Monday, 13 February 2017

CUỘC CHIẾN BA MƯỜI NĂM Ở VIỆT NAM (Christopher Goscha - The New York Times)




Christopher Goscha  -  The New York Times
Biên dịch: Vũ Đức Liêm | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 14/02/2017 by The Observer

Rõ ràng là chiến tranh Việt Nam được người ta nhớ đến theo những cách rất khác nhau. Phần lớn người Mỹ nhớ đến nó như một cuộc chiến diễn ra từ năm 1965 đến năm 1975, làm quân đội của họ sa lầy vào một nỗ lực nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống Đông Nam Á, đồng thời làm chia rẽ người Mỹ một cách sâu sắc. Người Pháp nhớ đến thất bại của họ ở đó như một cuộc xung đột kéo dài một thập niên, từ năm 1945 đến năm 1954, khi họ cố gắng giành giữ viên ngọc châu Á của đế quốc thực dân của mình cho đến khi thất trận ở một nơi được gọi là Điện Biên Phủ.

Ngược lại, người Việt Nam nhìn cuộc chiến như một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hoặc như một cuộc nội chiến kết thúc trong chiến thắng vào năm 1975 với một bên và trong bi kịch với bên còn lại, tùy vào việc họ đứng ở bên nào. Đối với người Việt, trên tất cả nó là một cuộc xung đột kéo dài 30 năm, dưới những hình thức chiến đấu gián tiếp hay trực tiếp, đã biến thành một ngọn lửa tàn khốc, cuối cùng cuốn đi sinh mạng của hơn ba triệu người Việt.

Vấn đề không phải là góc nhìn nào thì tốt đẹp hơn hay chính xác hơn góc nhìn khác. Thay vào đó, điều quan trọng là hiểu được việc tới năm 1967, chiến tranh thuộc địa, nội chiến, và Chiến tranh Lạnh đã tương tác với nhau như thế nào để tạo ra một ngọn lửa chết chóc như thế.

Chiến tranh thuộc địa

Nếu không có Thế chiến II, cuộc chiến ở Việt Nam có thể đã diễn ra rất khác.

Người Nhật đã chiếm Đông Dương thuộc Pháp (Việt Nam, Lào, và Campuchia) vào năm 1940, và để chính quyền phát xít Vichy của Pháp, liên minh với đồng minh Đức của Tokyo sau khi Pháp sụp đổ năm 1940, quản lý các vấn đề sự vụ hàng ngày. Sự hợp tác này kết thúc vào đầu năm 1945 khi quân Đồng Minh chấm dứt sự kiểm soát của Đức ở châu Âu và chuẩn bị đánh bại Nhật Bản ở châu Á. Đến tháng 3, lo sợ quân Vichy có thể tấn công mình, Nhật đảo chính, chấm dứt 80 năm chế độ thực dân Pháp. Vài tháng sau, Nhật đầu hàng, tạo ra một khoảng trống quyền lực ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh cùng mặt trận dân tộc Việt Minh do cộng sản lãnh đạo của ông đã giành lấy cơ hội này. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, giành quyền là một chuyện; nắm quyền lại là chuyện khác. Trong vòng vài ngày, quân Đồng Minh bắt đầu đổ bộ để giải giáp quân Nhật. Quân Anh đổ bộ vào miền Nam Đông Dương dưới vĩ tuyến 16, trong khi quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc chiếm đóng miền Bắc. Thừa dịp này, nhà lãnh đạo của nước Pháp mới được giải phóng, Charles de Gaulle, đã ra lệnh tái thiết chế độ thuộc địa. Không thể duy trì trật tự, ba tuần sau người Anh đã cho phép quân Pháp đánh bật Việt Minh ra khỏi Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến dưới vĩ tuyến 16.

Đi cùng với quân đội Trung Quốc ở miền Bắc là những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa vốn đối lập với ông Hồ và Đảng Cộng sản của ông từ lâu. Tuy nhiên, các tướng lĩnh Trung Quốc ở Việt Nam muốn giữ lại chính phủ của Hồ Chí Minh ở Hà Nội nhằm tránh diễn ra hỗn loạn ở miền Nam. Họ buộc ông Hồ thành lập một chính phủ liên hiệp, nhưng không làm gì hơn. Sự hòa hoãn tạm thời giữa những người Việt Nam cộng sản và những người dân tộc chủ nghĩa chống cộng đổ vỡ khi Trung Quốc rút quân vào giữa năm 1946, phó mặc các đồng minh của mình cho cộng sản, những người đã nhanh chóng đánh bại họ trước khi tập trung vào người Pháp. Bất chấp những nỗ lực chân thành của ông Hồ nhằm đàm phán quá trình phi thực dân hóa một cách hòa bình, người Pháp muốn giành lại Đông Dương. Chiến tranh toàn diện nổ ra vào tháng 12 năm 1946.

