Friday, 10 February 2017

DONALD TRUMP - MỘT LÃNH ĐẠO TÂM THẦN ? (Thạch Đạt Lang tổng hợp)




Thạch Đạt Lang tổng hợp
Posted by adminbasam on 10/02/2017

Trong lịch sử lập quốc hơn 240 năm của nước Mỹ, lần đầu tiên người dân thấy một tổng thống bỏ nhiều thời giờ để tranh cãi, lý luận hơn thua với bất cứ ai về những chuyện nhỏ nhặt, không đáng, như Donald Trump. Hơn thế nữa Trump còn dùng mạng xã hội Twitter, để nhục mạ người khác.

Chuyện mới nhất đây, với một status trên Twitter, Donald Trump đã phỉ báng, nhục mạ một thẩm phán liên bang, ông James Robart như sau: “Quan điểm của cái gọi là thẩm phán khi tước mất quyền hành động để bảo vệ đất nước thật khôi hài và sẽ bị xóa bỏ”.

James Robart là chánh án liên bang, là người đã ký quyết định ngăn chận, không cho thi hành sắc lệnh di trú của Donald Trump trên toàn quốc cho đến khi tòa án phúc thẩm khu vực số 9 (9th Circuit Court) có quyết định rõ ràng về sắc lệnh này.

Xin nói sơ qua về hệ thống tòa án liên bang Mỹ. Hệ thống này chia làm 3 cấp: tòa địa hạt khu vực (District Courts) gồm 94 tòa án; tòa phúc thẩm (Circuit Courts, hay Courts of Appeals) gồm 12 tòa và một tòa phúc thẩm liên bang (The U.S. Court of Appeals for the Federal Circuit); và một tòa án tối cao (Supreme Court).

Trở lại vấn đề, James Robart là chánh án liên bang, được bổ nhiệm từ thời tổng thống George W. Bush với sự đồng ý tuyệt đối 99 phiếu thuận (0 phiếu chống) của Thượng viện trong cuộc biểu quyết. Khi nhục mạ một chánh án liên bang, Donald Trump đã tỏ ra là một người kém hiểu biết về cơ chế tam quyền phân lập. Chánh án liên bang thuộc cơ quan tư pháp (Judicial Branch), dù Trump là lãnh đạo cao nhất của hành pháp (Executive Branch), cũng không được phép coi thường kỷ cương, phép nước, bôi nhọ, chế diễu quyết định của cơ quan tư pháp.

Với ý kiến viết trên Twitter đó, dường như Trump muốn áp đảo nền tư pháp Mỹ để thâu tóm quyền lực, Trump muốn ngồi xổm lên luật pháp. Hành động đó có thể làm suy giảm niềm tin của công chúng và theo các chuyên gia về luật pháp, quyền hành của Trump có thể sẽ phải xem xét lại.

Ông Arthur Hellman, giáo sư luật của trường đại học Pittsburgh, nói với đài NBC như sau: “Việc tấn công vào cá nhân người chánh án bằng ngôn từ được lập lại nhiều lần, tạo nên mối lo ngại, khiến mọi người giảm đi sự tin tưởng vào các quyết định của chánh án, không biết có đúng theo luật pháp không?”

Hellman nói tiếp: “Bạn có thể không đồng ý với phán quyết của một chánh án nhưng quyết định của người chánh án căn cứ vào nền tảng lập luận của cả hai bên. Biến nó thành chuyện cá nhân, cố gắng mô tả chánh án hành động không vì một sự công bằng, tốt đẹp thì quả thật là có vấn đề”.

Hellman cho biết, ông sẽ không đi quá xa để nhận định rằng những tin nhắn trên Twitter của Donald Trump là một phần trong kế hoạch có mục đích rõ ràng, nhằm hủy bỏ các quy định của hiến pháp, những hiến định gây trở ngại, khó khăn cho các chính sách của Trump.

Một giáo sư luật khác, thuộc trường Đại học Northwestern, Giáo sư Ron Allen cho rằng, phát biểu của Donald Trump trên Twitter cần phải đặt thành vấn đề cho những người đã hỗ trợ ông ta.

Ông Allen nói với đài NBC: “Donald Trump có thể thất bại như một vài nhân vật trong lịch sử, những người đã có những chiến dịch huy hoàng nhưng lại tự bôi nhọ thanh danh chính mình ở văn phòng Nhà Trắng. Lời phỉ báng ‘Cái gọi là chánh án’ – chỉ là sự ngu xuẩn, phản ánh sự thiếu kiến thức một cách tệ hại về hệ thống pháp lý”.

Nhà báo Dan Rather nhận định về sự kiện này trên Facebook, nói rằng những câu của Trump viết trên Twitter, khiến ông nhớ lại một câu nói của tổng thống thứ 7 của nước Mỹ, Andrew Jackson, người đã được tranh luận nhiều trong quá khứ về tính độc tài và cực đoan. Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình, Andrew Jackson đã làm dấy lên một làn sóng dân túy trong tòa Bạch Ốc.

