọi
việc theo ý mình cho cho doanh nghiệp của họ. Nhưng điều hành quốc gia cần tạo
sự ủng hộ của nhiều đối tượng khác nhau để tạo ra ekip làm việc mạnh. Trump bị
phản đối cả từ các tổng thống trước ( Bush, Obama) lẫn các chính trị gia trong
nội bộ đảng, tới thống đốc tại các tiểu bang. Bởi phong cách làm việc độc đoán,
không bàn bạc kỹ lưỡng cụ thể với đảng phái và ekip của mình mà tự ra quyết định
và phát biểu theo ý mình muốn.
Trên đây là một số quan điểm của cá nhân tôi về ông
Trump và chính sách của ông ta. Dự kiến là tổng thống có sẽ một nhiệm kỳ thất bại.
-------------------
Người Qua Đường
Tác giả gửi tới Dân Luận
06/02/2017
Người
mắc chứng ái kỷ (narcissism) như Trump chắc chắn sẽ hành xử theo cái nhỏ nhoi của
mình chứ không vì đại cục . Đại cục của Trump là thứ đại cục bị điều kiện hóa bởi
cái muốn rất cá nhân của Trump. Chỉ sợ ông ta nổi khùng lên bấm bậy cái nút là
cả nhân loại tiêu diêu . Đã có ý từ các nhà Lập pháp là ra Luật buộc Trump trước
khi bấm phải được Quốc Hội đồng ý.
*
Chắc nhiều người còn nhớ vụ lùm sùm liên quan đến
giấy khai sanh của ứng cử viên Tổng Thống Barack Hussein Obama mà nhiều thuyết
âm mưu đưa ra vì mục tiêu đấu đá bầu cử xuất hiện từ tháng Ba năm 2008 là năm bầu
cử cho Tổng Thống thứ 44 của nước Mỹ. Theo điều 2 của Hiến Pháp phải sinh ra ở
nước Mỹ mới được ứng cử Tổng Thống. Sở Y Tế của bang Hawaii vào tháng 4 năm
2011 đưa ra giấy khai sinh chính thức cho thấy ông sinh ra ở Hawaii.
Thuyết “khai sanh giả” lại nổi lên vào năm trước kỳ
bầu Tổng Thống năm 2012, năm mà Obama đắc cử lần hai. Trump tham gia ứng cử
trong lần bầu Tổng Thống này với đảng Cộng Hòa, đã ra mặt đặt vấn đề này trong
các lần phỏng vấn TV thậm chí tuyên bố những câu như "đống chó bậy lớn nhất
mà tôi từng nghe kể từ nhiều năm nay" ("the biggest pile of dog mess
I’ve heard in ages"). Trump được mô tả như lãnh tụ của phong trào tố giấy
khai sanh (birthers). Đây dĩ nhiên là thủ đoạn chính trị để ứng cử và là thủ
thuật câu khách TV của ông. Dù thế nào lúc ấy còn khá nhiều người bán tín bán
nghi, có đến một phần tư dân Mỹ không tin đó là giấy khai sinh thật.
Ngày 21 tháng 4 năm 2011, Obama trình làng giấy
khai sanh mẫu dài (long form) – giấy khai sanh mà Sở Y Tế đưa ra năm 2008 là mẫu
tóm tắt ngắn hơn. Ngày 27, Trump bảo "Tôi thực sự vinh dự và tôi thực sự tự
hào, vì tôi đã có thể làm một cái gì đó mà không ai khác có thể làm.” (làm cho
Obama phải trình làng giấy khai sanh của mình).
Chưa chịu thua, ngày 24 tháng 10 năm 2012, Trump đề
nghị tặng năm triệu đô la cho tổ chức từ thiện nào do ông Obama lựa chọn nếu
ông Obama trình làng các đơn xin học đại học và xin hộ chiếu của mình trước
ngày 31 tháng 10 năm 2012.
Trump chơi Obama, đến lúc Obama trả đũa.
Trong buổi dạ tiệc hàng năm của Hiệp Hội Các Ký Giả
Tòa Bạch Ốc (White House Correspondents’ Association dinner tổ chức ở Tòa Bạch Ốc
vào tháng 12/2012, Trump được bà Lally Weymouth, con gái của ký giả huyền thoại
Katharine Graham của tờ Washington Post mời (dạ tiệc được tổ chức bởi Hiệp Hội
chứ không phải Tòa Bạch Ốc), Trump đã bị sỉ nhục một cách nhẹ nhàng bằng một
màn hề diễu Trump, với lời lẽ diễu cợt “cho vui” của Obama với vụ giấy khai
sanh. Trump chỉ còn biết cười gượng và trân mình chịu đựng, chờ lúc trả thù
sau. Ngày hôm sau báo chí đã lan tràn dùng chữ “bị sỉ nhục”, “bị sỉ nhục nặng nề”.
“bị nướng thui”, “bị sỉ nhục tuyệt đối” v.v… Với một con người mắc chứng ái kỷ
(narcissism) như Trump chắc chắn không bao giờ bỏ qua.
VIDEO :
President Obama Roasts Donald Trump At White House Correspondents'
Dinner!
Thời gian đầu vụ giấy khai sanh là một thủ đoạn
chính trị, sau ngày này nó kết thành thù oán cá nhân.
Nỗi nhục bị mất mặt đó là cái sâu thẳm tâm lý giải
thích vì sao Trump muốn phá bỏ những gì mà Obama thực hiện: TPP, Obamacare, đối
sách ngoại giao, An sinh Xã hội, lên kế hoạch thanh lọc người cũ của Tổng thống
Obama, kế hoạch hủy bỏ hàng loạt các quyết sách của Obama và chưa hết..
Thông thường người lãnh đạo chính trị chỉ lấy quyết
định sau khi thông qua xem xét, đánh giá, suy tính được mất, giữ, bỏ, thêm gì
chứ làm kiểu như Trump một cái rầm như thế chỉ có thể giải thích ông bất cần mọi
chuyện vì ông là cái rốn của vũ trụ, ta đây là nhất, ai theo ta là người ấy
đúng, nói ngược với ta là sai là tội đồ. Nghe quen quen.
No comments:
Post a Comment