Việc người Pháp từ chối phi thực dân hóa đã tạo điều kiện cho những người cộng sản chiếm độc quyền trách nhiệm giải phóng dân tộc khi họ khiến người Pháp sa lầy vào một cuộc chiến tranh du kích. Các nhà quốc gia vốn hợp tác với người Pháp đã cầu xin họ hãy phi thực dân hóa trước khi quá muộn. Nhưng ngay cả khi cuối cùng đã lập ra Quốc gia Việt Nam vào năm 1949, đứng đầu là cựu hoàng Bảo Đại, người Pháp vẫn từ chối trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.

Sự xuất hiện của Chiến tranh Lạnh ở châu Á sau thắng lợi của cộng sản Trung Quốc năm 1949 và chiến tranh Triều Tiên bùng nổ một năm sau đó đã tiếp tay cho người Pháp. Bằng cách đặt mình vào tiền tuyến châu Á trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản toàn cầu của thế giới tự do, Pháp đã thuyết phục Mỹ từ bỏ chủ nghĩa chống thực dân để hỗ trợ Pháp ở Đông Dương.

Chiến lược này cũng có cái giá của nó. Người Pháp có thể đã lợi dụng được người Mỹ, nhưng người Mỹ đã lợi dụng người Pháp – quân đội, hệ thống chính quyền, Quốc gia Việt Nam và quân đội của Pháp – để gián tiếp chống lại lực lượng cộng sản ở Đông Dương. Mỹ thiết lập một Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự (MAAG) vào năm 1950, tài trợ cho các chương trình bình định và leo thang các hoạt động của CIA. Đến năm 1954, người Mỹ đã chi trả hơn 70% cho cuộc chiến của Pháp – bởi vì đó cũng chính là cuộc chiến của họ. Cộng sản Trung Quốc đã đáp trả, một cách trực tiếp ở Triều Tiên bằng cách gửi quân, và gián tiếp ở Việt Nam bằng cách gửi cố vấn và trang bị cho đội quân chính quy mới của ông Hồ, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tất cả những điều này đã đưa Việt Nam vào cuộc chiến phi thực dân hóa chết chóc nhất của thế kỷ 20.

Đến năm 1954, tướng Võ Nguyên Giáp đã có trong tay một đội quân với nhiều sư đoàn và sẵn sàng giao chiến với Pháp trong các trận đánh quy mô. Đội quân này đã cẩn thận tổ chức một cuộc bao vây ấn tượng quanh pháo đài quân sự của Pháp ở Điện Biên Phủ, kéo pháo trên khắp địa hình đồi núi để tiêu diệt căn cứ không quân vốn dùng để tiếp viện cho quân đội thực dân này. Khi tiếng pháo ngưng vào ngày 7 tháng 5 năm1954, quân đội Pháp đã phải chịu thất bại thuộc địa lớn nhất của mình kể từ khi đánh mất Quebec vào năm 1759, và cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ có thể tham chiến ở các trận đánh chính quy – và giành thắng lợi. Không có cuộc chiến giải phóng thuộc địa nào khác trong thế kỷ 20 tạo ra được một Điện Biên Phủ như thế.

Nhưng để đánh được những trận lớn thì phải trả giá, vì loại hình chiến tranh này đòi hỏi huy động quần chúng rất lớn. Năm 1953, Đảng của ông Hồ phát động cải cách ruộng đất để động viên nông dân ủng hộ cuộc chiến. Nó cũng tấn công mạnh mẽ vào tầng lớp điền chủ và thương nhân như một phần chính sách công hữu hóa của nhà nước. Vấn đề là tiến hành đồng thời cách mạng quân sự và cách mạng xã hội đã làm kiệt sức người dân. Khi Trung Quốc tham gia cùng Pháp để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, ông Hồ đồng ý rằng ông không thể thúc ép người dân của mình thêm nữa. Những người cộng sản đã thắng một trận chiến ở Điện Biên Phủ, nhưng không phải cả cuộc chiến. Và ông Hồ biết đằng sau người Pháp còn có người Mỹ. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, những người cộng sản chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn ở Geneva, ngăn đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, với các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong hai năm sau.

