Wednesday, 1 February 2017

CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ CỦA CHÍNH PHỦ TRUMP (FB Trương Nhân Tuấn)





Vừa khi bổ nhiệm ông James Mattis làm Bộ trưởng bộ Quốc phòng 20 tháng giêng 2017, Tổng thống D. Trump giao nhiệm vụ cho ông này trong 30 ngày để đưa ra một sách lược hữu hiệu nhằm chống lại bọn khủng bố “Nhà nước Hồi giáo – IS”. Không ai đánh gía thấp tài năng và tấm lòng của tướng Mattis, nhưng người ta hoài nghi về một sách lược hữu hiệu của Mỹ để chống lại IS.

Theo “plan” của Trump đưa ra, Mattis có thẩm quyền lựa chọn đồng minh mới, vấn đề là mọi thứ phải “phù hợp luật quốc tế”.

Những sắc lệnh mới về di dân của Trump, người ta ví ông giống như Hitler. Ảnh: internet

Khái niệm về “khủng bố quốc tế” đã được Hoa Kỳ và Do Thái đặt ra từ thập niên 80 của thế kỷ trước để chỉ các phong trào giải phóng dân tộc Palestine. Các phong trào này được Liên Xô và hầu hết các nước Hồi giáo trên thế giới bảo trợ, như tổ chức OLP của Arafat. Chủ trương các tổ chức này là mở những cuộc tấn công (khủng bố) nhằm gieo sự sợ hãi trong dân chúng, gây áp lực lên các nhà nước tư bản nhằm đạt thắng lợi chính trị.

Từ sau biến cố 11-9-2001, tổ chức Al-Qaida của Ben Laden cũng trở thành một vấn đề của “quốc tế”. Hành vi khủng bố từ đây được chính phủ Mỹ xem như là một hành vi thuộc về “chiến tranh”. Các cuộc chiến tại Afghanistan và Irak là các cuộc chiến quốc tế chống khủng bố, do bộ quốc phòng Mỹ đảm trách.

Vì do quốc phòng đảm trách, hệ quả là “tù nhân” thuộc diện khủng bố sẽ chịu phán xét của tòa “quân sự”, cũng như các việc “tra tấn tù nhân” cũng sẽ thể hiện bằng các phương cách “quân sự” (theo kiểu các nhà tù ở Guantanamo).

Luật quốc tế về chiến tranh vốn chưa từng được tôn trọng. Công ước La Haye 1907 (và các công ước sau 1945) cho rằng các bên lâm chiến không có quyền sử dụng vô hạn chế các phương tiện để phục vụ cho chiến tranh.

Các bên lâm chiến không được sử dụng các loại vũ khí (như hơi độc), không được (tàn phá) quá mức cần thiết, không được giết hại dân lành… Một số tập quán quốc tế cũng cần nhắc như các bên (lâm chiến) phải tôn trọng đại diện của bên kia, phải có thiện chí trong vấn đề thương thuyết, phải tôn trọng thời gian ngưng chiến…

Khủng bố New York 11-9-2001 hay các khủng bố ở Paris, Bruxelles, Nice, Berlin… gần đây, nếu xem đó là một hành vi “chiến tranh”, thì đây là mặt đen tối nhứt, dã man nhứt của con người. Không một cứu cánh nào có thể biện minh cho hành vi này. Nó thuộc về “tội ác chống nhân loại”.

Xếp “khủng bố” vào hạn mục “chiến tranh” có thể là một sai lầm.

Làm thế nào một nhà nước văn minh có thể “thương thuyết” với “đại diện” của “tội ác”, đồng thời phải “tôn trọng” nó ?

Dĩ nhiên là không! Mà “luật quốc tế” là như vậy. Mâu thuẫn đã thấy ngay từ căn dặn của Trump “tôn trọng luật quốc tế”.

Theo tôi, “khủng bố” là một “chiến tranh ngoại lệ”. Muốn thắng cuộc chiến phải có những biện pháp “ngoại lệ”. Biện pháp “ngoại lệ” đó là gì?

Sa lầy của Mỹ ở chiến trường Afghanistan, Irak… cho ta thấy cuộc “chống khủng bố” là không dễ.

Cuộc chiến Irak, ban đầu TT Bush dự đoán sẽ tốn 50 tỉ đô la. 10 năm sau Mỹ đã phải đổ vào 4.400 tỉ đô la. Cuộc chiến Afghanistan tốn 600 tỉ.

Các chính phủ do Mỹ dựng lên ở các nơi đây vẫn bấp bênh, còn trụ được là nhờ trợ giúp quân sự của Mỹ.

Các bài học này cho thấy khả năng quốc phòng, tài chánh, nhân sự… không là yếu tố (cần và đủ) để thắng khủng bố.

