Wednesday, 8 February 2017

KẺ ĐƯỢC GỌI LÀ THẨM PHÁN (Nguyễn Đạt Thịnh)




Monday, 06/02/2017 - 10:22:58
Ba chữ “được gọi là” dịch từ hai chữ “so-called” ẩn ý nói kẻ được gọi là thẩm phán chỉ là một kẻ tiếm danh, hoặc không xứng đáng là thẩm phán. Chánh án James Robart tòa liên bang Seattle bị Tổng Thống Donald Trump chỉ trích là a so-called judge.

Mười-ba năm trước, trước khi “được gọi là thẩm phán,” ông Robert đã thật sự làm thẩm phán; ông bắt đầu đảm nhận chức vụ thẩm phán từ ngày 21 tháng Sáu, 2004; vị tổng thống ký bổ nhiệm ông vào trọng trách thẩm phán là George W. Bush -một vị tổng thống Cộng Hòa.

Trước khi làm thẩm phán, ông đã phục vụ xã hội 11 năm với vai trò luật sư tại Seattle, ông còn làm việc miễn phí cho cộng đồng người tị nạn Đông Nam Á tại thành phố đó, và rất có thiện cảm với cuộc sống thượng tôn luật pháp, hướng thiện và cần cù, của người gốc Việt.
Tổng Thống Donald Trump chỉ trích Chánh Án James Robart tòa liên bang Seattle là “a so-called judge.”

Ngoài đời, Thẩm Phán James Robart nuôi nhiều trẻ em gốc Đông Nam Á. (Getty Images)

Ông đã xử nhiều vụ án phức tạp như vụ khế ước giữa hai hãng Microsoft và Motorola; hãng Motorola vi phạm khế ước, thua kiện và kháng cáo; tòa phá án quận 9 điều tra rồi khẳng định là bản án ông Robart xử là RAND (reasonable and non-discriminatory- hợp lý và không phân biệt đối xử).

Không chỉ trong địa hạt pháp luật, ông Robart mới hợp lý và không phân biệt đối xử, mà trong cuộc sống hàng ngày, ông cũng lấy công bằng và nhân ái làm phương châm xử thế; nhân ái là việc ông nuôi nhiều đứa trẻ Đông Nam Á làm con nuôi, chăm sóc và hướng dẫn chúng vào một tương lai sáng sủa hơn.

Cây kim chỉ nam công bằng và nhân ái đó đưa ông tới việc ban hành lệnh cấm tạm thời (temporary restraining order) không cho viên chức Nội An và Quan Thuế thi hành Sắc Lệnh của Tổng Thống Trump- lệnh ngăn chặn người Trung Đông thuộc bảy quốc gia Hồi Giáo vào lãnh thổ Hoa Kỳ -kể cả những thường trú nhân đang sống tại Hoa Kỳ về thăm cố quốc, cũng không được trở lại Hoa Kỳ nữa.

Sắc lệnh đó tạo ra nhiều thảm cảnh gia đình: những người chồng ở lại Mỹ vì bận rộn chức nghiệp, để các bà vợ đưa con về thăm thân nhân nội, ngoại còn sống tại Trung Đông, lúc trở về Mỹ vấp vào tờ sắc lệnh cấm cư dân bảy nước Hồi Giáo vào lãnh thổ Mỹ -dù họ chỉ trở về nhà.

Phản ứng của Trump là viết lên Twitter, chê án lệnh của Robart là “nực cười,” và chê Robart là -kẻ “được gọi là thẩm phán”.”

Dù “nực cười” án lệnh vẫn tạo tác dụng đem sắc lệnh của tổng thống bỏ vào tủ đông đá, vô hiệu hóa nó, và cho phép những người có giấy chiếu khán hợp pháp, đến từ bảy nước bị cấm được trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình.

Giận dữ vì thấy sắc lệnh mất hiệu lực, tổng thống rút bút, viết Tweeter, “Tệ hại quá; không thể nào tin được là một vị thẩm phán lại cam tâm đẩy quê hương vào vòng nguy hiểm đến mức đó: thiên hạ đang tràn vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Nếu có chuyện gì xảy ra xin quy trách cho ông ta và cho hệ thống tòa án.”