Nội chiến và Chiến tranh Lạnh trở lại

Đã có chuyện khác diễn ra trong lúc người Pháp tìm cách thoát khỏi Đông Dương ở Geneva. Một trong số ít những nhà quốc gia phi cộng sản từ chối hợp tác với cả cộng sản và thực dân đã nổi lên: Ngô Đình Diệm. Bảo Đại đưa ông lên làm thủ tướng vào tháng 6 năm 1954, trong một nỗ lực vào phút chót nhằm ngăn người Pháp bàn giao Việt Nam cho đối thủ của mình. Người Mỹ cũng lo ngại điều tương tự và nhanh chóng bắt đầu xoay sang ủng hộ ông.

Khi Pháp và Trung Quốc đồng ý ở Geneva về việc tổ chức các cuộc bầu cử nhằm thống nhất hai nước Việt Nam, Diệm và người ủng hộ nhiệt tình mới của ông, ngoại trưởng John Foster Dulles, đã ghi nhận nhưng không ký. Geneva có thể đã chấm dứt cuộc chiến của người Pháp, nhưng nó không chấm dứt cuộc chiến gián tiếp của người Mỹ. Thay vào đó, người Mỹ đã thay thế sự phụ thuộc vào chính quyền thuộc địa Pháp nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bằng cách hoạt động thông qua một nhà nước Việt Nam độc lập, phi cộng sản, dưới sự lãnh đạo của “con người thần kỳ” của họ (“miracle man,” cách nhiều người Mỹ gọi ông Diệm). Chừng nào Washington không xâm phạm chủ quyền của nhà nước non trẻ này và Diệm không gây nguy hiểm cho sự đầu tư chiến lược kéo dài cả thập niên của Mỹ ở Việt Nam, chính sách ngăn chặn gián tiếp này còn được sử dụng.

Sau Geneva, phía cộng sản và phía chống cộng tập trung vào việc tiếp quản nhà nước, củng cố quyền lực chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế với các đồng minh. Phía cộng sản hoàn thành cải cách ruộng đất năm 1956 như một phần của những kế hoạch tập thể hóa nền kinh tế giống như Liên Xô. Những người bất đồng bị đàn áp khi Đảng của ông Hồ mở rộng nhà nước cộng sản ra toàn miền Bắc. Diệm yêu cầu Pháp rút quân và gạt Bảo Đại ra bên lề khi ông lập ra một nhà nước cộng hòa vào năm 1955 dưới sự kiểm soát chuyên chế của gia đình mình. Ông vô hiệu hóa các nhóm tôn giáo và chính trị trước khi truy đuổi những người cộng sản còn lại và bất cứ ai chống đối. Diệm chào đón viện trợ và cố vấn Mỹ, nhưng từ chối can thiệp quân sự trực tiếp.

Đây là lúc Lê Duẩn, người cộng sản kỳ cựu lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp của Đảng CS ở miền Nam, xuất hiện. Từ sau Geneva, ông đã vẽ ra một bức tranh thảm khốc về tình hình dưới vĩ tuyến 17: Không chỉ Mỹ và Diệm từ chối ý tưởng tổ chức các cuộc bầu cử mà sự đàn áp của Diệm còn đang phá hủy mạng lưới nhỏ bé cuối cùng của Đảng CS ở miền Nam. Mặc dù các nhà lãnh đạo ở Hà Nội ngần ngại với việc tiếp tục chiến tranh, vì không chắc chắn về sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô và lo ngại Mỹ có thể gửi quân sang Việt Nam, năm 1959, Lê Duẩn đã thuyết phục được Đảng CS can thiệp trực tiếp vào miền Nam hoặc phải đối mặt với nguy cơ đánh mất miền Nam mãi mãi.

