Wednesday, 1 February 2017

NƯỚC MỸ ĐÃ BẮT ĐẦU RỐI LOẠN (Nguyễn Trần Sâm)




1-2-2017

Ngay từ khi Donald Trump còn đang vận động tranh cử, phong trào chống Trump đã bắt đầu. Từ ngày ông ta chính thức vào Nhà Trắng thì phong trào này càng bùng phát dữ dội. Nước Mỹ đã chính thức bước vào thời kỳ rối loạn, chia rẽ.

Bất kể tân tổng thống Donald Trump là người tốt bụng hay xấu bụng, nhìn xa trông rộng hay thiển cận, trong 4 năm tới, tình trạng rối loạn của nước Mỹ chắc chắn sẽ mỗi ngày một trầm trọng thêm.

Nguyên nhân của tình trạng bất ổn tất nhiên chủ yếu là do những phát ngôn và chính sách mà Donald Trump đưa ra. Tuy nhiên, cũng có một vài nguyên nhân khác nữa, ví dụ tư cách và một số việc làm không hay của ông ta trong quá khứ. 

Một trong những thế lực mạnh không ủng hộ Trump là CIA. Cơ quan này đã tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của kết quả bầu cử, và chính nó đã chủ động tiến hành điều tra về khả năng can thiệp của hacker Nga. Mặc dù không có được kết luận cuối cùng có thể chặn đứng con đường vào Nhà Trắng của Trump, nhưng hiển nhiên các quan chức lãnh đạo CIA không phục và có thể sẵn sàng chống lệnh của ông này. Hơn thế, họ có thể thu thập những bằng chứng chống lại ông ta, và đó sẽ là điều vô cùng bất lợi cho Trump. Tất nhiên, Trump có thể bổ nhiệm lãnh đạo mới và thậm chí “thay máu” của cơ quan này, nhưng ông ta không dễ tìm ra đủ lực lượng chuyên viên giỏi để guồng máy CIA có thể vận hành hữu hiệu. Và ở một cơ quan như vậy thì không có gì bảo đảm để những chuyên viên được chính tổng thống tuyển lựa sẽ luôn trung thành với ông ta. 

Một mâu thuẫn khác gây bất lợi cho Trump là với báo giới. Báo giới Mỹ hiện đang rất phẫn nộ khi Trump “phát động cuộc chiến với truyền thông”, và thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer công nhiên tấn công báo giới ngay trong cuộc họp báo đầu tiên.

Ngay trong cơ quan chính phủ cũng diễn ra sự chống đối đối với Trump và các trợ thủ của ông ta. Cụ thể, ở bộ ngoại giao, toàn bộ đội ngũ chuyên viên cao cấp của bộ ngoại giao gồm gần 100 người đã tuyên bố từ chức. Việc này sẽ tạo ra khó khăn lớn trong hoạt động ngoại giao. Không biết ông Trump cùng các cố vấn sẽ xoay xở ra sao để có thể lấp khoảng trống về kinh nghiệm xử lý các vấn đề trong quan hệ với các quốc gia khác.

Một trong những quyết định gây ra nhiều sự phẫn nộ nhất của Trump là sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi Giáo cũng như quyết định trục xuất người nhập cư. Đã có 16 chưởng lý của các bang ra quyết định đình chỉ sắc lệnh về di trú của Trump. Quyền tổng chưởng lý liên bang (attorney general, tương đương với bộ trưởng tư pháp) Sally Yates cũng kiên quyết chống sắc lệnh này và đã bị Trump sa thải. Chưởng lý bang Washington Bob Ferguson vào ngày 30 tháng 1 đã đệ đơn kiện Trump, trong đó nói quyết định của Trump là vi hiến.

Đặc biệt, trong số những tiếng nói chống đối có cựu tổng thống Barack Obama. Ngoài ra, hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ khắp thế giới cũng đang liên kết lại để phản đối Trump. 

Các hoạt động chống đối sắc lệnh của ông Trump còn diễn ra rầm rộ ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Tại Anh, hàng triệu người đã ký tên vào một bức thư yêu cầu chính phủ không mời Trump đến thăm Anh.  

Tại Mỹ, chính quyền bang California đang xem xét khả năng rút khỏi Liên Bang để trở thành một quốc gia độc lập và trước mắt là không đóng góp cho kinh phí Liên Bang.

Về tư cách cá nhân, nếu cựu tổng thống Obama và các tổng thống tiền nhiệm công khai các tờ khai thuế của mình, cả trong chiến dịch tranh cử lẫn khi đã là tổng thống, thì Donald Trump nhiều lần từ chối công khai chúng, ngay cả sau vụ rò rỉ cho thấy có thể ông đã không trả thuế trong 18 năm. Hai ngày sau lễ nhậm chức, chính quyền của Trump thông báo rằng ông ta vẫn sẽ không công khai các tờ khai thuế. Điều này cũng làm nhiều tầng lớp dân chúng coi thường vị tổng thống mà họ buộc phải chấp nhận.

Trên đây chỉ là một vài trong hàng trăm sự kiện cho thấy nước Mỹ đã bước vào thời kỳ rối loạn. Tin tức về nước Mỹ trong những ngày tháng tới sẽ ngày càng đầy ắp những sự kiện như vậy. 

Tất nhiên, bất kể bầu không khí chính trị có như thế nào, cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp dân Mỹ về cơ bản vẫn sẽ tiếp diễn như từ trước đến giờ. Đa số dân Mỹ là những người đầy bản lĩnh; họ vẫn sẽ sống đàng hoàng bất chấp những biến động. Người lao động vẫn sẽ làm việc để tạo ra những giá trị nhằm đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống. Khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ngày một cao.

Tuy nhiên, những rối loạn trên chính trường và trong sinh hoạt xã hội vẫn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của dân chúng Mỹ và làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ, làm suy yếu vị thế của nó trên thế giới, chứ không hề làm cho nó “vĩ đại trở lại” như lời Donald Trump.

NGUYỄN TRẦN SÂM




No comments:

Post a Comment

View My Stats