Ông lôi cả “hệ thống tòa án Hoa Kỳ” vào gánh trách nhiệm “để người Trung Đông vào lọt lãnh thổ Mỹ,” vì chiều Chủ Nhật mùng 5 tháng Hai, 2017, tòa Thượng Thẩm Hạt 9 đã họp phiên đặc biệt để tuyên xử bản án ông Robart đem “đông đá” sắc lệnh của tổng thống Trump là RAND.

Tuy nhiên tòa Thượng Thẩm vẫn yêu cầu Bộ Tư Pháp -thay mặt chính phủ Trump- nạp án luận viết tay trước 6 giờ chiều thứ Hai trình bày những nguyên nhân khiến chính phủ khiếu nại án lệnh của thẩm phán Robart; nếu hành pháp làm kịp, tòa có thể tái xét.

Dù chưa có giá trị vĩnh viễn, án lệnh của tòa Thượng Thẩm Hạt 9, vẫn tiếp tục vô hiệu hóa sắc lệnh của tổng thống thêm một ngày, thứ Hai 6 tháng 2, giúp “thiên hạ tiếp tục tràn vào lãnh thổ Hoa Kỳ” như tổng thống than phiền, mặc dù những người nhập cư là thường trú nhân tại Mỹ, trở lại Mỹ để tái hợp với thân nhân, gia đình họ.

Nhưng sau ngày thứ Hai này, bộ Tư Pháp sẽ chống án thêm một lần nữa, đưa nội vụ lên Tối Cao Pháp Viện, trong lúc tổng thống viết Tweeter khoe là ông đã chỉ thị cho Bộ Nội An -dù không cấm cản được- nhưng vẫn “xét, soát very carefully tất cả những hành khách đến từ bảy nước Trung Đông.”

Nhiều cơ quan truyền thông đánh điện hỏi Bộ Nội An “xét, soát very carefully” là làm những gì, nhưng chưa được bộ này hồi đáp, trong lúc quần chúng tiếp tục biểu tình phản đối.

Ký giả Robert Barnes giải thích trên tờ The Washington Post là Tòa Thượng Thẩm Hạt 9 chỉ bác đơn của hành pháp xin hủy bỏ án lệnh của thẩm phán Robart, nhưng hành pháp vẫn có thể tiếp tục diễn giải quan điểm của họ.

Trong thời gian tranh chấp, sắc lệnh của tổng thống vẫn bị đình chỉ thi hành, và thường trú nhân Hoa Kỳ gốc Trung Đông vẫn ồ ạt đổ vào các phi trường quốc tế trên lãnh thổ Mỹ, từ New York, California, cho đến Northern Virginia, D.C. và Hawaii, tạo ra nhiều hình ảnh đoàn tụ xúc động.

Thời gian ân hạn có thể kéo dài thêm vài tuần nữa vì cuộc tranh chấp pháp lý giữa hai ngành hành pháp và tư pháp. Đa số thẩm phán liên bang đều cho rằng sắc lệnh của tổng thống có thể vi hiến, vị thẩm phán duy nhất bênh vực quan điểm của chính quyền là thẩm phán liên bang tại Minnesota.

Chánh án James Robart - “kẻ được gọi là thẩm phán”- chống lại sắc lệnh cấm cư dân bảy quốc gia Hồi Giáo đến Mỹ, có thể vì quan điểm của ông không giống quan điểm của tổng thống Donald Trump trên hai địa hạt pháp luật và nhân đạo; trên địa hạt chính trị nhiều chính khách, khoa học gia, doanh nhân, cũng đang lên tiếng chống lại sắc lệnh này, vì nó sẽ tạo nguy hiểm cho quân nhân Hoa Kỳ trên chiến trường ngoại biên. Nguy cơ đó có thật, và việc người lính Mỹ đang có mặt trên nhiều chiến trường ngoại biên lại là điều không thể chối cãi, và cũng khó chấm dứt.

Ước mong tổng thống sẽ nghĩ lại, mặc dù mong ước đó khó hy vọng thực hiện.