Chiến lược mới này đã mở lại đường mòn Hồ Chí Minh để đưa vào Nam hàng ngàn cán bộ (phần lớn là người miền Nam tập kết ra Bắc sau Geneva). Họ lập ra một dạng “tiền nhà nước” dưới hình thức Mặt trận Giải phóng Dân tộc, thành lập năm 1960, và được bảo vệ bởi Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam – được đối thủ gọi là Việt Cộng. Cùng năm, Lê Duẩn lên làm lãnh đạo Đảng. Ông tái lập Trung ương Cục miền Nam để điều hành cuộc nội chiến gián tiếp nhằm lật đổ nhà nước của Diệm và thống nhất đất nước theo cách của Hà Nội trước khi Mỹ có thể can thiệp.

Các cuộc chiến song song, trực tiếp

Diệm đã đổ, nhưng nhà nước của ông thì không. Năm 1963, chính quyền Kennedy đã choáng váng khi chứng kiến Mặt trận Giải phóng nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát ở vùng nông thôn. Các dự án bình định non nớt của Diệm buộc hàng triệu nông dân vào các ấp chiến lược cũng như các cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào những nhóm đối lập phi cộng sản đã tạo ra sự bất mãn vô cùng lớn và từ đó làm bùng phát các cuộc nổi dậy. Vào tháng 6 năm 1963, một nhà sư đã tự thiêu ở trung tâm Sài Gòn để thể hiện sự phản kháng. Lo ngại các chính sách của Diệm có lợi cho phía cộng sản, các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam đã tìm kiếm ủng hộ của Mỹ cho một kế hoạch lật đổ tổng thống của mình. Nhà Trắng của Kennedy chấp thuận, và vào hai ngày 2 và 3 tháng 11 năm 1963, một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ Diệm, giết chết ông.

Câu hỏi lúc này là Washington hay Hà Nội có can thiệp trực tiếp hay không. Bắt đầu từ năm 1963, Lê Duẩn đã thúc đẩy can thiệp quân sự dần dần, trực tiếp, có nghĩa là đưa Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Nam. Hy vọng của ông là cùng với Mặt trận Giải phóng/Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Hà Nội có thể có được miền Nam trước khi người Mỹ có thể leo thang.

Tuy nhiên, không phải ai trong Đảng cũng đồng tình. Một số, bao gồm tướng Võ Nguyên Giáp, đề nghị nên thận trọng, chỉ ra sự nguy hiểm của việc kích động người Mỹ trực tiếp tham gia xung đột, đặc biệt là khi Liên Xô đang chủ trương chung sống hòa bình. Nhưng Lê Duẩn biết mình có thể dựa vào Mao Trạch Đông của Trung Quốc, người cực lực chỉ trích Liên Xô và sự thiếu tinh thần cách mạng của họ. Đầu năm 1964, Đảng chấp thuận can thiệp trực tiếp vào miền Nam.

Lyndon B. Johnson cũng phải lựa chọn. Vị tổng thống mới có tiếp tục cuộc chiến gián tiếp của Mỹ hay không? Liệu ông có chấp nhận thất bại của đất nước mình và rút lui hay không? Hay ông sẽ gửi quân đội Mỹ đến cứu miền Nam? Giống như Lê Duẩn, Johnson đã chọn chiến tranh.

Sau một cuộc tấn công vào một căn cứ trực thăng của Mỹ ở Pleiku đầu năm 1965, Johnson mở một cuộc không kích kéo dài nhằm vào các mục tiêu của Việt Nam trên và dưới vĩ tuyến 17, và cho phép quân đội đổ bộ vào miền Nam vào tháng 3. Vài tháng sau, quân đội Mỹ và Quân đội Nhân dân Việt Nam đụng độ tại thung lũng cao nguyên Ia Đrăng, trận đầu tiên trong nhiều trận đánh lớn. Đây cũng chính là khu vực mà các trung đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt các binh đoàn cơ động của Pháp một thập niên trước.

Đến năm 1967, gần 500.000 lính Mỹ đã đến Việt Nam, trong khi Hà Nội gửi quân của mình vào Nam. Nửa sau của cuộc chiến 30 năm giành Việt Nam đã bắt đầu, với sự khốc liệt không ngờ.

*
Christopher Goscha, phó giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quebec ở Montreal, là tác giả của cuốn Vietnam: A New History (Basic Books, 2016).

Nguồn: Christopher Goscha, “The 30-Years War in Vietnam,” The New York Times, 07/02/2017.



No comments:

Post a Comment

View My Stats