Sunday, 5 February 2017

NO WAY JOSE ! (Hoàng Duy Liệu)



03/02/201706:40:00

Những điều mà ông Trump hứa hẹn với toàn dân Mỹ đều là chuyện dễ làm một cách nhanh chóng bằng quyền hạn của Tổng Thống cộng với Cộng Hòa đảng nhà ta đang nắm cả Hạ lẫn Thượng viện ở Quốc Hội. Đó là chưa kể đến việc sẽ thu gom luôn cả Tối Cao Pháp Viện một ngày gần đây.

Ngoại trừ một việc.
Mang công ăn việc làm trở lại Mỹ .

Đây là chuyện chỉ nói cho vừa lòng nhau thôi chứ người có chút kiến thức đều phải biết là không bao giờ xảy ra vì không có ai có thể nào làm được với tình trạng hiện tại trên toàn thế giới. Ngay cả Thượng Đế chắc cũng phải lắc đầu:
- No way Jose!

Khi nói đến mang trở lại thì phải biết cái gì đã ra đi ? Những việc làm biến mất trên đất Mỹ này từ ba bốn mươi năm qua là việc làm công nhân trong các hảng xưởng mà người viết bài này xin tạm gọi là Manufacturing Jobs.

Vào thập niên 1950 Manufacturing Jobs chiếm tỷ lệ 30% với 33 triệu lực lương công nhân trong tổng số lao động toàn quốc.

Ngày nay 2017 con số đó là 13 % với 12 triệu công nhân trong tổng số 170 triệu lao động. Tức là đã giảm thiểu trên 20 triệu công nhân trong ngành sản xuất.

Nguyên nhân đưa đến sự giảm thiểu đó rất là đa diện chứ không phải chỉ có việc càc hãng xưởng di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài như China hay Mexico. Việc suy giảm đã bắt đầu xảy ra hơn 30 năm trước khi China có một cái hãng sản xuất cho ra hồn đầu tiên và người Mễ còn đang miệt mài trên những cánh đồng dâu bắp. Do đó nếu cứ đổ lỗi cho Trung Cộng  hay Mexico thì chẳng những không công bằng mà còn không giải quyết được chuyện gì.

Hơn 80 % việc làm suy giảm là do kỹ nghệ, kiến thức cùng phương tiện giao thông gây ra. Chỉ có chừng dưới 20% là chạy ra ngoại quốc để có thể giảm thiểu tối đa giá thành của sản phẩm. Nhưng hiện tại thì những việc làm đó cũng đang giảm thiểu theo quá trình tiến triễn của kỹ nghệ. Ngày nay những cái máy cắt đo may tự động đang dần dần thay thế những công nhân trong sweet shop ở China hay Ấn Độ.

Bằng những chương trình Automation và Robot (Tự động và Máy móc) các nhà sản xuất đã lần lượt thay thế công việc mà trước đây phải làm bằng tay chân hay mắt mũi của con người.

Trình độ kiến thức nâng cao công với kỹ năng điều hành bài bản hợp lý cũng góp vào một phần không nhỏ trong việc chế tạo nhiều hàng hóa với ít nhân công hơn. Một hệ thống tự động đóng gói bao bì có thể thay thế hàng trăm công nhân...

Những công việc đã biến mất từ lâu và đang tiếp diễn theo tình trạng đó thì làm sao mà mang trở lại được? Mà mang trở lại để làm chi? Không lẽ phải dùng công nhân dùng búa đập đá để làm đường thay cho xe hủ lô hay dùng tay bóp nắn bột để làm ra từng ổ bánh mì? Những công việc làm đó đã biến xa vào cõi hư vô của lịch sử cùng với những ông thợ sửa đồng hồ quả lắc .

Manufacturing Jobs còn sót lại và hiện đa số đang ở các xứ có đông lực lượng lao động với mức lương thấp như China. Việt Nam hay Mexico thì đại đa số là những việc làm dây chuyền trong ngành may mặc, chế biến đồ gia dụng hay máy móc kỹ nghệ nhỏ.  Tóm lại là việc làm bằng tay chân với đồng lương tối thiểu và không có chi là nhàn hạ. Ông Trump có mang về được thì chắc cũng chẳng có bao nhiêu người muốn làm. Có sản xuất ra cũng không thể nào bán được. Một cái quần may ở Mỹ sẽ có giá gấp 10 lần may ở bên Tàu và 20 lần ở VN trong giá vốn.

Apple Computer sản xuất Iphone ở Mỹ làm sao cạnh tranh được với Xiaomi hay Samsung trong hoàn cảnh đó?

Đó là chỉ mới xét về đồng lương của công nhân mà chưa tính tới nhiều việc liên quan khác như cơ xưởng, hàng phụ tùng, kho bãi ... cùng các dịch vụ kèm theo khác. Cũng chưa kể đến môi trường hay an toàn trong sản xuất cùng các dịch vụ quản trị điều hành... vân vân và vân vân ... 

Ông Trump đã có nêu ra vài ý tưởng trong việc khuyến khích các đại công ty của Mỹ mang hãng xưởng trở lại Mỹ như giảm thuế đồng thời sẽ đánh thuế cao từ 20 đến 45% cho hàng hóa nhập cảng từ Mexico hay China. Lẽ ra ông Trump không nên nói như thế.

Là một nhà kinh doanh tài giỏi trên thương trường quốc tế từ bao nhiêu năm ông Trump dư sức biết cách làm một bài toán căn bản. Nếu tất cả hàng hóa đều phải sản xuất trong nước với giá thành cao ngất ngưỡng hoặc nhập cảng với thuế xuất cao thì đương nhiên sẽ đưa đến cái giá trên trời cho người tiêu thụ. Với lòng yêu nước nhiệt tình đến độ nào đi nữa thì dân chúng Mỹ cũng không thể nào có thể "Buy American" như chúng ta từng mong muốn như ông Trump.

Trong một xã hội mà đại đa số dân chúng sống theo kiểu có đồng nào ăn đồng đó không có bao nhiêu tiền để dành lại còn thích mua trước trả sau thì tiền đâu mà bỏ ra thêm đến cả 100% hay cao hơn nữa để mua sắm những thứ cần dùng hàng ngày trong đời sống như từ trái cà chua của Mexico cho đến cái điện thoại từ China.

Mở rộng tầm nhìn sâu xa rộng rãi hơn một chút nữa thì hẳn những người tài giỏi trong ban cố vấn của ông Trump cũng đã thấy những hậu quả kinh khủng làm xáo trộn mọi thứ và đánh xập nền kinh tế thịnh vượng của nước Mỹ đưa chúng ta vào tình trạng suy thoái không có đường ra.

Hãy cố gắng tìm một phương án thích hợp và có hiệu quả hơn chứ nếu đi theo đường lối này thì xin thú thiệt :

- No way Jose!

Hoàng Duy Liệu
02-2017






No comments:

Post a Comment

View My Stats