*
*
Sắc Lệnh Di Trú Của Ông Trump Bị Cấm Thi Hành Trên Toàn Quốc
08/02/2017

Bộ Tư pháp Mỹ kháng cáo phán quyết chặn sắc lệnh cấm nhập cư
Tòa kháng án bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư pháp
97 Đại công ty kỹ thuật nộp đơn kiện sắc lệnh di trú của TT Trump
Tổng thống Trump không được phát biểu trước quốc hội Anh

--------------

Chánh án liên bang James Robart của tiểu bang Washington chiều ngày 3-2-2017 đã ra phán quyết tạm ngưng thi hành sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump (ký ngày 27-1-2017, cấm di dân bảy nước Hồi Giáo nhập cảnh vào nước Mỹ). Phán quyết này của tòa có hiệu lực ngay lập tức khắp Hoa Kỳ, theo thông báo của Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang.

Trước cú bật pháp lý bất ngờ, Tòa Bạch Ốc ngay lập tức đưa ra tuyên bố rằng, sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp liên bang nộp đơn khẩn cấp để sắc lệnh vẫn được thi hành.

Chánh Án James Robart ở Seattle, một người đã được Tổng Thống George W. Bush đề cử, phán quyết rằng các tiểu bang có căn bản pháp lý để kiện vì sắc lệnh cấm di dân của TT Trump vừa phi pháp vừa vi hiến.

Theo phân tích từ các chuyên viên pháp lý, trên nguyên tắc, sau lệnh của chánh án Robart thì lệnh tạm cấm nhập cảnh từ 7 quốc gia Hồi giáo của tổng thống sẽ không còn hiệu lực, và các phi trường buộc phải tuân thủ cho đến khi có phán quyến lật ngược lệnh này tại tòa cấp cao hơn.

Tại Virginia, chánh án liên bang Leonie Brinkema ở Alexandria yêu cầu Toà Bạch Ốc cung cấp danh sách những người bị từ chối hoặc bị chặn không cho vào Hoa Kỳ do lệnh cấm nhập cảnh. Bộ Ngoại giao cho biết, có gần 60.000 visas được cấp cho công dân các quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen đã bị vô hiệu hoá vì sắc lệnh. Trong khi đó, theo luật sư chính phủ thì con số visas bị thu hồi lên đến hơn 100.000.

Bộ Nội An ngày 3-2 đã ban hành văn bản xác nhận lệnh cấm sẽ không áp dụng cho thường trú nhân hợp pháp, tức là những người đã có thẻ xanh hoặc những người từng giúp quân đội Hoa Kỳ, cũng như không có kế hoạch mở rộng danh sách các nước Hồi giáo nằm trong lệnh cấm. Trước đó, thường trú nhân hợp pháp hay cựu nhân viên ngoại giao, những người giúp đỡ quân đội Hoa Kỳ, những thông dịch viên đến từ các nước kể trên đều bị chính quyền chặn lại tại phi trường không cho vào Mỹ.

Làn sóng phản đối sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh từ 7 quốc gia Hồi giáo trong 3 tháng và tạm ngưng chương trình tị nạn từ Syria trong 4 tháng đang tiếp tục dâng cao, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và vụ kiện chống lại sắc lệnh khắp nơi.

Bộ Tư pháp Mỹ kháng cáo phán quyết chặn sắc lệnh cấm nhập cư

Ngày 4-2 Bộ Tư pháp với quyền bộ trưởng do ông Trump vừa đưa lên - thay thế bà Sally Yates bị sa thải vì đã cho rằng sắc lệnh di trú của ông Trump là vi hiến, đã chính thức yêu cầu tòa kháng án khu vực 9 chống lại phán quyết của Thẩm phán liên bang James Robart ngưng thực thi sắc lệnh di trú. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã thông báo ngắn gọn về việc nộp đơn kháng cáo này.

