Wednesday, 8 February 2017

LO NGẠI KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH SAU SẮC LỆNH NGÂN HÀNG CỦA DONALD TRUMP (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 07-02-2017

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh yêu cầu bộ Tài Chính xem xét lại luật tài chính Dodd-Frank, Nhà Trắng, Washington, ngày 03/02/2017. Brendan Smialowski / AFP

Ngày 03/02/2016, tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh bãi bỏ chính sách kiểm soát ngân hàng đã được người tiền nhiệm đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của tổng thống Trump là một sai lầm « nghiêm trọng », làm tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng giống như năm 2007-2008.

Theo AFP, sắc lệnh mà tổng thống Mỹ vừa ký nhằm xét lại toàn bộ các luật về tài chính, đặc biệt là luật mang tên « Dodd-Frank », được Barack Obama ban hành hồi 2010, với mục tiêu ngăn ngừa khủng hoảng và bảo vệ dân chúng chống lại sự lạm dụng của giới tài chính. Sắc lệnh của tân chính quyền Trump yêu cầu bộ Tài Chính, trong vòng 120 ngày, phải chuẩn bị xong các khuyến nghị cải cách. Nhà Trắng cho biết Hạ viện, do đa số Cộng Hòa kiểm soát, sẽ chuẩn bị một « văn bản lập pháp » để điều chỉnh luật Dodd-Frank.

Tân tổng thống Donald Trump lên án luật Dodd-Frank là đã « giới hạn khả năng các doanh nghiệp và gia đình vay tiền ngân hàng », ngăn cản tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù không đưa ra nhiều chi tiết, nhưng ngay sau khi sắc lệnh nói trên được ban bố, đã có nhiều dấu hiệu tán thưởng từ phía các thị trường tài chính. Hiệp hội ngân hàng Mỹ (ABA - American Bankers Association) ca ngợi đây là một sáng kiến « sẽ cho phép cởi trói cho ngành ngân hàng », trong khi Financial Services Roundtable, một lobby hùng mạnh của giới các nhà băng lớn, tuyên bố sẽ hợp tác với tân chính quyền với các đề xuất cải cách « mang tính xây dựng ».

Trong khi đó, trả lời Reuters, cựu dân biểu Dân Chủ Barney Frank, nguyên chủ tịch Ủy ban Tài Chính Hạ viện, đồng tác giả luật Dodd-Frank, nhấn mạnh là sắc lệnh nói trên của ông Trump « không thể mang lại các thay đổi triệt để đối với luật cải cách tài chính, mà không có sự tham gia của Quốc hội », nhưng mục tiêu của nó là « nhằm làm suy yếu luật này ». Trong khi đó thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng Dân Chủ, lên án mưu toan của tân tổng thống, khi khẳng định : « nhân dân Mỹ không quên cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và sẽ không quên những gì đang diễn ra hiện nay ».

Với các điều luật ban hành sau khủng hoảng tài chính 2007-2008, chính quyền Obama đặc biệt buộc các ngân hàng phải duy trì mức vốn an toàn tối thiểu, tránh các khoản cho vay mạo hiểm, không được đầu tư vào một số hoạt động đầu cơ… Cuộc cải cách của tổng thống Obama cũng dẫn đến sự ra đời của một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính (CFPB - Consumer Financial Protection Bureau). Sắc lệnh của Donald Trump được các nhà quan sát ghi nhận là một nỗ lực nhằm hủy bỏ luật Dodd-Frank của Obama, điều mà ông Trump nhiều lần khẳng định.

Hôm qua, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Mario Draghi tuyên bố trước Ủy ban kinh tế của Nghị viện châu Âu, họp tại Bruxelles : « Chủ trương tái lập các điều kiện (của ngành ngân hàng tài chính) trước khủng hoảng là đáng ngại » và nguy hiểm, ông nhấn mạnh là chính sự thả lỏng lĩnh vực ngân hàng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng cách nay 10 năm.

 Ông Andreas Dombret, một thành viên ban lãnh đạo Ngân Hàng Liên Bang Đức thì cho rằng đây sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng », làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính.





No comments:

Post a Comment

View My Stats