Trong một vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu đất đai của người da đỏ Cherokee năm 1832, chánh án John Marshall đã phán quyết ngược lại luật lệ của tiểu bang Georgia về quyền đi lại của người da trắng trong vùng đất sở hữu của người da đỏ Cherokee. Phán quyết này đã bị tổng thống Andrew Jackson chế nhạo bằng câu nói: “Marshall đã quyết định, hãy để ông ta thực thi quyền hạn của mình”. Lời nói, hành động của Andrew Jackson liên hệ với các ý kiến là một biến cố lịch sử, trở thành một biểu tượng để tranh luận về quyền lực của tiểu bang, liên bang và vai trò của tòa án trong hiện tại. Hãy thử hình dung Andrew Jackson đưa câu nói của mình Twitter, việc gì sẽ xảy ra?

Cuộc đối chọi quan điểm giữa tổng thống Andrew Jackson và chánh án John Marshall là bước ngoặt đáng kể của nước Mỹ, tác động vào niềm tin, rằng Tối cao Pháp viện có được độc lập để quyết định luật lệ chiếu theo hiến pháp hay không.

Trump đang phát động một chiến dịch bán cái nghiêm trọng, nguy hiểm, để phủi bỏ trách nhiệm những hậu quả gây ra bởi sắc lệnh di trú mà Trump đã ban hành. Trump lập luận rằng, nếu có một cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở Mỹ, thì lỗi lầm chính là do phán quyết của các chánh án, những người đã ký lệnh ngăn chận luật di trú của Trump, đồng thời cũng là do lỗi của truyền thông, báo chí đã không loan tin đầy đủ về các cuộc khủng bố…

Một người đọc bình thường có thể thấy ngay đó là những lời ngụy biện, trốn tránh trách nhiệm của tổng thống.

Những lời dối trá này cũng giống như Trump đã từng nói có hàng triệu cử tri gian lận trong cuộc bầu cử, nhưng cho đến hôm nay, hoàn toàn không có một cuộc điều tra nào chứng minh được chuyện đó. Tòa Bạch Ốc không đưa ra được một bằng chứng nào để biện minh cho lời nói của Trump. Vậy thì đâu là mối đe dọa nền dân chủ của Mỹ như Trump tuyên bố?

Cũng theo nhà báo Dan Rather, Trump là Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ, các cơ quan tình báo, lực lượng võ trang báo cáo tình hình cho Trump. Việc tìm con dê tế thần để trút trách nhiệm trước khi biến cố xẩy ra là một thủ đoạn gian manh, thâm hiểm, đó là cách gieo mầm phá hủy nền tảng tạo dựng nền cộng hòa. Đó cũng là chiến thuật của những tên độc tài nhạy cảm, nhận ra rằng mình đang ở vị trí quá tầm với của mình, nên rất dễ bị tổn thương bởi những lời chê bai, chỉ trích, dễ dàng cáu kỉnh, thậm chí nổi điên về những tin tức mà họ quả quyết rằng “giả dối” giống như những ngọn roi đang quất vào họ.

Ông Dan Rather nói: “Tôi không nghĩ rằng chiến thuật này sẽ có chút hy vọng thành công. Trump đang xây dựng thương hiêu cho mình một cách táo bạo, xấc xược của một lãnh đạo mà đa số người Mỹ sẽ thấy, toàn là những lời nói vô trách nhiệm. Hơn thế nữa chúng ta đang bảo vệ, gìn giữ nền tư pháp độc lập bằng nền tảng kiểm soát và cân bằng. Chúng ta có thể thấy rằng báo chí đã đưa tin đầy đủ về các cuộc tấn công khủng bố. Tôi không thấy chánh án hay phóng viên nào thoái lui. Không – Hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, Donald Trump đang tỏ dấu hiệu cho thấy ông ta sẽ phản ứng như thế nào trong thời gian khủng hoảng. Biết trước được nguy hiểm thì có thể tránh được nó”.

Trong một bài báo đăng tải trên New York Daily, nhà báo Gersh Kuntzman viết như sau: “Các chuyên gia về tâm lý cuối cùng đã phải nói ra rằng: Điều đáng sợ ở Donald Trump là lòng tự cao, sự ngạo mạn, luôn hung hăng, tin tưởng vào những sự hoang đường, phản xạ khó lường và tấn công người đối lập. Mục đích của các chuyên gia tâm lý không những chỉ để định bệnh cho ông Vua Donald, mà còn muốn cảnh cáo công chúng rằng họ sẽ bị xỏ mũi, dẫn đi đến một nơi không thể tránh được”.