Tòa kháng án bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư pháp

Tòa kháng án khu vực 9th đã nhanh chóng không chấp nhận đơn xin phục hồi sắc lệnh di trú của Bộ Tư pháp. Ngày 5-2, tòa kháng án đã yêu cầu bên chống sắc lệnh di trú phải nộp bản lý luận trễ nhất là vào 4g sáng giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày 6-2, và các luật sư của Bộ Tư pháp phải hồi đáp lúc 6g chiều giờ miền Đông HK cùng ngày. Sau đó, tòa kháng án sẽ mở phiên tòa để hai bên cùng trình bày lúc 3g chiều giờ miền Đông ngày 7-2, và nhiều phần tòa sẽ đưa ra phán quyết cùng ngày. Dù tòa quyết định cho bất cứ bên nào, thì bên kia chắc cũng đưa lên Tối Cao Pháp Viện để định đoạt về sắc lệnh. Theo giới chuyên gia luật, tòa Tối Cao có thể mất cả năm để quyết định.

Tạm thời, những người có visas hợp pháp được phép vào Mỹ, và đã có những gia đình được đoàn tụ. Tuy nhiên, có những người vẫn bị trở ngại vì giấy tờ đã bị đóng dấu không hợp lệ.

Ông Trump đã bày tỏ sự giận dữ về việc lệnh cấm của mình bị tạm hoãn. Ông viết trên Twitter ngày 4/2, với giọng điệu coi thường và thách thức vị thẩm phán: “Phán quyết của kẻ được gọi là chánh án này, mà cơ bản là đã tước khỏi đất nước chúng ta quyền tăng cường luật pháp, thật lố lăng và sẽ bị dẹp bỏ.” Ông Trump còn hăm dọa thêm là nếu có điều gì xảy ra cho đất nước thì hãy trách ông chánh án và tòa án.

Phản ứng này của ông Trump đã bị một số giới chức Hoa Kỳ, ngay cả trong đảng Cộng Hòa, phê phán. Không những là ông Trump thiếu sự tôn trọng dành cho những giới chức thẩm quyền bên tòa, mà còn là không tôn trọng hệ thống tam quyền phân lập - nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Ông Trump cùng các phụ tá thân cận cũng thường tỏ ra không tôn trọng một khía cạnh căn bản khác của nền dân chủ, đó là quyền tự do ngôn luận; họ thường xuyên miệt thị và tấn công giới truyền thông vì đã bị truyền thông vạch trần những điều sai sự thật.

Ông Trump cũng từng tuyên bố những điều phi pháp và vi hiến trong lúc tranh cử. Nhưng bây giờ thì ông đã thực hiện điều mà giới chức thẩm quyền cho là phi pháp và vi hiến, tạo ra rất nhiều những chao đảo cho gia đình của các nạn nhân bị sắc lệnh của ông ngăn cách, sinh viên không thể trở về trường học và nhân viên không thể trở về nhiệm sở.

Việc nộp đơn kháng cáo là diễn biến mới nhất của một loạt các tranh cãi, biểu tình, chỉ trích dữ dội quanh lệnh cấm mà chính quyền ông Trump đưa ra gây xáo trộn vừa qua. Nhiều cuộc biểu tình đông đảo đã diễn ra, không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Hàng ngàn người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở London - Anh và gần tháp Eiffel ở Paris – Pháp hôm 4-2 vừa qua.Không chỉ các chính trị gia, các tổ chức hoạt động xã hội, mà nhiều người nổi tiếng cũng bày tỏ bất bình trước lệnh cấm này.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) quyết tâm phản đối nỗ lực của Tổng thống Mỹ. Ông Trump đang phải đối mặt với các đơn kiện từ nhiều tiểu bang: New York, Massachusetts, Virginia, Washington, California, New York, Pennsylvania cùng với các tổ chức, cá nhân, liên quan đến lệnh cấm nhập cư.