Nếu không tìm hiểu nguyên nhân khủng bố đến từ đâu, thì việc chống khủng bố tương tự việc chữa cháy, hết chữa đám này tới đám khác, chữa mãi không xong. Đơn giản vì đứa đốt nhà vẫn còn đứng ngoài vòng pháp luật với thùng xăng và cái hộp quẹt trên tay.

Khi khủng bố nhân danh Thuợng đế

Hầu hết tác nhân các vụ khủng bố đều là các tổ chức Hồi giáo. Hầu như tất cả các cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử loài người bắt nguồn từ tôn giáo.

Hiện nay, những bất ổn trong xã hội Tây phương phần lớn đến từ mâu thuẫn về tôn giáo. Tôn giáo trở thành một vấn đề “nhạy cảm”, tế nhị. Những người làm chính trị khéo léo ít ai dám nói đến việc này.

Nhưng khi những người om bom, những người ria đạn AK vào đám trẻ đang nghe nhạc, đang ngồi bên vỉa hè Paris ăn uống… mà trên miệng họ tụng niệm “Allah akbar – thuợng đế vĩ đại”. Họ đã nhân danh thượng đế để giết người.

Những đứa trẻ đó đã làm phạm những gì để “có tội” gì với Allah? Nếu không phải là Allah, thì ai có tư cách để “phê phán” các hành vi đó là “có tội với Allah”?

Những kẻ cực đoan từ chối thảo luận về các việc đó. Họ muốn sử dụng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn về một tín điều của tôn giáo (đã cũ hàng ngàn năm).

Một số nhà phân tích thời cuộc vừa có nhận định rằng chính sách đối ngoại của Trump ảnh hưởng rất nhiều bởi thuyết “sự xung đột giữa các nền văn minh” của Samuel Huntington.
Không vòng vo, người ta cho rằng các tổ chức Hồi giáo vũ trang như Al-Qaida, IS… là thể hiện nền “văn minh Hồi giáo”.

Ngoài ra người ta cũng nhận xét rằng Trump ảnh hưởng bởi lý thuyết vầ “dân tộc chủ nghĩa” của Marine Le Pen (một nữ chính trị gia người Pháp, hiện lãnh đạo Mặt trận Dân tộc – Front National). Các ý tưởng về bảo hộ, hay các hành vi “cấm cửa dân đạo Hồi”… xuất phát từ tư tưởng cực đoan, kỳ thị chủng tộc của Le Pen.

Khi sa vào các cạm bẫy này nước Mỹ, thắng khủng bố được hay không, đất nước Mỹ có phát triển thêm hay không, người Mỹ có sung sướng, hạnh phúc hơn không… vẫn còn là những câu hỏi. Nhưng trước mắt nước Mỹ sẽ mất tất cả những giá trị “vĩ đại” đã làm nên nước Mỹ.

Khi tín điều tôn giáo trở thành chủ nghĩa “thánh chiến”

Văn minh là thành quả một quá trình tiến hóa về văn hóa của một chủng tộc trong một vùng lãnh thổ nhứt định. Những kẻ đầu óc bị cầm tù, nhân danh thượng đế đó thực ra là những kẻ đã bị tâm thần, đã bị nhồi nhét những tín điều vô luân. Ta có thể gộp chung nhóm người này với tập thể dân theo Hồi giáo hay sao?

Không văn hóa nào cổ vũ tội ác, ngoại trừ văn hóa cộng sản. Người ta hô hào chém giết từ trong văn thơ, từ trong toán học.

Văn hóa cộng sản đặc biệt có chủ nghĩa thi đua, chủ nghĩa anh hùng. Chính vì những chủ nghĩa này đã khiến một người khi đã bước vào cộng sản thì không thể có đường ra. Khi họ đã phạm tội ác thì họ sẽ tiếp tục phạm tội ác, mà tội sau lớn hơn tội trước. Đến khi “phản tỉnh” họ vô phương trở lại được.

Các tổ chức khủng bộ Hồi giáo hiện nay đã áp dụng đúng mức “văn hóa cộng sản”. Họ học nhanh chóng các kinh nghiệm và các cách thức khủng bố của các nước cộng sản. Chủ nghĩa thánh chiến thành hình, được trang bị cho những “thí sinh” tử đạo.

Nếu cộng sản tìm người trong lớp bất mãn xã hội, nông dân vô sản, thì các tổ chức Hồi giáo (như IS) chiêu dụ và tuyển người Hồi giáo, có hận thù xã hội và thèm khát vật chất, danh vọng..

Người ta thấy qua truyền hình, những clip video Youtube… các đoạn phim những tên khủng bố được tuyển mộ tại Anh, Pháp, Hoa Kỳ… đang cầm dao cắt cổ đồng hương. Đó là thủ đoạn mà người cộng sản từng sử dụng để người ta trung thành với tổ chức. (Trong dịp tết Mậu thân, những sinh viên hiền lành “tả khuynh” ở Huế bỏ vô bưng theo CS. Những người này trở thành đồ tể trong thảm sát Huế 1968. Phóng lao phải theo lao, cho đến chết họ cũng không dám phản đảng).