Tiến sĩ Julie Futrell, là bác sĩ chuyên khoa tâm lý ở một bệnh viện tâm thần – để tránh bị rắc rối về luật pháp – bà nói thêm rằng bà chưa hề chữa trị cho Donald Trump: “Lòng kiêu ngạo hạn chế khả năng nhận biết sự thật. Bạn không thể sử dụng những diễn tiến hợp lý thông thường để chứng minh cho một người nào đó thấy rằng họ đang hoang tưởng. Ba triệu phụ nữ xuống đường không đánh thức được ông ta. Các cố vấn chỉ ra sự chọn lựa chính sách không làm ông ta thay đổi suy nghĩ. Ông ta không cần biết. Sự duy trì bản chất là nguyên tắc tổ chức đời sống cho những ai đã rơi vào giai đoạn cuối của bệnh kiêu ngạo”.

Nhà báo Kuntzman cho biết, trước đây nhiều bác sĩ tâm lý không muốn hoặc không thích phân tích những nhân vật công chúng (public figure). Ở thời điểm năm 1964, mọi người đã im lặng khi thượng nghị sĩ Barry Goldwater ở Phoenix, Arizona, chạy đua vào tòa Bạch Ốc. Tương tự như hiện nay, nhiều nhà tâm lý học tin rằng tâm thần của ông Barry Goldwater không ổn định. Nhưng cũng không giống hiện tại, nhiều chẩn đoán gửi tới một tờ báo chuyên môn, ấn bản đặc biệt với tựa đề “Sự vô thức của một nhân vật bảo thủ”. Một câu hỏi đặc biệt về tình trạng tâm thần của Barry Goldwater.

Tựa đề của bài báo tự nó đã nói lên tất cả: “1.189 nhà tâm lý học nói rằng tinh thần của Barry Goldwater rất bất ổn, không phù hợp để làm tổng thống”. Hiệp hội các nhà tâm lý học bất ngờ phổ biến môt bản điều lệ gọi là Goldwater Rule. “Thật là không có đạo đức nếu một bác sĩ tâm lý nhận định về một bệnh nhân mà họ chưa hề khám hay chữa trị”.

Bài báo viết tiếp: “Kết quả là Bác sĩ tâm lý chỉ là những người chuyên môn, không được phép đề nghị báo chí cho phổ biến những nhận định chuyên môn, phức tạp của mình với công chúng. Nói cho rõ hơn, môt nhà khoa học có thể nói với dân chúng về sự hâm nóng địa cầu, một kỹ sư có thể nói về tình trạng của một cây cầu, một người lính có thể nói về khả năng của địch quân mạnh hay yếu. Tuy nhiên về tình trạng tâm thần của một tổng thống thì các chuyên gia bị trói tay, ngay cả khi người Mỹ đã chọn vị tổng thống hoang tưởng nhất kể từ thời tổng thống Nixon. Rõ ràng đây là nhân vật chính trị tự lừa dối mình nhiều nhầt và cũng nguy hiểm nhất kể từ thời Aaron Burr”. (Ông Aaron Burr là phó tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, dưới thời tổng thống Thomas Jeffersons, nhiệm kỳ 1801-1805 – Chú thích của người viết).

“Không thể như thế được nữa. Trong mấy tuần qua các bác sĩ tâm lý đã lên tiếng, vì lương tâm chức nghiệp, lòng yêu nước, họ không thể im lặng. Điều mới nhất là gì? Một chuyên gia tâm lý hàng đầu có những liên lạc với trường đại học y khoa nổi tiếng Johns Hopskins nói rằng: Bệnh thần kinh của Trump rất nặng và với tính khí bất thường, Trump không có khả năng làm tổng thống.

Chuyên gia thần kinh John D. Gartner chẩn đoán rằng Trump mắc chứng kiêu ngạo ác tính. Gartner gia nhập vào một nhóm chuyên gia, càng ngày càng nhiều người đồng thanh lên tiếng, những người quan tâm đến tổng thống, họ đang muốn đối mặt với cơn thịnh nộ của các tổ chức chuyên môn về nghề nghiệp của họ.

Trong một nỗ lực trước đó, chỉ sau khi bầu cử xong, hàng ngàn nhà tâm lý học gia nhập một nhóm mới có tên ‘Công dân trị liệu chống chủ nghĩa Trumpist’ để cảnh giác nước Mỹ về một nhà lãnh đạo bị bệnh tâm thần. Chúng tôi không thể im lặng khi chúng tôi chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít theo khuôn mẫu Mỹ”.

Còn các Trumpist Việt Nam ở hải ngoại và trong nước thì sao? Ai có thể chẩn đoán được tình trạng trí não của họ?

Tin mới nhất cho hay, tòa phúc thẩm số 9 đã bác bỏ kháng án của Donald Trump yêu cầu áp dụng trở lại sắc lệnh di trú mà Trump đã ký.






No comments:

Post a Comment

View My Stats