Chủ tịch đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell thuộc đảng Cộng Hòa cũng phê bình sắc lệnh vì có thể khiến cho các đồng minh Muslim hiểu lầm và bị ngăn cản khi tới Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn với Bill OReilly của Fox News chiều ngày 5-2, TT Trump nhất định là sắc lệnh đã được áp dụng rất suông sẻ ngay từ đầu, và nói sai sự thật là “chỉ có 109 người trong số hàng trăm ngàn khách du lịch, và với con số ít ỏi những người bị giữ này, họ chỉ bị giám xét thật kỹ mà thôi.” Ông Trump đã không kể tới hàng trăm ngàn người bị ngăn cản vì visas của họ bị từ chối, và đã có những người bị đuổi ra khỏi Mỹ sau khi máy bay của họ đã đáp xuống.

Đã có trường hợp một bé trai 5 tuổi bị còng tay và giữ hơn 4 tiếng tại phi trường quốc tế Dulles, Washington DC. Em bị coi là thành phần “nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Thực ra, em là công dân Mỹ sống với mẹ người gốc Iran tại Maryland.

Sau khi có phán quyết từ Chánh án Robart bắt ngưng sắc lệnh của ông Trump, Bộ Nội An đã ngưng mọi sự bắt bớ, cấm cản, và Bộ Ngoại Giao đã phục hồi hằng trăm ngàn các visas hợp lệ bị ngưng vì sắc lệnh. Các nhà hoạt động đã khuyến khích khách du lịch từ những quốc gia bị cấm mau chóng lên đường trong khi lệnh tòa cấm sắc lệnh còn đang hiệu nghiệm.

Trong lịch sử Mỹ mới có hai lần sắc lệnh hành pháp của tổng thống bị ngành tư pháp bãi bỏ. Sắc lệnh đầu tiên của của Tổng thống Harry Truman ban hành năm 1952, yêu cầu chính phủ kiểm soát các nhà máy thép. Sắc lệnh thứ hai là của Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1995, ngăn chính phủ ký hợp đồng với các công ty thuê người thay thế công nhân đình công.

97 Đại công ty kỹ thuật nộp đơn kiện sắc lệnh di trú của TT Trump

(06/02/2017) Rất nhiều đại công ty kỹ thuật cao tại Hoa Kỳ đã thành công nhờ di dân, và nếu cấm người nhập cư thì nước Mỹ đã không có Apple. EBay, Oracle cũng nằm trong số các công ty được xây dựng bởi những người Mỹ có gốc gác từ những nước mà ông Trump đang muốn cấm nhập cảnh.

Hai nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs và Steve Wozniak đều là con của người nhập cư từ Syria. Ông Bob Miner, đồng sáng lập công ty Oracle, là con của di dân từ Iran. Nhà sáng lập eBay, Pierre Omidyar cũng là người gốc Iran.

Ngoài ra, rất nhiều chuyên gia kỹ thuật tại Mỹ là người nhập cư, dù không phải từ vùng bị sắc lệnh cấm, thí dụ đồng sáng lập Yahoo Jerry Yang đến từ Đài Loan, Jeff Bezos, CEO Amazon, có cha là người Cuba.

Ngày 5-2, 97 công ty kỹ thuật đã nộp đơn kiện sắc lệnh di trú của ông Trump trên căn bản sắc lệnh này phi pháp và vi hiến.

Tổng thống Trump không được phát biểu trước quốc hội Anh

(07/02/2017) Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow đã phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước quốc hội trong chuyến thăm nước này, và đã được các. đồng viện vỗ tay tán thưởng.

Ông Bercow tuyên bố: "Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, quốc hội phản đối tư tưởng phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính... Trước khi ông ấy ban hành lệnh cấm nhập cư, bản thân tôi đã phản đối mạnh mẽ việc mời TT Trump phát biểu tại quốc hội. Sau khi sắc lệnh cấm nhập cư được ban hành, tôi càng phản đối mạnh mẽ hơn."

Tuy đã được bà Thủ tướng Anh Theresa May mời sang thăm Anh quốc khi bà ghé Washington DC tháng trước, nhưng ông Trump đã bị người dân Anh phản đối mạnh mẽ.. Khoảng hai triệu người Anh đã ký đơn yêu cầu hủy bỏ lời mời, và không tiếp ông Trump như quốc khách. Quốc hội Anh sẽ thảo luận về vấn đề này vào cuối tháng 2.





No comments:

Post a Comment

View My Stats