Chính cái clip video này đã chặn mọi đường trở về của những kẻ lầm lỡ. Họ trở thành những ứng cử viên tử đạo, chờ ngày ôm bom tự sát.

Chủ nghĩa anh hùng trở thành chủ nghĩa hóa thánh. Chủ nghĩa thi đua đã khiến vụ khủng bố sau tàn ác, dã man hơn vụ khủng bố trước. Tổ chức này thi đua với tổ chức kia thi nhau gây tội ác.

Theo tôi, vấn đề sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến bất ổn tại Châu Phi và các nước Trung Đông, là cội nguồn của “khủng bố quốc tế”.

Do di sản thực dân, đường biên giới các quốc gia này được phân định một cách bất kỳ, do sự thỏa thuận giữa hai đại cường Anh và Pháp trong việc phân chia vùng ảnh hưởng. Do đó đường biên giới các nước ở đây luôn bị thách thức bởi các bộ tộc (hay dân tộc) bị bỏ quên.
Một yếu tố hiện là chất xúc tác mạnh mẽ để các tổ chức khủng bố thành hình: vấn đề Palestine.

Vấn đề Palestine đã khiến một vấn đề tranh chấp lãnh thổ (giữa dân Palestine với Do Thái) trở thành một tranh chấp quốc tế giữa khối Hồi giáo và Do Thái (và Mỹ), dai dẵng từ hơn ½ thế kỷ.

Vấn đề lãnh thổ bây giờ thêm vào yếu tố tôn giáo. Mà giữa các đạo Hồi, đạo Do Thái và Thiên chúa đã hiện hữu những hiềm khích, thù hận từ ngàn năm nay.

Lại thêm vấn đề Palestine (bất công, áp bức)… do đó “lý thuyết thánh chiến” dễ dàng thu hút mọi tầng lớp trí thức, thanh niên nam nữ các nước Hồi giáo. Họ nghĩ rằng khi dấn thân làm “thánh chiến” là góp phần bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tôn giáo, hay cho một lý tưởng cao đẹp.

Ta thấy họ qua vụ khủng bố 11-9-2001. Những người khủng bố đa số là tốt nghiệp đại học, tình trạng kinh tế và gia đình tương đối tốt.

Giải pháp nào để diệt trừ khủng bố?

Nếu đã có giải pháp thì khủng bố đã chấm dứt từ lâu. Hoa Kỳ là một đại cường, sau khi đổ quân vào Afghanistan và Irak, đã tốn hàng ngàn tỉ đô la, đã chết hàng chục ngàn quân lính, rốt cục phải tháo lui. Khủng bố ở Afghanistan và Irak không giảm đi mà gia tăng hơn trước.
Bây giờ chính phủ của Trump, một mặt giao cho tướng Mattis thành lập một chương trình hành động.

Mặt khác lấy mô hình của Marine Le Pen (bảo hộ kinh tế và đóng cửa với dân theo đạo Hồi) để bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển đất nước. Lấy thuyết “sự xung đột giữa các nền văn minh” của Samuel Huntington làm mô hình chiến tranh chống khủng bố.

Hình như hai bài học Irak và Afghanistan đang được lặp lại, trên bình diện qui mô hơn, bao gồm chiến tranh tâm lý, kinh tế và quân sự.

Làm thế nào tiêu diệt được một tên khủng bố đang trà trộn trong dân chúng (Hồi giáo)? Làm sao để phân biệt nó ? Một người trở thành khủng bố là do “tư tưởng” của họ bị nhồi sọ lý thuyết cực đoan.

Giải pháp của chính phủ Trump là “giết lầm hơn bỏ sót”, “thanh lọc nguồn gốc” (qua sắc lệnh hạn chế nhập cảnh dân đến từ 7 nước Hồi giáo) ngoài ra còn có “thanh lọc tâm lý”. Một người muốn được nhập cảnh Mỹ phải công bố tất cả các danh khoản internet như facebook, twitter… của mình cho nhà chức trách Mỹ.

Người ta nóng lòng chờ đợi kết quả của các việc này.

Nhưng việc bảo hộ kinh tế rõ ràng không nhằm giải quyết nạn khủng bố, mà đối phó với cả thế giới.

(chờ chính sách của Mattis thành hình để biết là Mỹ sẽ “đánh” vào đâu dể diệt trừ khủng bố. Theo tôi, mục tiêu là sẽ đánh Iran. Nước này phải nan nát như Irak thì an ninh Do Thái mới được thiết lập).




No comments:

Post a Comment

View My Stats